Tết ở tuyến đầu điều trị người mắc COVID-19 tại Hà Nội

29/01/2022 | 15:06 PM

 | 

Những ngày cận Tết, số F0 ở Hà Nội vẫn gia tăng, gần 3.000 ca/ngày, các bệnh viện tầng 2, 3 luôn sẵn sàng ứng trực.

Để động viên các y, bác sĩ, cán bộ làm việc trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, tại khu vực đặc biệt này, mai, đào, bánh kẹo đã được các nhân viên tổ công tác xã hội, công đoàn, đoàn thanh niên các bệnh viện chuẩn bị, với hi vọng tạo ra một không gian Tết ấm cúng, để ai nấy đều chung cảm nhận khi đón Tết đến Xuân về.

Tết ở Bệnh viện có Trung tâm Hồi sức tích cực lớn nhất miền Bắc

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho hay, hiện có khoảng 500 cán bộ, nhân viên y tế của viện và các đơn vị hỗ trợ từ Đại học Điều dưỡng Nam Định, Hưng Yên, Cao đẳng y tế Bạch Mai đang ngày đêm điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tầng 3 tại Trung tâm Hồi sức tích cực lớn nhất miền Bắc này.

Tết ở tuyến đầu điều trị người mắc COVID-19 ở Hà Nội diễn ra như thế nào? - Ảnh 2.

Một góc Phòng Hồi sức 3, Khu Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch. Ảnh: Bảo Loan.

Những ngày này, khuôn viên toàn viện đã điểm sắc hoa đào để nhân viên y tế giải toả áp lực sau những ca trực… Dù khó khăn, lãnh đạo bệnh viện cũng cân đối các nguồn để chuẩn bị thêm cho các nhân viên thêm chế độ trực Tết.

Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang

Hiện Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đang có hơn 300 bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch đang điều trị. Số bệnh nhân phải thở máy, lọc máu là hơn 20 ca, mỗi ngày có khoảng 7 trường hợp F0 mới được chuyển vào đây. Số còn lại là các bệnh nhân tiên lượng nặng, nặng, phải hỗ trợ thở oxy gọng kính, oxy dòng cao (HFNC).

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho hay, dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán sẽ điều trị cho khoảng 400 bệnh nhân tầng 3. Ngoài việc chuẩn bị nhân lực gồm 150 thầy thuốc trực tiếp điều trị, chăm sóc toàn diện cho các F0 này, sẽ có khoảng 50 nhân viên y tế khác hỗ trợ. Số cán bộ y tế chuẩn bị cho điều trị bệnh nhân COVID-19 chiếm hơn 25% tổng số nhân viên toàn viện.

Tết ở tuyến đầu điều trị người mắc COVID-19 ở Hà Nội diễn ra như thế nào? - Ảnh 3.

Lãnh đạo TP. Hà Nội chúc Tết BV đa khoa Đức Giang.

"Từ tháng 5/2021 đến nay, chúng tôi đều tự lực cánh sinh, gồng mình lên để chăm sóc, điều trị, cứu sống được nhiều bệnh nhân nhất có thể", bác sĩ Thường chia sẻ.

Để chuẩn bị cho việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 dịp Tết, Tiến sĩ Thường cho biết, viện chia thành 2 tua trực, bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp và trực "một mạch" xuyên Tết.

2/3 trong số 200 nhân lực phục vụ điều trị COVID-19 dịp Tết này là cán bộ xung phong. Hơn 50% lãnh đạo các khoa, phòng cũng tự nguyện xin ở lại viện qua Tết để đồng hành cùng anh chị em", Giám đốc Bệnh viện Đức Giang chia sẻ. 

Đặc biệt, trong viện cũng có những cặp vợ chồng có nguyện vọng ở lại nhưng lãnh đạo viện động viên, nếu chồng ở lại trực Tết thì vợ "miễn" và ngược lại.  Những nhân viên y tế điều trị COVID-19 sẽ được hưởng mức thưởng cao hơn 1,2 – 1,5 lần so với những người không điều trị COVID-19.

Tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa

Những ngày giáp Tết, gần 400 nhân sự của viện cũng căng mình phục vụ 4 phân mảng: Điều trị gần 70 bệnh nhân COVID-19 tiên lượng nặng và nặng ở khu vực Truyền nhiễm tại viện; Điều trị hơn 500 F0 tại cơ sở ở Đền Lừ (quận Hoàng Mai); điều trị bệnh nhân thường và tiêm chủng vaccine COVID-19.

Tiến sĩ Đinh Thị Lam, Phó Giám đốc Bệnh viện nhấn mạnh: "Trong mọi tình huống đều đảm bảo quân số phục vụ tốt nhất cho điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Dù được giao điều trị bệnh nhân COVID-19 tầng 2, nhưng do lượng bệnh nhân tầng 3 ở Thủ đô gia tăng, các bác sĩ tại Bệnh viện này đã mạnh dạn điều trị vượt tầng với sự hướng dẫn của các chuyên gia để chia sẻ áp lực với các viện khác. Hiện ở khu Truyền nhiễm điều trị COVID-19, có hơn 35 F0 nặng và nguy kịch, phải thở oxy trở lên".

Tết ở tuyến đầu điều trị người mắc COVID-19 ở Hà Nội diễn ra như thế nào? - Ảnh 4.

Chăm sóc, điều trị người mắc COVID-19.

Lãnh đạo bệnh viện Đống Đa cũng chia sẻ thêm, nhiều cặp vợ chồng trẻ, nhiều cán bộ xung phong ở lại chăm sóc điều trị F0, mấy tháng không về nhà dù bệnh viện cho phép về nhà cách ly nếu đảm bảo âm tính và các biện pháp phòng chống dịch.

Bệnh viện Đống Đa cố gắng huy động các nguồn tài trợ từ công đoàn ngành Y tế Hà Nội, liên đoàn lao động quận và nguồn của bệnh viện, các món quà tặng cho nhân viên y tế và bệnh nhân nhân dịp Tết Nguyên đán.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn

ThS Phùng Quốc Anh – Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp thông tin: "Trong dip Tết này, 562 cán bộ, nhân viên của viện sẽ thường trú và thường trực sẵn sàng thực hiện sàng lọc, tiếp đón, điều trị, chẩn đoán hình ảnh… Hiện bệnh viện đang có 191 F0 đang điều trị,trong đó có 120 bệnh nhân tầng 3 (với 28 bệnh nhân thở máy, lọc máu), 71 ca còn lại phải thở oxy".

Tết ở tuyến đầu điều trị người mắc COVID-19 ở Hà Nội diễn ra như thế nào? - Ảnh 5.

Bên trong cơ sở điều trị người bệnh COVID-19 tại KĐT Đền Lừ. Ảnh: ĐĐK.

Là một đơn vị ICU, cơ sở điều trị COVID-19 ở Bệnh viện Thanh Nhàn phân chia 3 ca, 4 kíp. Mỗi ca trực hồi sức tích cực sẽ làm việc trong 8 tiếng. Ngay trong dịp Tết, các đội sẽ làm việc trong 14 ngày hoặc 21 ngày liên tục rồi ra cách ly, Bệnh viện bổ sung đội thay thế.

Ngoài chế độ được hưởng theo Quyết định của UBND TP. Hà Nội, Bộ Y tế, Sở Y tế, bệnh viện có những hình thức động viên thăm hỏi, chúc Tết hàng ngày với cán bộ, nhân viên y tế trực tiếp tham gia chống dịch, điều trị bệnh nhân COVID-19.

Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Hiện bệnh viện có khoảng 140 y bác sĩ, tình nguyện viên đang có mặt tại đây, trong đó có gần 70 nhân viên y tế, tình nguyện viên của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; 27 bác sĩ từ Hà Giang; 35 bác sĩ, điều dưỡng từ Bệnh viện Xanh Pôn và 10 thầy thuốc của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá tới học tập, hỗ trợ chăm sóc, điều trị.

Lực lượng cán bộ y tế này sẽ đảm đương hơn 200 bệnh nhân COVID-19, trong đó rất nhiều ca nặng, nguy kịch, phải thở máy, lọc máu, chạy ECMO (trao đổi oxy ngoài màng cơ thể). Trong tình hình F0 mỗi ngày ở Hà Nội vẫn tăng, bệnh viện sẵn sàng các phương án điều trị, mức tối đa.

Tết ở tuyến đầu điều trị người mắc COVID-19 ở Hà Nội diễn ra như thế nào? - Ảnh 6.

Ảnh minh họa.

Chị Nguyễn Thu Phương - Điều dưỡng trưởng của Bệnh viện Điều trị COVID-19, cho hay, để đảm bảo tối đa cho việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân, nhân sự của viện không thay đổi, ngày Tết cũng như ngày thường, "như là không có Tết". Tại bệnh viện này, y bác sĩ hay nhân viên của viện được giám sát và tự đánh giá nguy cơ phơi nhiễm để quyết định có đảm bảo an toàn và được về nhà sau ca làm việc hay không.

Từ ngày 26 Tết, bệnh viện tổ chức gói bánh chưng, mang không khí tết đến với cán bộ, nhân viên và các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.

Với các bệnh nhân phải ở lại điều trị tại bệnh viện, từ những ngày gần đây, các đoàn từ thiện đã đến Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 trao quà cho các bệnh nhân.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang hay Thanh Nhàn… cũng tổ chức trao quà cho bệnh nhân dù ở tình trạng bệnh nào (nặng, nguy kịch phải thở máy…) để mong mang mùa Xuân ấm áp đến với bệnh nhân phải xa nhà. Các bệnh viện cũng sẽ đảm bảo tối đa chế độ dinh dưỡng theo đúng quy định của nhà nước.

Các bệnh viện cũng tăng cường kêu gọi các nguồn tài trợ, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm nhằm san sẻ, động viên tinh thần với bệnh nhân.

Tại các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 từ tầng 2 trở lên, để đảm bảo cho F0 có thể liên tục trao đổi, trò chuyện cùng gia đình cũng như phục vụ nhu cầu giải trí… , các bệnh viện trang bị ti vi, wifi… chu đáo.

Nguồn: SKĐS


Thăm dò ý kiến