TIN BÀI VỀ ĐƯỜNG DÂY NÓNG ĐĂNG TRÊN CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ Y TẾ Ngày 21-31/8/2017

31/08/2017 | 14:28 PM

 | 


 

1. Bác sỹ của 4 bệnh viện nỗ lực cứu sống bệnh bị nhồi máu cơ tim và xuất huyết não: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, Bệnh viện quận Thủ Đức cùng các bác sĩ Viện Tim, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM và Bệnh viện Nhân dân 115 cứu chữa bệnh nhân T.Đ.K (65 tuổi) bị nhồi máu cơ tim, biến chứng viêm phổi, xuất huyết não. Bệnh nhân K. là bác sĩ về hưu của một bệnh viện (BV) trong thành phố. Ngày 1/8 bệnh nhân nhập viện BV quận Thủ Đức trong tình trạng bị đau ngực trái sau xương ức dữ dội và đột ngột. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, có biến chứng rối loạn nhịp chậm, nghẽn nhĩ thất hoàn toàn. Sau khi hội chẩn và tư vấn gia đình, bệnh nhân được chuyển vào phòng can thiệp mạch vành để tiến hành tái thông mạch máu. Tại thời điểm vừa chuẩn bị dụng cụ để can thiệp mạch vành thì bệnh nhân K. xuất hiện rung thất - một dạng rối loạn nhịp nguy hiểm có thể gây tử vong. Các bác sĩ hồi sức tim mạch được huy động tiến hành hồi sinh tim phổi và sốc điện chuyển nhịp cho bệnh nhân. Sau khi bệnh nhân qua khỏi cơn rung thất thì nhịp tim lại quá chậm, không đủ đảm bảo cho chức năng sống. Được sự hỗ trợ chuyên môn Viện Tim, sau gần 2 giờ làm can thiệp thì mạch máu bị tắc của bệnh nhân đã thông trở lại. Bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tim mạch để tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, ngày 3/8, bệnh nhân tiếp tục bị biến chứng viêm phổi do hít phải dịch dạ dày trong quá trình hồi sức. Sau khi hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia BV Đại học Y dược, BV quận Thủ Đức tiến hành điều trị bằng cách dùng thuốc mê để giảm thiểu đau đớn và gắng sức cho bệnh nhân. Sau 2 ngày, tình trạng bệnh nhân khá ổn định nên các bác sĩ cho ngưng thuốc để bệnh nhân tỉnh táo và cai máy thở. Nhưng sau đó bệnh nhân không thực sự tỉnh táo. BV quận Thủ Đức tiếp tục hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia của BV Nhân dân 115 để có hướng điều trị hợp lý. Bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc một mặt giảm thiểu khả năng tắc lại mạch máu ở tim đã can thiệp, vừa không làm nặng thêm tình trạng xuất huyết đang xảy ra. Sau gần nửa tháng được cứu chữa với 3 chuyên khoa tim mạch, hô hấp, ngoại thần kinh thì sức khỏe của bệnh nhân dần ổn định và được xuất viện. Bác sĩ Trần Hùng - Khoa Hồi sức tim mạch BV quận Thủ Đức - chia sẻ: Ca bệnh quá khó, bệnh nhân lại là đồng nghiệp nên áp lực phải cứu chữa cho bệnh nhân càng trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Sau khi tham khảo nhiều tài liệu trong và ngoài nước, ý kiến từ các chuyên gia BV bạn thì chúng tôi được tiếp thêm dũng khí để tiếp tục điều trị cho bệnh nhân. Nhớ lại những ngày vừa qua, cả ê kíp chúng tôi đều thở phào nhẹ nhõm và cảm thấy thực sự hạnh phúc.

 

2. Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cứu sống bệnh nhân bị đâm thấu tim: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang vừa cứu sống một bệnh nhân trong tình trạng bị đâm thấu tim, sốc mất máu nặng. Ngày 18/8, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Vi Văn Mạnh (30 tuổi, trú tại xã Lang Quán, Yên Sơn, Tuyên Quang) trong tình trạng sốc mất máu nặng, mạch 0, huyết áp 0, có 1 vết thương vùng ngực khoảng 3cm, chảy rất nhiều máu, 1 vết thương vùng cằm. Bệnh nhân bị vật sắc nhọn đâm vào vùng 1/3 dưới xương ức, máu chảy rất nhiều. "Xác định tình trạng bệnh nhân nguy kịch cho vết đâm thấu tim, các bác sĩ đã nhanh chóng cấp cứu hồi sức, nâng huyết áp, chụp X – quang tại giường bệnh và chuẩn bị ngay phòng phẫu thuật cấp cứu", Bác sĩ Nguyễn Kim Cương - Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang) cho biết. Trong quá trình phẫu thuật, kíp mổ tiến hành mở ngực, thấy vết thương rách màng tim và thất phải rộng 3cm, khâu lại thất phải, dẫn lưu màng phổi 2 bên, đóng lại thành ngực.Hiện tại sau mổ, bệnh nhân đã ổn định, tỉnh, được thở máy, huyết áp 120/80, tiếp tục được điều trị và theo dõi sát thể trạng tại khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang.

 

3. Các bác sỹ Bệnh viện Quốc tế Đồng Nai cứu sống sản phụ bị thai nhi nằm ngang do các khối u xơ khắp tử cung: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, Bệnh Viện Quốc tế Đồng Nai vừa cứu sống một sản phụ bị thai nhi (4kg) nằm ngang do các khối u xơ tràn khắp tử cung. Ngày 20/8, thông tin từ Bệnh Viện Quốc tế Đồng Nai cho biết, tuy thai nhi (nặng 4 kg) nằm ngang do bị các khối u xơ tràn lan khắp tử cung chắn, nhưng hiện sản phụ Hồ Thị My, (36 tuổi, ở ấp Tân Phước 2, xã Tam Phước, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) đã qua cơn nguy kịch, hồi phục và có thể xuất viện. Đây là một trường hợp rất hiếm gặp. Trước đó, ngày 14/8, sản phụ Hồ Thị My nhập viện để sinh thường. Tuy nhiên, tiến hành kiểm tra trước khi sinh, các bác sĩ Bệnh Viện Quốc tế Đồng Nai phát hiện thấy những bất thường nêu trên nên thai phụ được chỉ định mổ cấp cứu khẩn cấp. Tiến hành phẫu thuật, lúc đầu, các bác sĩ Bệnh Viện Quốc tế Đồng Nai dự định vẫn bảo tồn tử cung cho bệnh nhân, chỉ mổ bắt con. Tuy nhiên, do lượng nhân xơ quá nhiều, nằm khắp tử cung nên nguy cơ chảy máu sau sinh rất lớn. Các bác sĩ đã hội chẩn ngay trên bàn mổ cho bệnh nhân và quyết định cắt tử cung để giải quyết các khối u xơ và cứu sống cả người mẹ lẫn thai nhi. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Kim Nga, Trưởng khoa sản, Bệnh viện Quốc tế Đồng Nai cho biết, khi tiếp nhận ca bệnh, các bác sĩ đã tiên lượng đây là ca bệnh khó. Tiến hành mổ cho sản phụ, các bác sĩ thấy nhiều khối u xơ lớn nhỏ khác nhau, tràn lan hết tử cung. Trường hợp này, nếu không được xử lý ngay các khối u xơ, nguy cơ bệnh nhân tử vong rất lớn. Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Nga cho biết, trong 13 năm làm về sản khoa, bác sĩ đã từng gặp nhiều trường hợp sản phụ có u xơ tử cung, nhưng đây là lần đầu tiên gặp trường hợp sản phụ có lượng u xơ nhiều và tràn lan như vậy. Người nhà sản phụ đã cảm ơn các bác sỹ đã kịp thời cứu sống cả mẹ và con.

 

4. Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cứu sống bệnh nhân mắc bệnh hiếm gặp tắc động mạch: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị vừa chữa trị thành công cho một bệnh nhân mắc bệnh hiếm gặp tắc động mạch mạc treo tràng trên do bóc tách và huyết khối. Đến nay, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định. Trước đó, ngày 10/8, bệnh nhân Đặng Quang Tuấn (SN 1960, trú tại khu phố 8, phường 1, TP Đông Hà, Quảng Trị) nhập viện với triệu chứng đau bụng dữ dội, ớn lạnh, sốt... Ngay sau đó, ông Tuấn được đội ngũ y, bác sỹ của bệnh viện khám, chụp X-quang, siêu âm bụng, xét nghiệm máu. Kết quả, các bác sỹ nhận định, bệnh nhân bị tắc động mạch mạc treo tràng trên do bóc tách và huyết khối; Đồng thời, đưa ra hướng điều trị tích cực can thiệp nội mạch để tái thông mạch máu bị tắc, dùng thuốc tiêu sợi huyết làm tan cục máu đông ở trong lòng mạch. Chỉ sau 4 giờ điều trị, bệnh nhân đã hết đau bụng, mạch máu tắc được tái thông hoàn toàn. Theo các bác sỹ, bệnh lý của bệnh nhân Tuấn thông thường rất khó phát hiện, vì vậy sẽ gây hoại tử ruột, nhiễm trùng, nhiễm độc, ảnh hưởng đến tính mạng. Đây là một bệnh lý hiếm gặp trong ngành y. Dù là ca hiếm gặp nhưng đã được phát hiện và chữa trị kịp thời. Hiện, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, ngày 18/8 có thể xuất viện.

 

5. Các bác sỹ Bệnh viện Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh cứu sống bệnh nhân chét lâm sàng: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế nngafy 21/8, Bệnh viện Trung Vương thành phố Hồ Chí Minh đã cứu sống một người đàn ông "thập tử nhất sinh" do nhồi máu cơ tim và đã được một cơ sở y tế tại TP trả về để lo hậu sự. Bệnh nhân là ông P.V.L (61 tuổi, ngụ tỉnh Long An). Trước đó, ông L. được chuyển đến cấp cứu trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, sốc nặng, tổn thương gan, thận… Các bác sĩ đã hồi sức tích cực, đặt nội khí quản, cho bệnh nhân dùng thuốc vận mạch liều cao. Sau 12 ngày điều trị, bệnh nhân đã được rút nội khí quản, men tim gần như trở lại bình thường. Hiện sức khỏe ông L. đã ổn định, tiếp xúc tốt, tự đi đứng, ăn uống được. Tuy nhiên, ông còn được tiếp tục theo dõi, đồng thời sẽ được can thiệp mạch vành để điều trị. Theo bác sĩ Nguyễn Thiên Bình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Trưng Vương, ông L. có hiện tượng may mắn được cơ thể tái thông tự nhiên, cục huyết khối gây nhồi máu đã tự xử lý, men tim giảm dần, huyết áp dần hồi phục. Trước đó, đang khỏe mạnh, bỗng dưng ông L. đau nhói ngực dữ dội, vã mồ hôi, tái xanh. Ngay lập tức, ông được chuyển đến cơ sở y tế địa phương cấp cứu và được chuyển ngay lên một bệnh viện tuyến trên tại TP HCM. Tại đây, ông L. được tư vấn can thiệp nhưng tiên lượng sống thấp nên người nhà chấp nhận cho điều trị nội khoa. Sau 2 ngày, tình trạng sức khỏe của ông L. diễn tiến xấu, lịm dần, được bệnh viện này khuyên nên đưa về. Trong lúc chuẩn bị lo hậu sự cột 2 ngón chân cho ông L. thì người nhà phát hiện ông ngoắc ngoắc tay nên liên lạc với một bác sĩ ở Bệnh viện Trưng Vương qua mạng và được bác sĩ này khuyên đưa vào bệnh viện để được cứu chữa.

 

6. Các bác sỹ Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn phẫu thuât chữa dị tật bẩm sinh cho bé gái bị bỏ rơi trước cổng chùa Lạc Pháp: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 24/8, các bác sỹ  Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhi nữ Phạm Đức Hậu (4 tuổi) là trẻ mồ côi, bị cha mẹ bỏ rơi từ tháng tuổi đầu tiên trước cổng  chùa Lạc Pháp (Bình Phước). Các bác sỹ đã cắt xương, sửa trục cho bệnh nhi nữ Phạm Đức Hậu (4 tuổi), mắc chứng trật khớp háng bẩm sinh với các biểu hiện 2 chân không bằng nhau (chi cao, chi thấp).  Bé là trẻ mồ côi, bị cha mẹ bỏ rơi từ tháng tuổi đầu tiên trước cổng chùa Chùa Lạc Pháp (Bình Phước), được trụ trì tiếp nhận nuôi dưỡng tại trung tâm bảo trợ của Chùa. Bé nhập viện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ, qua thăm khám, các bác sĩ cho biết bệnh của bé được phát hiện trễ, nay cháu đã 4 tuổi nên việc chỉnh lại khớp là rất cần thiết để giúp cháu phát triển bình thường, không ảnh hưởng tới tương lai lâu dài. Ê-kíp các bác sĩ Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã thực hiện phẫu thuật cắt xương sửa trục, tạo hình ổ cối và bó bột chân đùi bàn chân cố định trong 2 tháng. Sau khi tháo bột, cháu sẽ tập đi lại tự nhiên không cần thực hiện nắn khớp hay tập vật lý trị liệu. Theo bác sĩ Nguyễn Tấn Lãm – Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hoàn Mỹ cho biết Trật khớp háng bẩm sinh là bệnh có thể phát hiện ngay sau sinh hoặc trong vài tuần đầu sau sinh.  Ngoài ra, nếu chụp khớp háng hoặc siêu âm khớp háng có thể giúp chẩn đoán trật khớp háng. Hiện trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ thường không được phát hiện sớm, đa số các gia đình chỉ đưa con đi khám khi bé đã biết đi và có các dấu hiệu: đi tập tễnh, một chân yếu hẳn so với chân còn lại, ….. dẫn tới điều trị khó khăn và khó thành công hoàn toàn. Do khi bị bệnh này trẻ không cảm thấy đau, không quấy khóc nên bố mẹ cần để ý những khác biệt của trẻ. Các bác sĩ khuyến cáo, bố mẹ nên tầm soát cho trẻ ngay sau sinh để có thể phát hiện những căn bệnh bẩm sinh và điều trị kịp thời.

 

7. Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh gửi lời cảm ơn các bác sỹ Bệnh viện Quân Y 175 đã cứu sống công dân Hàn Quốc: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM vừa gửi thư cảm ơn sâu sắc tới BV Quân Y 175 đã cho ông Jeong Jae Geun nhập viện và bằng kĩ thuật y khoa tiên tiến, đã tận tâm điều trị căn bệnh viêm tụy. Ngày 25/7, bác sĩ (BS) Nguyễn Đức Thành, BV Quân Y 175 (TP.HCM) cho biết, sau một thời gian điều trị tận tình cho bệnh nhân Jeong Jae Geun, quốc tịch Hàn Quốc,Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM đã gửi thư cảm ơn đến BV đồng thời BV cũng cho bệnh nhân Jeong Jae Geun  xuất viện, về nước. Thư viết: Tổng Lãnh Sự Quán Hàn Quốc tại TP.HCM trân trọng kính chào Cơ Quan Chính Phủ Việt Nam, BV Quân Y 175. Chính Phủ Hàn Quốc xin thay mặt công dân Hàn Quốc Jeong Jae Geun (sinh năm 1964), xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới BV Quân Y 175 đã cho ông Jeong nhập viện và bằng kĩ thuật y khoa tiên tiến, đã tận tâm điều trị căn bệnh viêm tụy cho ông Jeong tại BV Quân Y 175. Sự hỗ trợ điều trị trên tinh thần nhân đạo của BV Quân Y 175 góp phần cũng cố tình hữu nghị giữa công dân 2 nước trong mối quan hệ Việt Hàn, giúp mở rộng sự hợp tác giao lưu nhân dịp kỷ niệm 25 năm hữu nghị. Tổng Lãnh Sự Quán Hàn Quốc dự định sẽ đưa ông Jeong về Hàn Quốc và giúp đỡ ông Jeong cho tới khi hồi phục.Vì vậy, chúng tôi hy vọng BV sẽ cung cấp tình trạng sức khỏe hiện tại của ông Jeong và những yêu cầu cần thiết.Một lần nữa, chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự hỗ trợ điều trị quý báu lần này và kính chúc BV Quân Y 175 ngày càng phát triển. Được biết, hiện tại bệnh nhân đã ăn uống, đi lại nói chuyện được, tinh thần ổn định. Trước đó, BS Nguyễn Đức Thành, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức Cấp cứu, BV Quân y 175 cho biết, bệnh nhân Jeong Tae Geun nhập viện ngày 11-5 với bệnh cảnh viêm tụy cấp, tình trạng da bọc xương, loét cùng cụt, thiếu máu, tràn dịch đa màng. Trước đó bệnh nhân đã điều trị ở nhiều BV nhưng vẫn chưa khỏi dẫn đến cơ thể suy kiệt nặng, loét, sốt, thiếu máu. Lúc này ổ áp xe sau phúc mạc rò vào đường tiêu hóa rất nghiêm trọng. Các BS ở BV 175 đã hội chẩn liên viện với BV Chợ Rẫy, sau đó bệnh nhân được quyết định phẫu thuật. Mặc dù phải điều trị thuốc vận mạch, thở máy, lọc máu liên tục, kháng sinh mạnh phối hợp, dinh dưỡng chế độ đặc biệt..tốn rất nhiều chi phí nhưng bệnh nhân lại là người nước ngoài, vào viện không thân nhân, không có tiền khiến các bác sĩ gặp khá nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, khoa đã báo cáo Ban Giám đốc BV, quyết định hỗ trợ chi phí điều trị song song với việc tìm sự giúp đỡ từ hội từ thiện bệnh nhân nghèo, đại sứ quán Hàn Quốc, hội người Hàn Quốc tại TPHCM… nhằm hỗ trợ bệnh nhân.

 

8. Các bác sỹ Bệnh viện Nhi Đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh phẫu thuật thành công cắt khối u vùng chẩm cho bé gái 2 ngày tuổi: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 25/8, các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh vừa cứu sống thành công một bệnh nhi 2 ngày tuổi bị thoát vị não màng não vùng chẩm cổ khá hiếm gặp. Bệnh nhi được chuyển từ BV Kiên Giang lên sau khi sinh thường 2 ngày, sinh hiệu ổn định nhưng có khối u ở vùng chẩm cổ lớn, kích thước 10x15cm. Bệnh nhi vào viện với tình trạng nhiễm trùng máu, viêm màng não. “Sau khi đưa bé vào BV, gia đình đã bỏ rơi con mình dù BV đã cố gắng liên lạc nhưng không thành công”,  BS Lê Bích Liên, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết. Để thuận tiện cho việc chăm sóc và điều trị, bé được BV làm các thủ tục của một bệnh nhi bỏ rơi. Tiếp đó tiến hành hội chẩn lãnh đạo BV, thực hiện các xét nghiệm, chụp MRI để chuẩn bị cho ca mổ. Theo BSCK1 Phan Minh Trí– Khoa Ngoại Thần Kinh, BV Nhi Đồng 1, kết quả MRI của bệnh nhi xuất hiện khá nhiều bất thường, phải hội chẩn với nhiều chuyên khoa mới có thể thực hiện ca mổ sớm vào ngày 17/8. Căn cứ theo y văn các khối u xuất hiện ở vùng chẩm cổ thường có kích thước khá nhỏ nhưng khối u của bệnh nhi này lại có kích thước quá lớn. Phần xương hở và các xoang tĩnh mạch trên lồi ra ngoài nhiều khiến tình trạng bệnh nhi nặng hơn rất nhiều. “Do khối thoát vị quá lớn nên việc phẫu thuật gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên chúng tôi phải tìm cách đặt bé nằm ở tư thế phù hợp nhằm bảo tồn thật nhiều gân cơ cho bé. Thứ hai phải làm sao đóng được cửa thoát vị rộng mà không làm tổn thương xoang tĩnh mạch vốn rất mong manh. Bên cạnh đó, phải cân nhắc tỉ mỉ, tính toán làm sao sau phẫu thuật lượng da đắp vào lỗ trống vừa đủ mà không dư, không thiếu. Sau hơn 4 giờ phẫu thuật, hiện bệnh nhi đã cai được thở máy, tình trạng ổn định”, BS Trí cho biết. Theo ThS-BS Nguyễn Kiến Mậu, thời gian qua các nhân viên y tế đã nhiều lần liên hệ với người nhà bệnh nhi nhưng không được, gọi điện thoại không bắt máy. Bệnh nhi hiện vẫn còn cần chăm sóc tại BV nên sau này khi nào cháu đủ tiêu chuẩn xuất viện mà vẫn không liên hệ được người nhà, VV sẽ liên hệ với cơ quan chức năng làm thủ tục chuyển giao bé cho các cơ sở tiếp nhận trẻ bị bỏ rơi của Sở Lao động - Thương binh – Xã hội TP.HCM. Nói riêng về dị tật thoát vị não màng não, theo BS Lê Bích Liên, dị tật này vốn có thể chẩn đoán trước sinh để dự liệu phương án xử lý. Khi mang thai, các thai phụ nên chú ý ột số yếu tố nguy cơ có liên quan như mẹ có rối loạn chuyển hóa, sử dụng thuốc động kinh, nhiễm virus khi mang thai, sử dụng chất kích thích như ma túy, tắm hơi trong khi mang thai… để nhanh chóng kiểm tra, và xử trí theo lời khuyên của BS.

 

9. Một chàng thanh niên nghèo được hồi sinh từ tấm lòng của người thầy thuốc Bệnh viện đa khó Trung ương Cần Thơ: Theo thông tin được phản ánh đến Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 23/8, Nguyễn Hoàng Khang, chàng trai nghèo bị u tim đã được được 'hồi sinh' sau một ca phẫu thuật khó và sự chia sẻ đầy cảm động từ các bác sĩ. Cách đây chưa đầy 2 tuần, bi kịch bỗng dưng ập xuống gia đình Khang (20 tuổi, ngụ ấp Nhơn Lộc 1A, Thị trấn Phong Điền, Huyện Phong Điền, Thành phố Cần Thơ). Anh cảm thấy rất mệt, phải vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ và được chẩn đoán bị u nhầy nhĩ trái; hở van hai lá trung bình; hở van ba lá nặng; tăng áp phổi trung bình; tiên lượng rất nặng, phải phẫu thuật cấp cứu. Nỗi lo bệnh tật kéo theo chi phí mổ tim quá lớn như cơn bão táp kéo đến giày vò gia đình Khang. Trước đó, cũng vì nhà nghèo, Khang phải nghỉ học giữa chừng đi làm thuê. Hiện tại, cha Khang làm nghề bốc vác, mẹ bán sữa đậu nành, đến tấm thẻ bảo hiểm y tế cho con còn không mua nổi huống chi lo chi phí phẫu thuật dự kiến gần 90 triệu đồng... Cả gia đình Khang bất lực, đành chấp nhận số phận.“Lúc đó nhìn Khang khóc nức nở mọi người trong khoa không ai có thể cầm lòng.Và quan điểm của bệnh viện lúc ấy là cứ mổ cứu người trước, rồi tính sau”, BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, nói. Ngày 12/8, ê kíp bác sĩ của Phân khoa Phẫu thuật tim Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ với sự hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) tiến hành phẫu thuật cấp cứu bóc tách u nhầy cho Khang. Ca phẫu thuật thành công cũng là lúc Khoa Tim mạch và Phòng Công tác xã hội bệnh viện đưa lời kêu gọi, vận động giúp đỡ cho Khang. Điều đặc biệt là chính các Bác sỹ trong ê kíp phẫu thuật, Bác sỹ và điều dưỡng Khoa Tim mạch, Khoa Nội tiết, Khoa Gây mê hồi sức, bạn bè và gia đình nhân viên y tế bệnh viện đã ủng hộ Khang tổng số tiền gần 52 triệu đồng. Bác sỹ Phạm Thanh Phong trực tiếp xin thêm Hội hỗ trợ người nghèo Tây Nam bộ cho Khang 45 triệu đồng. Hôm 23/8, đúng 11 ngày từ lúc nhập viện, Khang được xuất viện cùng lời dặn dò của Bác sỹ Phong: “Kết quả siêu âm tim kiểm tra trước khi ra viện rất tốt, em hoàn toàn bình phục để trở về với cuộc sống bình thường”. Bước ra khỏi phòng bệnh, Khang và cha mẹ mình xúc động không nói thành lời.

 

10. Các bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau cứu sống sản phụ năm lần ngừng tim sau sinh: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, một sản phụ ở Cà Mau lên cơn co giật, ngừng tim 5 lần sau sinh đã được các bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau jkijp thời cứu sống. Đại diện Bệnh viện Sản nhi Cà Mau ngày 25/8 cho biết sức khỏe sản phụ Nguyễn Thị Như đang phục hồi tốt, có thể ra viện trong vài ngày tới. Hai tuần trước, sản phụ Như sinh mổ con gái đầu lòng tại Bệnh viện Đa khoa Đầm Dơi. Vài giờ sau sinh, sản phụ đột ngột lên cơn co giật, ngừng tim năm lần, được chuyển đến Bệnh viện Sản nhi Cà Mau cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán, sản phụ hôn mê sâu do thiếu ôxy não sau ngưng tim, ngưng thở kèm sản giật, rối loạn đông máu, suy gan, suy thận... Các bác sĩ hồi sức cho bệnh nhân, thở máy, dùng thuốc vận mạch liều cao.Hơn một tuần điều trị sản phụ đã tỉnh táo, ngừng thở máy, hiện tại có thể đi lại bình thường. "Người nhà đã mời bác sĩ từ Bệnh viện Chợ Rẫy xuống thăm khám và xin chuyển viện nhưng không được do sức khỏe sản phụ không đảm bảo", bác sĩ nói.Sản phụ đang tập vật lý trị liệu, phục hồi sức khỏe.

 

11. Lần đầu tiên, hơn 450 y bác sĩ tình nguyện hiến tạng sau khi qua đời: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, lần đầu tiên hơn 450 y bác sỹ đã đăng ký hiến tạng sau khi qua đời. Sự kiện trao 456 thẻ hiến tạng tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đã mở ra một trang mới cho lĩnh vực đăng ký hiến tạng theo khối cơ quan tại Việt Nam. Phát biểu tại Ngày hội đăng ký hiến mô tạng diễn ra chiều ngày 26/8 tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, GS.TS. Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: Chỉ trong 1 tuần vận động, Viện Huyết học đã nhận được 456 đơn đăng ký hiến tạng sau khi chết của cán bộ công nhân viên bệnh viện. “Phải vận động từng cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước hiến, ghép mô tạng. Điều đầu tiên nên vận động trước hết đối với cán bộ Y tế để tạo ra một cuộc cách mạng trong vận động hiến tạng”, GS Trí, một người có rất nhiều kinh nghiệm vận động hiến máu nhân đạo rất thành công, chia sẻ. Trước những bày tỏ của GS Trí, GS Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã bày tỏ sự tri ân sâu sắc với GS Nguyễn Anh Trí - một người đồng nghiệp lớn - không chỉ ủng hộ mà còn tư vấn và tiên phong thực hiện chương trình vận động đăng ký hiến tạng sau khi chết trong khối cơ quan đoàn thể. GS Sơn chia sẻ khó khăn lớn nhất của ngành ghép tạng nước ta hiện nay là khan hiếm nguồn tạng (tính đến nay chỉ có 7. 400 người đăng ký hiến tạng sau khi qua đời). Do đó, “Con số 465 thầy thuốc, cán bộ nhân viên y tế Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đăng ký hiến tạng thực sự có ý nghĩa trong việc cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế và mọi người dân tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng để cứu chữa người bệnh và phục vụ nghiên cứu khoa học”, GS. Trịnh Hồng Sơn nói. Chia sẻ với chúng tôi bên lề buổi lễ, GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết, ông đã đăng ký hiến tạng sau khi chết cách đây 2 năm bởi mong muốn một phần cơ thể của mình hữu ích với một ai đó - những người đang mỏi mòn chờ được sống.

 

12. Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, phẫu thuật nội soi viêm ruột thừa cấp hiếm gặp ở bé 31 tháng tuổi: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, các bác sỹ Khoa Ngoại - Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) vừa tiến hành phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa viêm thành công cho bệnh nhi 31 tháng tuổi, hiếm gặp. Bệnh nhi là Phan Vũ Huy, ở Gia Hanh - Can Lộc, nhập viện vào chiều ngày 22/8, với biểu hiện đau bụng từng cơn, bụng chướng.. Tại đây các bác sĩ đã thăm khám, làm các xét nghiệm, siêu âm và hội chẩn với viêm ruột thừa cấp, đồng thời chỉ định mổ cấp cứu bằng phương pháp nội soi Trocart. Với phương pháp phẫu thuật mới, hiện đại mổ nội soi qua 2 lỗ Trocart: rốn và hố chậu trái, các bác sĩ đã cắt bỏ ruột thừa viêm thành công. Sau mổ, bệnh nhân được điều trị theo hướng truyền dịch, giảm đau, chống viêm, kháng sinh, đặt ống dẫn lưu. Hiện tại, sau mổ 3 ngày bệnh nhi tiến triển tốt, vết mổ khô, bụng mềm không chướng và hết sốt, có thể xuất viện đầu tuần tới. Được biết, viêm ruột thừa có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng ở trẻ 31 tháng tuổi thì rất hiếm. Nếu vì một nguyên nhân nào đó làm cho lòng ruột thừa bị tắc nghẽn (do sỏi phân, quá sản tổ chức limpho ở thành ruột thừa, dị vật..) sẽ khiến cho ruột thừa bị sưng lên và nhiễm trùng, tạo thành ruột thừa viêm. Nếu không điều trị, ruột thừa có thể bị hoại tử, vỡ ra, vi khuẩn tăng sinh làm mủ lan tràn ổ bụng gọi là viêm phúc mạc gây nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng máu), suy đa cơ quan và cuối cùng là tử vong.

 

13. Các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy bảo lãnh tài chính cho bệnh nhân nghèo bệnh nặng: Theo phản ánh về Đường Dây nóng Bộ Y tế, thời gian gần đây, khoảng 2/3 các bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, nhập viện tại khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy đều thuộc hoàn cảnh hết sức khó khăn trong khi chi phí điều trị quá lớn hoặc không có thẻ bảo hiểm y tế. Điều này khiến các bác sĩ BV luôn cố gắng vừa điều trị vừa xin tiền hỗ trợ. Trường hợp gần đây nhất, BS Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy, chia sẻ với các đồng nghiệp về trường hợp bệnh nhân Trần Văn Em (27 tuổi, ở Bình Thuận). Anh này là công nhân, trên đường đi làm thì ngất xỉu, sau đó rơi vào nguy kịch nên các bác sĩ BV đa khoa Bình Thuận chuyển thẳng lên BV Chợ Rẫy cấp cứu với chẩn đoán bệnh nhân bị viêm cơ tim, phù phổi, loạn nhịp tim, ngưng tim. Tình trạng bệnh nhân quá nặng, các bác sĩ xác định cách duy nhất để cứu sống bệnh nhân là dùng kỹ thuật ECMO. Tuy nhiên, để sử dụng kỹ thuật này đòi hỏi một chi phí rất lớn trong khi gia đình bệnh nhân lại rất khó khăn. Trước tình hình đó, bác sĩ khoa ICU đã xin ý kiến lãnh đạo BV và trong vòng 45 phút các bác sĩ cho bệnh nhân đặt máy, chạy kỹ thuật ECMO. Đồng thời bệnh nhân được lọc máu liên tục vì suy thận, phù phổi. Đến nay bệnh nhân đã hồi phục tim nhưng thận chưa có nước tiểu. Dự kiến sẽ phải liên tục lọc thận trong thời gian tới cho đến khi phục hồi.  “Bệnh nhân này dù đã có bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng chi phí điều trị đến thời điểm hiện tại đã gần 300 triệu đồng, trong đó BHYT chi trả cho 1/2 số này. Số tiền còn lại gia đình phải chật vật vay mượn khắp nơi, phần khác BV nhờ phòng công tác xã hội liên hệ mạnh thường quân hỗ trợ. Trường hợp này còn tạm đỡ, có nhiều trường hợp khác chúng tôi gặp, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch nhưng lại không có BHYT, đây mới đúng là những thách thức lớn của đội ngũ bác sĩ” - BS Linh cho biết. Bệnh nhân Phan Thị Bích Loan (huyện Tam Bình, Vĩnh Long) mà BV tiếp nhận gần đây cũng trong tình trạng suy hô hấp rất nặng, vật vã, tím tái, huyết áp thấp, mạch nhanh, thở máy chế độ cao. Chỉ có thể sử dụng phương pháp ECMO ngay cho bệnh nhân mới tránh nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, số tiền điều trị quá lớn mà Bích Loan vừa học xong lớp 12, BHYT hết hạn cuối tháng 5-2016. Vì vậy bệnh nhân và gia đình không được hưởng chế độ thuốc và dịch vụ tính theo BHYT, đành cắn răng xin về chờ chết. Nhìn thấy bệnh nhân vẫn còn hy vọng, các bác sĩ ngay trong đêm đã liên hệ các khoa, phòng và quyết định cứu bệnh nhân, sau đó mới lo chi phí. Đến nay bệnh nhân đã được cứu sống ngoạn mục. Theo BS Linh, những trường hợp bệnh nhân nghèo, cần kỹ thuật cao vào BV Chợ Rẫy hiện không hiếm, số lượng tăng lên khá nhiều. Riêng những ca bệnh nặng cần dùng tới kỹ thuật ECMO, có đến 2/3 là bệnh nhân nghèo, khoảng 20%-30% bệnh nhân không có BHYT. “Thông thường những trường hợp như thế này khoa đều xin ý kiến lãnh đạo BV, sau đó giải thích với người nhà khả năng của bệnh nhân để cố gắng tối đa có thể. Hầu như tất cả đều được BV hỗ trợ và chữa trị nếu còn cơ hội. Có những trường hợp bệnh nhân vào nửa đêm, chúng tôi cũng liên hệ mọi cách để làm sao chắc chắn có tiền cứu bệnh nhân mà không để bệnh nhân đánh mất cơ hội. Nhiều lúc chúng tôi rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, xin tiền khắp nơi điều trị nhưng bệnh nhân qua đời hoặc khỏi bệnh xong bệnh nhân đi mất thì bác sĩ cũng đành gồng gánh thêm khoản nợ” - BS Linh bày tỏ. Với những bệnh nhân điều trị kỹ thuật cao, vấn đề BHYT như một cứu cánh vô cùng lớn. Trước đây, một số kỹ thuật cao chưa được BHYT thanh toán nhưng một năm trở lại đây BHYT đã chi trả một phần khá nhiều. Do đó việc mua BHYT trong người dân bây giờ cực kỳ quan trọng. “Bệnh tình có thể đến bất cứ lúc nào, không nên vì một thẻ BHYT mà gây khó khăn cho chính mình và gia đình, vô tình bỏ đi cơ hội được điều trị” - BS Linh nhắn nhủ.

 

14. Cụ bà liệt 2 chân được các bác sỹ Bệnh viện Quận Thủ Đức thành phố Hồ Chí Minh phẫu thuật thành công: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 26/8, các bác sỹ Bệnh viện quận Thủ Đức thông tin vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân lớn tuổi bị liệt 2 chân. Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã vận động trở lại. Bệnh nhân là cụ T.T.K.H (70 tuổi, ngụ quận 9) nhập viện tại bệnh viện quận Thủ Đức ngày 2/8 trong tình trạng liệt 2 chân kèm mất cảm giác từ ngực trở xuống, nhiễm trùng đường tiểu, táo bón, không đi tiêu, đi tiểu được từ trước đó 2 tuần. Sau khi thăm khám và thực hiện chỉ định chụp MRI, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có khối u lớn, gây chèn ép tủy ngực D4, hẹp đốt sống thắt lưng và thoát vị đĩa đệm L3-L4, L4-L5, nhiễm trùng tiểu, táo bón, kèm theo bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp. Tại khoa Ngoại Tổng quát, bệnh nhân được điều trị phẫu thuật mở bàng quang, mở hậu môn nhân tạo để giải quyết vấn đề nhiễm trùng đường tiểu và táo bón. Hai ngày sau, bệnh nhân được chuyển lên khoa Ngoại Thần kinh để tiếp tục điều trị và phẫu thuật nhằm giải quyết vấn đề gây liệt 2 chân và mất cảm giác. Phẫu thuật lần đầu giải phóng tủy ngực D4 bị chèn ép dưới kính vi phẫu. Phẫu thuật lần hai sau đó 10 ngày, bệnh nhân được lấy khối thoát vị và làm rộng ống sống lưng, đặt dụng cụ nẹp vít kết hợp bơm xi măng vào thân đốt sống giúp cố định và thay đĩa đệm nhân tạo L3-L4, L4-L5. Cả 2 cuộc phẫu thuật diễn ra thành công. Bệnh nhân H đã ổn định, có cảm giác trở lại, vận động được 2 chân, đi tiêu, đi tiểu bình thường. Bệnh nhân được chỉ định tập vật lý trị liệu tích cực để hồi phục khả năng đi lại và được xuất viện vào chiều ngày 25/8. Cụ H. và người nhà vô cùng cảm ơn các bác sỹ đã giúp cụ đi lại được sau nhiều tháng ngày bị liệt.

 

 

15. Các bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cứu sống bé gái 16 tháng tuổi bị ho gà kèm biến chứng: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, các bác sỹ Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh đã cấp cứu thành công cho bé gái Hà Thị T. (16 tháng tuổi), trú tại thôn Vằng Chè, xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh bị mắc bệnh ho gà kèm biến chứng nặng phải lọc máu liên tục và điều trị. Sau 20 ngày được điều trị, hiện tình trạng bệnh nhân được cải thiện rõ rệt, trẻ tự thở, không sốt, không ho, đại tiểu tiện bình thường, dự kiến xuất viện trong thời gian tới. Trước đó, trẻ có ho, sốt, đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Hải Hà được chẩn đoán theo dõi bạch cầu cấp. Sau thời gian dùng thuốc không đỡ, trẻ có dấu hiệu nặng lên, sốt cao, khò khè, khó thở, uống thuốc không giảm và được chuyển lên Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh điều trị. Qua thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh chẩn đoán bé bị viêm phế quản cấp nên bệnh nhân bị thiếu máu và phải theo dõi triệu trứng của bệnh ho gà. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bạch cầu tăng cao bất thường (108.900/mm3), phản ứng dương tính với trực khuẩn ho gà… Qua hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị Suy hô hấp, viên phế quản cấp phổi, thiếu máu và ho gà. Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển  đến khoa Hồi sức Cấp cứu điều trị tích cực do số lượng bạch cầu trong máu quá cao, các bác sĩ chỉ định thay máu ngay trong đêm cho bé. Tuy nhiên, tình trạng trẻ vẫn diễn biến nặng hơn (li bì, sốt trên 41 độ, nhịp tim nhanh 200 ck /ph, tăng trương lực cơ toàn thân, bạch cầu máu tăng 79.9 G/l, tiên lượng bệnh nhân rất nặng…). Các bác sĩ tiến hành hội chẩn chuyên khoa lần 2 và chỉ định thay máu lần 2 cấp cứu trẻ. Sau khi được lọc máu liên tục lần 2 và cho dùng thuốc thì bạch cầu, mạch, huyết áp bệnh nhân trở lại ổn định hơn. Kíp trực và điều trị tích cực cho bé do Bs Đinh Thị Lan Oanh, Bs Dương Văn Linh, Bs Hoàng Tùng, Bs Trương Văn Thế, Bs Phạm Ngọc Mười và các kỹ thuật viên khoa Hồi sức Cấp cứu bệnh viện tiến hành. Sau 20 ngày điều trị liên tục bằng pháp đồ hợp lý, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, trẻ tự thở, không sốt, không ho, sức khỏe ổn định. Dự kiến, bệnh nhân có thể xuất viện trong khoảng thời gian tới. Bác sĩ Phạm Ngọc Mười cho biết: "Đa số các bé nhập viện và có diễn biến tăng nặng đều chưa tiêm phòng vắc xin phòng chống bệnh ho gà nên chưa có kháng thể miễn dịch với bệnh, bệnh tiến triển rất nhanh, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 80 - 90%". Ho gà là bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh qua đường hô hấp, diễn biến bệnh có thể dẫn đến tử vong. Vì thế, cha mẹ cần đưa con đi khám khi thấy bé bị ho để được chẩn đoán đúng. Đặc biệt lưu ý với trẻ nhỏ 1 đến 3 tháng tuổi vì dễ gây biến chứng nặng. Bác sĩ Mười khuyến cáo: "Để phòng bệnh ho gà ngoài việc tiêm chủng đầy đủ cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng thì phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tiêm chủng vắcxin trước khi mang thai".

 

16. Các y bác sỹ Bệnh xá Đảo An Bang cùng phối hợp cấp cứu ngư dân bị nạn khi lặn biển: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, vào hồi 19 giờ 30 ngày 25/8, cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang đã kịp thời cấp cứu ngư dân Nguyễn Văn Thảo (quê ở Ninh Thủy, Ninh Hòa, Khánh Hòa), bị nạn khi đang đánh bắt cá ở khu vực quần đảo Trường Sa. Trước đó vào lúc 14 giờ 25/8, đảo Thuyền Chài đã nhận được tín hiệu cấp cứu của tàu cá KH 91818TS do ông Phan Cảo (quê ở Ninh Thủy, Ninh Hòa, Khánh Hòa)  làm chủ tàu, đang hoạt động ở quần đảo Trường Sa về tai nạn của anh Nguyễn Văn Thảo, 48 tuổi, là ngư dân trên tàu. Ngay lập tức, các bác sĩ tại đảo Thuyền Chài đã tiến hành sơ cứu ban đầu và chuyển bệnh nhân sang bệnh xá đảo An Bang để có điều kiện cứu chữa tốt hơn. Sau khi thăm khám, các y, bác sĩ đã nhanh chóng xác định bệnh nhân bị Hội chứng hạ liệt không hoàn toàn do giảm áp mức độ nặng. Ngay sau đó các y, bác sĩ đã tiến hành xử trí bất động, cho thở oxy, truyền dịch, đặt sonde tiểu, theo dõi chức năng thận, giảm đau. Hiện tại bệnh nhân dần tỉnh và tiếp xúc tốt. Được biết, vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 25/8, anh Thảo lặn bắt cá ở độ sâu 18 mét, ngoi lên nhanh đột ngột, khi lên tàu thấy hoa mắt, chóng mặt, yếu liệt hai chân, đau nhức toàn thân, nặng nhất vùng thắt lưng hông. Chỉ huy đảo An Bang đã kịp thời thăm hỏi, động viên đối với bệnh nhân và các ngư dân trên tàu, đồng thời đề nghị chủ tàu cử 1 người của tàu ở lại cùng với các y, bác sĩ và đảo chăm sóc bệnh nhân và hướng dẫn tàu cá vào neo đậu an toàn.

 

17. Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ tích cực cứu sống bệnh nhân bị rắn hổ đất cắn: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, ngày 24/8/2017, các BS Khoa Cấp cứu BVĐK Trung ương Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân Võ Ngọc Đ. sinh năm 1972, địa chỉ Phụng Hiệp - Hậu Giang được Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy chuyển đến trong tình trạng lơ mơ, thở co kéo cơ hô hấp, đồng tử 3mm hai bên phản xạ ánh sáng kém, yếu tứ chi, sưng nề bầm tím mu bàn tay phải. Trước đó khoảng 2 giờ, bệnh nhân bị rắn hổ đất cắn vào mu bàn tay phải sau đó sưng nề nhiều, khó thở nên gia đình nhanh chóng đưa đến bệnh viện. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ Khoa Cấp cứu nhanh chóng đặt nội khí quản bóp bóng đồng thời chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc thực hiện thông khí nhân tạo thâm nhập (thở máy) và điều trị với chẩn đoán: Suy hô hấp cấp do rắn hổ cắn. Qua điều trị tích cực tại bệnh viện, hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và được chuyển đến Khoa Ngoại Chấn thương - Chỉnh hình chăm sóc vết rắn cắn trên tay phải.  Điều trị chứng ra mồ hôi nhiều ở tay chân, đầu trán, nách, lưng ngực… tự tin trong giao tiếp và sinh hoạt 20 năm "khổ sở" với Hen suyễn, Đờm ho, Khó thở vì không biết tới Lá Hen Theo BSCKI. Nguyễn Hữu Tài - Trưởng kíp trực Khoa Cấp cứu BVĐK Trung ương Cần Thơ - bác sĩ trực tiếp cấp cứu bệnh nhân cho biết: Rắn cắn thường gặp trong sinh hoạt hằng ngày của người dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ, bệnh nhân có thể tử vong tại chỗ nên cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Kết quả điều trị có thể hồi phục hoàn toàn, đôi khi để lại di chứng cụt chi do bị hoại tử từ vết rắn cắn phụ thuộc vào việc sơ cứu đúng cách hay không và thời gian di chuyển đến bệnh viện. Sơ cứu rắn cắn đúng cách nhằm làm chậm hấp thu nọc rắn, bảo tồn tính mạng người bệnh và ngăn biến chứng trước khi đến bệnh viện. Bất động chi bị cắn bằng nẹp gỗ hay vải treo thấp hơn tim và hạn chế di chuyển chi bị cắn. Trấn an bệnh nhân tránh hốt hoảng, lo sợ. Đối với vết cắn của rắn hổ: Băng ép bất động, băng thun quấn từ nơi bị cắn lên, vừa chặt đủ để lách ngón tay giữa các lớp băng quấn, cần bắt được mạch đập sau đó dùng thêm nẹp gỗ để cố định giống như cố định chi bị gãy. Đối với vết cắn của rắn lục: Chỉ nên ép gạc tại nơi vết thương. Tránh garo, rạch, hút, chườm lạnh, đắp thuốc. Sau khi sơ cứu, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

 

18. Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông tặng bằng khen cho bác sĩ cứu sống bé trai bị dao găm giữa trán: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 28/8, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 1380/QĐ-UBND tặng thưởng Bằng khen cho hai bác sĩ công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông vì đã có thành tích trong việc cấp cứu, phẫu thuật thành công cho bệnh nhân Huỳnh Thanh Tùng (12 tuổi). Trước đó, bệnh nhân này nhập việc trong tình trạng một lưỡi dao rộng khoảng 4cm, găm sâu khoảng 3cm vào giữa trán của nạn nhân dẫn đến chấn thương sọ não nên phải phẫu thuật gấp để lấy dao ra. Sau gần 2 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông đã đưa thành công con dao ra khỏi đầu của bệnh nhân Tùng. Các bác sĩ trực tiếp phẫu thuật và điều trị cho bệnh nhân được khen thường gồm: bác sĩ Bùi Vĩnh Hảo, Khoa Ngoại tổng hợp và bác sĩ Trương Đình Phú, Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức. Theo đó, tối 12/7, Tùng (tạm trú thôn 8, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp) cùng một người em họ sử dụng một con dao của gia đình để chơi đùa. Trong lúc đùa nghịch, con dao trên tay người em chẳng may bị tuột cán nên đã găm thẳng vào trán của bệnh nhân.. Được biết, việc tặng bằng khen thể hiện sự quan tâm sát sao của UBND tỉnh và là nguồn động viên tinh thần kịp thời đối với đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế để tiếp tục nỗ lực, cống hiến vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

 

19. Các bác sỹ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cứu sống cụ ông 71 tuổi ngưng tim ngưng thở trên đường cấp cứu: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 29/8, các bác sỹ Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Nguyễn Tri Phương vừa cứu sống bệnh nhân ngưng tim ngưng thở trước khi nhập viện. Cụ ông 71 tuổi (ngụ quận 6), bị nhồi máu cơ tim cấp được người nhà đưa đi cấp cứu bằng taxi lúc 1h sáng ngày 12/8, khi còn vài phút đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương thì cụ ông đổ gục xuống ngưng tim ngưng thở. Bác sĩ Nguyễn Quang Dũng – Trưởng khoa Cấp cứu – cho biết, nếu chậm hơn 5 phút thì sẽ rất khó để cứu. Ngay sau khi được hồi sức tim phổi, 15 phút sau tim của bệnh nhân đập trở lại, bệnh nhân được đặt nội khí quản chuyển lên khoa Tim mạch để can thiệp mạch vành. Chi phí đặt stent của của cụ ông được Bệnh viện Nguyễn Tri Phương hỗ trợ hoàn toàn.Người nhà bệnh nhân cho biết, trước đó bệnh nhân hoàn toàn bình thường, đến khoảng 12h đêm cụ bắt đầu thấy nặng ngực, khó thở, người nhà tưởng bị đầy bụng nên cho uống thuốc dạ dày. 5 phút sau thấy không đỡ, mệt hơn nên đã gọi taxi đi cấp cứu, gần đến bệnh viện thì cụ gục xuống xe hôn mê. BS Dũng cho biết, đây là một trong những trường hợp được cấp cứu bằng quy trình code blue của bệnh viện. Đây là quy trình cấp cứu cho những bệnh nhân ngưng tim ngưng thở tại bệnh viện. Bắt đầu từ tháng 7/2017, tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, đã thành lập đội phản ứng nhanh code blue, không chỉ cấp cứu cho những bệnh nhân ngoài viện mà cho tất cả các khoa trong bệnh viện. Khi các khoa thông báo có bệnh nhân ngưng tim, đội phản ứng nhanh sẽ có mặt trong 5 phút để cấp cứu. Sau khi cấp cứu xong, tùy theo bệnh lý, bệnh nhân sẽ được chuyển đến khoa điều trị thích hợp.

 

20. Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau khen thưởng nhiều bác sỹ về tinh thần phục vụ bệnh nhân: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, ngày 30/8 tập thể và ba bác sỹ Khoa phẫu thuật-Gây mê Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau được Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau khen thưởng đột xuất. Các cá nhân được tặng bằng khen đột xuất, gồm: ông Nguyễn Văn Hoài (Trưởng khoa), Huỳnh Minh Toán (Phó Trưởng khoa) và bác sĩ Lý Hoàng Trí, cùng thuộc Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức. Những thầy thuốc nêu trên được lãnh đạo tỉnh “thưởng nóng” vì có thành tích chữa lành bệnh cho sản phụ Nguyễn Thị Như (29 tuổi, ngụ ấp Nam Chánh, xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) trong lúc tính mạng của sản phụ này như “nghìn cân treo sợi tóc”. Trước đó, chiều 7/8, sau khi sinh bé (sinh mổ) tại Bệnh viện đa khoa khu vực Đầm Dơi (huyện Đầm Dơi), sản phụ Như đột ngột lên cơn co giật, ngưng tim (năm lần), ngưng thở nên được y, bác sĩ ở Đầm Dơi mở khí quản, bóp bóng chuyển lên Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau cấp cứu. Ngay khi đến nơi, sản phụ Như được chuyển lên Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức trong tình trạng: Hôn mê nghĩ do thiếu oxy não sau ngưng tim, ngưng thở tuyến trước; suy đa cơ quan/hậu phẫu mổ lấy thai giờ thứ 24. Nhận định đây là ca bệnh rất nặng và nguy cấp nên ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, Ban Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau chỉ đạo ê-kíp y, bác sĩ túc trực chăm sóc bệnh nhân, thực hiện hồi sức, cho thở máy và dùng thuốc vận mạch liều cao, đồng thời cử người lên Bệnh viện Huyết học Truyền máu Cần Thơ (TP Cần Thơ) lấy các chế phẩm máu (huyết thanh tươi kết tủa lạnh và tiểu cầu) về truyền cho sản phụ Như. Khoảng 24 giờ sau khi nhập viện, người nhà cảm thấy tình hình nguy kịch nên đã mời xe chuyên dụng 115 với đầy đủ trang thiết bị và ê-kíp bác sĩ từ Bệnh viện Chợ Rẫy xuống tận nơi thăm khám và đề nghị chuyển viện. Tuy nhiên, sau khi thăm khám, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy từ chối yêu cầu chuyển viện vì sức khỏe bệnh nhân quá yếu, khả năng sẽ tử vong trên đường đi rất cao. Không được chuyển viện lên tuyến trên, gia đình sản phụ thất vọng, ý định đưa sản phụ Như về quê nhưng sau khi được y, bác sĩ khuyên nhủ, động viên… người nhà đã chấp thuận cho sản phụ Như điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau. “Thời điểm đó, nếu rút máy, sản phụ Như sẽ tử vong tức khắc. Bởi vậy, Ban Giám đốc chỉ đạo ê-kíp trực bằng mọi giá phải khuyên nhủ, động viên gia đình để sản phụ Như ở lại. Với phương châm “không bao giờ bỏ bệnh” và bằng cái tâm của người “thầy thuốc”, bệnh viện sẽ cố gắng hết sức mình để cứu chữa dù hy vọng sống sót của người bệnh chỉ còn 1%”, bác sĩ Võ Thành Lợi, Phó Giám đốc điều hành, quản lí Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau chia sẻ. Nhờ trang thiết bị hiện đại với đầy đủ thuốc men, sau bảy ngày can thiệp hồi sức tích cực, bệnh tình của sản phụ Như có dấu hiệu phục hồi. Đến ngày thứ 12, sản phụ Như được rút nội khí quản, ngưng thở máy trong sự vui mừng khôn xiết của đội ngũ y, bác sĩ và gia đình. Chia sẻ với chúng tôi trong ngày đưa người thân xuất viện (ngày 30-8), ông Lê Tuấn Hưng, cậu ruột sản phụ Như cho biết: “Vào tối hôm trước, bác sĩ thăm khám cho cháu tôi và nói rằng sức khỏe của cháu đã hoàn toàn bình phục, không để lại di chứng gì, gan và thận đã phục hồi tốt, ăn uống, đi lại bình thường. Hơn một tuần trước, gia đình đã tính đến tình huống xấu nhất, chuẩn bị sẵn hậu sự dưới quê nhưng không ngờ kỳ tích xuất hiện. Các bác sĩ đã mang lại sự sống cho cháu tôi, giúp nó “cải tử hoàn sinh”, quả là một phép màu và kỳ diệu”. Cùng niềm vui như ông Hưng, sản phụ Như luôn miệng nói lời cảm ơn y, bác sĩ trước giờ xuất viện để đoàn tụ cùng gia đình và người thân. Như chia sẻ: “Không chỉ “sinh ra tôi lần thứ hai”, các bác sĩ ở đây còn đến thăm hỏi, tặng quà trước giờ tôi xuất viện. Sự ân cần, tận tâm, chu đáo đó tôi không bao giờ quên được”. Giám đốc Sở Y tế Cà Mau Huỳnh Quốc Việt nhấn mạnh: “Việc chữa lành ca khó như vừa qua không chỉ là niềm động viên tinh thần mà thêm một lần nữa, đội ngũ thầy thuốc Cà Mau nói chung, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau nói riêng có quyền tự tin hơn vào năng lực, tay nghề của mình để làm tốt hơn nữa trọng trách “từ mẫu” đối với nhân dân trong thời gian tới”. Sản phụ Như là một trong nhiều ca bệnh nặng đã được đội ngũ “thầy thuốc” Bệnh viện Sản - Nhi cứu chữa thành công trong thời gian vừa qua. Là bệnh viện “vệ tinh” của Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau được sự quan tâm sâu sát từ các cấp chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau. Góp phần giảm tải cho tuyến trên, cuối năm 2011, tỉnh Cà Mau quyết định đầu tư xây mới Bệnh viện Sản - Nhi với tổng kinh phí hơn 440 tỷ đồng. Nhờ đầu tư đồng bộ nên mỗi năm, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau tiếp nhận và điều trị cho hơn 150 nghìn lượt người bệnh, trong đó có hơn 30 nghìn lượt điều trị nội trú, công suất giường bệnh đạt hơn 95%. Vào lúc cao điểm, bệnh viện có thể tiếp nhận và điều trị nội trú cho khoảng 650 người. Nhờ sự tận tình, chu đáo và thực hiện tốt y đức, tác phong của người “Thầy thuốc nhân dân” nên Bệnh viện Sản-Nhi Cà Mau gặt hái được nhiều thành tích nổi trội trong khám và điều trị. Trong năm 2016, tập thể Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau được nhận Cờ thi đua và bằng khen từ Thủ tướng Chính phủ.​ 


Thăm dò ý kiến