Điều trị cho cô gái trẻ có nhịp tim lên nhanh bất thường
17/11/2024 | 14:30 PM
|
Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) vừa điều trị thành công cho nữ bệnh nhân trẻ bị cường giáp. Sau hơn một tuần điều trị, sức khỏe của cô ổn định, được ra viện và tiếp tục duy trì thuốc hàng ngày.
Theo thông tin từ bệnh viện, trong thời gian lưu trú tại Phú Thọ, cô gái 23 tuổi (quê Quy Nhơn, Bình Định) phải đến Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) cấp cứu do nhịp tim lên nhanh.
Thời điểm nhập viện, nhịp tim của bệnh nhân tăng lên 137 chu kỳ/phút, trong khi đó ở người trưởng thành, khi nghỉ ngơi không vận động, nhịp tim chuẩn sẽ dao động 60-100 nhịp/phút.
Ngoài ra, bệnh nhân này cũng cảm thấy hồi hộp, đánh trống ngực nhiều, run tay, lòng bàn tay ra nhiều mồ hôi, xét nghiệm cho thấy chỉ số FT3, FT4 tăng cao, TSH giảm, tiền sử đang dùng thuốc điều trị Basedow.
Sau khi thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán cường giáp, cần dùng thuốc kháng giáp trạng, giảm nhịp tim. Sau hơn một tuần điều trị, sức khỏe của cô ổn định, được ra viện và tiếp tục duy trì thuốc hàng ngày.
Theo bác sĩ Mai Thị Hạnh, khoa Nội tổng hợp, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, cường giáp trạng là hội chứng do tuyến giáp hoạt động tiết ra quá nhiều hormone giáp, rất nguy hiểm cho hệ tim mạch. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, chúng sẽ dẫn đến rối loạn nhịp tim, suy tim, lồi mắt và đặc biệt “cơn bão giáp” có thể dẫn đến tử vong.
Trái với bướu cổ đơn thuần, người bệnh Basedow cần có chế độ ăn hạn chế thức ăn có chứa nhiều iod, đồng thời duy trì chế độ dùng thuốc đầy đủ theo đơn của bác sĩ để hạn chế các biến chứng của bệnh.
Theo các bác sĩ, tỷ lệ bệnh nhân nữ bị mắc cường giáp cao gấp 3 lần nam. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng đặc biệt tập trung ở lứa tuổi sinh sản trở đi. Một số phụ nữ có thể phát triển bệnh cường giáp trong khi mang thai hoặc sau khi sinh.
Các triệu chứng điển hình của bệnh cường giáp có thể kể đến như nhịp tim nhanh, giảm sút cân đột ngột mặc dù ăn uống vẫn bình thường hoặc thậm chí tăng, khả năng vận động kém như mệt mỏi và yếu cơ, gây giảm sức lao động và vận động... Người bệnh cũng có biểu hiện tress, căng thẳng, khó tập trung, run tay, gặp vấn đề về đường ruột, có dấu hiệu bị bướu cổ hoặc lồi mắt ,giọng nói khàn do tuyến giáp mở rộng ra.
Do đó, khi có các biểu hiện này, người dân hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.
Phòng Truyền thông Y tế
Tin liên quan
- Ngành Y tế Tây Ninh: Hoàn thành chuyển giao kỹ thuật theo Đề án 1816 của Bộ Y tế
- Chọn lựa thực phẩm giàu dinh dưỡng để cải thiện sức khỏe
- Mổ lấy thai thành công ca thắt nút dây rốn hiếm gặp
- Cấy chỉ là định hướng chuyên sâu về y học cổ truyền tại TP HCM
- Người phụ nữ 66 tuổi suýt chết vì thói quen chữa tiểu đường nhiều người Việt hay mắc phải
- Chia sẻ kinh nghiệm phục hồi, cải thiện mức độ vận động của khớp gối sau tái tạo dây chằng
- Hà Giang lần đầu phẫu thuật nội soi đặt lưới trên bệnh nhân bị sa sinh dục