Ngành Y tế Hà Nội bảo đảm nước sạch, cấp phát đủ thuốc điều trị các bệnh thường gặp trong mưa, bão
11/09/2024 | 09:24 AM
|
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp phòng y tế và các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội triển khai công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo đảm nước sạch, cấp phát cơ số thuốc, kịp thời điều trị đối với một số bệnh thường gặp mùa mưa bão...
Cán bộ y tế kiểm tra, giám sát các bệnh thường gặp trong bão, mưa, lũ lụt trên địa bàn Hà Nội.
Ngày 10/9, Sở Y tế ban hành Kế hoạch Tăng cường bảo đảm nước sạch, an toàn vệ sinh sau bão số 3, gửi đến các đơn vị y tế trong và ngoài công lập trực thuộc Sở Y tế Hà Nội để triển khai thực hiện.
Theo đó, Sở Y tế đề nghị các đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về việc bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường, quản lý chất thải y tế trong mùa mưa lũ năm 2024; việc tăng cường công tác bảo đảm đáp ứng y tế trong mùa mưa bão, lũ lụt năm 2024; công tác phòng, chống lụt bão cơn bão số 3 và mưa lũ năm 2024.
Các bệnh viện tuyến thành phố, bệnh viện ngoài công lập, các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư trang thiết bị, cơ số thuốc để tham gia cứu nạn, nhận và triển khai nhiệm vụ hỗ trợ khi có yêu cầu của cấp trên; tổ chức kiện toàn các đội cấp cứu cơ động, đội phẫu thuật cơ động, sẵn sàng tham gia thực hiện nhiệm vụ; nghiêm túc thực hiện công tác ứng trực, đáp ứng y tế theo quy định.
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp phòng y tế và các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND các quận, huyện, thị xã triển khai công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm nước sạch, cấp phát cơ số thuốc để kịp thời điều trị đối với một số bệnh thường gặp mùa mưa bão như: da liễu, tiêu hóa, mắt, sốt xuất huyết… trên địa bàn theo phương án bốn tại chỗ, nhất là đối với các địa phương xảy ra ngập úng.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng các hình thức về công tác nước sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh thường gặp mùa bão lũ. Trong đó, tập trung tuyên truyền các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; thực hiện ăn chín, uống chín.
Đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, chủ động công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã triển khai các hoạt động; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt, công tác thu gom, xử lý chất thải y tế trong các cơ sở y tế hoặc trong các khu vực ngập úng, khu vực nguy cơ.
Với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường; các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ người dân vùng lũ lụt nhằm bảo đảm không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng đến tay người dân.
Quầy thuốc Bệnh viện đa khoa Hà Đông bảo đảm đủ nguồn thuốc phục vụ công tác điều trị cho người bệnh trong mùa mưa bão, lũ lụt trên địa bàn.
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội cũng đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh; các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn Hà Nội bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho công tác phòng, chống bệnh, dịch có thể phát sinh trong mùa mưa bão, lũ lụt.
Cụ thể, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh rà soát, kịp thời lập kế hoạch, chủ động liên hệ các cơ sở cung ứng, triển khai đặt hàng, mua sắm, dự trữ, bảo đảm có đủ thuốc phục vụ công tác cấp cứu, điều trị và đáp ứng các tình huống y tế bị ảnh hưởng do bão, lũ, dịch bệnh…; không để xảy ra thiếu thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.
Trong trường hợp có nguy cơ thiếu thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị các bệnh có thể phát sinh sau mưa bão, lũ lụt, các đơn vị báo cáo kịp thời về Sở Y tế Hà Nội để có phương án xử lý kịp thời.
Đối với các cơ sở kinh doanh thuốc cần chủ động kế hoạch dự trữ, chuẩn bị sẵn nguồn thuốc có chất lượng, bảo đảm cung ứng đủ thuốc theo đơn hàng, theo hợp đồng cung ứng đã ký kết với cơ sở khám chữa bệnh và cho nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, đặc biệt bảo đảm thuốc phục vụ công tác phòng chống dịch, bệnh có thể phát sinh trong mùa mưa bão, lũ lụt. Đặc biệt, tránh để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, biến động tăng giá thuốc.
Trường hợp có khó khăn, vướng mắc về nguồn cung, các đơn vị chủ động phản ánh về Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) để được hướng dẫn, giải quyết kịp thời.
Nguồn: Nhandan.vn
Tin liên quan
- Bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên tại Việt Nam đủ điều kiện lấy, ghép gan
- Huế ghi nhận nhiều trường hợp sốt phát ban nghi mắc sởi, bác sĩ đưa ra khuyến cáo
- Bỗng dưng bị liệt sau mũi tiêm chữa đau vai gáy
- Thầy thuốc và bệnh nhân quây quần bên mâm cơm tất niên ấm cúng
- Bệnh mô liên kết hiếm gặp nhưng dễ biến chứng nguy hiểm
- Bôi dầu nóng chữa gãy xương, người đàn ông bị nhiễm trùng da
- Nhật Bản thông báo số ca mắc cúm cao kỷ lục kể từ năm 1999