THỰC TRẠNG NHIỄM HBV VÀ CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TRONG NHÂN VIÊN Y TẾ TẠI MỘT SỐ BỆNH VIỆN CỦA VIỆT NAM
28/05/2009 | 05:00 AM
Viêm gan B (VGB) là một trong những bệnh nguy hiểm ở người do HBV gây ra và là vấn đề nổi cộm của ngành y tế. Trên thế giới, trong số 2 tỉ người nhiễm HBV thì hơn 350 triệu bị mắc VGB mạn tính, có nguy cơ tiến triển xơ gan và ung thư gan, 67% trong số đó cư trú tại Châu Á, Thái Bình Dương.
THỰC TRẠNG NHIỄM HBV VÀ CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TRONG NHÂN VIÊN Y TẾ TẠI MỘT SỐ BỆNH VIỆN CỦA VIỆT NAM
Nguyễn Thúy Quỳnh, Dư Hồng Đức, Nguyễn Lệ Ngân,
Nguyễn Phương Thùy và cs – Trường Đại học Y tế công cộng
Viêm gan B (VGB) là một trong những bệnh nguy hiểm ở người do HBV gây ra và là vấn đề nổi cộm của ngành y tế. Trên thế giới, trong số 2 tỉ người nhiễm HBV thì hơn 350 triệu bị mắc VGB mạn tính, có nguy cơ tiến triển xơ gan và ung thư gan, 67% trong số đó cư trú tại Châu Á, Thái Bình Dương. Hàng năm trên toàn thế giới có khoảng 1 triệu trường hợp tử vong (tương đương với 2800 ca mỗi ngày, 115 ca mỗi giờ, hoặc 1-2 ca mỗi phút) vì ung thư gan hoặc suy gan do HBV. Đa số bệnh nhân ung thư gan đều tử vong, bệnh thường phát ở tuổi từ 35 đến 65 là độ tuổi lao động có nǎng suất cao nhất và có nhiều trách nhiệm với gia đình nhất. NVYT là lực lượng lao động thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều yếu tố tác hại nghề nghiệp (THNN), đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường máu, trong đó có VGB.
Trong thời gian từ tháng 10/2008 đến tháng 12/2008, trường Đại học Y tế công cộng đã tiến hành nghiên cứu mô tả cắt ngang trên đối tượng là NVYT tạimột số bệnh viện ở Hà Nội và Nam Định, với mục tiêu xác định tỷ lệ hiện nhiễm HBV thông qua xét nghiệm kháng nguyên bề mặt HbsAg và các yếu tố ảnh hưởng. Kết quả nghiên cứu cho thấy: tỷ lệ NVYT có HbsAg (+) là 6,9%; gần 40% các trường hợp HbsAg (+) thuộc nhóm tuổi từ 40 – 49. Tỷ lệ nhiễm cao nhất ở nhóm y tá/điều dưỡng (61,9%), tiếp theo là bác sỹ 17,5%, hộ lý và y công chiếm 9,5%.NVYT làm việc từ 15-20 năm và > 20 năm có nguy cơ nhiễm HBsAg (+) cao hơn so với nhóm làm việc dưới 5 năm lần lượt là 3,4 lần (KTC 95%: 1,3 – 8,4) và 2,3 lần (KTC 95%: 1,2 – 4,4) với (p < 0,05). NVYT đã từng bị tổn thương do vật sắc nhọn trong quá trình làm việc có nguy cơ nhiễm HBsAg (+) cao gấp 2,8 lần (KTC 95%: 1,6 – 4,9) so NVYT không bị tổn thương do vật sắc nhọn với p < 0,0001. NVYT làm các công việc liên quan đến phẫu thuật, tiêm truyền có nguy cơ bị nhiễm HBsAg (+) cao hơn 1,9 lần so với các nhóm không phải thực hiện các công việc này p = 0,133. Nhóm NVYT phải làm các công việc liên quan đến xử lý rác thải y tế, rác thải sắc nhọn hàng ngày có nguy cơ bị nhiễm HBsAg (+) cao hơn gấp 5,0 lần (KTC 95%: 2,6 – 9,6) so với nhóm không phải thực hiện các công việc này với p < 0,0001.
Phòng chống lây nhiễm HBV trong NVYT cần được quan tâm và có hướng dẫn thực hiện cụ thể đặc biệt lưu ý đối với các đối tượng có nguy cơ cao gồm: NVYT có thâm niên làm việc lâu năm trong ngành y tế, NVYT thường xuyên phải thực hiện các công việc có nguy cơ tổn thương do vật sắc nhọn cao như y tá/điều dưỡng và bác sỹ hay các nhân viên thu gom rác thải y tế.
LÃNH ĐẠO DUYỆT (đã ký) Trần Thị Ngọc Lan |
Related news
- THỰC TRẠNG PHƠI NHIỄM VỚI MÁU DỊCH CỦA BỆNH NHÂN VÀ CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TRONG NHÂN VIÊN Y TẾ TẠI MỘT SỐ BỆNH VIỆT VIỆT NAM
- Từ kết quả điều tra thực trạng và yếu tố nguy cơ bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp
- SẠM DA NGHỀ NGHIỆP TRONG NGÀNH XĂNG DẦU VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM
- U TRUNG BIỂU MÔ DO TIẾP XÚC VỚI AMIĂNG