GS. Đinh Văn Thắng - Người thầy của ngành phụ sản

03/03/2014 | 11:41 AM

 | 

Các giáo sư, các thầy thuốc tài năng của ngành sản phụ khoa luôn nhớ về GS. Đinh Văn Thắng, người thầy tận tụy và mẫu mực, có tâm hồn và nhân cách lớn, là người sáng lập - lãnh đạo ngành với nhiều cống hiến lớn cho việc bảo vệ sức khỏe phụ nữ và bà mẹ Việt Nam.


GS. Đinh Văn Thắng

Vinh dự lớn đến với GS. Đinh Văn Thắng, một trong 5 gia đình đại diện cho nhân dân Thủ đô trong đêm giao thừa Tết Canh Tý. Đêm 27/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh, thân tình, giản dị như người cha đến với con cháu, đã đến thăm ông và gia đình tại nhà riêng - số 15 phố Chân Cầm - Hoàn Kiếm - Hà Nội. Sau những phút hồi hộp đưa Hồ Chủ tịch đi xem bếp của nhà có vệ sinh không, theo lời của Người, Bác ngồi nói chuyện thân mật với giáo sư và 4 con của ông. Rất xúc động được gặp Bác, GS. Thắng không nói được nhiều, ông kính chúc Bác mạnh khỏe. Bác cười  vui: “Mạnh khỏe thì tốt lắm, không cần bác sĩ nữa”. Bác hỏi tình hình công tác, việc học tập của các cháu và việc chuẩn bị Tết  của gia đình.  Bác chia kẹo và bảo các cháu hát cho Bác nghe. Con trai đầu là Đinh Thế Cảnh ngày thường tính  nhút nhát, đã xung phong hát bài “Đêm hoa đăng”.  Bác nhắc giáo sư chuyển lời Bác chúc Tết tới vợ ông, bà  Nguyễn Thị Hảo không được gặp Bác vì đang bận trực ở nhà hộ sinh Cầu Đất. Bác còn nhờ giáo sư  chuyển lời thăm và chúc Tết tới cán bộ, nhân viên và người bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai và các Bệnh viện khác ở Thủ đô. Niềm vui và vinh dự lớn đó đã  khích lệ GS. Đinh Văn Thắng trong suốt quá trình công tác và hoạt động của mình.

Người Viện trưởng đầu tiên - người sáng lập, xây dựng ngành phụ sản Việt Nam  

Hà Nội mới giải  phóng, ngoài mấy nhà hộ sinh tư, việc chăm lo sinh sản cho phụ nữ cả thành phố trông cậy chủ yếu vào Khoa sản Bệnh viện Bạch Mai. Phòng cho các bà mẹ chật hẹp, các bác sĩ phải mổ với thiết bị phương tiện thiếu thốn. Khoa không có phòng xét nghiệm và khu chăm sóc trẻ  sơ sinh. 

GS. Đinh Văn Thắng đã tích cực đề nghị Nhà nước bổ sung cán bộ và cung cấp thêm dụng cụ, các thiết bị và thuốc chuyên khoa để triển khai việc đỡ đẻ, mổ đẻ, tăng thêm việc khám chữa bệnh phụ khoa, thành lập khu chăm sóc trẻ sơ sinh, xây dựng phòng xét nghiệm, nâng cao các kỹ thuật trong việc mổ lấy thai, mổ rò bàng quang âm đạo. 

Sau 5 năm, Khoa sản Bệnh viện Bạch Mai đã được phát triển, theo sự đề nghị tích cực của Giáo sư, ngày 8/11/1960, Bộ Y tế đã quyết định thành lập Bệnh viện chuyên khoa Phụ sản có địa điểm tại phố Triệu Quốc Đạt - Tràng Thi, Hà Nội.

Sau 5 năm, Bệnh viện đã có nhiều  chuyển biến, GS. Thắng lại trăn trở, day dứt với tình trạng  phụ nữ  Việt Nam có nhiều bệnh  mới, nhiều tai biến sinh sản và  tử vong. Ông đã dành nhiều thời gian gặp lãnh đạo Bộ, viết báo cáo giải trình để thuyết phục các cơ quan Đảng, Nhà nước về sự cần thiết phải thành lập một Viện chuyên ngành, ngoài việc chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh, còn phải tổ chức nghiên cứu khoa học, chỉ  đạo các địa phương và tham gia đào tạo cán bộ.

Mặc dù cả nước đang bận rộn đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, ngày 14/5/1966, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký quyết định thành lập Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh (nay là Bệnh viện Phụ sản Trung ương). Bệnh viện chuyên khoa Phụ sản và Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh đã khám chữa bệnh cho hàng vạn chị em phụ nữ - bà mẹ ở Hà Nội và các tỉnh, đảm bảo gia đình hạnh phúc, mẹ tròn con vuông. Các thế hệ cán bộ, thầy thuốc, nhân viên của Viện  kế tục xứng đáng công lao vun đắp xây dựng Viện của GS. Đinh Văn Thắng, đã nỗ lực phấn đấu không ngừng đưa Bệnh viện ngày một  trưởng thành và phát triển.

Người thầy thuốc tận tụy  

GS. Đinh Văn Thắng luôn trực tiếp đi sâu, đi sát công tác chuyên môn; hằng ngày đi thăm khám bệnh, kiểm tra các bệnh phòng, thăm hỏi từng bệnh nhân. Bất kể mùa hè hay mùa đông, khoảng  22 giờ đêm ông thường tới Bệnh viện thăm bệnh nhân nặng và cho hướng xử lý từng ca khó. 

BS. Hoàng Sinh kể: “Đến giờ đi kiểm tra các khoa  phòng, thầy  thường đi giày lính cao cổ. Đế giày đóng cá sắt và có các đinh tù lồi ra. Khi thầy đi, tiếng giày va vào sàn nhà vang lên tiếng  kêu cồm cộp. Thầy nói: “Tôi không là lính, nhưng đi giày lính, tiếng nó kêu to. Thấy tiếng giày trước cửa phòng này, phòng kia sẽ biết tôi sắp vào, để mà chuẩn bị. Kẻo đến lúc tôi vào mới vội vàng sắp xếp thì mất thì giờ chung”. Thầy yêu cầu  khoa phòng và bệnh nhân: phải sạch sẽ, chiếu nằm trong phòng phải đồng màu, chăn gối xếp gọn, quần áo sạch sẽ, nhân viên phải lo cho bệnh nhân áo quần lành lặn (rách thì phải vá). Bà Đào Thị Hợp, y tá, người đã theo giáo sư từ  năm 1955 đến 1974  đã xúc động kể: “Khi  giáo sư  đến khoa  thăm bệnh nhân. Tôi bưng khay thuốc đi theo đến từng giường bệnh. Mỗi tình trạng bệnh khác nhau, thầy đều giải thích và căn dặn chúng tôi cách phục vụ, chăm sóc thích hợp, nhất là phải ân cần nói cho bệnh nhân hiểu, động viên để họ an tâm, không lo lắng, căng thẳng. Giáo sư bảo đấy là thứ thuốc quý nhất đối với người bệnh”.

PGS. Đinh Thế Mỹ nhớ lại: “Giáo sư rất nghiêm khắc với việc thực hiện các quy tắc chuyên môn, thầy phê bình bác sĩ, kỹ thuật viên đội mũ len dưới mũ phẫu thuật”. 

Người thầy giáo mẫu mực 

GS. Đinh Văn Thắng là người thầy mẫu mực, mô phạm, song toàn cả về lý thuyết khoa học và thực hành,  với phương pháp sư phạm tuyệt vời. GS. Nguyễn Khắc Liêu, PGS. Đinh Thế Mỹ, TS. Phạm Thị Hoa Hồng và nhiều đồng nghiệp, học trò còn ấn tượng sâu sắc về các phương pháp giảng dạy của thầy. Qua các buổi khám, đi kiểm tra các khoa phòng, giao ban - là các giờ học bồi dưỡng thực tế sinh động và bổ ích cho các bác sĩ và sinh viên. Thầy đã chọn các ca phức tạp điển hình, ca bệnh đã tử vong hay những xử lý chưa tốt của các tua trực để phân tích, giải thích, nhận xét để giúp cho các bác sĩ và sinh viên thực tập cùng học hỏi.

PGS. Đinh Thế Mỹ hồi nhớ: “GS. Đinh Văn Thắng là một  nhà phẫu thuật giỏi, mổ tỉ mỉ và đẹp, các lớp mổ rõ ràng, sạch sẽ như tranh vẽ. Gặp trường hợp khó, ông thường nhắm mắt lại suy nghĩ vài phút rồi mới mổ tiếp chứ không vội vàng”. Để được như thế, bên cạnh những năng khiếu bẩm sinh, bản thân ông đã phải khổ luyện nhiều năm, kể từ khi còn là sinh viên y khoa. Học trò các thế hệ đã học tập  nhiều qua phong cách mổ của thầy.

GS. Nguyễn Khắc Liêu cảm động kể lại: “Có lần, trên cùng một người bệnh, thầy mổ một bên buồng trứng, còn bên kia, thầy phụ cho tôi mổ; lần khác, thầy chọn hai bệnh nhân giống nhau, thầy  mổ một và tôi phụ cho thầy, sau đó với bệnh nhân thứ hai, thầy phụ cho tôi mổ hoàn toàn”. Nhiều thầy thuốc tài năng trưởng thành, có tay nghề cao: có 6 giáo sư, 6 phó giáo sư, nhiều bác sĩ chuyên khoa 2 đảm nhiệm các chức vụ quan trọng ở Viện, ở Trường và các địa phương là học trò của ông. Đào tạo được nhiều bác sĩ giỏi là niềm say mê của giáo sư và ông luôn  nhắc nhở mọi người hãy tự vươn lên để đạt  trình độ cao hơn.


Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết  GS. Đinh Văn Thắng và gia đình  vào đêm giao thừa Tết Canh Tý (27/1/1960).

Nhà khoa học với một nhân cách lớn

Tâm đức - tận tụy vì người bệnh, vì sức khỏe của phụ nữ và các bà mẹ thể hiện qua việc giáo sư dày công, tận tâm nghiên cứu áp dụng những kỹ thuật, thủ thuật, phương pháp mới để làm tốt hơn việc khám, chữa bệnh. Ngay từ những năm đầu ở Khoa sản Bệnh viện Bạch Mai, GS. Đinh Văn Thắng - Trưởng khoa và về sau với tư cách Giám đốc Bệnh viện Phụ sản, Viện trưởng Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh và Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, đã quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học. Giáo sư đã nghiên cứu và hướng dẫn sinh viên cùng nghiên cứu những đề tài phục vụ thực tế, phục vụ đông đảo phụ nữ và bà mẹ Việt Nam.

Giáo sư  yêu cầu các bác sĩ phải tích cực đọc sách báo chuyên môn. Ông chủ trì các buổi sinh hoạt khoa học định kỳ của Viện và của Hội nhằm cập nhật các kiến thức mới, các kết quả nghiên cứu khoa học của Viện và các nước. Các nội san của Hội Sản phụ khoa, các tập kỷ yếu công trình khoa học của Viện, của ngành được xuất bản đều đặn

Thầy tổ chức các lớp học bổ túc về chuyên môn và ngoại ngữ Anh văn cho cán bộ Viện. Tuy đã 60 tuổi, nhưng thầy vẫn tham dự lớp học đều đặn và nghiêm túc.

Trong cuộc sống, GS. Đinh Văn Thắng là người giản dị, tác phong đĩnh đạc, lịch thiệp, quần áo chỉnh tề, hay mặc áo vét hoặc áo blu-dông và đeo  cra-vát. Buổi sáng ông chỉ uống một ly cà phê đen rồi tới bệnh viện bằng xe đạp hoặc xe máy Mô-by-lét. Khi các giáo sư có tiêu chuẩn ô tô riêng,  thầy chỉ dùng  ô tô khi đi họp hoặc đi công tác các tỉnh. Thầy là tấm gương về quan  hệ với mọi người, quan tâm  đến cán bộ và người thân của họ, coi trọng những người làm việc hiệu quả.

Năm 1973, giáo sư bị ốm nặng, phải vào điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Cán bộ Viện lo sức khỏe cho ông, thì ông lại lo việc phát triển sau này của Viện và căn dặn phải coi trọng việc đào tạo chuyên môn, xây dựng  đội ngũ kế cận. Nhiều hoài bão, dự định còn dang dở, nhưng thầy đã ra đi mãi mãi vào ngày 2/1/1974. Tang lễ của giáo sư đã được tổ chức trọng thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã đến viếng và dự lễ tang. Hàng vạn  đồng nghiệp, học trò  và nhân dân đã đến tiễn đưa giáo sư trên các đường phố Hà Nội.

Năm 2000, Nhà nước đã truy tặng GS. Đinh Văn Thắng Giải thưởng  Nhà nước về khoa học công nghệ về tập hợp các công trình cho ngành sản phụ khoa, góp phần thực hiện chiến lược con người của Đảng, Nhà nước ta.

Giáo sư đã đi xa được hơn 35 năm, nhưng hình ảnh thầy  vẫn  còn mãi trong tất cả những người đã từng  làm việc hoặc đã được  gặp ông. Các thế hệ lãnh đạo, bác sĩ, CBNV của Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh (nay là Bệnh viện Phụ sản Trung ương) đã dựng tượng kỷ niệm GS. Đinh Văn Thắng ở giữa khuôn viên của Viện và giảng đường lớn của Viện mang tên ông,  để nhắc nhở mọi người theo gương ông, một thầy thuốc mẫu mực, một nhà khoa học có nhân cách lớn.

Trần Giữu - Lan Hồng



Thăm dò ý kiến