CÁC KHUYÊN CÁO PHÒNG, CHỐNG BỆNH TAY CHÂN MIỆNG, SỐT XUẤT HUYẾT, SỞI

26/05/2014 | 08:00 AM

 | 

Kèm theo công văn số 2789/BYT-TT-KT ngày 16/5/2014 của Bộ Y tế về việc tổ chức truyền thông phòng, chống dịch, bệnh

I.                              VỀ PHÒNG, CHỐNG BỆNH TAY CHÂN MIỆNG

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 3 tuổi, lây truyền theo đường tiêu hóa; hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Để chủ động phòng bệnh cho trẻ, cần thực hiện các biện pháp sau:

1.     Phòng, chống dịch, bệnh bằng rửa tay với xà phòng

a)     Rửa tay bằng xà phòng là cách tốt nhất phòng, chống bệnh tay chân miệng. Vì sức khỏe của bạn, của gia đình và của cộng đồng, hãy rửa tay thường xuyên với xà phòng.

b)    Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, hãy rửa tay với xà phòng vào các thời điểm quan trọng:

- Trước khi chế biến thức ăn.

- Trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn.

- Sau khi đi vệ sinh.

- Sau khi làm vệ sinh cho trẻ.

- Sau khi chăm sóc trẻ.

- Rửa tay khi thấy tay bẩn.

2.     Không để trẻ ăn bốc, mút tay hoặc đưa đồ chơi lên miệng.

3.     Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; cho trẻ ăn chín, uống chín; không ăn chung thìa (muỗng), bát (chén).

4.     Thường xuyên vệ sinh đồ chơi, sàn nhà bằng xà phòng, Chloramin B 2% hoặc các chất sát khuẩn thông thường.

5.     Người chăm sóc trẻ phải rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ.

6.     Trẻ mắc bệnh phải được nghỉ học và không tiếp xúc với trẻ khác. Thu gom và xử lý phân của trẻ bằng Chloramin B, vôi bột hoặc tro bếp trước khi bỏ vào thùng rác, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh,v.v…

7.     Khi thấy trẻ bị sốt, đau họng và xuất hiện nốt phỏng ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông hoặc niêm mạc miệng, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị. Tránh làm vỡ các nốt phỏng của trẻ.

II.                            VỀ PHÒNG, CHỐNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT

Bệnh sốt xuất huyết do virút sốt xuất huyết (Dengue) gây ra, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Bệnh do muỗi vằn đốt, muỗi truyền bệnh từ người bệnh sang người lành, có thể gây thành dịch. Biện pháp phòng chống sốt xuất huyết chủ động, hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng và diệt bọ gậy.

Phòng muỗi sinh sản là biện pháp quan trọng và hiệu quả: Muỗi truyền virút sốt xuất huyết sống và sinh sản ở những nơi có nước ứ đọng trong nhà và xung quanh nhà. Do vậy, cần:

1.      Đậy thật kín lu, vại, dụng cụ chứa nước sinh hoạt, bể chứa nước, không tạo nơi cho muỗi đẻ trứng. Hàng tuần nên cọ rửa với bàn chải để trứng muỗi rơi ra, thả cá hoặc mê zô để diệt lăng quăng, bọ gậy.

2.     Không để nước ứ đọng ở các dụng cụ chứa nước mưa. Các dụng cụ chứa nước như chum, vại không sử dụng thì phải lật úp xuống. Vỏ lon bia, túi ni lông, vỏ sữa chua, ống bơ, vỏ dừa, v.v… phải thu gom và tiêu hủy.

3.     Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch, thoáng.

4.     Đốt hương diệt muỗi, phun thuốc diệt muỗi trong nhà.

5.     Khi thấy các triệu chứng: sốt cao, đau đầu nhiều; trên bề mặt da xuất hiện những chấm đỏ, đốm đỏ hay vết bầm; khu vực sau mắt bị đau; đau các khớp, xương và cơ bắp; buồn nôn và nôn, chảy máu nướu răng hoặc chảy máu mũi cần phải đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị.

Phòng muỗi đốt:  Muỗi truyền virus sốt xuất huyết đốt người vào ban ngày, cho nên cần tự bảo vệ để tránh muỗi đốt:

1.     Xoa thuốc chống muỗi đốt lên những vùng da hở để  bảo vệ  cả ngày lẫn đêm.

2.     Mặc quần áo dài che kín tay chân khi làm việc ban ngày, nhất là ở nơi có nhiều muỗi. 

3.     Phun thuốc diệt muỗi thận trọng trong khu vực có trẻ nhỏ, người già, ong mật và chim cảnh.

4.     Dùng các dụng cụ bắt muỗi và diệt muỗi vào ban ngày. 

5.     Màn, rèm cửa cần được tẩm hóa chất để xua muỗi và diệt muỗi. Khi ngủ ban ngày phải dùng màn. 

6.     Người bệnh sốt xuất huyết phải nằm trong màn để tránh muỗi đốt rồi đốt sang người khác.

III.                           VỀ PHÒNG, CHỐNG BỆNH SỞI

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra, dễ lây lan, nhiều biến chứng nguy hiểm, hiện đã có vắc xin phòng bệnh. Bệnh có thể gây tử vong do tiêu chảy, viêm tai giữa, khô loét giác mạc, viêm phổi, viêm não,v.v.. Để tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, chủ động ứng phó nguy cơ bùng phát dịch, Bộ Y khuyến cáo các bà mẹ:

1.      Chủ động đưa trẻ trong độ tuổi tiêm chủng từ 9-24 tháng tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm phòng vắc xin sởi theo kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi.

2.     Đối với các trẻ trong độ tuổi tiêm chủng, cần đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch đối với các loại bệnh có vắc xin dự phòng, trong đó có vắc xin sởi.

3.     Giữ gìn vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ

4.      Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế sớm để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi.

5.      Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên áp dụng các biện pháp dự phòng chung như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ, bảo đảm các biện pháp về dinh dưỡng và các biện pháp dự phòng khác theo khuyến cáo của cơ quan y tế.​

​​