Một VĐV qua đời khi tham gia giải Marathon 2022 tại Quy Nhơn, bác sĩ y học thể thao nói gì?

15/06/2022 | 08:34 AM

 | 

Một vận động viên trong giải chạy Vnexpress Marathon Sparkling Quy Nhon (Bình Định) đã không thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” sau khi được cấp cứu. Vậy nguyên nhân tử vong do đâu và làm sao để điều đáng tiếc đó không xảy ra với vận động viên và người chơi thể thao?

Vào 6h sáng ngày 12/06 vừa qua, trong hạng mục cự ly 21km, một vận động viên đã gặp vấn đề về sức khỏe trong quá trình thi đấu. Theo thông tin từ Ban tổ chức, vận động viên (VĐV) tên là Trần Công Đại P., sinh năm 1977, có dấu hiệu lạ trước khi ngã xuống. Ngay sau đó, anh đã được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Bình Định, dù các bác sĩ tích cực cấp cứu nhưng anh không qua khỏi. Giải Marathon Quy Nhơn 2022 tổ chức thi đấu nhiều cự ly, dành cho nam, nữ; gồm VĐV phong trào và VĐV chuyên nghiệp.

Trong những năm gần đây, các giải chạy tại Việt Nam ghi nhận không ít các trường hợp VĐV bán chuyên qua đời vì gặp vấn đề sức khỏe. Vào năm 2019, trong một giải Marathon tại TPHCM, một vận động viên đã qua đời vì đột quỵ dù trước đó được biết đến như "một đôi chân chạy" đạt nhiều thành tích cao.

Trong buổi trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống , bác sĩ trong lĩnh vực thể thao BS. Nguyễn Tiến Lộc – Bác sĩ điều trị tại Khoa Y học Thể thao, Viện Chấn thương Chỉnh hình – Bệnh viện Quân Y 175 đã đưa ra một số nhận định về trường hợp này, đồng thời đã đưa ra một số lời khuyên để những điều đáng tiếc đó không xảy ra với VĐV Marathon nói riêng và người đam mê bộ môn chạy bộ nói chung.

PV: Thưa bác sĩ, trong nhiều năm qua đã ghi nhận một số VĐV tử vong trong quá trình chạy Marathon, trong đó có cả những người được xem như "kì cựu" trong bộ môn này. Những ngày gần đây, cộng đồng một lần nữa lại xôn xao trước tin tức một VĐV đã tử vong khi gặp một số dấu hiệu lạ trong quá trình chạy, bác sĩ lý giải như thế nào về sự việc trên?

BS. Nguyễn Tiến Lộc: Theo nhiều nguồn thông tin hiện tại, trường hợp của anh Trần Công Đại P. có nhiều dấu hiệu như chạy loạng choạng, khó thở, đến khi ngã gục, VĐV xấu số này được mô tả rằng "trông như bất tỉnh, thở yếu". Những yếu tố này khiến chúng tôi nghĩ nhiều đến hiện tượng "Tức ngực, khó thở khi chơi thể thao sức bền". Hiện tượng này được biết đến trong giới Y học Thể Thao với thuật ngữ "Co thắt phế quản do thể thao" (Exercise – Induced Bronchospasm).

PV: Bác sĩ có thể giải nghĩa cho bạn đọc hiểu thêm về tình trạng "Co thắt phế quản do thể thao" và tại sao hiện tượng này có thể đẩy VĐV đến cơn nguy kịch?

BS. Nguyễn Tiến Lộc: Để đơn giản nhất có thể, hãy hình dung hàng ngày mọi người đều hít thở được là nhờ khí - phế quản, nghĩa là "đường ống dẫn khí" kéo dài từ mũi đến phổi. Trên "đường dẫn khí" này có các cơ để cơ thể có thể điều chỉnh giúp "ống dẫn khí" có thể co giãn. Nhờ vào cơ chế này mà mỗi khi có các tác nhân nguy hiểm xâm nhập vào cơ thể qua đường thở, ống thở này sẽ thu hẹp lại, khiến yếu tố nguy cơ không thể đi sâu vào cơ thể hơn.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, có thể do tác động môi trường (ô nhiễm, khói bụi, thuốc lá…) hoặc do luyện tập quá sức làm cho "đường thở" bị kích thích, gây co thắt. Đó là nguyên nhân vì sao khi chúng ta thường cảm thấy khó thở khi tham gia các hoạt động thể thao sức bền như chạy bộ, đua xe đạp, v.v…

Đối với trường hợp đã bắt đầu mệt, thở dốc nhưng không được xử lí kịp thời và đúng đắn, "đường thở" có thể bị tắc hoàn toàn, giống như "chết đuối ở trên cạn", dẫn đến tử vong.

PV: Nếu chẳng may rơi vào tình huống nguy hiểm như trên, điều cần làm đối với một VĐV và những người đồng hành là gì?

BS. Nguyễn Tiến Lộc: Hiện tượng "tức ngực, khó thở khi chạy bộ" hoàn toàn có thể xảy ra với bất kì ai, vào bất kì thời điểm nào. Đối với những VĐV chuyên nghiệp, đã từng hoàn thành nhiều giải chạy Marathon trước đó vẫn có khả năng mắc phải.

Vì thế, điều đầu tiên cần làm trước mỗi giải chạy là chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, không nên chủ quan. Mỗi người tham gia cần nhận được sự hướng dẫn từ Đoàn Y tế của Giải Marathon về cách phân biệt giữa hiện tượng "đuối sức" và "khó thở" để tránh nhầm lẫn.

Một khi nhận biết được tình trạng nguy hiểm của mình, VĐV cần ngừng thi đấu ngay lập tức và kêu gọi sự giúp đỡ của nhân viên y tế. Trong đoàn chăm sóc y tế, thường sẽ được trang bị các loại thuốc làm giãn "đường dẫn khí", để giúp người gặp nạn có thể hít thở dễ dàng hơn.

Đối với người chạy đồng hành, cần hỗ trợ bạn thi đấu của mình đến khu vực tránh các tác nhân gây kích thích đường thở như khói bụi, khói thuốc lá, hoặc tìm cách giữ ấm cho bạn chạy trong trường hợp thi đấu tại các địa phương có thời tiết lạnh.

PV: Câu hỏi cuối cùng không kém phần quan trọng, xin bác sĩ cho lời khuyên đối với những ai đam mê bộ môn Marathon nói riêng và các môn thể thao sức bền nói chung, làm sao để phòng tránh "tức ngực, khó thở" khi không có nhân viên y tế?

BS. Nguyễn Tiến Lộc: Trong quá trình tập luyện, không phải lúc nào cũng có sự giúp đỡ của bác sĩ Y học Thể thao. Vì thế, những thông tin sau đây sẽ hữu ích đối với VĐV và người đam mê thể thao sức bền:

Luôn khởi động trước: Ngoài việc tránh co thắt đường thở, khởi động sẽ giúp cơ thể nhận biết và sẵn sàng cho hoạt động sắp diễn ra. Nhờ đó, VĐV có thể tránh được các sự cố khác như chuột rút, sốc hông, v.v…

Tránh luyện tập tại khu vực nhiều khói bụi, thuốc lá: Đây là những tác nhân khiến cơ thể phản ứng lại bằng cách co thắt đường thở. Việc co rút đường thở thường diễn ra ở cuối chương trình tập luyện, khi bạn đuối sức. Vì thế, tối ưu nhất là nên tránh luyện tập ở khu vực ô nhiễm không khí.

Hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng: Khi chạy bộ, chúng ta sẽ có xu hướng hít vào bằng miệng để nhận được nhiều không khí hơn. Điều này khiến các bộ phận làm ẩm và ấm không khí ở mũi không đạt được hiệu quả. Từ đó, không khí thu nạp vào phổi "chưa được xử lý trước" khiến đường dẫn khí bị kích thích và co thắt.

Mong rằng những thông tin nêu trên sẽ giúp nhiều vận động viên tại các giải chạy Marathon sắp tới tránh được những hậu quả không đáng có, để có được niềm vui chiến thắng trọn vẹn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Nguồn: Suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến