Hơn 4.000 cán bộ, thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai tiếp cận chính sách BHYT mới
09/12/2024 | 15:11 PM
|
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT nhằm bảo đảm an sinh xã hội, quyền, lợi ích của người tham gia BHYT, cơ sở khám, chữa bệnh, góp phần từng bước giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người tham gia BHYT và tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.
Nhằm kịp thời cập nhật những điểm mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua tới toàn bộ nhân viên y tế, hôm nay 8/12, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức khóa đào tạo nội bộ "Cập nhật một số điểm mới trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT và một số chính sách mới với người bệnh BHYT" với sự tham gia của hơn 4.000 cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tham dự khóa đào tạo có các diễn giả, chuyên gia đến từ Vụ BHYT (Bộ Y tế).
Bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế chia sẻ về những chính sách BHYT mới.
PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện cho hay, đây là một trong những hoạt động đào tạo rất quan trọng giúp các cán bộ nhân viên y tế kịp thời nắm bắt những thay đổi, điểm mới của những chính sách BHYT, từ đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân cũng như trong hoạt động quản lý, vận hành bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh; Đảm bảo đúng, đủ, chuẩn trong các khâu triển khai, bảo vệ lợi ích giữa các bên tham gia trong các vấn đề liên quan đến y tế.
Đồng thời PGS.TS Đào Xuân Cơ cũng cho biết, tới đây Bệnh viện Bạch Mai sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn kiến thức về chính sách y tế cho cán bộ nhân viên toàn bệnh viện.
Cùng đó, Bệnh viện Bạch Mai cam kết sẽ nâng cao trách nhiệm phối hợp, đồng hành, chung tay cùng các Cục, Vụ tham mưu, xây dựng các chính sách liên quan đến lĩnh vực y tế hợp lý, kịp thời, có giá trị phù hợp với thực tiễn, đi vào cuộc sống.
Theo các diễn giả đến từ Vụ BHYT, các chính sách BHYT mới được ban hành, chỉnh sửa bổ sung nhằm tạo thuận tiện hơn trong quá trình tổ chức triển khai cho cả người dân khi đi khám chữa bệnh cũng như hoạt động của các bệnh viện, cơ sở y tế.
Với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT thể hiện rõ tinh thần cải cách hành chính, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh, giảm hồ sơ giấy tờ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phân cấp, phân quyền tối đa, tạo thuận lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức, bảo đảm bình đẳng giới, phù hợp với các công ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Cùng đó Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2024 sẽ giải quyết được căn cơ những tồn tại, vướng mắc mang tính cấp bách sau 15 năm thực hiện Luật BHYT, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, bảo đảm an sinh xã hội, quyền, lợi ích của người tham gia BHYT, cơ sở khám, chữa bệnh, góp phần từng bước giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người tham gia BHYT và tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.
Khoá đào tạo nội bộ "Cập nhật một số điểm mới trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT và một số chính sách mới với người bệnh BHYT" có sự tham gia của hơn 4.000 cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai.
Những nội dung mới của Luật BHYT mang lại những lợi ích cho người tham gia có thể đến khám, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh BHYT cấp ban đầu, cấp cơ bản trong toàn quốc. Trong một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... người bệnh được lên thẳng cơ sở khám, chữa bệnh cấp chuyên sâu...
Cụ thể Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2024 có 8 nhóm điểm mới cơ bản so với Luật BHYT năm 2014, đó là:
1. Sửa đổi, cập nhật đối tượng tham gia, trách nhiệm đóng BHYT, phương thức, thời hạn đóng, trách nhiệm lập danh sách đóng BHYT, thời hạn thẻ có giá trị sử dụng để phù hợp hơn và đồng bộ với quy định của Luật BHXH và luật khác có liên quan.
2. Quy định về khám, chữa bệnh BHYT, trong đó có đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.
3. Quy định mức hưởng BHYT khi thực hiện thông cấp khám, chữa bệnh BHYT theo hướng không phân biệt địa giới hành chính, giữ ổn định tỷ lệ mức hưởng BHYT theo quy định của luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp...
4. Điều chỉnh tỷ lệ chi cho khám, chữa bệnh BHYT, chi dự phòng và tổ chức hoạt động BHYT từ số tiền đóng BHYT; quy định rõ thời hạn thông báo kết quả giám định chi phí khám, chữa bệnh để khắc phục vướng mắc về kéo dài thời gian thanh, quyết toán.
5. Bổ sung cơ chế thanh toán thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí dịch vụ cận lâm sàng được chuyển đến cơ sở khác trong trường hợp thiếu thuốc, thiết bị y tế.
6. Bổ sung quy định cụ thể về chậm đóng, trốn đóng BHYT và các biện pháp xử lý đối với các trường hợp này.
7. Quy định về trách nhiệm của Bộ Y tế trong rà soát và cập nhật thường xuyên phác đồ điều trị để bảo đảm thuận tiện trong khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT; quy định về đánh giá sự hợp lý của việc cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT...
8. Bổ sung quy định về cấp thẻ BHYT điện tử, quy định kiểm toán nhà nước kiểm toán Báo cáo quyết toán chi tổ chức và hoạt động BHYT của cơ quan BHXH hàng năm để đồng bộ với Luật BHXH.
Cũng tại chương trình, bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế đã chia sẻ thêm với cán bộ nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai về Thông tư số 37/2024/TT-BYT quy định nguyên tắc, tiêu chí xây dựng, cập nhật, ghi thông tin, cấu trúc danh mục và hướng dẫn thanh toán đối với thuốc hóa dược sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT; Thông tư số 39/2024/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2016/TT-BYT ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.
Các Thông tư trên cơ sở kế thừa một số quy định tại các Thông tư đã ban hành trước đó, Bộ Y tế đã lược bỏ các nội dung không còn phù hợp, sửa đổi bổ sung các quy định để phù hợp hơn với thực tiễn và Luật BHYT mới ban hành.
Các chỉnh sửa này cũng thể hiện quyền lợi tích cực hơn cho người sử dụng BHYT trong các dịch vụ y tế, sự quan tâm của Bộ, ngành đối với cán bộ nhân sự y tế, sự phối hợp đồng hành chất chẽ giữa các cơ quan tổ chức, Bộ ngành, các bệnh viện, cơ sở y tế trong công tác xây dựng, thực hiện triển khai chính sách.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Tuổi trẻ ngành Y tế Việt Nam đổi mới, sáng tạo trong thời kỷ nguyên số
- Người phụ nữ 3 lần sinh mổ, có rối loạn kinh nguyệt vẫn không biết mình mang thai
- Phú Yên: Ra Nghị quyết giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập
- Gia đình xin về, bác sĩ quyết tâm cứu bệnh nhi mắc khối u tuyến tùng nguy hiểm
- Trẻ hóc dị vật đường thở, bác sĩ chỉ ra sai lầm trong sơ cứu
- Ngành Y tế Hà Nội tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch sởi
- Giun dài 14 cm sống trong mắt nhiều ngày