Vĩnh Phúc rà soát 100% người lao động trước khi vào làm việc

17/01/2022 | 20:34 PM

 | 

Cơ sở sản xuất kinh doanh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để dịch bệnh lây lan, bùng phát và lan ra cộng đồng do nguyên nhân chủ quan của doanh nghiệp.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có văn bản hỏa tốc yêu cầu các sở ban ngành, Công an tỉnh Vĩnh Phúc, UBND các huyện và cơ sở sản xuất, kinh doanh (CSSXKD) trên địa bàn tỉnh tăng cường các biện pháp cấp bách, triệt để phòng chống dịch COVID-19.

Trong những ngày qua, Vĩnh Phúc  liên tục xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 trong các CSSXKD trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân là do một số CSSXKD còn lúng túng, chưa thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, chậm phát hiện người lao động nhiễm COVID-19 trong CSSXKD.

Trong khi đó, Ban quản lý khu công nghiệp chưa kiểm tra, giám sát, chỉ đạo sát sao công tác phòng, chống dịch trong KCN. Sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với cơ quan chức năng và CSSXKD chưa chặt chẽ, kịp thời để xử lý, ngăn chặn dịch bùng phát lây lan trong CSSXKD và ra cộng đồng

Vĩnh Phúc rà soát 100% người lao động để khẳng định không có người nhiễm COVID-19 trước khi vào làm việc - Ảnh 2.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 (Ảnh minh họa).

Vì vậy, Vĩnh Phúc giao UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm "4 tại chỗ", trong đó cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc địa bàn huyện, thành phố nào thì UBND/Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện, thành phố đó phải chịu trách nhiệm thực hiện.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại CSSXKD và việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Đồng thời, vận động tất cả các CSSXKD tổng rà soát 1 đợt với toàn bộ 100% người lao động để khẳng định không có người nhiễm COVID-19 trước khi vào công ty, doanh nghiệp làm việc, đảm bảo an toàn trong thời gian hoạt động tiếp theo.

Sở Y tế phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng bám sát tình hình dịch bệnh tại các CSSXKD để sớm phát hiện các ổ dịch, đánh giá nguy cơ, dự báo những diễn biến bất thường; hướng dẫn các biện pháp nghiệp vụ, chỉ đạo việc khoanh vùng, cách ly, không để lây lan bùng phát dịch trong các CSSXKD và lan ra cộng đồng.

Đặc biệt, các CSSXKD chịu trách nhiệm thành lập BCĐ phòng, chống dịch COVID-19, tổ an toàn COVID-19; thường xuyên tự kiểm tra, giám sát việc tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định. 

Trước đó, BCĐ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành công văn tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách, tạm thời để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, BCĐ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh tự thực hiện việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm tối thiểu 1 tuần/lần để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Tuân thủ thực hiện xét nghiệm luân phiên mẫu gộp cho từ 05-20% người lao động/1 tuần (5% tương ứng với nguy cơ lây nhiễm thấp, 10% tương ứng với nguy cơ lây nhiễm trung bình, 15% tương ứng với nguy cơ lây nhiễm cao, 20% tương ứng với nguy cơ lây nhiễm rất cao) và khuyến khích hàng ngày tạm thời thực hiện xét nghiệm sàng lọc mẫu gộp cho 100% người lao động thuộc các tỉnh, thành phố đang có số ca mắc cao như: Hà Nội, Bắc Ninh,… trước khi vào làm việc tại cơ sở sản xuất kinh doanh để đảm bảo an toàn; tuân thủ tối đa việc thực hiện giãn cách trong cơ sở sản xuất, kinh doanh; đối với đơn vị có tổ chức ăn cho người lao động cần phải chia thành nhiều phòng ăn nhỏ, có vách ngăn tại các bàn ăn, chia nhỏ số lượng người ăn trong một ca, đảm bảo lưu thông không khí theo một chiều tại khu vực nhà ăn, nơi sinh hoạt chung.

Khuyến kích các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cho 100% người lao động sau khi kết thúc đợt nghỉ lễ, Tết, để đảm bảo 100% người lao động có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 mới được vào làm việc. Trường hợp xét nghiệm tầm soát định kỳ cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, yêu cầu cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện cách ly y tế tạm thời trường hợp dương tính theo quy định…

Trong ngày 16/1, tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận thêm 271 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó có 168 trong cộng đồng. Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã ghi nhận tổng số gần 6.000 ca nhiễm COVID-19.

Nguồn: SKĐS


Thăm dò ý kiến