Cách sơ cứu khi bị điện giật

17/09/2019 | 08:32 AM

 | 

Bị điện giật có thể khiến nạn nhân bị bỏng, thậm chí tử vong do ngừng hô hấp và tuần hoàn. Kỹ năng sơ cứu ngay khi sự cố xảy ra là việc rất quan trọng để cứu sống nạn nhân.

Theo bác sĩ Vũ Tưởng Lân, khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, các tai nạn điện giật trong gia đình thường do sự bất cẩn như dùng dao kéo cắt dây điện khi dây đang nối với nguồn điện, dùng răng cắn vỏ dây điện, dùng vật kim loại chọc vào ổ điện, các ổ điện đặt thấp trong tầm với của trẻ em... Điện giật có thể xảy ra ở bất kỳ đâu như nhà riêng, cơ quan, công trường, nhà máy, trường học, bệnh viện.

            Sức nóng do điện trở có thể gây bỏng lan rộng và sâu. Trong nhiều trường hợp điện thế cao, bỏng thường kèm theo cháy đen các mô chỉ trong vài giây. Dòng điện ảnh hưởng đến việc kiểm soát thần kinh, nhất là trên tim và phổi có thể gây ngất ngay hoặc mất trí nhớ tạm thời. Nếu không cấp cứu kịp thời, người bị nạn có thể rối loạn nhịp tim gây tử vong nhanh.

            Bác sĩ Vũ Tưởng Lân chia sẻ các bước sơ cứu cần thực hiện khi có tai nạn điện giật như sau:

            -  Ngắt cầu dao điện càng nhanh càng tốt.

            -  Gọi cấp cứu và gọi báo cho điện lực gần nhất.

            -  Tự cách điện cho mình bằng cách đứng lên vật cách điện, dùng các vật dụng cách điện như thanh tre, cây khô, cây nhựa…. để gạt dây điện hoặc tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện.

            -  Kiểm tra chấn thương cho nạn nhân, ưu tiên những vị trí trọng yếu như đầu, cổ. Nếu nạn nhân bất tỉnh, không thở hoặc thở yếu nên tiến hành hô hấp nhân tạo, nhấn tim cho đến khi nạn nhân thở lại.

            - Chỉ vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế khi đã cấp cứu ổn định.

            - Cố gắng không để nạn nhân bị lạnh run. Tiến hành băng, che phủ vùng bỏng với băng vô trùng hoặc quần áo sạch. Không dùng chăn mền hay khăn lau vì các chất liệu sợi thưa có thể dính vào vết bỏng.

            Tất cả các trường hợp điện giật sau khi sơ cứu đều phải vận chuyển đến cơ sở y tế để kiểm tra mức độ ảnh hưởng.

            Bác sĩ Lân khuyên trong gia đình nên sử dụng thiết bị ngắt mạch tự động (automata), lắp đặt thiết bị chống quá tải và chống giật. Khi có sự cố chập điện, cháy, dòng điện sẽ tự ngắt nhờ thiết bị này. Thường xuyên kiểm tra và thay thế các thiết bị điện hư hỏng. Một số dấu hiệu cần kiểm tra ngay như thiết bị phát ra những tia lửa nhỏ, vỏ bọc dây điện bong tróc, thiết bị điện trở nên nóng bất thường, có mùi khét khi sử dụng...

            Các thiết bị điện trong gia đình nên lắp đặt tránh xa nguồn nước, nơi ẩm thấp. Hệ thống ổ cắm trong nhà nên được lắp đặt ở các vị trí che khuất. Những ổ cắm chưa sử dụng cần bọc bởi các tấm chắn, ngăn chặn sự vô tình tiếp xúc với dòng điện, đặc biệt với những gia đình có trẻ nhỏ.

            Sử dụng thiết bị bảo vệ cá nhân như găng tay, giày hoặc ủng có đế cao su cách điện khi làm việc trong môi trường ẩm ướt.