HOẠT ĐỘNG CỦA LÃNH ĐẠO BỘ

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn làm việc với UBND tỉnh Lai Châu về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn

Thứ Sáu, ngày 26/04/2024 02:33

Bộ Y tế giám sát việc thực hiện các chương trình can thiệp về sức khỏe bà mẹ và kế hoạch hóa gia đình tại tỉnh Lai Châu

Thứ Sáu, ngày 26/04/2024 01:23

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao Quyết định bổ nhiệm Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính

Thứ Năm, ngày 25/04/2024 09:07

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao kỷ niệm chương “ Vì sức khỏe nhân dân” cho Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam

Thứ Năm, ngày 25/04/2024 09:00

Thủ tướng chỉ rõ '3 tăng cường', '5 đẩy mạnh' trong chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số

Thứ Tư, ngày 24/04/2024 09:09

Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp Tổng Giám đốc công ty IMarketKorea

Thứ Tư, ngày 24/04/2024 08:56

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trao quyết định bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương

Thứ Ba, ngày 23/04/2024 04:45

Đảng ủy Bộ Y tế sơ kết công tác quý I, triển khai nhiệm vụ công tác quý II năm 2024 và triển khai quy trình kiện toàn, bổ sung chức danh Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025

Thứ Ba, ngày 23/04/2024 04:40

Bộ Y tế kiện toàn lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Y học

Thứ Hai, ngày 22/04/2024 12:48

Hội nghị lấy ý kiến dự thảo “Đề án tổng thể phát triển hạ tầng và ứng dụng CNTT phục vụ chuyển đổi số y tế đến năm 2030”

Thứ Hai, ngày 22/04/2024 09:40

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương làm việc với Chủ tịch Viện Ký ức COVID-19, Cộng hòa Pháp

Thứ Bẩy, ngày 20/04/2024 14:33

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tham dự chương trình khám, chữa bệnh miễn phí và chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Điện Biên

Thứ Bẩy, ngày 20/04/2024 14:25

Giảm số lượng, tăng nguồn lực khi sắp xếp các bệnh viện thuộc Bộ Y tế

Thứ Sáu, ngày 19/04/2024 09:12

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tiếp Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam

Thứ Tư, ngày 17/04/2024 09:28

Hội thảo tham vấn ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

Thứ Tư, ngày 17/04/2024 03:58

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tiếp Chủ tịch các thị trường mới nổi Toàn cầu của Tập đoàn Pfizer

Thứ Tư, ngày 17/04/2024 03:42

Đã có 40 doanh nghiệp và 239 sản phẩm thuốc nộp hồ sơ đăng ký tham dự Giải thưởng “Ngôi sao thuốc Việt” lần 2

Thứ Tư, ngày 17/04/2024 03:41

Đảm bảo người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý

Thứ Ba, ngày 16/04/2024 13:18

Tăng cường phối hợp, trao đổi để chủ động tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dược liệu

Thứ Ba, ngày 16/04/2024 01:53

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn họp giao ban với Cơ quan điều hành Quỹ Phòng, chống Tác hại của Thuốc lá

Thứ Ba, ngày 16/04/2024 01:28

Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Những câu hỏi và trả lời dưới đây đề cập tới những mối quan tâm chung về chế độ ăn và hoạt động thể lực có liên quan tới ung thư

07/08/2019 | 02:23 AM

 | 

Rượu Liệu uống rượu có làm tăng nguy cơ mắc ung thư không?

Có. Uống rượu làm tăng nguy cơ mắc ung thư miệng, hầu, thực quản, thanh quản, gan, vú và có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng và ung thư trực tràng. Người uống rượu phải hạn chế lượng rượu không quá 2 đơn vị chuẩn/ngày đối với nam và 1 đơn vị chuẩn/ngày đối với nữ. Kết hợp giữa uống rượu và hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư hơn là chỉ uống rượu đơn thuần hay hút thuốc đơn thuần. Ở phụ nữ, uống rượu thường xuyên, thậm chí với tần xuất hàng tuần làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú, đặc biệt ở những người chế độ ăn không đủ folate. Những phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư vú có thể cân nhắc không sử dụng bất kể loại rượu nào.

Chất chống oxy hoá

Chất chống oxy hoá liên quan tới ung thư như thế nào?

Cơ thể dường như sử dụng những chất dinh dưỡng nhất định trong rau và quả để bảo vệ chống lại các tổn thương tại mô, mà các tổn thương này liên tục xảy ra trong quá trình chuyển hoá bình thường. Vì các tổn thương này liên quan tới tăng nguy cơ mắc ung thư, do vậy các chất dinh dưỡng chống oxy hoá được coi là các chất bảo vệ chống ung thư. Các chất chống ôxy hoá bao gồm  vitamin C, vitamin E, carotenoids, và nhiều chất có nguồn gốc từ thực vật . Nhiều nghiên cứu chỉ ra ăn nhiều rau, quả là những chất có chứa nhiều chất chống oxy hoá làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Các thử nghiệm lâm sàng bổ sung chất chống oxy hoá hiện đang được tiến hành nhưng chưa có nghiên cứu nào đưa ra kết quả khẳng định giảm nguy cơ bị ung thư bằng cách bổ sung vitamin và các khoáng chất. Để giảm nguy cơ bị ung thư, những lời khuyên tốt nhất hiện nay là sử dụng các thực phẩm có chứa các chất chống oxy hoá.

Aspartame

Liệu aspartame có gây ra ung thư không?

Aspartame là một chất có năng lượng thấp và ngọt, ngọt hơn đường gấp 200 lần. Các bằng chứng hiện nay chưa chỉ ra mối tương quan giữa sử dụng aspartame và tăng nguy cơ mắc ung thư. Những người bị tổn thương về gen như bệnh phenlyketon niệu (phenylketonuria) cần tránh ăn và uống những chất có chứa aspartame.

Beta-carotene

Liệu beta-carotene có giảm nguy cơ ung thư?

Beta-carotene là chất chống oxy, có công thức hóa học gần với vitamin A hoá liên quan tới vitamin A, được tìm thấy trong rau và quả. Vì ăn rau và quả có liên quan tới giảm nguy cơ ung thư, do vậy dường như khiến mọi người nghĩ rằng Beta-carotene liều cao có thể giảm nguy cơ gây ung thư. Nhưng kết quả của 3 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng lớn chỉ ra không hẳn như vậy. Trong 2 nghiên cứu mà những người tham gia uống bổ sung beta-carotene liều cao với mục đích phòng ung thư phổi và các ung thư khác, thì việc uống bổ sung beta-carotene cho thấy còn làm tăng nguy cơ ung thư phổi ở những người hút thuốc lá, còn nghiên cứu thứ 3 chỉ ra  không có hại và cũng không có lợi. Do đó ăn rau, quả có chứa beta-caroten có thể có lợi nhưng dùng bổ sung beta-carotene liều cao thì nên tránh.

Thực phẩm dùng kỹ thuật sinh học

Các thực phẩm là sản phẩm của công nghệ sinh học liệu có an toàn không?

Các thực phẩm được tạo ra bằng cách thêm các gen của các loại thực vật hoặc các cá thể làm chống lại với sâu bọ và chậm bị phá huỷ. Một số gen tạo ra mùi vị dễ chịu hơn, nhiều chất dinh dưỡng hoặc có tác dụng làm cho thực phẩm dễ vận chuyển hơn. Về lý thuyết, những gen thêm vào này có thể gây ra các phản ứng có hại ở những người nhạy cảm hoặc cơ địa dị ứng. Nhưng cho tới nay chưa có bằng chứng nào chứng tỏ các sản phẩm này có hại hoặc làm tăng, hoặc giảm nguy cơ gây ung thư.

Canxi

Liệu canxi có liên quan tới ung thư không?

Một số nghiên cứu gợi ý rằng những thực phẩm có hàm lượng canxi cao giúp giảm nguy cơ ung thư đại tràng, và bổ sung canxi liều cao làm giảm sự hình thành polyp. Nhưng đồng thời cũng có bằng chứng rằng dùng canxi liều cao, chủ yếu qua các sản phẩm bổ sung làm tăng nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến. Do vậy, cả nam và nữ đều nên cố gắng dùng canxi, chủ yếu từ nguồn thực phẩm. Ở Việt Nam, mức độ khuyến cáo sử dụng là 1000 mg/ngày đối với người trưởng thành (Phu luc). Các sản phẩm của sữa là nguồn canxi tuyệt vời, ngoài ra là các loại cá nhỏ ăn được cả xương và các loại rau lá màu xanh. Những người sử dụng nguồn canxi từ sản phẩm sữa là chủ yếu nên lựa chọn những loại có hàm lượng chất béo giảm hoặc không béo để giảm tiêu thụ các chất béo bão hòa.

Cholesterol

Liệu cholesterol trong chế độ ăn có làm tăng nguy cơ bị ung thư?

Cholesterol trong chế độ ăn từ thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt, trứng, các chất béo động vật như bơ, hoặc phó mát. Mặc dù những thực phẩm này (như thịt đỏ) có tương quan với nguy cơ cao hơn với một số loại ung thư nhất định và cho tới thời điểm này có rất ít bằng chứng chứng tỏ mối tương quan giữa nguy cơ ung thư với cholesterol. Giảm cholesterol máu giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch nhưng không có bằng chứng chứng tỏ việc giảm cholesterol máu dẫn đến giảm nguy cơ ung thư.

Cà phê

Uống cà phê có gây nên ung thư không?

Ở một số người caffeine có thể làm bệnh ung thư vú thể tế bào sợi tiến triển nặng nhưng không có các bằng chứng chứng tỏ tăng nguy cơ ung thư vú hoặc các loại ung thư khác. Mối tương quan giữa cà phê và ung thư tụy gây nên nhiều chú ý trong thời gian qua nhưng cũng chưa được khẳng định bởi các nghiên cứu. Hiện tại chưa có nghiên cứu nào chứng tỏ mối tương quan giữa uống cà phê và nguy cơ bị ung thư.

Chất béo

Ăn ít chất béo có giảm nguy cơ ung thư không?

Có rất ít bằng chứng chứng tỏ rằng tổng lượng chất béo ăn vào ảnh hưởng tới nguy cơ mắc ung thư. Nhưng hàm lượng chất béo nhiều trong khẩu phần ăn sẽ chứa nhiều năng lượng và có thể gây nên béo phì, mà béo phì liên quan với tăng nguy cơ của một số loại ung thư. Có những bằng chứng cho thấy những chất béo nhất định, như các chất béo no, có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư. Có rất ít bằng chứng về một số loại chất béo khác (acid béo omega 3, chủ yếu tìm thấy trong cá), acid béo no đơn (tìm thấy trong dầu olive và dầu canole), hoặc các acid béo no đa vòng giảm nguy cơ gây ung thư.

Chất xơ

Các chế độ ăn có chứa chất xơ có thể phòng ung thư không?

Chất xơ trong chế độ ăn bao gồm nhiều loại carbohydrate thực vật mà con người không thể tiêu hóa, hấp thu được. Chất xơ được phân chia thành hai loại những chất “có thể hoà tan được” và “không hoà tan được”. Các chất có khả năng hoà tan giúp cho giảm cholesterol máu và do vậy giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Các nguồn thực phẩm có nhiều chất xơ bao gồm rau xanh, đậu các loại, quả và gạo xay xát không kỹ. Mối tương quan giữa nguy cơ ung thư và chất xơ vẫn còn yếu nhưng vẫn khuyến khích ăn các thực phẩm có nhiều chất xơ. Các thực phẩm này chứa các chất dinh dưỡng khác giảm nguy cơ ung thư và có lợi cho sức khoẻ.

Liệu ăn cá có phòng chống lại được bệnh ung thư không?

Cá là nguồn dinh dưỡng có chứa nhiều axít béo omega3. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy các acid béo này có tác dụng giảm sự tiến triển của ung thư nhưng các bằng chứng  chứng tỏ hiệu quả ở trên người vẫn còn rất hạn chế.

Mặc dù ăn cá nhiều acid béo omega 3 sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch nhưng ở một số loại cá (cá kiếm, cá mập, cá mackerel) có thể chứa một hàm lượng cao thuỷ ngân, polychlorinated biphenyls (PCBs), dioxin và các chất thải của môi trường khác. Phụ nữ có thai, cho con bú hoặc đang có kế hoạch có con và trẻ em không nên ăn những loại cá này. Cần phải lựa chọn các loại cá thích hợp để ăn để loại bỏ nguy cơ bị nhiễm các chất độc.

Nghiên cứu cũng chưa xác định sử dụng dầu cá có chất omega3 có thể có tác dụng như là ăn cá không.

Fluorides

Liệu fluorides có gây ung thư không?

Có các nghiên cứu về ảnh hưởng của fluoride như điều trị răng hoặc thuốc đánh răng, trong hệ thống nước công cộng, hay thực phẩm lên nguy cơ bị ung thư. Fluorids được xác định là không gây tăng nguy cơ bị ung thư.

Folate

Folate là gì và có thể phòng bệnh ung thư được không?

Folate là một loại vitamin nhóm B được tìm thấy trong rất nhiều loại rau, đậu, ngũ cốc chưa xay xát kỹ, hoặc trong các loại thực phẩm có bổ sung folate. Chế độ ăn quá ít folate có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng, trực tràng, vú, đặc biệt ở những người uống rượu. Các bằng chứng hiện tại đều cho thấy để giảm nguy cơ gây ung thư, tốt nhất nên ăn các thực phẩm chứa nhiều folate như rau, quả hoặc các thực phẩm có bổ sung folate.

Các chất phụ gia thực phẩm

Các chất phụ gia liệu có là nguyên nhân gây ung thư không?

Có nhiều chất được sử dụng cho thực phẩm để bảo quản, tạo màu sắc và mùi vị cho thực phẩm. Các chất phụ gia này đều phải được Cục thực phẩm xem xét và cho phép trước khi cho vào thực phẩm. Trong quá trình xét duyệt, phải tiến hành các thử nghiệm trên động vật để xem các chất này có ảnh hưởng lên sự phát triển ung thư hay không. Các chất phụ gia này thường xuất hiện với số lượng rất ít trong thực phẩm, không có đủ bằng chứng để thuyết phục là nguyên nhân gây ung thư ở người.

Tỏi

Liệu tỏi có phòng được bệnh ung thư?

Lợi ích của allium có trong tỏi và các loại thực vật trong họ hành đã được công bố rộng rãi. Trong các nghiên cứu hiện nay, tỏi có khả năng làm giảm nguy cơ gây ung thư. Cho tới nay chưa có đủ các bằng chứng về vai trò cụ thể của loại rau này trong việc phòng chống ung thư.

Gen

Nếu như gen xác định nguy cơ gây ung thư thì chế độ ăn như thế nào có thể giúp phòng bệnh ung thư?

Phá huỷ gen kiểm soát sự phát triển tế bào có thể do di truyền hoặc trong quá trình sống. Các loại biến đổi gen nhất định làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Dinh dưỡng trong chế độ ăn có thể bảo vệ cho DNA không bị phá huỷ. Hoạt động thể chất, kiểm soát cân nặng và chế độ ăn có thể làm chậm trễ hoặc phòng sự phát triển ung thư ở những người có gen có khả năng gây ung thư. Mối tương quan giữa chế độ ăn và các yếu tố gen là chủ đề quan trọng và phức tạp và có rất nhiều nghiên cứu về lĩnh vực này.

Thực phẩm bị bức xạ

Liệu những thức ăn bị bức xạ có gây nên ung thư không?

Không. Tia bức xạ thường được sử dụng để giết các sinh vật gây hại trên thức ăn để kéo dài thời gian sử dụng thức ăn. Tia bức xạ không còn trong thức ăn sau khi được xử lý và ăn những thức ăn bị bức xạ hoá không làm tăng nguy cơ mắc ung thư.

 

Lycopene

Liệu lycopene có giảm nguy cơ mắc ung thư?

Lycopene là phần carotene có màu đỏ-da cam được tìm thấy chủ yếu trong gấc, cà chua và những thực phẩm làm từ cà chua, có ít hơn trong bưởi hồng và dưa hấu. Một số nghiên cứu cho thấy rằng các sản phẩm từ cà chua làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư nhưng đó là do chất lycopene hay không thì chưa được khẳng định rõ. Ngay cả khi nếu lycopene trong thức ăn có tương quan với giảm nguy cơ gây ung thư thì cũng không thể kết luận được rằng bổ sung lycopene liều cao sẽ có tác dụng hiệu quả hoặc an toàn.

Thịt: nấu nướng và bảo quản

Liệu tôi có phải kiêng thịt chế biến sẵn?

Một số nghiên cứu đưa ra mối tương quan giữa ăn nhiều thịt chế biến sẵn và tăng nguy cơ ung thư đại tràng và dạ dày. Mối tương quan này có thể do hoặc không do nitrite, thành phần này có rất nhiều trong thịt hun khói, xúc xích để duy trì màu và phòng sự phát triển của vi khuẩn. Ăn các loại thịt chế biến sẵn và thịt được bảo quản bằng phương pháp hun khói và ướp muối làm tăng nguy cơ phơi nhiễm với ung thư và do vậy nên giảm các thực phẩm này càng nhiều càng tốt.

Thịt được nấu như thế nào ảnh hưởng đến nguy cơ gây ung thư?

Phải được nấu chín để giết các vi khuẩn có hại trong thịt. Nhưng có một số nghiên cứu chỉ ra rằng nướng, luộc, quay thịt ở nhiệt độ rất cao có thể sản sinh ra các hoá chất gây tăng nguy cơ bị ung thư. Mặc dù các hoá chất này có thể phá hủy DNA và gây nên ung thư ở động vật nhưng người ta vẫn chưa rõ ở những người ăn nhiều thịt, so với các chất khác trong thịt các hóa chất này góp phần làm tăng nguy cơ gây ung thư đại tràng như thế nào. Nếu om thịt, hấp, kho rim, hầm và thịt chế biến bằng lò vi sóng sẽ tạo ra ít các hoá chất này hơn.

Béo phì

Liệu thừa cân có tăng nguy cơ gây ung thư không?

Có. Thừa cân hoặc béo phì có liên quan tới tăng nguy cơ bị ung thư vú (đối với phụ nữ sau mãn kinh), ung thư đại tràng, thực quản, thận và có thể là các ung thư khác. Mặc dù các nghiên cứu về việc giảm cân làm giảm nguy cơ gây ung thư rất hạn chế, một số nghiên cứu cho thấy việc giảm cân làm giảm nguy cơ gây ung thư vú. Việc giảm cân rất có lợi cho sức khoẻ nên những người thừa cân được khuyến khích để giảm cân. Tránh để thừa cân ở người trẻ quan trọng không chỉ giảm nguy cơ gây ung thư mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khác nữa.

Dầu Oliu

Liệu dầu oliu có ảnh hưởng đến nguy cơ bị ung thư không?

Ăn dầu olive có tương quan với việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch nhưng dường như không liên quan với nguy cơ gây ung thư. Mặc dù dầu olive là chất tốt để thay thế bơ và margarine, nhưng vẫn là thực phẩm có đậm độ năng lượng cao, nên dùng với số lượng vừa phải.

Thực phẩm có nguồn gốc thực vật

Những chất có dán mác "organic" liệu có hiệu quả làm giảm nguy cơ gây ung thư không?

Từ organic thường được dùng để chỉ những thực phẩm có nguồn gốc thực vật không có thuốc trừ sâu và các chất gây biến đổi gen. Cho tới nay, chưa có nghiên cứu nào chứng tỏ những thực phẩm này có tác dụng làm giảm nguy cơ gây ung thư so với các chất được tạo ra từ các phương pháp nông nghiệp khác.

Thuốc trừ sâu và diệt cỏ

Liệu thuốc trừ sâu trong thức ăn có gây ung thư không?

Thuốc trừ sâu và diệt cỏ có thể gây độc khi sử dụng không đúng cách trong công nghiệp, nông nghiệp  hoặc những chỗ làm việc khác. Mặc dù rau và quả đôi khi chứa một lượng nhỏ các hoá chất này nhưng nhìn chung các bằng chứng khoa học đều cho thấy rằng rau và quả rất có ích cho sức khoẻ. Cho tới nay, chưa có bằng chứng nào chứng tỏ những thực phẩm có chứa thuốc trừ sâu hoặc diệt cỏ với hàm lượng thấp lại làm tăng nguy cơ gây ung thư nhưng rau và quả phải được rửa sạch trước khi ăn.

Hoạt động thể lực

Liệu tăng hoạt động thể lực có làm giảm nguy cơ mắc ung thư hay không?

Có. Những người hoạt động thể lực ở mức trung bình và nặng sẽ có nguy cơ phát triển các ung thư đại tràng và ung thư vú thấp hơn so với sánh với những người không hoạt động. Các nguy cơ này không liên quan tới việc hoạt động thể lực có làm giảm cân hay không. Các số liệu về hiệu quả trực tiếp lên nguy cơ phát triển các ung thư khác còn rất hạn chế. Mặc dù vậy, béo phì hoặc thừa cân có tương quan với rất nhiều loại ung thư, và hoạt động thể lực là yếu tố chính để hướng tới hoặc duy trì cân nặng khoẻ mạnh. Hơn nữa, hoạt động thể lực sẽ có tác dụng phòng chống bệnh tim mạch và đái tháo đường.

Các chất hóa thực vật (Phytochemicals)

Chất hóa thực vật là gì và chúng có làm giảm nguy cơ ung thư không?

Thuật ngữ chất hóa thực vật để chỉ một loạt các hợp chất từ thực vật. Một số các chất này bảo vệ thực vật chống lại côn trùng và duy trì các chức năng quan trọng. Một số có hoạt tính chống oxy hoá hoặc có chức năng như hóc môn ở cả thực vật và người khi ăn vào. Vì ăn rau và quả làm giảm nguy cơ gây ung thư, cho nên các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm những hợp chất tạo ra tác dụng hữu ích này. Tại thời điểm này, chưa có bằng chứng chứng tỏ bổ sung các chất hóa thực vật tốt cho con người như là ăn các thực phẩm mà các chất này được chiết xuất ra như rau, quả, đậu, ngũ cốc.

Saccharin

Liệu saccharin có gây ung thư không?

Không. Ở chuột, liều cao các chất tạo ngọt nhân tạohơn saccharin có thể gây sỏi bàng quang và từ đó có thể gây ung thư bàng quang. Nhưng saccharin không phải là nguyên nhân gây sỏi bàng quang ở người. Saccharin được chương trình Độc chất quốc gia của Mỹ loại khỏi danh sách những chất gây ung thư ở người.

Muối

Liệu lượng muối cao trong khẩu phần ăn có làm tăng nguy cơ gây ung thư không?

Nhiều nghiên cứu trên nhiều quốc gia cho thấy mối liên quan giữa một lượng lớn các thực phẩm được bảo quản bằng muối theo cách ngâm với sự tăng các nguy cơ mắc ung thư dạ dày, thực quản, ung thư họng. Không có các bằng chứng rằng sử dụng vừa phải khi nấu nướng và tạo vị cho thức ăn ảnh hưởng tới nguy cơ mắc ung thư.

Selen

Selen là gì và có thể làm giảm nguy cơ ung thư được không?

Selen là một chất khoáng tham gia bảo vệ cơ chế bảo vệ chống oxy hoá của cơ thể. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng selen có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh ung thư. Một nghiên cứu chỉ ra rằng các chất phụ gia selen có thể giảm nguy cơ mắc ung thư phổi, đại tràng và tiền liệt tuyến ở người. Những cũng cần những nghiên cứu được kiểm soát kỹ và lặp lại để khẳng định tác dụng của selen trong việc phòng các ung thư này. Những chất có chứa selen liều cao không được khuyến cáo sử dụng, chỉ một liều trong khoảng hẹp được coi là liều an toàn và hợp lý. Liều cao nhất có thể sử dụng là 200 microgram/ngày

Các sản phẩm từ đậu tương

Liệu các sản phẩm từ đậu tương có thể giảm nguy cơ ung thư không?

Các thực phẩm làm từ đậu tương là protein tốt và nguồn thay thế cho thịt. Nghiên cứu trên động vật cho thấy đậu tương chứa nhiều chất hóa thực vật, một số có hoạt tính estrogen yếu, và ở một số nghiên cứu trên động vật có tác dụng chống lại một số loại ung thư phụ thuộc hormon. Cho tới nay, có rất ít số liệu chỉ ra rằng bổ sung đậu tương có tác dụng chống lại nguy cơ bị ung thư. Với hàm lượng đậu tương cao có khả năng tăng nguy cơ mắc các ung thư đáp ứng với estrogen như ung thư vú và ung thư nội mạc tử cung.

Phụ nữ bị ung thu vú chỉ nên ăn lượng đậu tương ở mức vừa phải, như là một phần của chế độ ăn cân đối có thực phẩm nguồn gốc thực vật. Những người này không nên ăn chế đố ăn nhiều đậu tương hoặc uống các viên bổ sung có hàm lượng cao isoflavones.

Đường

Liệu đường có tăng nguy cơ ung thư không?

Đường làm tăng năng lượng ăn vào mà không cung cấp cấp bất kỳ chất dinh dưỡng nào làm giảm nguy cơ ung thư. Sử dụng đường với số lượng nhiều gián tiếp làm tăng nguy cơ gây ung thư do góp phần làm tăng cân và béo phì. Đường trắng (tinh khiết) không khác đường nâu (không tinh khiết) hoặc mật ong về tác động của nó lên trọng lượng cơ thể hoặc tác động đến insulin. Hạn chế những thức ăn như bánh, kẹo, đồ uống có hàm lượng đường cao như soda sẽ làm giảm lượng đường được tiêu thụ.

Viên bổ sung

Viên bổ sung chất dinh dưỡng có làm giảm nguy cơ gây ung thư không?

Có những bằng chứng mạnh mẽ chứng tỏ ăn uống nhiều quả, rau và những thực phẩm có nguồn gốc thực vật làm giảm nguy cơ gây ung thư. Nhưng cho tới nay cũng chưa có những bằng chứng chứng tỏ dùng các viên bổ sung dinh dưỡng có thể giảm nguy cơ gây ung thư. Nhưng một số viên bổ sung liều cao lại có thể tăng nguy cơ gây ung thư.

Liệu tôi có thể sử dụng những chất dinh dưỡng của rau, quả dưới dạng viên không?

Không. Nhiều hợp chất có lợi cho sức khoẻ được tìm thấy trong rau và quả và những chất này dường như tương tác với nhau để đưa ra các kết quả có lợi. Và dường như có những chất quan trọng có trong rau quả toàn phần nhưng không có trong viên bổ sung, thậm chí các chất này vẫn chưa được xác định. Lượng nhỏ các chất này dưới dạng bột khô trong các viên bổ sung được bán. so với lượng có trong rau quả toàn phần

Thực phẩm là nguồn chứa vitamin và khoáng chất tốt nhất. Tuy nhiên, viên bổ sung có ích cho một số đối tượng như người như phụ nữ có thai, phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ và những người có chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt do bị dị ứng, không dung nạp thức ăn và những vấn đề khác. Nếu sử dụng các chất này, cách lựa chọn tốt nhất là cân bằng các vitamin, khoáng chất mà không quá 100% “giá trị hàng ngày của các chất dinh dưỡng.

Chè

Uống chè có làm giảm nguy cơ bị ung thư không?

Một số nhà nghiên cứu khuyên rằng uống chè có khả năng chống lại bệnh ung thư vì trong thành phần có các chất chống oxy hoá. Các nghiên cứu trên động vật chỉ ra rằng một số loại chè (chè xanh) cho thấy giảm nguy cơ mắc ung thư nhưng các kết quả nghiên cứu trên người vẫn còn lẫn lộn, tại thời điểm này, trà vẫn chưa chứng minh được là giảm nguy cơ bị ung thư.

Các chất béo no dạng trans

Liệu các chất béo no dạng trans (trans-saturated fats) có làm tăng nguy cơ gây ung thư không?

Các chất béo no dạng trans được tạo ra khi dầu ăn như là margarine được hydro hoá làm chúng ở trạng thái đặc khi ở nhiệt độ phòng. Các bằng chứng hiện nay cho thấy những chất béo no dạng trans làm tăng cholesterol máu. Mối tương quan giữa các chất này với nguy cơ ung thư chưa được xác định nhưng người ta khuyên là ăn càng ít chất béo no dạng trans thì càng tốt.

Rau và quả

Liệu ăn rau và quả có làm giảm nguy cơ bị ung thư không?

Trong hầu hết các nghiên cứu trên những nhóm lớn đối tượng, ăn nhiều rau và quả có tương quan tới việc giảm nguy cơ các ung thư phổi, họng, thực quản, dạ dạy và đại tràng. Vì chúng ta không biết những thành phần nào trong các thực phẩm này có tác dụng, lời khuyên tốt nhất là ăn ít nhất 300g rau và quả mỗi ngày.

Rau thuộc họ cải là gì và tầm quan trọng của chúng trong phòng chống ung thư là gì?

Rau thuộc họ cải là những rau nhóm bắp cải như súp lơ, cải, và cải xoăn. Các loại rau này chứa những chất mà được cho là giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng. Bằng chứng này đưa ra lời khuyên nên ăn  nhiều loại rau, bao gồm các rau họ cải và các rau khác để giảm nguy cơ mắc ung thư.

Liệu có sự khác biệt về giá trị dinh dưỡng giữa rau, quả tươi, và rau quả để lạnh và đóng hộp không?

Có, nhưng tất cả các loại này đều là nên lựa chọn. Các loại thực phẩm tươi thường được cho là có giá trị dinh dưỡng tốt nhất. Nhưng các thực phẩm để trong tủ lạnh có thể có nhiều chất dinh dưỡng hơn vì chúng thường được thu hoạch từ khi tươi và làm lạnh rất nhanh (trong khi những thực phẩm tươi có thể bị mất đi một số chất dinh dưỡng từ lúc bảo quản đến lúc ăn). Hoa quả đóng hộp thường bị giảm các chất dinh dưỡng tan trong nước và chất dinh dưỡng nhạy cảm với nhiệt vì phải dùng độ nóng cao. Lưu ý một số loại quả được ngâm trong nước đường đặc/đậm và một số loại rau đóng hộp được ngâm trong muối. Khi chọn rau và quả ở nhiều dạng khác nhau cần phải chú ý xem các nhãn của sản phẩm.

Liệu việc nấu nướng có ảnh hưởng tới giá trị dinh dưỡng của rau không?

Các loại rau luộc, đặc biệt trong một thời gian dài có thể dẫn tới việc làm mất đi một số chất như vitamin B và C. Nấu bằng lò vi sóng và hấp là những cách tốt nhất để giữ các chất dinh dưỡng này trong rau.

Tôi có nên ép rau và quả làm nước uống?

Ép nước rau quả có thể làm cho chế độ ăn đa dạng và có thể là cách tốt để tiêu thụ các loại rau và quả, đặc biệt trong trường hợp việc nhai và nuốt có vấn đề. Ép rau quả giúp cho việc hấp thu một số chất dinh dưỡng trong thành phần của rau và quả. Nhưng nước rau quả có thể làm giảm lượng chất xơ có trong rau và quả và giảm cảm giác đầy dạ dày. Đặc biệt, khi sử dụng một lượng lớn nước quả vẫn cung cấp năng lượng. Các sản phẩm nước rau quả bán trên thị trường phải đảm bảo 100% rau hoặc quả. Chúng phải đảm bảo đã được khử trùng để loại bỏ hết các loại vi khuẩn gây hại.

Chế độ ăn kiêng

Liệu ăn kiêng có giảm nguy cơ bị ung thư không?

Chế độ ăn kiêng có nhiều đặc điểm có lợi cho sức khoẻ. Chế độ ăn này hướng tới việc ăn ít chất béo no và ăn nhiều chất xơ, vitamin và các chất hóa học có nguồn gốc thực vật (phytochemicals). Tuy nhiên tại thời điểm này, chưa thể đưa ra được các kết luận rằng chế độ ăn kiêng có những lợi ích đặc biệt trong việc phòng chống ung thư. Chế độ ăn có thịt nạc nhưng với hàm lượng nhỏ đến vừa có thể có lợi cho sức khoẻ. Chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, tránh tất cả các sản phẩm từ động vật, bao gồm cả sữa và trứng cần phải bổ sung thêm Vitamin B12, kẽm và sắt (đặc biệt đối với trẻ em và phụ nữ sau mãn kinh).

Vitamin A

Liệu vitamin A có làm giảm nguy cơ ung thư?

Vitamin A (retinol) được chứa trong thức ăn dưới 2 dạng: có thể dưới dạng tiền chất từ các nguồn thức ăn động vật (retinol) và từ beta-carotene trong các thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Vitamin A cần thiết để duy trì các mô tế bào khoẻ mạnh. Các chất bổ sung Vitamin A, dưới dạng beta-caroten hay retinol, đều không cho thấy làm giảm nguy cơ gây ung thư, và với liều cao thì trên thực tế làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi ở nhưng người hiện tại hoặc có tiền sử hút thuốc. Và retinol có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng tới sức khoẻ nếu dùng quá nhiều.

Vitamin C

Liệu Vitamin C có làm giảm nguy cơ mắc ung thư?

Vitamin C được tìm thấy trong rất nhiều loại rau và quả, đặc biệt trong cam, bưởi và hạt tiêu. Nhiều nghiên cứu cho thấy mối tương quan giữa việc ăn thức ăn có hàm lượng vitamin C cao với việc giảm nguy cơ mắc ung thư. Nhưng trên một số nghiên cứu mà vitamin C được bổ sung cũng không làm giảm nguy cơ mắc ung thư.

Vitamin D

Liệu vitamin D có làm giảm nguy cơ bị ung thư?

Có nhiều bằng chứng từ một số nghiên cứu quan sát trên nhiều người (chưa được kiểm tra bằng các thử nghiệm lâm sàng) cho thấy vitamin D có tác dụng hữu ích với một số ung thư như ung thư đại tràng, tiền liệt tuyến và vú. Vitamin D được sinh ra khi da tiếp xúc với tia cực tím (UV) và qua chế độ ăn, đặc biệt ăn những thức ăn có bổ sung chứa vitamin D như sữa, ngũ cốc.

Mức khuyến nghị hiện nay là từ 200-600 đơn vị/ngày, nhưng có thể không đủ đáp ứng nhu cầu, đặc biệt ở những vùng có rất ít ánh nắng mặt trời, ở người già, người da đen, trẻ em bú mẹ hoàn toàn. Cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác định lượng tối ưu của khẩu phần ăn và nồng độ vitamin D trong máu để giảm nguy cơ mắc ung thư, tuy nhiên lượng khuyến nghị nằm trong khoảng 200-2000 đơn vị tuỳ thuộc vào tuổi và một số yếu tố khác. Để giảm nguy cơ có hại cho sức khoẻ do tiếp xúc với tia cực tím trong khi cần những tác dụng có lợi từ vitamin D, cần có một chế độ ăn cân đối, dùng viên bổ sung và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời với một lượng đủ/nhỏ là phương pháp hữu hiệu để bổ sung vitamin D.

Vitamin E

Liệu vitamin E có làm giảm nguy cơ mắc ung thư?

Alpha-tocopherol là dạng hoạt động nhất của vitamin E và là chất chống oxy hoá cao. Trong một nghiên cứu, những nam giới hút thuốc sử dụng alpha-tocopherol có nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến thấp hơn so với nhóm chứng. Nhưng một loạt các nghiên cứu khác không thấy mối tương quan này. Trong khi cần tiến hành thêm các nghiên cứu để xác định rõ ràng thì tác dụng của alpha-tocopherol trong việc giảm nguy cơ mắc ung thư dường như chưa rõ ràng.

Nước và các dịch khác

Tôi phải uống bao nhiêu nước và hoa quả?

Uống nước và các dịch khác làm giảm nguy cơ mắc ung thư bàng quang, vì nước làm hòa tan đậm độ các chất gây ung thư trong nước tiểu và làm giảm thời gian tiếp xúc của các chất này với biểu mô bàng quang. Người ta khuyến nghị nên uống ít nhất 8 cốc nước/dịch trong ngày để có lợi cho sức khoẻ.

PGS.TS.BS Trần Văn Thuấn

Nguồn: Báo Sức khỏe và đời sống


Thăm dò ý kiến