Đông y điều trị được bệnh thận
Khi trao đổi với chúng tôi về hiệu quả của phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn bảo tồn bằng cách kết hợp đông tây y, TS. BSCK II Lê Thị Thanh Nhạn, Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh khẳng định, đông y điều trị được bệnh thận, đông y không làm suy thận. Căn cứ để BS. Nhạn khẳng định như vậy là gần 30 năm qua bác sỹ đã chữa trị thành công cho rất nhiều bệnh nhân bị suy thận. BS. Nhạn cho biết, nói về tây y khi điều trị bảo tồn cho bệnh nhân suy thận thì chưa có thuốc đặc hiệu mà chỉ có thuốc điều trị triệu chứng. Tất cả những thuốc điều trị triệu chứng chỉ nhằm khống chế và hạn chế sự tiến triển của bệnh nhưng thuốc đông y thì lại điều trị theo nguyên tắc lý pháp phương dược của y học cổ truyền thì có bài thuốc để điều trị trực tiếp vào tình trạng suy thận. Trong suy thận, y học cổ truyền cho rằng các nhân tố gây suy thận trong giai đoạn hiện tại là hư, là tà thực, là đàm ẩm, là khí trệ. Hư ở đây chính là tạng phủ hư, chính khí hư, khí huyết hư. Còn tà thực ở đây là các sản vật bệnh lý được sinh ra trong quá trình bị bệnh như là hư, tà thực, thấp nhiệt nội uẩn, thủy ứ, thủy đình. Vì vậy, pháp điều trị của y học cổ truyền là đi thẳng vào 2 nhóm nguyên nhân cơ chế trên đó là hư thì bổ, thực thì tả. Phương pháp đông tây y kết hợp đang được Bệnh viện Tuệ Tĩnh sử dụng để điều trị cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn bảo tồn gồm: về tây y dùng đúng phác đồ điều trị tây y, về đông y dùng bài thuốc Thăng thanh giáng trọc thang. Bài thuốc này có tác dụng đào thải các chất cặn tồn dư, các chất độc mà chức năng thận không đảm bảo được qua con đường đại tiện, đồng thời có tác dụng giãn mạch nên giúp hạ áp, nhuận tràng, vì vậy nó có thể đào thải các chất cặn bã qua đường đại tiện. Phương pháp điều trị này đã được người bệnh đón nhận và đánh giá cao về kết quả điều trị.
Bệnh nhân Trần Phương, công tác tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền bị suy thận mạn giai đoạn II do sỏi thận 2 bên, teo thận trái, sỏi san hô to thận phải, lúc nhập viện creatinin là 278 mol/l. Bệnh nhân mỗi ngày điều trị 2 loại thuốc hạ áp kết hợp thuốc tim mạch, lợi tiểu mà tim vẫn nhịp nhanh, huyết áp tăng không ổn định. Nhưng sau 6 tháng điều trị bằng phương pháp đông tây y kết hợp của BS. Nhạn, tim mạch trở về bình thường, bệnh nhân không phải sử dụng thuốc tim mạch. Trong 10 năm qua, nhiều năm chỉ số creatinin của bệnh nhân đã trở về bình thường, hiện tại chỉ số creatinin dao động trong khoảng 120 – 140 mol/l. Vậy mà trong thời gian đầu điều trị bằng đông tây y kết hợp, một số bác sỹ tây y đã điều trị trước đó cho bệnh nhân động viên bệnh nhân bỏ đông y để theo điều trị tây y và ngoại khoa. Nhưng lúc đó BS. Nhạn đã cương quyết, đồng thời thuyết phục bệnh nhân tiếp tục điều trị theo phương pháp của mình. Khi kết quả điều trị ngày một thuyết phục, bệnh nhân đã tin tưởng tuyệt đối và tiếp tục duy trì điều trị.
Cách đây 6 tháng, bệnh nhân Nguyễn Văn Hiếu ở Hải Phòng khi nhập viện bị suy thận độ III a, chỉ số creatinin là 360 mol/l. Bệnh nhân trước đó đã sử dụng các thuốc tây y nhưng kết quả hạn chế, creatinin vẫn tăng dần lên, không có xu hướng giảm. BS. Nhạn đã sử dụng phương pháp đông tây y kết hợp để điều trị, sau 1 tháng chỉ số creatinin đã giảm còn 300 mol/l, hiện nay bệnh nhân vẫn đang được tiếp tục điều trị.
Mong muốn người bệnh được điều trị bằng những ưu việt nhất của y học cổ truyền
BS. Nhạn tâm sự, lúc mới ra trường được điều động về công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thanh Hóa, bác sỹ tiếp nhận một bệnh nhi 9 tuổi bị hội chứng thận hư, phù to toàn thân, bụng cổ trướng to mà tây y điều trị lợi tiểu không kết quả, bệnh nhân vẫn trong tình trạng tiểu ít. Lúc đó, BS. Nhạn đã sử dụng phác đồ điều trị đông tây y kết hợp thì bệnh nhân đã đi tiểu mà không cần phải sử dụng thuốc lợi tiểu. Trong vòng 1 tuần bệnh nhân đã hết phù toàn bộ. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị và ổn định sau 1 tháng. Sau thành công của ca điều trị này, BS. Nhạn tiếp tục nghiên cứu và nhận ra rằng y học cổ truyền điều trị hiệu quả vô cùng độc đáo đối với những bệnh mạn tính, cho những kết quả không ngờ tới như chuyển được độ suy thận, hạ được huyết áp, giảm được phù… Từ đó bác sỹ đã quyết tâm nghiên cứu về lĩnh vực này. Năm 2001, BS. Nhạn học nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Trung Y Dược Quảng Châu, Trung Quốc. Bác sỹ đã chọn đề tài nghiên cứu bài thuốc “Thăng thanh giáng trọc thang” trong điều trị bệnh nhân suy thận mạn trên lâm sàng. Thời gian học tập và nghiên cứu tại Đại học Trung Y Dược Quảng Châu, BS. Nhạn đã được tiếp cận với kho tàng tài liệu phong phú về y học cổ truyền, được theo học các giáo sư nổi tiếng, được cùng các thầy điều trị tại Khoa Thận của Bệnh viện Lâm sàng số 1 và phòng khám điều trị ngoại trú của Đại học Trung Y Dược Quảng Châu, được chứng kiến những thành công, những kết quả điều trị tích cực trên những bệnh nhân suy thận và các bệnh nhân bệnh lý thận – tiết niệu khác, lúc đó BS. Nhạn có cảm giác các vấn đề mà trước đó chưa lý giải được thì nay đã được sáng tỏ. Năm 2005, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, BS. Nhạn được rất nhiều cơ sở điều trị, đào tạo của Trung Quốc mời làm việc, nhưng với mong muốn được cống hiến những tri thức đã lĩnh hội cho các thế hệ sinh viên và người bệnh nên BS. Nhạn đã từ chối và trở về Việt Nam. Những kiến thức học được và đặc biệt bài thuốc điều trị suy thận mạn giai đoạn bảo tồn đã được BS. Nhạn vận dụng và điều trị thành công cho rất nhiều bệnh nhân bị suy thận.
Bên cạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy và điều trị, BS. Nhạn còn tích cực tham gia các hoạt động khám chữa bệnh từ thiện. Chị cho biết, những chuyến đi mang ý nghĩa xã hội thiết thực, góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, gia đình chính sách, tạo điều kiện cho họ được tiếp cận với các dịch vụ y tế. Những chuyến đi này cũng là để thỏa mong ước người bệnh sẽ được điều trị bằng những ưu việt nhất của nền y học cổ truyền.
Ngày 04/10/2015, TS. BSCK II Lê Thị Thanh Nhạn, Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Trưởng khoa Thận – Tiết Niệu, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam là một trong số 80 lương y tiêu biểu đã được Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, Bộ Y tế trao kỷ niệm chương Bảng vàng – Giải thưởng Lê Hữu Trác. Đây là giải thưởng dành cho những người có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát triển y dược cổ truyền Việt Nam. |