Người khỏe mạnh mang vi khuẩn bạch hầu có thể kéo dài đến 4 tuần

19/08/2024 | 04:38 AM

 | 

 

Từ các ca mắc bạch hầu không rõ nguồn lây, chuyên gia nhận định ổ chứa vi khuẩn có thể từ người khỏe mạnh không biểu hiện triệu chứng, âm thầm lây lan dịch trong cộng đồng.

Vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa công bố dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn thị trấn Mường Lát của huyện biên giới Mường Lát. Trước đó, ngành y tế ghi nhận ca bệnh bạch hầu là thai phụ 17 tuổi, mang thai tháng thứ 8 chưa rõ nguồn lây. Sau đó, hai người thân 74 tuổi và 10 tuổi của thai phụ xác định dương tính với bạch hầu. Đáng chú ý, cả hai không có triệu chứng. Tính từ đầu năm đến ngày 14/8, cả nước đã ghi nhận 9 ca mắc bạch hầu, trong đó có 1 ca tử vong.

Khó nhận biết ai mang vi khuẩn bạch hầu

Nhận định về nguồn lây bạch hầu trong cộng đồng, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, bạch hầu lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với dịch tiết niêm mạc mũi, họng từ người bệnh hoặc người lành mang trùng. Thời gian mầm bệnh tồn tại ở người lành có thể kéo dài đến 3, 4 tuần nhưng không biểu hiện triệu chứng, điều này khiến bệnh dễ lây lan rộng trong cộng đồng, lây nhiễm cho nhóm có sức đề kháng kém như trẻ em, phụ nữ có thai, người cao tuổi, người có bệnh lý nền.

"Không phải tất cả người mang vi khuẩn bạch hầu đều có triệu chứng, vì vậy rất khó để nhận biết ai mang mầm bệnh trong cộng đồng để cách ly và điều trị. Đó là lý do mầm bệnh vẫn luôn tiềm ẩn và chực chờ cơ hội bùng phát, nhất là trong điều kiện giao lưu, đi lại giữa các vùng diễn ra thuận lợi như hiện nay và trong hai năm dịch Covid-19 nhiều trẻ em và người lớn bỏ quên tiêm chủng vắc xin bạch hầu", BS Chính lo ngại.

Ngoài ra, theo BS Chính, bệnh bạch hầu còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật dính chất bài tiết chứa vi khuẩn. Ở môi trường bên ngoài, vi khuẩn có thể tồn tại vài tuần lễ, bám vào các đồ chơi, vật dụng, vải vóc. Một số bằng chứng chỉ ra mầm bệnh có thể sống trong sữa tươi và nước, lây khi ăn uống. Do đó, nhiều trường hợp mắc bệnh rất khó xác định nguồn lây.

Biến chứng nguy hiểm của bạch hầu

Bác sĩ Chính cho biết, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B, nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh và gây tử vong cao, buộc phải cách ly, nghiêm cấm hành vi che giấu, không khai báo. Theo CDC Mỹ, tỷ lệ tử vong của bệnh từ 5-10%, có thể lên đến 20% ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi.

Sau khi xâm nhập vào cơ thể từ 2-5 ngày, vi khuẩn bạch hầu sẽ tiết ra ngoại độc tố gây ra các triệu chứng tại chỗ và toàn thân. Trong đó, thể bệnh thường gặp nhất là bạch hầu họng với tỷ lệ 70% người mắc. Ở thể này, vi khuẩn gây ra giả mạc bám chắc vào một bên hoặc hai bên amidan, sưng đau hạch góc hàm. Giả mạc phát triển quá mức sẽ lan rộng lấp đường hô hấp, gây ngạt thở tử vong.

Ngoài gây giả mạc tại chỗ, viêm cơ tim là biến chứng phổ biến nhất của bệnh. Khoảng 30% bệnh nhân bạch hầu thể nặng có biến chứng suy tim và tử vong. Viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 80%.

Độc tố bạch hầu còn gây viêm phổi, suy thận, liệt mềm các chi, liệt màn khẩu cái (cơ vòm miệng), liệt cơ hoành và cơ liên sườn… Trong đó, liệt cơ hoành và cơ liên sườn có thể dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp và tử vong.

Thai phụ nhiễm bạch hầu hô hấp có tỷ lệ tử vong cao, lên đến 50% nếu không được truyền huyết thanh kháng độc tố bạch hầu hoặc thai lưu, sinh non và lây cho em bé trong quá trình chăm sóc.

Bệnh bạch hầu dễ lây cho đối tượng nào?

BS Chính cho biết kể từ khi vắc xin bạch hầu đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 1981, Việt Nam ghi nhận số ca bệnh giảm rõ rệt, từ gần 3.500 ca năm 1983 xuống còn 10-50 ca ở giai đoạn 2004-2019. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, bệnh đang có dấu hiệu gia tăng trở lại, chủ yếu ở người chưa được tiêm nhắc hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng. Điển hình năm 2023, cả nước ghi nhận 57 ca mắc, trong đó có 7 ca tử vong.

Theo BS Chính, bất cứ ai cũng có thể nhiễm bạch hầu. Các nhóm đối tượng dễ mắc bệnh hơn là trẻ em chưa tiêm vắc xin; thanh thiếu niên và người lớn chưa tiêm vắc xin nhắc lại; người sống ở vùng dịch tễ; người đi du lịch đến các vùng dịch tễ nhưng chưa tiêm phòng vắc xin; người mắc bệnh lý nền gây suy giảm hệ miễn dịch; người cao tuổi; phụ nữ đang mang thai; người sống trong môi trường không vệ sinh hoặc quá đông đúc, chật hẹp.

Người khỏe mạnh mang vi khuẩn bạch hầu có thể kéo dài đến 4 tuần- Ảnh 2.

Người lớn tiêm vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván tại VNVC. Ảnh: Hoàng Hà

Tiêm chủng đầy đủ vắc xin bạch hầu có hiệu quả bảo vệ trên 97%. Miễn dịch từ vắc xin giảm dần theo thời gian, do đó nếu không tiêm nhắc lại vẫn có thể mắc bệnh.

BS Chính lưu ý sau khi hoàn tất lịch tiêm chủng 4 mũi cơ bản cho trẻ dưới 2 tuổi (vào lúc 2, 3, 4 và 16-18 tháng tuổi), trẻ cần bổ sung một mũi vắc xin ở các mốc 4-7 tuổi, 9-15 tuổi, sau đó tiêm nhắc mỗi 10 năm/lần. Để phòng bệnh cho trẻ chưa đến tuổi tiêm ngừa, phụ nữ mang thai cần bổ sung một mũi phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ. Người lớn chưa rõ lịch sử tiêm chủng hoặc đã lâu chưa tiêm vắc xin nhắc lại cần đến cơ sở tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn chủng ngừa kịp thời.

Theo BS. Chính, Hệ thống tiêm chủng VNVC với gần 200 trung tâm tiêm chủng trên cả nước hiện có đầy đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho cả trẻ em và người lớn gồm vắc xin 6 trong 1 Hexaxim (Pháp)/ Infanrix Hexa (Bỉ); vắc xin 4 trong 1 Tetraxim (Pháp) phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt; vắc xin 3 trong 1 Adacel/Boostrix phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván; vắc xin 2 trong 1 Td phòng bạch hầu hấp phụ, uốn ván. Tất cả vắc xin được bảo quản ở hệ thống kho lạnh đạt chuẩn GSP, đảm bảo quy trình tiêm chủng an toàn, chất lượng với giá bình ổn, nhiều ưu đãi.

"Hiện tại, các trẻ sắp quay trở lại trường học. Môi trường tiếp xúc đông người khiến trẻ dễ mắc các bệnh như ho gà, bạch hầu, cúm, thủy đậu… nếu tiếp xúc mầm bệnh. Các phụ huynh nên rà soát trẻ cần tiêm nhắc các loại vắc xin gì để bảo vệ kịp thời cho con", BS. Chính lưu ý.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến