TIN BÀI VỀ ĐƯỜNG DÂY NÓNG ĐĂNG TRÊN CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ Y TẾ Ngày 11-20/9/2017

20/09/2017 | 14:21 PM

 | 


 

1. Các bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế giành giật sự sống cho một thanh niên bị vỡ gan, dạ dày: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, các y bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế vừa cứu sống một bệnh nhân bị tai nạn giao thông vỡ gan, dạ dày, đứt nhiều mạch máu, đầu tụy bị rách nát. Thông tin từ Khoa Hồi sức sau mổ, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, hiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Mai Đình Ph. (28 tuổi), trú ở xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tỉnh và dần qua cơn nguy kịch. Trước đó, vào khoảng 0h ngày 7/9, sau khi bị tai nạn giao thông văng xuống mương nước bất tỉnh, bệnh nhân Ph. đã nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, mạch nhanh 140 lần/phút và không đo được huyết áp. Các bác sĩ tiến hành kiểm tra các bước tiếp theo, xác định ổ bụng bệnh nhân Ph. ra rất nhiều máu, chấn thương nhiều vị trí, đứt mạch máu, đầu tụy bị rách nát, vỡ dạ dày, dập gan… và sự sống rất mong manh. Ngay lập tức, các y bác sĩ của bệnh viện đã huy động toàn bộ nguồn lực tiến hành truyền máu để bảo toàn mạng sống; đồng thời, tiến hành phẫu thuật, nối các mạch máu bị đứt và vá các đoạn mạch máu bị rách, điều trị các bộ phận bị tổn thương trong ổ bụng của bệnh nhân. Sau khi phẫu thuận thành công, các y bác sĩ kiểm tra các thông số của bệnh nhân thì thấy đã dần bình thường trở lại. TS. Hồ Hữu Thiện, Phó Trưởng khoa Ngoại Nhi – Cấp cứu bụng, Bệnh viện Trung ương Huế, ê-kíp trưởng ca phẫu thuật thông tin, sau 2 ngày theo dõi thì có thể khẳng định bệnh nhân Ph. đã qua cơn nguy kịch và sức khỏe nạn nhân tương đối ổn định. Hiện các y bác sĩ tại bệnh viện đang theo dõi và tiếp tục điều trị cho bệnh nhân.

 

2. Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cứu sống nạn nhân bị đa chấn thương do tai nạn giao thông: Theo thông tin từ Đường Dây  nóng Bộ Y tế ngày 11/9, các bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang vừa cứu sống một trường hợp tai nạn giao thông nguy kịch, chấn thương đa tạng. Trước đó, ngày 9.9, BV tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân Tưởng Vũ Hồng N., 13 tuổi, trú tại xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn bị đa chấn thương do tai nạn giao thông tại địa phận xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Gia đình bệnh nhân N. cho biết, chiều 9.9 cháu N trên đường đi học đã bị 1 xe ôtô bán tải đâm vào. Sau tai nạn, cháu đã được người dân đưa đi cấp cứu. Bác sĩ Đào Ngọc Việt - Trưởng khoa Cấp cứu (BV đa khoa tỉnh Tuyên Quang) - cho biết: Bệnh nhân N, vào viện trong tình trạng vật vã kích thích, da xanh, niêm mạc trắng nhợt, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt, khám thấy ngực, bụng xây xát, bụng chướng. Kết quả siêu âm cho thấy, bệnh nhân bị tổn thương vỡ gan, vỡ lách, vỡ thận phải, ổ bụng có nhiều dịch. Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân đã được đưa lên khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức để mổ cấp cứu. Bác sĩ Hà Anh Tuấn - Khoa Ngoại Tổng hợp (BV đa khoa tỉnh Tuyên Quang) - trực tiếp phẫu thuật, cho biết: Khi vừa phẫu thuật mở ổ bụng bệnh nhân N. có rất nhiều máu đông lẫn không đông. Các bác sĩ đã hút ra được khoảng 2.500ml; kiểm tra ổ bụng thấy tụ máu lớn sau phúc mạc vùng hố thận phải, vỡ gan hạ phân thùy VI, VII, vỡ thận phải, vỡ lách, đụng dập đuôi tụy. Kíp mổ tiến hành cắt thận phải, cắt lách, cắt gan bị tổn thương, đốt cầm máu đuôi tụy, rửa ổ bụng, đặt dẫn lưu ổ bụng. Ca phẫu thuật cấp cứu được tiến hành khẩn trương và thành công. Sau mổ, bệnh nhân đã được đưa ra phòng hồi tỉnh của Khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức để tiếp tục điều trị chăm sóc đặc biệt. Hiện bệnh nhân tỉnh, thở máy, vết mổ khô, chỉ số sinh tồn dần ổn định, tiếp tục được theo dõi, điều trị tại Khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức. 

 

3. Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa Xuyên Á cứu sống thanh niên bị thủng tim, đứt động mạch: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, nam thanh niên được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốc nặng do vết thương ở ngực, máu chảy ồ ạt, người lơ mơ, thở khó… tiên lượng tử vong rất cao đã may mắn được các bác sỹ Bệnh viện Đa Khoa Xuyên Á cứu sống. Chiều 11/9, Bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân nam bị bị đâm thủng tim, nguy kịch, các bác sỹ đã kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện cấp cứu, phẫu thuật khẩn cấp cho bệnh nhân. Theo phản ánh, trước đó vào đêm 10/9, anh T.N. (18 tuổi, tạm trú tại huyện Hóc Môn,) được người nhà chuyển đến bệnh viện trong tình trạng sốc nặng do vết thương ở ngực, máu chảy ồ ạt, người xanh xao, lơ mơ, thở khó. Thấy bệnh nhân nguy hiểm, các bác sĩ tại Bệnh Viện Đa Khoa Xuyên Á, lập tức khởi động quy trình báo động đỏ nội viện và cùng hội chẩn khẩn với các bác sĩ khoa phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực. Bệnh nhân ngay sau đó được tiến hành mở ngực, mở màng tim, giải phóng chèn ép tim, khâu vết thương thủng tim đang chảy máu. Ngoài ra, vết thương tại ức phải còn làm đứt động mạch ngực gây tràn máu màng phổi. Các bác sĩ tiến hành khâu cầm máu động mạch ngực trong và khâu tổn thương thùy dưới phổi phải Ca mổ khẩn cấp kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ, bệnh nhân được truyền 4 đơn vị máu và 4 đơn vị huyết tương. Chỉ cần chậm trễ chừng vài phút thì tính mạng bệnh nhân khó giữ. Hiện tại, bệnh nhân hiện đã tỉnh táo, có thể nói chuyện với bác sĩ và người thân.

 

4. Các bác sỹ Bệnh viện Thống nhất cứu sống ca bệnh đột quỵ thập tử nhất sinh trên bàn mổ: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất cùng chuyên gia ngoại thần kinh vừa đua thời gian can thiệp cứu được ca bệnh đang giữa lằn ranh sinh - tử. TS-BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Thần kinh và Can thiệp mạch máu não TP HCM, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất TP HCM, vừa phối hợp cứu một nam bệnh nhân (79 tuổi) bị đột quỵ tưởng chừng tử vong ngay trên bàn mổ.  Bệnh nhân nhập bị tắc động mạch thân nền cấp ở giờ thứ nhất rất nguy kịch. Các bác sĩ đã xử trí bơm thuốc tan sợi huyết ngay chỗ gây tắc mạch nhưng không tái thông. Ngay lập tức, ê kíp đã can thiệp nội mạch và lấy ra được mãng xơ vữa cứu bệnh nhân trong tích tắc. Kiểm tra sau 4 giờ can thiệp, động mạch tắc của bệnh nhân đã tái thông hoàn toàn. Theo BS Cường, đây là ca rất khó. Nhờ sự phối hợp tốt toàn bộ ê kíp từ Ban lãnh đạo Bệnh viện Thống Nhất cho đến bác sĩ gây mê… đã cứu được bệnh nhân trong giây phút sinh tử mặc dù trong lúc can thiệp tưởng chừng vô vọng vì người bệnh đã ngừng thở, tím tái, suy hô hấp…  Ca can thiệp cũng đã có 2 bác sĩ nước ngoài đến từ Indonesia sang Việt Nam để kiến tập về kỹ thuật can thiệp mạch máu não. "Thuốc tan sợi huyết chỉ có tác dụng trong tắc mạch máu nhỏ. Mãng xơ vữa cũng không phải cục máu đông nên thuốc này cũng không thể làm tan được. Ở ca bệnh này, các bác sĩ can thiệp thần kinh phải chạy đua thời gian vừa hút vừa kéo và khó khăn lắm mới "lôi ra" được "thủ phạm", BS Cường nhớ lại.

 

5. Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa khu vực An Giang cấp cứu thành công bé trai 20 tháng tuổi nuốt sợi dây chuyền dài 15cm: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 11/ 9, Bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh An Giang đã cấp cứu gắp sợi dây chuyền bằng bạc trong bụng bé trai tên Nguyễn Hữu Nguyên, 20 tháng tuổi, ngụ TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Bé Nguyên cầm sợi dây chuyền bằng bạc dài 15cm và bỏ vào miệng nuốt nhưng người thân bé không hay. Sau đó họ thấy bé có biểu hiện lạ, đau bụng, khó chịu và phát hiện sợi dây chuyền biến mất nên nghi ngờ Nguyên đã nuốt dây chuyền vào bụng nên đưa đi bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ chụp X quang, gây mê cháu bé để nội soi phát hiện sợi dây chuyền đã trôi qua dạ dày xuống tá tràng nên dùng dụng cụ gắp dị vật ra. Các bác sĩ cho biết, đây là lần đầu tiên cấp cứu ca bệnh nhỏ tuổi nhất nuốt dây chuyền và sợi dây chuyền nằm ở khu vực tá tràng nên khi nội soi và gắp ra cũng rất khó, chỉ một thao tác sai có thể gây thủng tá tràng gây biến chứng nguy hiểm cho bé.

 

6. Bệnh viện Việt Đức lên tiếng về phản ánh của bệnh nhân tố BV Việt Đức trì hoãn lịch mổ vì “không có tiền lót tay”: Theo anh Nguyễn Xuân Trường (người nhà bệnh nhân Nguyễn Thị Yến) phản ánh đến Đường dây nóng Bộ Y tế về việc khoa Phẫu thuật Thần kinh II, BV Việt Đức liên tục trì hoãn trong việc xếp lịch phẫu thuật cho bệnh nhân Yến với lý do “không có tiền lót tay”. Về vấn đề này, ông Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức cho biết: “Đúng là có việc gia đình bệnh nhân gọi đến đường dây nóng Bộ Y tế để phản ánh những thông tin đó. Tuy nhiên, sự việc không đúng như vậy”. Theo ông Giang, bệnh nhân Nguyễn Thị Yến vào BV ngày 25/7 với chẩn đoán: Đau dây thần kinh V. Bệnh nhân được hội chẩn và xếp lịch mổ. Ngày 27/7, nhân viên BV đã liên hệ với gia đình cho biết xếp lịch mổ vào 31/7. Tuy nhiên, gia đình xin hoãn vì lý do sức khoẻ và kinh tế. Đến ngày 4/8, con trai bệnh nhân là Nguyễn Xuân Trường gọi điện vào đường dây nóng của BV và được bác sĩ Đoàn Quang Dũng, trực chuyên khoa Sọ não trả lời, giải thích. Sau khi xin ý kiến trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh II và xếp lịch mổ bổ sung cho gia đình bệnh nhân Yến, bệnh viện đã thông báo cho bệnh nhân nhập viện ngày 6/8 để mổ vào ngày 7/8. Tuy nhiên, do thời gian các ca mổ đã có lịch từ trước kéo dài nên bác sĩ Nhân đã thông báo cho gia đình lý do hoãn mổ. Anh Trường không đồng ý nên đã làm đơn thư gửi đến Phòng Kế hoạch tổng hợp với nội dung: “Các y bác sĩ lừa dối, đe dọa anh Trường và bệnh nhân”. Giám đốc BV Việt Đức cho biết, bệnh viện đã giải thích nhiều lần nhưng anh Trường không đồng ý và làm làm đơn gửi Giám đốc bệnh viện và gọi đến đường dây nóng Bộ Y tế ngày 8/8. Ngày 11/8, đại diện bệnh viện và gia đình đã có buổi gặp mặt. Tại cuộc họp, bệnh viện đã giao cho PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật Thần kinh chịu trách nhiệm điều trị cho bệnh nhân Yến. Gia đình bệnh nhân cũng đồng ý với phương pháp của PGS Hệ. Cũng liên quan đến sự việc, chiều 12/9, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã có văn bản đề nghị BV Việt Đức báo cáo về vụ việc này để Bộ trả lời cho người phản ánh.

 

7. Bộ Y tế yêu cầu làm rõ vụ việc BS Bệnh viện Mắt TƯ ngồi phản cảm khi đối thoại với bệnh nhân: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 12/9, Bộ Y tế cho biết đã chỉ đạo Bệnh viện Mắt Trung ương kiểm tra và giải trình về video clip mà người nhà bệnh nhân phản ánh về việc cán bộ của Bệnh viện mắt có tư thế ngồi phản cảm khi đối thoại với người bệnh. PGS. TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng yêu cầu Bệnh viện nghiêm túc rút kinh nghiệm và có tinh thần cầu thị tiếp thu phản ánh của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Trước đó, clip do gia đình bệnh nhi đưa lên cho thấy, khi đưa con đến khám mắt tại Bệnh viện Mắt Trung ương, mẹ cháu bé kể lại cho bố cháu rằng cháu bé bị cận nhưng bác sĩ chỉ khám cho cháu mà không sử dụng thiết bị máy móc. Vì thế, bố cháu yêu cầu bác sĩ khám lại bằng máy móc, thay vì chỉ khám thông thường. Nữ bác sĩ này đã giải thích cho gia đình, nhưng lại vừa gác chân lên một chiếc ghế khác, vừa giải thích và điều này khiến gia đình bệnh nhi bức xúc. Theo yêu cầu của Bộ Y tế, Bệnh viện Mắt Trung ương đã có báo cáo giải trình gửi Cục quản lý Khám, chữa bệnh về việc này. Theo TS.Nguyễn Xuân Hiệp – Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, ngay trong buổi sáng đầu tuần ngày 11-9, Bệnh viện Mắt Trung ương đã thành lập Tổ công tác bao gồm Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Trưởng khoa Mắt trẻ em, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ kiêm Phó ban “Đổi mới phong cách và tinh thần thái độ của nhân viên y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh” để làm rõ sự việc. Sau khi xem lại video clip, Tổ công tác đã xác định người được phản ánh trong clip là TS. Nguyễn Thị Minh, công tác tại Khoa Mắt trẻ em của Bệnh viện và sự việc xảy ra vào sáng ngày 21-7-2017. Tổ công tác đã yêu cầu TS. Minh viết bản tường trình và chiều 11-9, Tổ công tác đã cùng khoa Mắt Trẻ em, BS Nguyễn Thị Minh kiểm điểm sự việc. Qua xem xét video clip, đọc bản tường trình của BS Minh cũng như Biên bản làm việc với Khoa Mắt Trẻ em, Tổ công tác của Bệnh viện và BS. Minh đều cho rằng tư thế ngồi đối thoại với người nhà người bệnh của BS. Minh là chưa đúng với qui định của Bộ Y tế cũng như của Bệnh viện Mắt Trung ương, gây phản cảm cho người bệnh, cũng như ảnh hưởng đến hình ảnh của nhân viên y tế khi tiếp xúc với người bệnh. Riêng về ý kiến phản ánh tinh thần thái độ chưa đúng mực của BS Minh trong khi khám bệnh, Bệnh viện đã yêu cầu BS Minh tạm dừng làm chuyên môn, viết tường trình tiếp tục làm rõ sự việc. Trước sự việc trên, TS Nguyễn Xuân Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương xin tiếp thu ý kiến phản ánh của người bệnh, nghiêm túc rút kinh nghiệm và xin lỗi người bệnh cũng như người nhà người bệnh. Sau khi có kết quả báo cáo từ Tổ công tác, Bệnh viện sẽ xử lý BS Minh tùy theo mức độ sai phạm. TS Nguyễn Xuân Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cũng cảm ơn sự phản ánh của người bệnh và cam kết sẽ cố gắng nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn. 

 

8. Các bác sỹ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cứu sống cụ ông 71 tuổi ngưng tim ngưng thở trên đường cấp cứu: Theo thông tin gửi đến Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 29/8, các bác sỹ Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Nguyễn Tri Phương vừa cứu sống bệnh nhân ngưng tim ngưng thở trước khi nhập viện.Cụ ông 71 tuổi (ngụ quận 6), bị nhồi máu cơ tim cấp được người nhà đưa đi cấp cứu bằng taxi lúc 1h sáng ngày 12/8, khi còn vài phút đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương thì cụ ông đổ gục xuống ngưng tim ngưng thở. Bác sĩ Nguyễn Quang Dũng – Trưởng khoa Cấp cứu – cho biết, nếu chậm hơn 5 phút thì sẽ rất khó để cứu. Ngay sau khi được hồi sức tim phổi, 15 phút sau tim của bệnh nhân đập trở lại, bệnh nhân được đặt nội khí quản chuyển lên khoa Tim mạch để can thiệp mạch vành. Chi phí đặt stent của của cụ ông được Bệnh viện Nguyễn Tri Phương hỗ trợ hoàn toàn.Người nhà bệnh nhân cho biết, trước đó bệnh nhân hoàn toàn bình thường, đến khoảng 12h đêm cụ bắt đầu thấy nặng ngực, khó thở, người nhà tưởng bị đầy bụng nên cho uống thuốc dạ dày. 5 phút sau thấy không đỡ, mệt hơn nên đã gọi taxi đi cấp cứu, gần đến bệnh viện thì cụ gục xuống xe hôn mê.BS Dũng cho biết, đây là một trong những trường hợp được cấp cứu bằng quy trình code blue của bệnh viện. Đây là quy trình cấp cứu cho những bệnh nhân ngưng tim ngưng thở tại bệnh viện.Bắt đầu từ tháng 7/2017, tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, đã thành lập đội phản ứng nhanh code blue, không chỉ cấp cứu cho những bệnh nhân ngoài viện mà cho tất cả các khoa trong bệnh viện. Khi các khoa thông báo có bệnh nhân ngưng tim, đội phản ứng nhanh sẽ có mặt trong 5 phút để cấp cứu. Sau khi cấp cứu xong, tùy theo bệnh lý, bệnh nhân sẽ được chuyển đến khoa điều trị thích hợp.

 

9. Các  bác sỹ Bệnh viện huyện ở Hà Tĩnh cứu sống sản phụ bị rau bong non thể nặng: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân vừa kịp thời cứu sống sản phụ Trần Thị H (29 tuổi, ở xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) bị rau bong non thể nặng, tiền sản giật.Trước đó, ngày 8/9, sản phụ H. được người nhà đưa vào BVĐK huyện Nghi Xuân trong tình trạng toàn thân phù to, đau đầu, máu âm đạo ra nhiều (có cả máu tươi lẫn máu cục)…Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ Khoa Sản đã tiến hành thăm khám và siêu âm, cho thấy thai nhi được 37 tuần tuổi, cổ tử cung mới mở 1cm, bên trong có nhiều máu cục, tim thai khi nghe khi không, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp 190/120 mmHg… nên cho chuyển mổ cấp cứu.Khi lên bàn mổ, bệnh nhân huyết áp vẫn không giảm buộc các bác sỹ phải hồi sức tích cực và tiến hành mổ. Lúc phẫu thuật, em bé bị ngạt trắng, không thở, mặc dù nhịp tim đang thoi thóp… Tiến hành cấp cứu tại phòng mổ, em bé đã khóc được và được cho nằm thở ô xy. Sau khi lấy em bé ra, các bác sỹ tiến hành mổ lấy rau. Lúc này, toàn bộ bánh rau đã thâm tím và phía sau rau xuất hiện một khối máu cục 40 x 50mm. Các bác sỹ đã phải tiến hành bóc tách rau và làm sạch ổ bụng, đồng thời tiến hành dùng thuốc tăng co tử cung vì lúc này buồng tử cung đã thâm tím dễ dẫn đến nguy cơ chảy máu…. Sau gần 2 giờ đồng hồ mổ và cấp cứu tích cực, sản phụ và em bé qua được cơn nguy kịch. Đến nay, sau 4 ngày điều trị tích cực, sản phụ H đã ổn định, không xuất hiện phù nề, tự ngồi dậy ăn uống và đi lại được; em bé đã bú tốt. Dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện sau 10 ngày nằm điều trị. Bác sỹ Hoàng Thị Hồng – Trưởng Khoa Sản, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân H chia sẻ: “Trường hợp sản phụ H nếu đến muộn thì cả mẹ và con cũng dễ dẫn đến tử vong vì cấp cứu sản khoa diễn biến đột ngột, nhanh chóng có thể đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và thai nhi. Vì vậy, cần chẩn đoán, xử lý quyết đoán nhằm giảm các biến chứng sản khoa, hạn chế tử vong cho mẹ và thai nhi”. Bác sỹ Hồng cho biết thêm, rau bong non là tình trạng nhau bám ở vị trí bình thường nhưng bong sớm trước khi được xổ ra ngoài. Bệnh lý rau bong non có sự hình thành khối huyết tụ sau bánh rau, khối huyết tụ lớn dần làm bong bánh rau ra khỏi thành tử cung, cắt đứt sự nuôi dưỡng giữa mẹ và thai nhi.

 

10. Bệnh viện Đà Nẵng kiểm điểm kíp trực vì làm thai phụ phiền lòng: Theo thông tin báo về Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 13..9, Bệnh viện Đà Nẵng đã kiểm điểm, phê bình kíp trực đêm khiến một thai phụ cùng người nhà phiền lòng.Kíp trực gồm 3 điều dưỡng, 1 nhân viên phục vụ và 2 bác sĩ của khoa Ngoại tiêu hóa thuộc bệnh viện Đà Nẵng đã buộc phải viết kiểm điểm, chịu phê bình trước toàn khoa.Bệnh viện Đà Nẵng còn yêu cầu khoa này chấn chỉnh quy tắc ứng xử, tâm lý tiếp xúc, quy chế chuyên môn, quy chế thường trực cho toàn bộ cán bộ, nhân viên, y bác sĩ. Trước đó, ngày 16/8 vừa qua, chị Nguyễn Thị Kiều Oanh bị viêm manh tràng, thai 7 tháng được đưa từ Bệnh viện Phụ sản - Nhi qua Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu trong đêm và được chuyển lên khoa Ngoại tiêu hóa.Chồng chị Oanh là anh Lê Trương Vũ cùng một bệnh nhân khác rất bất bình khi 3 điều dưỡng, 1 nhân viên phục vụ và 2 bác sĩ trong kíp trực hôm đó đã ăn uống, đùa giỡn, bật nhạc to tại phòng giao ban, để bệnh nhân chờ đợi, rút bình truyền cả tiếng đồng hồ. Khi anh Vũ nhắc nhở thì những điều dưỡng, bác sỹ này có thái độ khó chịu.Theo anh Vũ, sau đó, y tá tiêm thuốc an thai cũng tỏ vẻ khó chịu, làm tay vợ anh qua hôm sau vẫn còn đỏ cả vùng.Nhận phản ánh từ bệnh nhân, Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện Đà Nẵng xác minh, nghiêm túc rút kinh nghiệm, đồng thời Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa gửi email cảm ơn anh Vũ và thông báo kết quả xử lý như trên.

 

11. Giám đốc Bệnh viện Mắt có ý kiến về việc bác sĩ “gác chân lên ghế khi nói chuyện với người nhà bệnh nhân”: Phản hồi về thông tin được người nhà bệnh nhân phản ánh đến Đường Dây nóng Bộ Y tế về vụ việc liên quan đến clip bác sĩ “gác chân lên ghế”, TS.BS Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc BV Mắt Trung ương cho biết: “BS Minh đã nhận lỗi, xin lỗi về tư thế ngồi không đẹp mắt. Chị Minh đã làm việc cả đời, chỉ còn hai năm nữa về hưu, tôi nghĩ rằng làm gì cũng phải nhân văn, có tình người” Ngày 13/9, đang đi công tác không có mặt tại Hà Nội, nhưng trước những luồng dư luận trái chiều, trong đó có cả việc nhiều người công kích vì tư thế ngồi không đẹp mắt, “gác chân lên ghế” của BS Minh, TS Hiệp đã lên tiếng về sự việc này. Theo TS Hiệp, ông đã trực tiếp xem đi xem lại clip liên quan đến TS.BS Nguyễn Thị Minh (Khoa Mắt Trẻ em, BV Mắt Trung ương) mà người nhà bệnh nhân phát tán lên mạng xã hội. “Bác sĩ Minh đã 53 tuổi, 30 năm làm nghề, sắp về hưu, ngồi từ sáng đến trưa, khám hàng trăm bệnh nhân. Nếu xem kỹ bạn sẽ thấy phản ứng đó của bác sĩ rất tự nhiên, không phải cố tình ghếch chân lên để thách thức”, TS Hiệp nhận định. Tuy nhiên ông cũng thẳng thắn nhìn nhận, ông không thanh minh cho  BS Minh. Vì rõ ràng, BS Minh sai là có, đó là sai vì tư thế ngồi chưa đúng. Nhưng BS Minh đã nhận lỗi, đã xin lỗi về tư thế ngồi không đẹp mắt đó. “Tôi nghĩ rằng, chị Minh đã gần trọn đời làm bác sĩ, sang năm nữa là về hưu. Mấy ngày qua sức khỏe chị bị ảnh hưởng, gia đình, con cái cũng bị ảnh hưởng, chịu áp lực. Ai cũng là con người, cái sai đó phải thừa nhận nhưng cái sai đó không gây chết người, không ảnh hưởng đến công tác chuyên môn, bệnh nhân vẫn được chẩn đoán đúng. Vì thế, tôi nghĩ rằng chúng ta làm gì, phán xét gì cũng phải có lý, có tình”, TS Hiệp nói. Liên quan đến sự việc, tổ kiểm tra của BV vẫn đang tiếp tục làm việc để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất tới Bộ Y tế về vụ việc trước thời hạn mà Bộ Y tế yêu cầu. Hiện tại, BS Minh cũng đang tạm ngừng công việc chuyên môn để phối hợp với tổ kiểm tra của BV làm rõ các vấn đề trong clip mà người nhà bệnh nhân phản ánh.

Trong thời gian bác sĩ Minh tạm ngừng công việc chuyên môn, những trường hợp bệnh nhân đến lịch tái khám với BS sẽ được BV sắp xếp. Tôi không sợ việc, nhưng không khám lại theo yêu cầu người bệnh. Trong clip, người đàn ông tự nhận là bố bệnh nhân liên tiếp yêu cầu TS Minh khám lại cho con mình với máy móc hiện tại, nhưng TS Minh đã từ chối khám mà giới thiệu hội chẩn ở cấp cao hơn. BS Minh cho biết: “Tôi không khám lại cho bệnh nhân, không phải tôi ngại việc. Mà vì tôi đã khám đầy đủ theo đúng quy trình, đưa ra chẩn đoán ban đầu và chỉ định bệnh nhân dùng thuốc liệt điều tiết sau 5 ngày tái khám để có thể đưa ra kết luận đúng nhất. Nhiều bạn bè đồng nghiệp cũng hỏi tôi, sao không “dĩ hòa vi quý”, bệnh nhân yêu cầu thì khám lại. Tôi cho rằng, tôi là BS khám bệnh, đã kí tên dưới chẩn đoán là chịu trách nhiệm với chữ kí của mình, chịu trách nhiệm về chuyên môn mình đã khám. Tôi đã khám cho bé đầy đủ, khám đúng cho bé, vì thế tôi không khám lại theo yêu cầu của bố bệnh nhân. Tôi còn rất nhiều bệnh nhân phải khám, nếu ai cũng không tin bác sĩ cũng yêu cầu thế thì còn đâu thời gian khám cho bệnh nhân khác. BS đã khám, đã ra chỉ định là phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về chuyên môn của mình.”, BS Minh nói.

12. Ba nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương hiến máu cứu sản phụ bị băng huyết: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, ba cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương đã hiến máy cứu một sản phụ bị băng huyết sau sinh. Dù không có lịch trực nhưng nhận được tin báo, bác sỹ Nguyễn Viết Thắng (Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương, Nghệ An) nhanh chóng có mặt tại bệnh viện. Anh cùng 2 đồng nghiệp khác cùng hiến máu, cứu sản phụ bị băng huyết sau sinh. Quyền Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Hoàng Văn Hảo vừa trao Giấy khen của Sở cho các bác sỹ, nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa Thanh Chương tham gia cứu sản phụ Phạm Thị Soa bị băng huyết vào tối 26/8. Chị Phạm Thị Soa (SN 1981, trú xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An) nhập viện, sinh con lần thứ 3 tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương. Sau sinh, chị Soa bị tai biến sản khoa mất máu cấp do băng huyết đờ tử cung, tính mạng bị đe dọa nghiêm trọng. Kíp mổ do bác sỹ Nguyễn Hải Linh – Giám đốc Bệnh viện làm kíp trưởng quyết định cắt tử cung để cứu sản phụ Phạm Thị Soa. Vào thời điểm này, chị Soa mất máu rất nhiều. Kho máu của bệnh viện chỉ còn 6/11 đơn vị máu O (trùng nhóm máu chị Soa). Trước tình hình đó, để kịp thời cứu sản phụ Soa, Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương đã huy động cán bộ, bác sỹ, nhân viên y tế trong bệnh viện tham gia hiến máu. Vào thời điểm này, bác sĩ Nguyễn Viết Thắng (Khoa Đông y) hết thời gian trực, đang ở nhà.Nhận được điện thoại từ bệnh viện, bác sỹ Thắng lập tức có mặt và tham gia hiến máu. Cùng hiến máu cứu sản phụ Phạm Thị Soa còn có anh Nguyễn Trọng Linh (Phòng Tài chính Kế toán) và Nguyễn Văn Thông (Phòng Tổ chức Hành chính). Ngoài 3 bác sỹ, nhân viên tham gia hiến máu kể trên, Sở Y tế Nghệ An cũng tặng Giấy khen cho bác sỹ Nguyễn Hải Linh - trưởng kíp mổ. Được biết, đây không phải là lần đầu tiên các bác sỹ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương tham gia hiến máu cứu người. Bác sỹ Nguyễn Viết Thắng đã 2 lần hiến máu, 2 nhân viên Nguyễn Văn Thông và Nguyễn Trọng Linh đều đã có 3 lần hiến máu cứu bệnh nhân. Trong 2 năm 2105, 2016, có trên 80 đơn vị máu được cán bộ viên chức hiến tặng cấp cứu kịp thời bệnh nhân nặng đang điều trị tại bệnh viện.

 

13. Bốn nhân viên y tế Trung tâm y tế huyện Tân Kỳ, Nghệ An hiến máu cứu sản phụ mang thai đôi nguy kịch: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y t ế, một sản phụ thiếu máu trầm trọng, hồng cầu giảm còn 2,7 triệu, da xanh, nhợt nhạt… đã được 4 cán bộ y tế đã kịp thời hiến máu cứu sống sản phụ tại Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ, Nghệ An. Vào lúc 23h ngày 13/9/2017, thai phụ Trương Thị Nhung (22 tuổi, ngụ tại xóm Quyết Thắng, xã Phú Sơn, huyện Tân kỳ) có thai đôi lần đầu, nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ khoa Sản đã tiến hành thăm khám và siêu âm cho thấy thai nhi được 8 tháng, là thai đôi, cổ tử cung mới mở 5cm, trong âm đạo có nhiều máu cục, máu loãng có màu đỏ sẫm, tim thai không nghe được trên thành bụng, nghi ngờ rau bong non và sản phụ có khả năng chuyển sinh con so. Trước tình trạng nguy kịch ảnh hưởng đến tính mạng cả mẹ và con vì sản phụ đang trong tình trạng xuất huyết âm đạo liên tục, đội ngũ y bác sỹ nhanh chóng hồi sức cầm máu, giảm co, giải thích rõ tình trạng nguy kịch của bệnh nhân cho gia đình hiểu. Ban giám đốc trực tiếp hội chẩn và quyết định phẫu thuật mổ lấy thai cấp cứu. Ca phẫu thuật đã thực hiện thành công, mổ lấy thai gồm một bé trai (1,6 kg) và 1 bé gái (1,4 kg). Sau đó, các bé nhanh chóng được chuyển xuống Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An tiếp tục điều trị chăm sóc và theo dõi. Sau khi mổ, sản phụ tỉnh, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, hồng cầu chỉ còn 2,7 triệu, có triệu chứng thiếu máu trầm trọng. Tuy nhiên, sản phụ có nhóm máu O - là nhóm máu Trung tâm y tế Tân Kỳ hiện tại không còn trong kho dự trữ và người nhà bệnh nhân lại không có ai cùng nhóm máu này. Vì vậy đơn vị đã huy động các cán bộ có cùng nhóm máu O đến bệnh viện và hiến máu để cấp cứu bệnh nhân kịp thời. Ngay sau đó, 4 cán bộ, nhân viên gồm: Y sỹ Thái Duy Mạnh, điều đưỡng Nguyễn Văn Thảo (Khoa Hồi sức cấp cứu), kỹ thuật viên Hoàng Quốc Việt (Khoa Cận lâm sàng) và bác sỹ Bùi Văn Tý (Trưởng khoa Y tế công cộng và dinh dưỡng) đã tình nguyện hiến máu để truyền cho sản phụ. Điều dưỡng viên Nguyễn Văn Thảo (một trong những người đã tham gia hiến máu) cho biết: “Chứng kiến giây phút sinh tử của bệnh nhân do mất máu cấp, trong lúc kho máu cùng nhóm lại hết, kíp phẫu thuật, gây mê rất căng thẳng, nhưng bản thân tôi và mọi người quên hết cả mệt nhọc, sẵn sàng cho đi những giọt máu của mình, chỉ mong sao sản phụ được cứu sống an toàn”. BS. Phạm Thị Hiền - Trưởng khoa Sản, Trung tâm Y tế Tân Kỳ cho biết: Sau khi được truyền 5 đơn vị máu, hiện sản phụ đã qua cơn nguy kịch, đang được theo dõi và điều trị  khoa. Các chỉ số sinh tồn đã ổn định và có thể ăn uống được, dự kiến sẽ xuất viện trong 7 ngày tới.

 

14. Các bác sỹ  Bệnh viện đa khoa huyện Nghi Xuân, Hà Tình cứu sống sản phụ bị rau bong non thể nặng: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vừa kịp thời cứu sống sản phụ Trần Thị H (29 tuổi) ở xã Xuân Hải, Nghị Xuân, bị rau bong non thể nặng, tiền sản giật. Trước đó ngày 8/9, sản phụ được người nhà đưa vào BVĐK huyện Nghi Xuân trong tình trạng phù toàn thân, đau đầu, máu âm đạo ra nhiều có cả máu tươi lẫn máu cục… Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ khoa Sản đã tiến hành thăm khám và siêu âm cho thấy thai nhi được 37 tuần tuổi, cổ tử cung mới mở 1cm, bên trong có nhiều máu cục, tim thai khi nghe khi không, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp 190/120 mmHg… đồng thời cho chuyển mổ cấp cứu. Sau gần 2 giờ đồng hồ mổ và cấp cứu tích cực, sản phụ và em bé mới qua được cơn nguy kịch. Đến nay sau 4 ngày điều trị tích cực sản phụ H đã ổn định, không xuất hiện phù nề, tự ngồi dậy ăn uống và đi lại được, còn em bé đã bú tốt. Dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện sau 10 ngày nằm điều trị tại đây. Bác sỹ Hoàng Thị Hồng – Trưởng Khoa Sản, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân H cho biết: “Trường hợp sản phụ H mà đến muộn thì cả mẹ và con cũng dễ dẫn đến tử vong vì cấp cứu sản khoa diễn biến đột ngột, nhanh chóng có thể đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và thai nhi. Vì vậy, cần chẩn đoán, xử lý quyết đoán nhằm giảm các biến chứng sản khoa, hạn chế tử vong cho mẹ và thai nhi”. BS Hồng cho biết thêm, rau bong non là tình trạng nhau bám ở vị trí bình thường nhưng bong sớm trước khi được xổ ra ngoài. Bệnh lý rau bong non có sự hình thành khối huyết tụ sau bánh rau, khối huyết tụ lớn dần làm bong bánh rau ra khỏi thành tử cung, cắt đứt sự nuôi dưỡng giữa mẹ và thai nhi. Để phòng tránh rau bong non, các sản phụ nên đăng ký khám thai định kỳ tại một cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ tư vấn và quản lý thời kỳ thai nghén; bổ sung axit folic trước và ngay sau khi mang thai; khi phát hiện các yếu tốnguy cơ cao như: xuất huyết, đau bụng dưới… cần kịp thời đến bệnh việnchuyên khoa sản để được khám và xử trí kịp thời, bác sỹ Hồng khuyến cáo.

 

15. Các bác sỹ Khoa Hồi sức tích cực Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, Quảng Nam cứu sống sản phụ bị vỡ thai ngoài tử cung: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, sau gần 3 giờ chiến đấu với tử thần, bệnh nhân được truyền 5 đơn vị máu trong đó có 4 đơn vị máu của các bác sĩ, cuộc phẫu thuật đã thành công, trong niềm vui của tất cả y bác sĩ của Trung tâm y tế Tây Giang, Quảng Nam và người nhà bệnh nhân. Vào 22 giờ 30 phút, tối ngày 13/9/2017, Khoa Hồi sức cấp cứu Trung tâm Y tế Tây Giang, Quảng Nam tiếp nhận một bệnh nhân nữ tên Bhling Thị B, dân tộc C’tu, 23 tuổi, trú tại thôn Aró, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam trong tình trạng đau toàn ổ bụng, đau nhiều và tăng lên vùng hạ vị, mạch và huyết áp không ổn định, hình ảnh siêu âm có dịch ổ bụng, cạnh tử cung bên phải có cấu trúc giống túi thai khoảng 6 tuần, không có phôi thai. Sau đó bệnh nhân B có cơn đau bụng dữ dội, buồn nôn và nôn, có biểu hiện choáng. Nhận thấy người bệnh diễn biến xấu, tua trực của khoa Hồi sức cấp cứu đã khẩn trương mời hội chẩn liên khoa và hội chẩn lãnh đạo, bệnh nhân được chẩn đoán: Thai ngoài tử cung vỡ thể ngập máu ổ bụng, biến chứng: Choáng do giảm thể tích tuần hoàn, tiên lượng rất nặng đe dọa đến tính mạng người bệnh. Ngay lập tức bệnh nhân được chuyển mổ cấp cứu lúc 00 giờ 25 phút, rạng sáng ngày 14/9/2017. Công tác chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật được khẩn trương thực hiện, ê kíp trực phẫu thuật và đội ngũ kỹ thuật viên khoa cận lâm sàng được điều động, số cán bộ viên chức trong đơn vị có cùng nhóm máu (ngân hàng máu sống của Trung tâm) và người nhà bệnh nhân được huy động xét nghiệm định danh nhóm máu để sẵn sàng hiến máu cứu người bệnh. BSCKI. Alăng Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Tây Giang là người trực tiếp phẫu thuật phẫu thuật, bác sĩ đã  hút ra khoảng 2500ml máu trong ổ bụng người bệnh và nhanh chóng cầm máu. Để đảm bảo an toàn cho người bệnh, y lệnh truyền đồng nhóm máu cho người bệnh được triển khai. Với sự quyết tâm, tập trung phẫu thuật cấp cứu người bệnh của ê kíp phẫu thuật và đội ngũ y, bác sĩ Trung tâm Y tế Tây Giang, sau gần 3 giờ chiến đấu với tử thần, cuộc phẫu thuật đã thành công, phần thắng đã thuộc về tay những chiến sĩ áo trắng lặng thầm trong niềm vui của tất cả nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân. Bệnh nhân Bhling Thị B được truyền 5 đơn vị máu O (trong đó có 4 đơn vị máu từ những chiến sĩ áo trắng) đã qua cơn nguy kịch và được đưa ra phòng hậu phẫu để tiếp tục theo dõi, chăm sóc. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân B còn được phát hiện viêm dính tử cung, phần phụ. Hiện tại, bệnh nhân Bhling Thị B đã tỉnh, phục hồi tốt và đang được chăm sóc, theo dõi thêm tại khoa Ngoại – Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế Tây Giang bởi chính những bàn tay tận tuy luôn cống hiến hết mình vì sức khỏe nhân dân của những nhân viên y tế nơi vùng cao biên giới Tây Giang, Quảng Nam.

 

16. Các bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế cứu sống một người đàn ông bị rắn hổ mang chúa cắn: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 13/9, các bác sĩ bệnh viện Trung ương Huế đã cứu sống một người đàn ông sau khi bị rắn hổ mang chúa cắn vào tay. Nạn nhân là ông Nguyễn Kính (53 tuổi), trú tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, được chuyển vào khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng run rẩy, tim đập nhanh, đầu óc choáng váng. Trước đó, khoảng 18h ngày 11/9, nghe thông tin một người dân ở bản Xi, huyện Hướng Hóa bắt được một con rắn hổ mang chúa nặng gần 2kg nên ông tò mò đến xem. Trong lúc xem, ông Kính không may bị con rắn cắn vào tay. Ngay sau đó, ông được người dân thuê xe đưa vào bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu. Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Phú, khoa Hồi sức tích cực cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nôn mửa, tim đập nhanh, rối loạn cảm giác và tê ở khu vực tay bị rắn cắn. Tuy nhiên, sau khi được các bác sĩ điều trị tích cực, hiện ông Kính đã qua cơn nguy kịch. “Nếu bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện chậm hơn thì chắc đã không thể cứu chữa.Khi bị rắn cắn, đầu tiên cần phải băng, ép vùng bị rắn cắn sau đó phải vận chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế nhanh nhất để được điều trị kịp thời”, bác sĩ Phú khuyến cáo.

 

17. Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cấp cứu thành công một học sinh bị tai nạn giao thông nguy kịch: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang vừa tiếp nhận bệnh nhân T. V. H. N, 13 tuổi, trú tại xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn bị đa chấn thương do tai nạn giao thông tại địa phận xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Gia đình bệnh nhân N. cho biết, chiều 9/9 cháu N. trên đường đi học đã bị 1 xe ô tô bán tải đâm vào, sau tai nạn cháu đã được người dân đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Suối khoáng Mỹ Lâm và được chuyển tuyến đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang. Bác sỹ CKII. Đào Ngọc Việt, Trưởng khoa Cấp cứu cho biết: Bệnh nhân N. vào viện trong tình trạng vật vã kích thích, da xanh, niêm mạc trắng nhợt, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt, khám thấy ngực, bụng xây xát, bụng chướng, cảm ứng phúc mạc dương tính, kết quả siêu âm thấy hình ảnh tổn thương vỡ gan, vỡ lách, vỡ thận phải, ổ bụng có nhiều dịch. Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân đã được đưa lên khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức để mổ cấp cứu. BS CKI. Hà Anh Tuấn, Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh trực tiếp phẫu thuật, cho biết: Khi vừa phẫu thuật mở ổ bụng bệnh nhân N. thấy có rất nhiều máu đông lẫn không đông, hút ra được khoảng 2500ml; kiểm tra ổ bụng thấy tụ máu lớn sau phúc mạc vùng hố thận phải, vỡ gan hạ phân thùy VI, VII, vỡ thận phải, vỡ lách, đụng dập đuôi tụy. Kíp mổ tiến hành cắt thận phải, cắt lách, cắt gan bị tổn thương, đốt cầm máu đuôi tụy, rửa ổ bụng, đặt dẫn lưu ổ bụng. Bác sỹ CKI. Hà Văn Linh, Phó trưởng khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Ngay khi bệnh nhân N được đưa vào phòng mổ, kíp Gây mê đã đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, đặt nội khí quản (đặt ống vào phổi), hút trong ống nội khi quản ra nhiều máu và bọt khí, bệnh nhân đã được truyền bổ sung 12 đơn vị khối hồng cầu, huyết tương, sử dụng các thuốc vận mạch liều cao, điều trị phù phổi cấp, theo dõi sát trong suốt quá trình mổ. Sau mổ, bệnh nhân đã được đưa ra phòng hồi tỉnh của khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức để tiếp tục điều trị chăm sóc đặc biệt. Hiện tại, Bệnh nhân tỉnh, thở máy, vết mổ khô, chỉ số sinh tồn dần ổn định, tiếp tục được theo dõi, điều trị tại khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức. Đây là một trong nhiều ca mổ khó, đã được phẫu thuật cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang.

 

18. Các bác sỹ Bệnh viện Xuyên Á cứu sống bé gái 3 tuổi nuốt phải dây đồng hồ suýt tử vong: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, một trẻ nhỏ nuốt phải dây đồng hồ kim loại suýt mất mạng vừa được các bác sĩ bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (BVXA) xử trí nhanh chóng, gắp dị vật ra ngoài thành công. Ngày 14/9, đại diện BVXA cho biết, bệnh viện đã cấp cứu thành công cho một trẻ nhỏ nuốt phải dị vật suýt tử vong. Trước đó, ngày 12/9, bệnh nhân T.T. (SN 2014, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) nhập viện trong tình trạng sức khỏe bị đe dọa với các biểu hiện quấy khóc dữ dội, buồn nôn, mệt mỏi. Người nhà cho biết, bé đã nuốt một đoạn dây đồng hồ bằng kim loại. Ngay khi phát hiện con nuốt dị vật, cha mẹ cháu bé lập tức đưa đến BVXA để cấp cứu. Qua thăm khám kỹ lưỡng và kiểm tra kết quả chụp X-Quang, bác sĩ phát hiện có dị vật nằm ở phình vị (dạ dày). Vì vậy, các nhân viên y tế nhanh chóng chuyển bé đến phòng Nội soi cấp cứu. Các bác sĩ tại trung tâm Nội soi, BVXA đã gắp thành công dị vật cho bé bằng dụng cụ chuyên dụng. Dị vật là một đoạn dây đồng hồ bằng kim loại, có kích thước khá lớn lại nằm trong phình vị của bệnh nhi nhỏ tuổi nên rất nguy hiểm. Các bác sĩ đã phải rất thận trọng khi tiến hành nội soi gắp dị vật. Hiện, bé đã tỉnh táo và không còn cảm giác đau, buồn nôn hay khó thở. Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo, người lớn nên trông trẻ nhỏ thật cẩn thận, không cho trẻ chơi các loại đồ vật sắt nhọn, hóa chất độc hại, pin trong đồ chơi điện tử. Đối với những trẻ đã có nhận thức, phụ huynh cần nhắc nhở trẻ không nên cho đồ vật vào miệng và mũi. Nếu chẳng may bé nuốt phải dị vật cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện.

 

19. GIa đình bệnh nhi tử vong cho rằng hình thức kỷ luật cảnh cáo và điều chuyển bác sỹ Nguyễn Giang Nam là chưa đúng bản chất vụ việc: Theo phản ánh của ông Trọng, bố của bệnh nhi đã tử vong, đến Đường Dây nóng Bộ Y tế, ông cho rằng kết quả giải quyết tố cáo với bác sĩ Nguyễn Giang Nam, cán bộ Trung tâm y tế huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương trong vụ con trai ông tử vong là chưa thỏa đáng. Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế cũng có văn bản gửi đến Sở Y tế Bình Dương yêu cầu đơn vị này xem xét, giải quyết và báo cáo. Chiều 28/2/2017, gia đình ông Lê Đình Trọng (49 tuổi, ngụ tại khu phố 7, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) nhận được thông báo kết quả giải quyết tố cáo của TTYT huyện Phú Giáo về nội dung tố cáo đối với bác sĩ Nguyễn Giang Nam (nhân viên TTYT huyện Phú Giáo) và bác sĩ Nguyễn Thị P. Báo cáo kết quả giải quyết tố cáo của TTYT huyện Phú Giáo thể hiện: Bệnh nhi Lê Đình Chinh (13 tuổi, con trai ông Lê Đình Trọng) nhập viện điều trị từ ngày 24 - 26/11/2016, được chẩn đoán sốt xuất huyết và điều trị bằng hạ nhiệt, bù nước điện giải bằng đường uống, tư vấn cho gia đình về chăm sóc người bệnh theo đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết của Bộ Y tế. Sau khi phân tích toàn bộ quá trình nhập viện, điều trị, theo dõi, chăm sóc, chuyển viện, hội đồng chuyên môn nhận định đây là một trường hợp khó, có yếu tố ngược cơ (thừa cân, nằm trong giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh), rất khó tiên lượng và diễn biến rất phức tạp. "Bác sĩ Nguyễn Giang Nam đã không đánh giá, tiên lượng được diễn biến của bệnh nhi và giải thích, tư vấn chưa đầy đủ để thân nhân của người bệnh hiểu và hợp tác tốt trong quá trình điều trị, cho chuyển viện không an toàn. Bác sĩ Nguyễn Giang Nam đã vi phạm Quy tắc ứng xử trong ngành Y tế", Báo cáo kết quả giải quyết tố cáo của TTYT huyện Phú Giáo nêu rõ. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng - Kỷ luật TTYT huyện Phú Giáo xử lý bác sĩ Nguyễn Giang Nam bằng hình thức cảnh cáo, đồng thời điều chuyển công tác, không được khám chữa bệnh, cắt thi đua, khen thưởng, cắt toàn bộ các khoản tiền tăng thu nhập, lễ tết của đơn vị trong 1 năm, ngưng thời gian nâng bậc lương. Một người khác liên quan đến vụ việc này cũng bị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng - Kỷ luật TTYT huyện Phú Giáo xử lý khiển trách, điều chuyển công tác là bác sĩ Nguyễn Thị P, người trực thay bác sĩ Nguyễn Giang Nam một khoảng thời gian trong ngày cháu Chinh chuyển viện, bị co giật và tử vong sau đó. Sau khi nhận được thông báo kết quả giải quyết tố cáo của TTYT huyện Phú Giáo, gia đình ông Lê Đình Trọng bức xúc, cho rằng hình thức kỷ luật đối với bác sĩ liên quan đến quá trình điều trị cho con trai ông là không thoả đáng, không chân thành. Theo ông Trọng, về trách nhiệm nghiệp vụ, y đức trong vụ việc liên quan đến quá trình điều trị, hướng dẫn cho gia đình và lúc chuyển viện để sau đó dẫn đến cái chết oan uổng của con trai ông cần có một hội đồng chuyên môn độc lập, khách quan đánh giá lại toàn bộ vụ việc. Với mong muốn làm rõ, ông Trọng đã có đơn gửi đến Bộ Y tế, Sở Y tế Bình Dương và các cơ quan chức năng vào cuộc để trả lại công lý cho gia đình ông. Trên hành trình làm sáng tỏ mọi việc, ông Trọng cho biết thêm, gia đình ông đã gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng, trong đó có Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, Sở Y tế tỉnh Bình Dương, Bộ trưởng Bộ Y tế, Đường Dây nóng Bộ Y tế. Trước đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế cũng có văn bản gửi đến Sở Y tế Bình Dương yêu cầu đơn vị này xem xét, giải quyết và báo cáo trước ngày 15/4/2017 về vụ cháu Lê Đình Chinh tử vong có liên quan đến TTYT huyện Phú Giáo mà gia đình nạn nhân phản ánh có sự tắc trách, thiếu trách nhiệm của y, bác sĩ.

 

20. Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh huy động xe cứu thương xuyên bão hỗ trợ cấp cứu cho 6 bệnh nhân: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, bất chấp trời mưa to gió lớn, Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã điều động xe cứu thương đi ngay trong cơn bão số 10 để hỗ trợ cấp cứu cho 6 bệnh nhân. Bác sỹ Phan Thị Xuân Liễu, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thị xã Kỳ Anh cho biết, đến thời điểm 16h ngày 15/9 số bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện còn 290 bệnh nhân; đặc biệt, bệnh viện đã huy động xe cứu thương đi trong bão hỗ trợ cấp cứu cho 6 bệnh nhân từ nhà đến bệnh viện; mổ cấp cứu 3 sản phụ có vết mổ đẻ cũ dọa vỡ tử cung do đến muộn. Trước đó, để ứng phó với bão số 10 lãnh đạo bệnh viện đã xây dựng kế hoạch triển khai các biện pháp phòng chống bão nhưng do cơn bão quá mạnh, thời gian cơn bão đi qua kéo dài nên thiệt hại hết sức nặng nề, chưa thể thống kê được… Sau khi cơn bão đi qua, tất cả các mái nhà của các khoa phòng, nhà xe nhân viên, nhà đại thể, khu xử lý rác thải đều tốc hoàn toàn mái, hư hỏng nặng; cửa kính phía sau các nhà tầng 3, tầng 2 khu vực điều trị nội trú bị vỡ nên nước tạt vào hết các khu nhà; một số cửa chính, cửa sổ hư hỏng nặng. Đồng thời, các khu vực điều trị cho bệnh nhân như khoa nội, sản, ngoại, nhi…. đều bị ngập nước do gió giật mạnh làm vỡ cửa kính và hư hỏng một số cửa đi, nên Bệnh viện đã khẩn trương di dời bệnh nhân đến nơi khô ráo, an toàn. Nhiều cây cối trong khuôn viên bệnh viện bật gốc, gãy đỗ, hệ thống dây điện, dây mạng Lan bị đứt, gãy, biển bảng chỉ dẫn đã được gắn chặt vào các vị trí nhưng vẫn bị gió làm rơi, vỡ nhiều. Hệ thống cổng bảo vệ tự động bị hư hỏng hoàn toàn. Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu đã yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện tiếp tục chỉ đạo y, bác sỹ làm tốt công tác thu dung và điều trị cho bệnh nhân, tuyệt đối không để bệnh nhân thiếu thuốc và bị đói trong quá trình nằm điều trị tại đây, huy động tối đa nhân lực dọn dẹp vệ sinh... Ngay trong sáng nay (16/9), Sở Y tế Hà Tĩnh đã điều động đội ngũ đoàn viên thanh niên Sở đến hỗ trợ bệnh viện trong việc tổng vệ sinh bệnh viện để kịp thời đáp ứng tốt công tác khám, điều trị và thu dung bệnh nhân, đồng chí Giám đốc Sở cho biết thêm.

 

21. Các bác sỹ Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cứu sống trẻ sơ sinh non, nặng 1kg: Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận và cứu sống bệnh nhi Lâm Thị H. sơ sinh non tháng, Trẻ sinh non được các bác sĩ khoa Nhi tiến hành cấp cứu cho thở máy, điều trị kháng sinh chống nhiễm trùng và nuôi dưỡng đường tĩnh mạch... Đồng thời, trẻ được bơm Surfactant để giúp đảm bảo chức năng cho phổi chưa trưởng thành. Sau 56 ngày điều trị, cân nặng của cháu bé đạt 2,1 kg, tự thở được, bú tốt và được xuất viện. Mẹ bé vui mừng, xúc động nói: "Đúng là một phép màu. Bản thân tôi và gia đình cứ nghĩ con tôi sẽ không sống được. Nhưng sự cố gắng, tận tình của các bác sĩ đã cứu sống con tôi. Tôi gửi lời cảm ơn chân thành tới các bác sĩ, điều dưỡng khoa Nhi, đặc biệt là bác sĩ Diệp đã giúp bé H khỏe mạnh. Đây là niềm hạnh phúc tuyệt vời với chúng tôi". Đây là trường hợp bệnh nhi thứ 3 tại Bệnh viện đa khoa Lạng Sơn mắc bệnh màng trong điều trị thành công nhờ liệu pháp bơm surfactant. Bệnh màng trong là một bệnh phổ biến trong giai đoạn sơ sinh, đặc biệt là trẻ đẻ non. Nguyên nhân chính là do thiếu chất hoạt bề mặt trong lòng phế nang (chất Surfactant). Trẻ mắc bệnh màng trong có tỉ lệ tử vong rất cao hoặc để lại di chứng nặng nề như bệnh võng mạc gây mù lòa, suy hô hấp, di chứng thần kinh, xuất huyết não... Do vậy, việc sử dụng Sunfactant vừa phòng ngừa, vừa điều trị, giúp cải thiện chức năng phổi của trẻ, giảm biến chứng suy hô hấp.  Hiện nay, các bác sĩ khoa Nhi - Bệnh viện đa khoa Lạng Sơn đã áp dụng thành công kỹ thuật này, điều trị thành công cho những trẻ sơ sinh non tháng, suy hô hấp. Qua đây, góp phần nâng cao chất lượng điều trị cấp cứu sơ sinh, đem lại niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình. Trường hợp này bên cạnh giải quyết vấn đề suy hô hấp, cứu sống trẻ mới 28 tuần tuổi, nặng có 1000 gam là một thành công đối với khoa Nhi – Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn. 

 

22. Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á phối hợp với Bệnh viện Hóc Môn thành phố Hồ Chí Minh khởi động quy trình báo động đỏ liên viện cứu sống bệnh nhân nặng: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế ngày 16/9, các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cùng Bệnh viện huyện Hóc Môn (TP HCM) đã cứu sống một nam bệnh nhân bị thủng gan, tụy, động mạch chủ bụng. Các bác sỹ cho biết, chiều 14/9, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện huyện Hóc Môn cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch, mất máu nặng do vết thương thấu bụng. Bệnh nhân đã bị vết thương xuyên qua gan, bờ trên tụy, đặc biệt thủng động mạch chủ bụng khiến máu chảy rất mạnh.  Sau khi sơ cứu, các bác sĩ khởi động quy trình báo động đỏ liên viện rồi khẩn cấp chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á. Êkíp phẫu thuật đã nhanh chóng cầm máu, khâu vá lại các vết rách động mạch chủ, gan, thân tụy và sau hơn 3 giờ phẫu thuật đã cứu sống bệnh nhân. Bệnh nhân mất hơn 2 lít máu và đã được truyền 8 đơn vị máu, 4 đơn vị huyết tương trong lúc phẫu thuật. Hiện, bệnh nhân đã dần hồi phục sau ca mổ. Một lần nữa, vai trò của quy trình báo động đỏ liên tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á đã phát huy hiệu quả. Theo đó, các bệnh viện đã phối hợp chặt chẽ với nhau không phân biệt bệnh viện công và bệnh viện tưtrong công tác khẩn cấp, nhờ đó đã cứu nhiều ca bệnh thoát khỏi nguy cơ tử vong rất cao.

 

 

23. Bệnh viện Mắt Trung ương tạm dừng công tác chuyên môn đối với nữ bác sĩ gác chân lên ghế trong lúc nói chuyện với người nhà bệnh nhân: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, Lãnh đạo Bệnh viện Mắt Trung ương đã tạm dừng công tác chuyên môn bác sĩ Nguyễn Thị Minh tại khoa Mắt trẻ em để giải trình về việc gác chân lên ghế khi nói chuyện với người nhà bệnh nhân. Trước đó, một ông bố quê Quảng Ninh đưa con trai là Đỗ Ngọc V.A. đi khám tại khoa Mắt trẻ em, Bệnh viện Mắt Trung ương. Ông bố bức xúc trước việc nữ bác sĩ chỉ vạch mắt cháu kiểm tra mà không khám lại bằng máy móc rồi kết luận cận thị nặng. Sau đó ông bố quay ra đối chất với nữ bác sĩ và đề nghị khám lại. Bác sĩ ngồi gác chân lên ghế giải thích cho người nhà rằng tùy từng bệnh, nếu bác sĩ đã thấy đủ thì không cần máy, bác sĩ sẽ chịu trách nhiệm về điều này. Trước yêu cầu của người nhà bệnh nhi V.A, nữ bác sĩ đã ký giấy để hội chẩn ở cấp cao hơn.  Toàn bộ cuộc trao đổi giữa người nhà bệnh nhi này và nữ bác sỹ đã được ông bố của bệnh nhân V.A quay lại rồi đưa lên mạng. Ngày 11/9, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế PGS.TS Lương Ngọc Khuê đã gọi đến bệnh viện Mắt Trung ương, yêu cầu đội ngũ cán bộ bệnh viện giải trình về đoạn clip trên. Ngay sau đó, Giám đốc bệnh viện Mắt Trung ương Nguyễn Xuân Hiệp đã có giải trình bước đầu. Theo ông, bệnh viện đã thành lập tổ công tác để xác minh và xác nhận người bị phản ánh trong clip là nữ TS.BS Nguyễn Thị Minh. Nhận thấy bác sĩ Minh đã không có thái độ đúng mực, phản cảm trong giao tiếp, bệnh viện đã yêu cầu bác sĩ tạm dừng làm chuyên môn, viết tường trình tiếp tục làm rõ sự việc. PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, nữ bác sĩ Nguyễn Thị Minh tại bệnh viện Mắt Trung ương đã có thái độ làm việc không tôn trọng bệnh nhân, lời lẽ giao tiếp chưa đúng mực. Giám đốc bệnh viện Mắt Trung ương Nguyễn Xuân Hiệp cho biết thêm, sau khi có kết quả giải trình từ bác sĩ Minh và báo cáo từ tổ công tác, bệnh viện sẽ xử lý nghiêm túc bác sĩ tùy theo mức độ vi phạm.

 

24. Các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh phẫu thuật thành công bệnh nhi mắc hội chứng Cushing hiếm gặp: Theo thông tin từ Đường Dây nóng Bộ Y tế, các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 1 vừa phẫu thuật thành công cho trường hợp bệnh nhi mắc hội chứng Cushing hiếm gặp. Tính tới thời điểm hiện tại, đây là ca bệnh thứ 22 có bệnh lý tương tự được ghi nhận trên thế giới. Bệnh nhi là bé gái V.P.T.P., (11 tuổi, ngụ tại Đắk Lắk). Anh V.V.N - ba của bé cho biết, bé P. dù chỉ mới 11 tuổi nhưng đã nặng hơn 59kg. Thấy số cân nặng của con bất thường so với số tuổi, gia đình đã nhiều lần đưa con đi khám ở các BV tại TPHCM, nhưng bé chỉ được chẩn đoán là béo phì. Tuy nhiên, dù tiết giảm ăn uống nhưng bệnh tình của bé không có dấu hiệu gì cải thiện. Mới đây, bé được người nhà đưa đi khám tại BV Nguyễn Tri Phương TPHCM. Tại đây, qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy bé có bất thường ở nội tiết tố, tiến hành hội chẩn với các bác sĩ BV Nhi Đồng 1 và thống nhất chuyển bé P. sang BV Nhi Đồng 1 để có môi trường phẫu thuật và điều trị phù hợp hơn. Theo BS Trần Thị Hương, Phó khoa Thận - Nội tiết BV Nhi Đồng 1 TPHCM, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng béo phì nhưng chỉ béo mặt, ngực và lưng, tay chân phát triển bình thường, rạn da, lông mọc nhiều giống như nam giới, mặt tròn. Sau khi làm các xét nghiệm, bệnh nhi được chẩn đoán mắc hội chứng Cushing (u vùng tuyến thượng thận). Hội chứng này gặp ở người lớn rất nhiều, ít gặp ở trẻ em mà đặc biệt là mắc phải ở tuyến thượng thận hai bên gây ra hội chứng Cushing thì trên thế giới chỉ mới có 21-22 ca. Nghiên cứu các phương pháp điều trị trên thế giới, BS Hà Văn Lượng, Phó khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức BV Nhi Đồng 1 cho biết, có nhiều cách điều trị bệnh lạ này như điều trị nội khoa, cắt bán phần... tuy nhiên không biện pháp nào thành công và hiệu quả bằng việc cắt tuyến thượng thận. Nếu không mổ bé có rất nhiều nguy cơ như béo phì, cao huyết áp, thậm chí bị rối loạn tâm thần. Theo Ths BS Đinh Việt Hưng, Khoa Ngoại Tổng Hợp, người thực hiện mổ cho bệnh nhân, đây là ca mổ cần sự phối hợp và chuẩn bị rất kỹ lưỡng, phối hợp nhiều chuyên khoa. Khi phẫu thuật cắt tuyến thượng thận hai bên thì sẽ bị rối loạn rất nhiều về nội tiết, nhịp tim, huyết áp… Bên cạnh đó, bụng em bé rất dày, để tiếp cận vào tuyến thượng thận (nằm trên thận và dưới gan, tụy và cạnh các mạch máu lớn) là rất sâu và khó khăn. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bệnh nhi P. được phẫu thuật nội soi với hai đường mổ hai bên thành bụng, cắt thành công khối u 2 tuyến thượng thận. Sau 3 ngày phẫu thuật bệnh nhi đã có thể ra khỏi khoa hồi sức, có thể ngồi dậy được, hiện tình trạng ổn định, cân nặng giảm xuống, huyết áp ổn định nhưng vẫn cần được theo dõi lâu dài. Y văn Thế giới ghi nhận nếu điều trị nội hoặc cắt bán phần thì hội chứng Cushing sẽ tái phát, nên phương pháp cắt bỏ toàn bộ 2 tuyến thượng thận là tối ưu. Nhưng nhưng vậy sẽ dẫn đến nguy cơ sau mổ là bị suy thượng thận cấp, mất nước, ói mửa… Do vậy bệnh nhân sẽ phải được theo dõi suốt đời, uống những chất nội tiết thiếu, bù điện giải… Sau mổ cân nặng của bé sẽ hạ xuống.​ 


Thăm dò ý kiến