Điều trị tích cực cho người đàn ông bị uốn ván do chủ quan không tiêm phòng
28/09/2024 | 14:16 PM
|
Trong quá trình xây đắp tường phòng lũ, người đàn ông ở Hưng Yên bị thương nhưng không tiêm phòng uốn ván. Kết quả, ông bị uốn ván nặng, phải chuyển tuyến lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị.
Sáng 25/9, nguồn tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay đơn vị này vừa tiếp nhận bệnh nhân N.V.K, 52 tuổi, cư trú ở xã Quảng châu, Hưng Yên.
Qua khai thác tiền sử được biết, đầu tháng 9, do ảnh hưởng của cơn bão Yagi, nước từ thượng nguồn đổ về khiến địa phương ông K bị ngập lụt. Ông K cùng những người dân tại đây tham gia xây đắp tường phòng lũ. Trong quá trình xây đắp, ông bị viên gạch rơi vào mu bàn chân phải. Sau đó, ông K tự xử lý, băng bó vết thương và không tiêm phòng uốn ván.
6 ngày sau, ông K xuất hiện tình trạng khó há miệng tăng dần, khó nuốt, bụng cứng. Đến ngày 16/9, ông K vào Bệnh viên đa khoa tỉnh Hưng Yên khám và điều trị bệnh với chẩn đoán mắc uốn ván.
Trong quá trình điều trị, tình trạng bệnh không thuyên giảm, đến ngày 23/9, ông K được chuyển tuyến điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Lúc này, nam bệnh nhân trong tình trạng tăng trương lực cơ không kiểm soát, miệng cứng, chỉ há được 1,5cm. Vết thương ở mu bàn chân phải có kích thước nhỏ 0,5cm, miệng khô, đóng vảy, không bị sưng hay viêm mủ.
Bác sĩ Trương Tư Thế Bảo, khoa Cấp cứu, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván gây ra.
Nguyên nhân mắc uốn ván thường do bị trầy xát và viết thương tiếp xúc trực tiếp với trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani có trong đất, cát bụi, phân trâu bò ngựa và gia cầm, cống rãnh, dụng cụ phẫu thuật không tiệt trùng kỹ…, xâm nhập vào các vết thương, vết xây xước phát triển thành ổ nhiễm trùng gây bệnh uốn ván…
Bệnh uốn ván có thời gian ủ bệnh thường từ 3 đến 21 ngày. Cũng có thể từ 1 ngày cho tới vài tháng, phụ thuộc vào đặc điểm, độ lớn và vị trí của vết thương. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 10 ngày. Hầu hết các trường hợp bệnh xuất hiện trong vòng 14 ngày. Các vết thương bị nhiễm bẩn nặng có thời gian ủ bệnh ngắn hơn và bệnh cũng nặng, tiên lượng xấu hơn.
Theo bác sĩ Bảo, điều trị uốn ván phải mất ít nhất vài tuần. Bệnh nhân được tiêm huyết thanh điều trị uốn ván để xử lý độc tố ở trong máu. Những độc tố gắn vào tế bào thần kinh phải để cơ thể tự đào thải. Chính vì thế, với những người dân khi có các vết thương tiếp xúc thường xuyên với môi trường bẩn như bùn đất, nước bẩn, môi trường chăn nuôi gia súc… nên đi tiêm phòng uốn ván định kỳ 5 năm/lần vì các vi khuẩn uốn ván sẽ ủ bệnh trong các vết thương và tiến triển thành bệnh.
Phòng Truyền thông y tế
Tin liên quan
- Cứu sống bệnh nhân nguy kịch do nhồi máu cơ tim cấp bằng ECMO trước can thiệp mạch vành
- Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm
- Ngành Y tế vượt, đạt nhiều chỉ tiêu về chăm sóc sức khoẻ
- Mổ cấp cứu thành cônng cho cụ bà 85 tuổi bị sốc nhiễm trùng do lạm dụng thuốc giảm đau
- Mệt mỏi, sụt cân, người đàn ông ở Hà Nội sốc khi được phát hiện căn bệnh không ngờ tới
- Bé gái 7 tuổi ở Tuyên Quang nhập viện gấp sau khi ăn cháo sáng
- Tầm soát ung thư vú