BVĐK tỉnh Bình Định: Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác nâng cao chất lượng khám và điều trị

22/10/2015 | 07:33 AM

 | 

Trong 05 năm qua (2010-2015), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định nhiều khi bệnh nhân đến khám và điều trị thường bị quá tải, kinh phí hạn hẹp, trang thiết bị máy móc còn thiếu thốn, một số đã xuống cấp chưa có điều kiện bổ sung kịp thời, đội ngũ Bác sĩ còn thiếu đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám và điều trị cho bệnh nhân. Nhưng nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Giám đốc bệnh viện, những năm qua công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ và chất lượng chăm sóc người bệnh được nâng cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Có được những kết quả trên, 05 năm qua công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng những kỹ thuật mới trong điều trị góp phần không nhỏ đến công tác khám chữa bệnh, bệnh viện thường xuyên quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo, khuyến khích, động viên để cán bộ, viên chức tích cực tham gia. Vì vậy, đã có nhiều đề tài được áp dụng hiệu quả tại bệnh viện như: tim mạch can thiệp đặt stent mạch vành, đặt máy tạo nhịp, phẫu thuật thay khớp, phẫu thuật u não với hệ thống định vị, phẫu thuật các bệnh lý về cột sống, điều trị ung thư đa mô thức (Phẫu-Hóa-Xạ), hồi sức chống độc, sử dụng có hiệu quả…góp phần cứu sống và giảm được chi phí cho nhiều bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Riêng bản thân tôi, 05 năm qua tôi luôn tích cực nghiên cứu khoa học, tìm ra những giải pháp tối ưu hoặc ứng dụng tiến bộ của y học thế giới để nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc bệnh nhân… đã có 05 đề tài khoa học được áp dụng vào công tác điều trị cho người bệnh mang lại hiệu quả thiết thực, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả chăm sóc cho bệnh nhân… tiêu biểu có 03 đề tài:

Đề tài: Đánh giá kết quả phẫu thuật điều trị các bệnh lý do tồn tại ống phúc tinh mạc ở trẻ em với liều kháng sinh dự phòng duy nhất

Đề tàiđãđược Hội đồng khoa học tỉnh Bình Định nghiệm thu xuất sắc và được áp dụng thường quy tại bệnh viện mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân.

Đề tài: Đánh giá kết quả phẫu thuật Tsuchida điều trị rò hậu môn tiền đình âm đạo trẻ em đã mang lại kết quả tốt rút ngắn thời gian điều trị- chỉ phẫu thuật 1 lần thay vì 3 lần như trước đây.

Đề tàiNghiên cứu cải tiến phương pháp khâu nối ống gan chung – hỗng tràng bằng cách khâu khép góc chữ Y và tạo valve chống trào ngược bán phần kiểu lồng miệng nối ống gan – hỗng tràng góp phần chống nhiễm trùng ngược trong phẫu thuật điều trị nang ống mật chủ bẩm sinh”.

Giãn nang ống mật chủ bẩm sinh là một bệnh lý bẩm sinh,việc điều trị cần phải phẫu thuật. Việc phẫu thuật cắt nang ống mật chủ và tái lập lưu thông mật ruột theo kiểu Roux- en- Y, tuy nhiên biến chứng nhiễm trùng đường mật ngược dòng vẫn còn rất cao dù bệnh nhận được thực hiện phẫu thuật ở các tuyến trên.

Để khắc phục tình trạng nhiễm trùng mật ngược dòng, chúng tôi có cải tiến đó là khâu khép góc hai quai ruột lại với nhau trên một đoạn khoảng 8-10cm để hai quai ruột thực sự tạo thành góc nhọn sẽ chống được trào ngược đồng thời khâu tạo 1 valve chống trào ngược kiểu lồng ngay tại miệng nối ống gan chung - hỗng tràng.

 Đề tài đã đạt giải nhất lĩnh vực Y- Dược Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ VII và được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp bằng sáng tạo.

Giải pháp “Quy trình điều trị bệnh Hirschsprung ở trẻ em”

Những năm trước đây áp dụng phẫu thuật Swenson 3 thì, rồi đến phẫu thuật Swenson- Soave để phẫu thuật điều trị bệnh Hirschsprung. Tuy nhiên các phương pháp trên có những hạn chế nhất định như phẫu thuật “Swenson 3 thì” phải trải qua 3 lần phẫu thuật; phẫu thuật “Swenson 1” là 1 phẫu thuật khó, thời gian mổ kéo dài, dễ có biến chứng...

Trải qua một quá trình dài trăn trở với bệnh lý này, với những kinh nghiệm tích lũy được từ các phương pháp phẫu thuật nêu trên, tôi đã tích cực học tập phương pháp phẫu thuật tại bệnh viện tuyến trên, nghiên cứu tài liệu công trình trong và ngoài nước để nghiên cứu, ứng dụng phương pháp phẫu thuật mới để điều trị bệnh Hirschsprung đó là phẫu thuật “Pullthrough 1 thì” qua ngã hậu môn.

Phẫu thuật này được ứng dụng rộng rãi ngay cả ở tuổi sơ sinh khi đã có chẩn đoán xác định; chuẩn bị trước mổ đơn giản, không cần nhịn ăn, truyền dịch nhiều ngày trước mổ như trước đây; săn sóc sau mổ đơn giản cho ăn đường miệng sớm, không cần truyền dịch, thay băng sau mổ như trước đây...

Đề tài đã tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ VIII và đạt giải nhất và được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cấp bằng sáng tạo.

Với những thành tích đã đạt được, trong 05 năm qua bản thân đã đạt được 04 danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, 01 danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, 01 danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. 04 Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, 02 Bằng khen của Bộ Y tế, 02 Bằng khen của LĐLĐ tỉnh, 02 giải nhất cuộc thi STKT tỉnh, 03 Bằng khen và huy hiệu Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Có được những thành quả trên tôi rút ra những bài học kinh nghiệm cần trao đổi:

- Có sự quan tâm đầu tư của các cấp lãnh đạo trong đào tạo nhân lực, mua sắm trang thiết bị hiện đại, đặt hàng các nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Cần gắn phong trào thi đua với phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học trong CBCNVC. Ngành Y tế thường xuyên tổng kết và phổ biến những kinh nghiệm, sáng kiến trong quá trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Các cấp, các ngành cần dành riêng kinh phí để nghiên cứu, có cơ chế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện vật chất, tinh thần để cá nhân phát huy năng lực sáng tạo để khuyến khích nghiên cứu mở rộng đa chuyên khoa, đa trung tâm.

- Ban Giám đốc bệnh viện:phát huy sáng kiến tích cực, tạo cho nhân viên có hứng thú với NCKH, tạo mọi điều kiện để nhân viên tham gia các khóa học ngắn và dài hạn, tham dự các hội nghị khoa học trong nước, quốc tế để cập nhật kiến thức

- Từng cá nhân phải có lòng say mê, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng những thành tựu phát triển khoa học kỹ thuật vào công tác chẩn đoán và điều trị, nhận thức đâu là những vấn đề cần nghiên cứu thay đổi để có ích cho bệnh nhân, luôn học hỏi nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng chuyên môn, tâm lý tiếp xúc…

- Phát huy sức mạnh tập thể, tạo được những ê kíp mạnh trong nghiên cứu và ứng dụng./.

Nguồn : Theo sở y tế Bình Định

 


Thăm dò ý kiến