Giảm thiểu rủi ro ngộ độc thực phẩm nhờ truy xuất nguồn gốc
04/12/2024 | 10:03 AM
|
Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là một khâu quan trọng trong vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Giảm thiểu rủi ro ngộ độc thực phẩm nhờ truy xuất nguồn gốc - Ảnh: VGP/HM
Hiện nay, việc bảo đảm an toàn thực phẩm ngày càng trở nên cấp thiết khi các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra liên tiếp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và niềm tin của người tiêu dùng.
Một trong những nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc này là do thực phẩm không rõ nguồn gốc. Chính vì vậy, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là quá trình theo dõi, ghi nhận và cung cấp thông tin đầy đủ về "hành trình" của thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, vận chuyển và đến tay người tiêu dùng.
Theo đó, thông qua việc áp dụng các công nghệ hiện đại như mã vạch, QR code, RFID (nhận diện tần số vô tuyến), người tiêu dùng có thể dễ dàng kiểm tra nguồn gốc, chất lượng và các thông tin liên quan đến thực phẩm trước khi quyết định sử dụng.
Thời gian qua, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều quy định liên quan đến việc áp dụng truy xuất nguồn gốc trong sản xuất và thương mại hàng hóa. Các tiêu chuẩn quốc tế như GS1, ISO 22005 cũng đang trở thành thước đo chung để đánh giá khả năng truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm.
Nếu các doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn này, sẽ giúp cải thiện quy trình sản xuất của doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản...
Theo các chuyên gia, giải pháp truy xuất nguồn gốc cần gắn kết chặt chẽ với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Điều này vừa tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững, vừa mở ra những cơ hội giao thương và hợp tác quốc tế, giúp sản phẩm Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu.
Tăng cường giám sát từ gốc
Tại Hà Nội, thời gian qua, các quận, huyện trên địa bàn Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng hiệu quả truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Thống kê từ Sở Y tế Hà Nội, thời gian qua cơ quan này đã kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại 19 cơ sở dịch vụ ăn uống trong khu vực sân bay trên địa bàn. Kết quả cho thấy, có 12 cơ sở đạt tiêu chuẩn. Xét nghiệm nhanh các mẫu thực phẩm tại các cơ sở này cũng cho thấy 190/190 mẫu đạt yêu cầu.
Để kiểm soát chất lượng nông, lâm, thủy sản từ nơi sản xuất đến bàn ăn, tại nhiều huyện, xã của Hà Nội cũng đã và đang quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng địa phương cũng tăng cường kiểm tra theo kế hoạch, chuyên đề đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các bếp ăn tập thể; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.
Nguồn: Chinhphu.vn
Tin liên quan
- Tìm các giải pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả
- Chú trọng khâu hậu kiểm trong quản lý an toàn thực phẩm
- Sáu quan điểm cơ bản xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế
- Số ca mắc sởi của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục gia tăng
- Xây dựng mạng lưới cơ sở y tế đủ năng lực đáp ứng nhu cầu bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân
- Bệnh nhân suy gan cấp hồi phục kỳ diệu sau 5 tháng điều trị, chưa cần ghép gan