Bắc Ninh tăng cường phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em

03/06/2024 | 15:19 PM

 | 

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tai nạn thương tích, nhất là hạn chế tình trạng trẻ em bị tử vong do đuối nước, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em tại các trường học toàn tỉnh.

 

Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, mặc dù số trẻ em bị đuối nước có xu hướng giảm nhưng mỗi năm, đuối nước vẫn cướp đi sinh mạng của khoảng 2.000 trẻ em.

Theo bà Phạm Thị Hồng Quyên, Trưởng Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh): Trên địa bàn tỉnh, mặc dù tai nạn đuối nước đã được giảm thiểu nhưng mỗi dịp hè lại có nguy cơ gia tăng và hầu như năm nào cũng ghi nhận vài trường hợp trẻ đuối nước. Có rất nhiều nguyên nhân khiến số trẻ em tử vong vì đuối nước. Nhưng nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của một bộ phận người dân về phòng, chống đuối nước trẻ em còn hạn chế, một số gia đình chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý, nhất là ở khu vực nông thôn, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, bố mẹ đang phải lo mưu sinh, không có thời gian quan tâm, giám sát con cái một cách chặt chẽ. Trong khi điều kiện tự nhiên, môi trường sinh sống còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước. Một số địa phương vẫn còn chủ quan, lơ là trong việc kiểm soát điều kiện an toàn ở những nơi dễ có nguy cơ xảy ra đuối nước trẻ em như: Ao, hồ, công trình xây dựng…

Tập huấn kỹ năng phòng, chống đuối nước  cho học sinh.

Một nguyên nhân khác cần kể đến là trẻ em lại chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ bản thân, phòng tránh tai nạn đuối nước. Khi bị đuối nước, trẻ lập tức bấu víu vào nhau, dẫn đến bạn bơi cùng cũng bị đuối nước. Có trẻ thấy bạn đuối nước vội lao mình xuống cứu nhưng do không có kỹ năng nên bị đuối sức và đuối nước theo… “Nhiều người vẫn chủ quan tưởng rằng chỉ cần biết bơi thì trẻ sẽ được an toàn. Thực tế biết bơi chỉ là kỹ năng cơ bản, để thực sự an toàn, trẻ cần được dạy một số kỹ năng an toàn trong môi trường nước, biết cách sơ cứu để có thể tự cứu mình khi không may bị chuột rút hoặc có thể cứu bạn một cách an toàn” - bà Quyên nhấn mạnh.

Trước thực trạng đáng lo ngại trên, chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em đã và đang được các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, nhà trường, gia đình đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư ngân sách xây dựng hệ thống bể bơi đạt chuẩn, đưa bơi trở thành môn học tại các trường học.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em tại các trường học toàn tỉnh. Chương trình truyền thông cung cấp tổng quan kiến thức về kỹ năng bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ em; hướng dẫn trẻ nhận biết những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước và cách phòng tránh như: Không tắm, bơi, chơi đùa ở những nơi có biển báo nguy hiểm và những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước; phương pháp tiếp cận khi phát hiện có người bị đuối nước; biết cách dùng phương tiện, dụng cụ để cứu hộ, cứu nạn và đặc biệt biết sơ cứu đúng phương pháp với trường hợp người bị đuối nước…

Bài học thực tế từ các vụ đuối nước thương tâm cho thấy bên cạnh dạy bơi cho trẻ, các gia đình, nhà trường cần dạy trẻ các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, ứng phó trong hoàn cảnh bị đuối nước và biết cách cứu người khác bị đuối nước an toàn, phù hợp với lứa tuổi. Các em luôn phải tuân thủ nguyên tắc dù bản thân biết bơi thậm chí bơi giỏi cũng không được trực tiếp nhảy xuống nước cứu người đuối nước, mà chỉ cứu người đuối nước bằng các cách gián tiếp như: Hô hoán, thông báo mọi người xung quanh biết để trợ giúp; ném các vật nổi cho nạn nhân, sử dụng các dụng cụ cứu hộ như phao cứu sinh, gậy, dây, can nhựa... để hỗ trợ.

Trẻ em cũng cần được học cách hô hấp nhân tạo trong trường hợp nạn nhân bất tỉnh, sau đó tìm cách đưa đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu…

Bơi lội, chơi đùa với nước luôn là niềm vui thích với các em nhỏ trong ngày hè, nhưng đằng sau đó tiềm ẩn rủi ro nếu trẻ thiếu sự quan tâm, giám sát của người lớn, thiếu kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ bản thân. Phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em không phải là trách nhiệm của riêng một cá nhân, một cơ quan, tổ chức mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Chính sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa gia đình, nhà trường và chính quyền, đoàn thể các cấp sẽ là yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ trẻ em khỏi tai nạn đuối nước./.

Nguồn: tapchilaodongxahoi.vn