Từ đất liền...
Y sĩ Phan Thị Thanh Cần, Trưởng trạm y tế xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa - người cán bộ y tế cơ sở luôn gần dân để trực tiếp thực hiện công tác truyền thông giáo dục sức khỏe. Tốt nghiệp y sĩ đa khoa, y sĩ Cần về công tác tại trạm y tế xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Hơn 35 năm gắn bó với nghề y, chị Cần cho biết, niềm vui lớn nhất của chị là mỗi khi đỡ đẻ hoàn thành “mẹ tròn con vuông”, hoặc cấp cứu thành công cho bệnh nhân choáng do xuất huyết tiêu hóa, sốt cao co giật, chấn thương do tai nạn... và đôi khi chị cũng cảm thấy buồn trước những ca bệnh phải chuyển tuyến do vượt quá khả năng của trạm y tế. Khắc phục khó khăn, chị và các cán bộ y tế của Trạm đã vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trạm Y tế xã Ninh Thọ đã cải thiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Từ những trải nghiệm của nghề, chị Cần biết rằng, sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Do vậy, chị yêu cầu nhân viên Trạm Y tế xã Ninh Thọ phải luôn gần dân để trực tiếp thực hiện công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám và điều trị một số bệnh thông thường, luôn cố gắng thực hiện tốt các tiêu chuẩn về y đức, quy chế giao tiếp người bệnh, không để xảy ra sai sót chuyên môn... Đến nay, Trạm Y tế xã Ninh Thọ là địa chỉ tin cậy trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân địa phương. Trạm tiếp nhận, thực hiện 100 - 110 ca sinh mỗi năm và 70 - 90 ca khám mỗi ngày.
Năm 2008, con gái chị Cần, đang học lớp 12 thì phát hiện bị ung thư tế bào phế nang phổi, rồi con đang điều trị ở viện thì chồng đột ngột qua đời do tai nạn... Nhưng từ chính sự động viên của người bệnh tại vùng quê mà chị đã gắn bó mấy chục năm, cùng với sự động viên của bạn bè, gia đình đã giúp chị gắng vượt qua những nỗi đau để vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những nỗ lực của người y sĩ nhỏ bé nhưng đầy tâm huyết với nghề y đã được ghi nhận bởi những bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Y tế, của tỉnh Khánh Hòa... và danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú” được Chủ tịch nước phong tặng...
Đến đảo tiền tiêu của Tổ quốc...
Gần 30 năm trước, BS. Bùi Đình Lĩnh được Sở Y tế Thuận Hải điều động ra huyện đảo Phú Quý - hòn đảo nằm giữa Biển Đông, cách xa đất liền hơn 100 km, giao thông, liên lạc gặp nhiều khó khăn do thời tiết luôn thay đổi bất thường, sóng to, gió lớn. BS. Bùi Đình Lĩnh kể lại: “khi đó, tôi nhận nhiệm vụ đến đảo để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, người dân, lực lượng vũ trang đóng trên đảo tiền tiêu của tổ quốc. Đó là thời kỳ bao cấp, đời sống nhân dân trên đảo còn nhiều khó khăn, trên đất liền khó một, thì nơi “đầu sóng ngọn gió” như đảo Phú Quý khó khăn, thiếu thốn còn nhân lên gấp bội. Huyện đảo Phú Quý những năm ấy, bốn bề toàn cát trắng. Bệnh viện Phú Quý không hơn gì trạm y tế xã với khu điều trị bệnh nhân là căn nhà cấp 4 rộng khoảng 360 km2 , máy móc trang thiết bị y tế chỉ là ống nghe, máy đo huyết áp, nhiệt kế. Ngày đó, chúng tôi chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào lâm sàng, không có xét nghiệm, siêu âm hay X-quang, chính vì vậy, y, bác sĩ phải kiên trì, chịu khó, khám đi, khám lại nhiều lần, ghi chéo tỉ mỉ, so sánh giữa lần khám sau với lần khám trước mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng”. Nhờ có tinh thần quyết tâm khắc phục khó khăn, BS. Bùi Đình Lĩnh và các đồng nghiệp đã cứu chữa thành công nhiều ca bệnh hiểm nghèo trên đảo, đem lại sự sống cho hàng nghìn người bệnh đang cận kề cái chết. BS. Lĩnh tâm sự: “trong điều kiện không có ánh sáng điện, không thiết bị phẫu thuật, chúng tôi đã tận dụng tất cả những gì mình có như: đèn dầu, bếp dầu, bàn sành, máy hút đạp chân. Trong điều kiện khó khăn như vậy, nhiều ca phẫu thuật đã thành công mà cứ tưởng như điều không tưởng”. Trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Mọi, xã Long Hải bị viêm ruột thừa khi đánh bắt xa bờ. Sau 20 ngày ủ bệnh trên biển đã biến chứng nặng, ổ bụng đầy mủ, một số quai ruột và ruột thừa đã hoại tử. Sau 10 ngày đêm, ăn ngủ trông chừng người bệnh, BS. Lĩnh và đồng nghiệp đã cứu sống bệnh nhân thoát khỏi “lưỡi hái của tử thần”. Sau 28 năm, mỗi khi nhắc đến chuyện này, anh Nguyễn Mọi vẫn luôn biết ơn những người cán bộ y tế đã cứu sống mình ngày đó. Đến nay, BS. Bùi Đình Lĩnh là Giám đốc Trung tâm Y tế Quân Dân y huyện đảo Phú Qúy, tỉnh Bình Thuận. Ba lần cấp trên điều động, chuyển công tác về đất liền, ba lần người dân đảo làm đơn xin giữ ông ở lại.
Hay vùng biên giới, núi cao
Anh Diệp Trung Thành, xóm Khau Sáng, xã Vĩnh Quang, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng tâm sự, Phải có sự nhiệt tình và yêu nghề mới có thể gắn bó với nghề cộng tác viên Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ). Sau khi đi học lớp y tế thôn bản 9 tháng ở Trường Trung học Y tế Cao Bằng, năm 2002, anh Thành được phân công làm cộng tác viên Dân số - KHHGĐ xóm Khau Sáng, xã Vĩnh Quang quản lý 24 hộ, 113 nhân khẩu. Người cán bộ dân số dân tộc Tày chia sẻ những kinh nghiệm trong nghề của mình bằng sự cởi mở, chân tình: “Những năm đầu mới công tác, kinh nghiệm còn hạn chế nhưng tôi đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, tôi tích cực tìm tòi nghiên cứu tài liệu, trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng tuyên truyền về công tác dân số qua các buổi tập huấn cũng như qua thực tế công việc, chủ động phối hợp với các đoàn thể để tuyên truyền Pháp lệnh Dân số sửa đổi; các chính sách về Dân số-KHHGĐ; Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”. Anh Thành cho biết, hằng ngày, anh thường tranh thủ buổi trưa, buổi tối đến từng hộ gia đình để vừa trò chuyện vừa kết hợp tư vấn, khéo léo phân tích và hướng dẫn cho các cặp vợ chồng cách sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại để không bị vỡ kế hoạch sinh con; phát tờ rơi tuyên truyền về cách phòng tránh các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, không sinh con thứ 3... dành thời gian cho việc chăm sóc, nuôi dạy con tốt, phát triển kinh tế gia đình, có cuộc sống ổn định. Sự tận tâm, tận sức của anh đã “đơm hoa, kết trái”, hơn 10 năm qua, xóm Khau Sáng là địa bàn không có trường hợp sinh con thứ 3.
BS.Bùi Đình Lĩnh, Y sĩ Phan Thị Thanh Cẩn hay Cộng tác viên Dân số - KHHGĐ Diệp Trung Thành là những bông hoa tiêu biểu trong hàng trăm thầy thuốc tiêu biểu của ngành Y tế. Với lòng yêu nghề, bằng nhiệt huyết của người thầy thuốc, họ đã không ngừng vượt khó vươn lên và có nhiều sáng tạo trong thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ, để ngày càng làm tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Những câu chuyện về họ là những câu chuyện đẹp, đậm tính nhân văn về sự hy sinh thầm lặng của các thầy thuốc trên mọi miền đất nước...