Bệnh viện K hoàn tất công tác lấy mẫu xét nghiệm trong đó 2.450 mẫu cho kết quả RT-PCR âm tính

09/05/2021 | 14:59 PM

 | 

 

Bệnh viện K hiện đang là “điểm nóng” dịch bệnh COVID-19 sau khi ghi nhận 11 trường hợp ghi nhận nhiễm COVID-19 vào ngày 07/5/2021. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với đại diện Ban lãnh đạo Bệnh viện K trong sáng nay để cập nhật tình hình, diễn biến mới nhất trong tâm dịch.

PV: Thưa ông, ông có thể cung cấp cụ thể về số ca mắc và xét nghiệm PCR đã thực hiện tại bệnh viện K có đến thời điểm này (sáng ngày 09/5/2021).

Đại diện Bệnh viện – Tính đến thời điểm hiện tại Bệnh viện ghi nhận 11 ca bệnh đã công bố ngày 07/5/2021 và sáng nay 09/5/2021 ghi nhận trường hợp nghi ngờ nhiễm COVOD-19 là F1 - người bệnh khoa Ngoại gan mật tụy. Bệnh nhân Nguyễn Hà Thanh H., 19 tuổi, chẩn đoán u gan, là học sinh Trường Dự bị Dân tộc nội trú, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ; quê ở thôn Đồng Dân, huyện Thạch Kiện, tỉnh Phú Thọ.

Bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đến Bệnh viện K vào 23/4/2021, nằm tại phòng 712, Khoa Gan mật tuỵ đến 29/4/2021 thì điều trị ngoại trú. Đến ngày 03/5/2021 thì chị H. vào lại nội trú, ngày 05/5/2021 thực hiện nút mạch, sau đó về phòng 708 vào khoảng 11h30. H. được xét nghiệm PCR sàng lọc COVID-19 lần 1 vào ngày 06/5/2021 có kết quả âm tính; lấy mẫu xét nghiệm PCR lần 2 vào 23h16 ngày 08/5/2021 thì có kết quả nghi ngờ vào 05h00 ngày 09/5/2021. Bệnh nhân được cách ly tại Khu điều trị cách ly của Bệnh viện K, chúng tôi đã liên hệ và đã chuyển người bệnh đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Tính đến hết ngày 08/5/2021, bệnh viện đã hoàn tất công tác lấy mẫu, xét nghiệm RT – PCR với 3.665 mẫu. Hiện tại có 2.450 mẫu âm tính COVID-19 và thêm 01 mẫu nghi ngờ nhiễm COVID-19.  11 trường hợp F0 gồm 7 người bệnh và 4 người nhà đã được chuyển đến Bệnh viện Thanh Nhàn.  Ngày 08/5/2021, bệnh viện đã chuyển 32 F1 là người nhà đi cách ly tập trung tại Tứ Hiệp và Thành An; 43 F1 là nhân viên y tế đi cách ly tập trung tại Thành An. Công tác xét nghiệm vẫn đang được thần tốc triển khai không kể ngày đêm để khoanh vùng, dập dịch trong thời gian sớm nhất.

 

PV: Thưa ông, sau khi có 11 ca mắc COVID-19, Bệnh viên K cụ thể tại cơ sở Tân Triều đã có công tác sàng lọc và kiểm soát dịch như thế nào?

Đại diện Bệnh viện - Hiện tại, sau khi ghi nhận các trường hợp nhiễm COVIV-19 từ ngày 07/5/2021, thì Bệnh viện K đã kích hoạt toàn bộ các kịch bản phòng, chống dịch ở mức cao nhất. Giám đốc Bệnh viện đã có quyết định phỏng tỏa bệnh viện K ở cả 3 cơ sở từ 05h30 ngày 07/5/2021, không tiếp nhận người bệnh tới khám, điều trị trừ trường hợp cấp cứu. Bên cạnh đó khẩn trương  truy vết, khoanh vùng và trong thời gian sớm nhất lấy tất cả mẫu xét nghiệm những người cách ly tại bệnh viện để sàng lọc ngay. Đến thời điểm hiện tại công tác lẫy mẫu đã được hoàn tất; cơ bản 2.450 mẫu xét nghiệm RT-PCR cho kết quả âm tính, trong đó chỉ ghi nhận 1 trường hợp F1 của 11 ca bệnh đã ghi nhận tại Bệnh viện.

Công tác hậu cần, bổ sung nhu yếu phần cần thiết cho 4000 người cách ly cũng được lên phương án cụ thể, rõ ràng. Đến thời điểm hiện tại mọi giải pháp bước đầu triển khai tại bệnh viện K có thể nói là sẵn sàng để ứng phó với dịch bệnh.

 

PV: Trước thông tin phong toả của Bệnh viện K, nhiều bệnh nhân ngoại trú hoang mang, lo lắng về việc điều trị. Kế hoạch của bệnh viện cho các trường hợp ngoại trú như thế nào?

Đại diện Bệnh viện - Điều trị ung thư là quá trình dài, để đảm bảo hiệu quả điều trị thì ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị thì người bệnh cũng cần phải chủ động thực hiện khuyến cáo phòng, chống dịch nghiêm ngặt. Với hệ miễn dịch, sức đề kháng suy yếu do điều trị trong thời gian thì việc nhiễm COVID-19 sẽ là vấn đề đáng lo ngại với người bệnh có bệnh lý nền, đặc biệt là bệnh ung thư. Do đó, để đảm bảo an toàn cho người bệnh và tuân thủ đúng nguyên tắc phòng chống dịch, toàn bộ người bệnh ngoại trú không thể đến Bệnh viện K trong khoảng thời gian phong tỏa. Thấu hiểu sự lo lắng của người bệnh vì sẽ chậm trễ khoảng 2 - 3 tuần nếu như không điều trị, do đó Bệnh viện K đã chủ động trao đổi với Sở Y tế các tỉnh, bác sĩ điều trị trực tiếp liên hệ hướng dẫn người bệnh và phối hợp cùng cơ sở chuyên khoa ung bướu gần nhất để tiếp tục theo dõi, thực hiện tiếp phác đồ điều trị cho người bệnh trong thời gian này. Chúng tôi thực hiện đảm bảo đúng theo mục tiêu kép “Vừa khoanh vùng dập dịch nhanh chóng; vừa đảm bảo hiệu quả điều trị” cho tất cả người bệnh.

PV - Thực tế, một số bệnh nhân đã về địa phương sau khi có lệnh phong toả, việc điều trị tiếp như thế nào?

Đại diện Bệnh viện - Với những người bệnh đã kết thúc đợt điều trị như phẫu thuật, hóa, xạ trị, thì thường sẽ quay trở lại bệnh viện vào khoảng thời gian 2 tuần sau đó, tùy vào diễn biến dịch bệnh chúng tôi có thể sẽ tiếp nhận nếu lúc đó bệnh viện đã dỡ phong tỏa, hoạt động khám chữa bệnh trở lại hoặc hỗ trợ để người bệnh được điều trị tại cơ sở chuyên khoa ung bướu gần nhất.

PV - Đối với các ca bệnh nặng thì có phương án ra sao?

Đại diện Bệnh viện - Ngay khi ghi nhận ca bệnh dương tính tại Bệnh viện vào ngày 07/5/2021, bên cạnh công tác thần tốc truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm triển khai đồng loạt nhiều giải pháp phòng, chống dịch thì chúng tôi cũng đã có kế hoạch chuyển tất cả người bệnh nặng về điều trị tại khoa Hồi sức tích cực trong khu riêng biệt. Đa phần người bệnh còn lại tại các khoa sức khỏe ổn định. Vì thế mọi vấn đề liên quan đến chăm sóc, điều trị cho người bệnh đang cách ly tại bệnh viện K thời điểm này vẫn trong tầm kiểm soát của chúng tôi.

PV – Thưa ông, trước số lượng người cách ly lớn với gần 4000 người, bệnh viện K đã có những phương án nào để đảm bảo đáp ứng nhu cầu cho những người đang cách ly tại viện?

Đại diện Bệnh viện - Phương án điều trị, công tác hậu cần, bổ sung nhu yếu phần cần thiết cho 4000 người cách ly cũng được lên phương án cụ thể, rõ ràng.

Chúng tôi đã nhanh chóng phối hợp với 02 đơn vị cung cấp dịch vụ ăn uống tại Bệnh viện để hàng ngày chuẩn bị cung ứng đủ suất ăn đảm bảo dinh dưỡng 03 bữa trong ngày cho 4000 người đang cách ly tại bệnh viện. Toàn bộ thực phẩm trước khi được đưa vào chế biến đều được Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng bệnh viện K test lấy mẫu.

Cùng với đó Bệnh viện có phối hợp cùng các đơn vị để vận chuyển nhu yếu phẩm cần thiết như quần áo; khăn mặt; bàn chải; chiếu; mền .... để phục vụ công tác cách ly dài ngày tại bệnh viện.

 

Dù trong thời điểm khó khăn khi toàn bệnh viện phải phong tỏa phục vụ công tác phòng, chống dịch nhưng chúng tôi vẫn luôn cố gắng đảm bảo chăm sóc cho người bệnh và người nhà với điều kiện tốt nhất. Từng buồng bệnh, từng khoa, từng tầng đều cách ly, tuy nhiên cơ sở vật chất tại cả 03 cơ sở của bệnh viện K tại từng đơn vị điều trị đều đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người bệnh và người nhà hàng ngày: như bình tắm nước nóng/lạnh 24/24; nước uống bố trí sẵn tại khoa; tivi tại từng buồng bệnh ....

Tất cả nhu yếu phẩm sẽ được tiếp nhận và chuyển lên khoa với đội ngũ cán bộ chuyên trách và phun khử khuẩn trước khi được bàn giao.

PV – Thưa ông, công việc hiện tại của các bác sĩ có gì thay đổi?

Đại diện Bệnh viện - Việc điều trị, động viên, chia sẻ và hỗ trợ người bệnh không chỉ diễn ra tại thời điểm tâm dịch như hiện nay. Tại các khoa đã cách ly từng buồng bệnh; từng phòng; từng khoa; từng tầng, do đó các bệnh nhân đang điều trị nội trú tại khoa vẫn sẽ được các bác sĩ theo dõi sức khỏe hàng ngày và tiếp tục điều trị nhưng vẫn phải đảm bảo tuyệt đối các giải pháp phòng, chống dịch. Bên cạnh đó các bác sĩ trong khoa cũng đã tạo lập nhóm riêng trên Zalo, facebook để người bệnh thuận tiện trao đổi thông tin, hình ảnh và nhận được phản hồi, tư vấn sớm nhất của các bác sĩ.

PV - Bệnh viện đang gặp những khó khăn như thế nào?  

Đại diện Bệnh viện - Thời điểm hiện tại là giai đoạn khó khăn, thách thức với không chỉ riêng cán bộ y tế Bệnh viện K mà còn với hàng ngàn người bệnh ung thư và nhiều gia đình. Tuy nhiên bệnh viện đã có kế hoạch sẵn sàng ứng phó khi ghi nhận trường hợp nhiễm COVID-19 do đó dù bước đầu có một số vấn đề phát sinh như bố trí nhân lực; phân luồng cách ly; giải thích, động viên, thuyết phục người bệnh tại từng đơn vị; lấy mẫu và xét nghiệm cho hàng ngàn người trong thời gian ngắn ..... tuy nhiên bệnh viện luôn trong tâm thế chủ động do đó mọi thứ nhanh chóng được thực hiện như đã lập trình sẵn. Ngoài ra chúng tôi rất ấm lòng vì nhận được sự chung tay chia sẻ của Lãnh đạo Bộ Y tế; các cơ quan ban ngành, đoàn thể, các đơn vị, nhà hảo tâm cả nước chung tay đồng hành cùng bệnh viện từ vật tư y tế; khẩu trang; găng tay; đồ bảo hộ; nhu yếu phẩm ....., đây là nguồn động viên tinh thần rất lớn với chúng tôi và hàng ngàn người bệnh để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

 

PV - Tâm lý của mọi người hiện đang như thế nào, thưa ông?

Đại diện Bệnh viện - Trong tâm dịch COVID-19 nhiều người sẽ nghĩ tâm lý chung của nhiều người bệnh và tất cả cán bộ y tế là lo lắng, hoang mang, buồn rầu nhưng phải chia sẻ đúng thực tế đó là điều này không được hiện hữu tại Bệnh viện K. Chúng tôi rất tự hào và may mắn vì đội ngũ cán bộ nhân viên y tế, người lao động toàn bệnh viện và đặc biệt là người bệnh và người nhà đều bình tĩnh, đoàn kết lạc quan, động viên lẫn nhau thực hiện đúng chỉ đạo của bệnh viện và Bộ Y tế để khoanh vùng dập dịch. Tất cả người bệnh đang cách ly tại bệnh viện K ở thời điểm này cùng người nhà đều rất yên tâm vì sự chủ động của bệnh viện trong việc hỗ trợ, chăm sóc cho họ. Chủ trương của bệnh viện là thực hiện mục tiêu kép “Vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch vừa đảm bảo hiệu quả điều trị”.

PV – Cán bộ y tế tham gia chống dịch cũng xa gia đình dài ngày, ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Đại diện Bệnh viện - Dịch bệnh có thể còn diễn biến phức tạp, thời gian chống dịch còn dài, tất cả cán bộ y tế cách ly tại bệnh viện đều có tinh thần trách nhiệm rất lớn với người bệnh, với bệnh viện và toàn xã hội. Chúng tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ, thậm chí nhiều chiến sỹ của chúng tôi xung phong đảm nhận vị trí mà họ biết trước là sẽ rất vất vả nhưng vẫn luôn giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan. Và song song với việc đảm nhiệm công tác chống dịch thì họ phải hy sinh khoảng thời gian bên gia đình, bên người thân .... May mắn với những chiến sỹ của Bệnh viện K và nhiều đồng nghiệp của chúng tôi cũng đang căng mình chống dịch đó là sự cảm thông, thấu hiểu của gia đình. Những chiến sỹ của chúng tôi là niềm tự hào của gia đình, của bệnh viện vì họ không quản ngại cống hiến, hy sinh vì người bệnh, vì tiếng gọi của trái tim mình.

PV - Bác sĩ muốn nhắn nhủ điều gì với những y bác sĩ, người bệnh, người nhà bệnh nhân đang cách ly ở trong viện cũng như những người đang ở ngoài?

Đại diện Bệnh viện - Bằng sự đồng lòng, đoàn kết của toàn thể bệnh viện, dù đang trong tâm dịch thì sự an toàn, yên tâm của người bệnh vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu mà chúng tôi hướng tới. Gia đình của tất cả người bệnh và người nhà đang được cách ly tại bệnh viện K đều được đảm bảo điều trị và chăm sóc trong điều kiện tốt nhất. Bệnh viện K như trở thành ngôi nhà thứ hai với nhiều người bệnh ung thư, và với chúng tôi người bệnh là người thân ...

Với chiến sỹ kiến cường của chúng tôi, phải dành sự cảm ơn và tự hào gửi đến tất cả hơn 1000 người đang trực tiếp thực hiện công tác chống dịch tại bệnh viện và 1000 cán bộ hậu phương ở nhà. Họ vẫn cùng làm việc không ngừng nghỉ, không kể ngày đêm vì công việc chung của bệnh viện, vì mục tiêu chung phòng chống dịch. Chúng ta hãy giữ vững và phát huy tinh thần này để chờ ngày chiến thắng.

Cuối cùng, tôi xin dành lời cảm ơn đến Lãnh đạo Bộ Y tế, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể; các đơn vị, tổ chức; nhà hảo tâm và người dân cả nước đã điện thư, động viên, hỗ trợ bệnh viện trong thời gian qua. Chúng tôi tin tưởng rằng Bệnh viện K sẽ sớm vượt qua thách thức này, là ngôi nhà chung “Trao hy vọng – Nhận niềm tin” của hàng trăm ngàn người bệnh ung thư./.


Thăm dò ý kiến