Đằng sau cánh cửa điểm thi: Cần một cái ôm và sự thấu hiểu

22/07/2025 | 22:30 PM

 | 

Mỗi mùa thi, đặc biệt là kỳ thi vào lớp 10 THPT và kỳ thi tốt nghiệp THPT, không chỉ là thời điểm quan trọng với học sinh mà còn là giai đoạn nhiều áp lực đối với các bậc phụ huynh. Tại các đô thị lớn, nơi sự cạnh tranh gay gắt và kỳ vọng cao của gia đình, xã hội, áp lực thi cử được ghi nhận là yếu tố gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên.

Theo ghi nhận từ Bệnh viện Nhi Trung ương, sau mỗi kỳ thi, số lượng học sinh đến khám vì rối loạn tâm lý có xu hướng tăng. Khoa Sức khỏe vị thành niên của bệnh viện thường tiếp nhận các trường hợp học sinh rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu, mất ngủ, thậm chí xuất hiện dấu hiệu trầm cảm do áp lực thi cử. Một số em gặp phải sang chấn tâm lý kéo dài sau khi kết quả không đạt như kỳ vọng. Đáng chú ý, có những trường hợp học sinh xuất hiện ý nghĩ hoặc hành vi tự làm tổn thương bản thân.

Trường hợp gần đây tại tỉnh Thanh Hóa, một nữ sinh sau khi trượt kỳ thi vào lớp 10 đã lựa chọn hành động tiêu cực, khiến dư luận và cộng đồng đặc biệt quan tâm. Sự việc đặt ra câu hỏi lớn về cách thức hỗ trợ tinh thần cho học sinh sau mỗi kỳ thi, cũng như vai trò của gia đình và nhà trường trong việc đồng hành cùng các em.

Theo các chuyên gia tâm lý, trong giai đoạn chuyển tiếp từ thiếu niên sang tuổi trưởng thành, học sinh dễ rơi vào trạng thái nhạy cảm với các yếu tố đánh giá như điểm số, thành tích, sự so sánh với bạn bè. Việc không đạt được mục tiêu trong một kỳ thi, dù là lý do gì, có thể tạo ra cảm giác thất vọng mạnh và dẫn đến các phản ứng tiêu cực nếu không được lắng nghe và hỗ trợ kịp thời.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Mai Hương – Phụ trách Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương – cho biết: "Cha mẹ cần đóng vai trò là người bạn đồng hành, tạo không gian an toàn để con chia sẻ cảm xúc. Khi con không đạt kết quả như mong đợi, việc giữ thái độ bình tĩnh, tránh trách mắng, so sánh, và biết cách lắng nghe sẽ giúp trẻ cảm thấy được thấu hiểu và hỗ trợ."

Cũng theo các chuyên gia, sau mỗi kỳ thi, ngoài đánh giá kết quả, gia đình và nhà trường cần dành sự quan tâm đúng mức đến sức khỏe tinh thần của học sinh. Những biểu hiện như thu mình, mất ngủ, chán ăn, lo âu kéo dài hoặc có lời nói, hành vi bất thường cần được lưu tâm và xử lý sớm.

 

Trong bối cảnh giáo dục hiện đại, nhiều quốc gia đã chú trọng phát triển năng lực toàn diện cho học sinh thay vì chỉ tập trung vào điểm số. Các kỹ năng như tư duy phản biện, khả năng thích ứng, kỹ năng giao tiếp và trí tuệ cảm xúc đang ngày càng được coi trọng. Vì vậy, thất bại trong một kỳ thi không đồng nghĩa với thất bại cuộc đời. Quan điểm giáo dục tích cực và thấu cảm sẽ giúp học sinh phát triển lành mạnh, bền vững hơn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng từng đưa ra khuyến nghị về việc giảm áp lực thi cử, điều chỉnh phương pháp đánh giá, đồng thời đề nghị các địa phương, nhà trường tăng cường công tác tư vấn tâm lý học đường.

Với mỗi kỳ thi, dù kết quả như thế nào, sự đồng hành tích cực từ gia đình và cộng đồng vẫn là yếu tố then chốt để học sinh giữ vững tâm lý, vượt qua áp lực và tiếp tục phát triển.

Phòng truyền thông Y tế


Thăm dò ý kiến