Trên mặt trận phòng chống bệnh truyền nhiễm

19/09/2024 | 09:26 AM

 | 

Đối diện với các mầm bệnh có thể gây chết người và lây lan rất nhanh, nhưng với tinh thần vì người bệnh, các chiến sĩ áo trắng tại đơn vị truyền nhiễm đã và đang nỗ lực hết mình chăm sóc, điều trị cho sức khỏe người bệnh để họ hoàn toàn bình phục trở về với gia đình.

Các bác sĩ tại Viện thăm khám, hội chẩn cho trường hợp nặng.

 

Bệnh truyền nhiễm ngày càng diễn biến phức tạp

Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thường xuyên tiếp nhận, cấp cứu điều trị thành công nhiều người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mức độ nặng-nguy kịch được chuyển đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bệnh nhân Đỗ Vũ C. (sinh năm 1964, đến từ thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) vào viện tháng 4/2024 trong tình trạng hôn mê, tụt huyết áp, viêm hoại tử diện rộng cân cơ cẳng tay trái.

Bệnh nhân được chẩn đoán viêm cân mạc hoại tử do vi khuẩn Vibrio biến chứng sốc nhiễm khuẩn, xuất huyết tiêu hóa dưới mức độ nặng do loét toàn bộ đại tràng lên, viêm phổi bệnh viện, bội nhiễm nấm đường tiết niệu trên bệnh lý nền tăng huyết áp, gout mạn tính.

Đại tá Vũ Viết Sáng, Chủ nhiệm Khoa Bệnh lây đường hô hấp và hồi sức, Phó Viện trưởng Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm cho biết, vi khuẩn Vibrio là một loại vi khuẩn gây viêm và hoại tử cân cơ, tổ chức rất nhanh, người ta hay gọi nôm na đây là vi khuẩn ăn thịt người, tỷ lệ tử vong cao nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vi khuẩn thường sống trong môi trường nước lợ vùng ven biển, thâm nhập vào cơ thể người qua đường da niêm mạc, nhất là khi ngoài da chúng ta có sẵn các tổn thương.

“Bệnh nhân này đã được cắt cụt 1/3 trên cẳng bàn tay trái do bị hoại tử, nhiễm độc nặng. Chúng tôi lựa chọn phác đồ điều trị kháng sinh phù hợp, thở máy và các biện pháp điều trị hồi sức tích cực, đặc biệt điều trị các biến chứng sốc nhiễm khuẩn, xuất huyết tiêu hóa, viêm phổi, nhiễm nấm đường tiết niệu, kiểm soát các bệnh nền, chăm sóc nuôi dưỡng tích cực. Kết quả điều trị tiến triển tốt, bệnh nhân đã khỏi bệnh ra viện sau 2 tháng điều trị hồi sức tích cực trong tình trạng tỉnh táo, chức năng các cơ quan hồi phục”, bác sĩ Sáng cho hay.

Các bệnh truyền nhiễm diễn biến ngày càng phức tạp.

Là một quân nhân, Trương Văn H. (sinh năm 2002) nhập viện với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn tụ cầu vàng kháng Methicillin cửa vào từ nhọt vùng môi, có ổ di trú viêm não, màng não, viêm phổi diện rộng 2 bên biến chứng tràn khí-tràn dịch màng phổi 2 bên, bội nhiễm viêm phổi và nhiễm khuẩn tiết niệu do Acinetobacter baumannii, có tổn thương gan, ứ mật. Bệnh nhân có di chứng liệt 1/2 nửa người phải trên nền bệnh lý tắc động mạch cảnh trong bên phải có từ trước.

Bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốt cao, rối loạn ý thức do viêm não-màng não, suy hô hấp phải thở máy do viêm phổi, tràn khí tràn dịch màng phổi và nhiều tổn thương ở các cơ quan khác. Tất cả đều xuất phát từ mụn nhọt vùng môi không được xử trí điều trị đúng từ ban đầu. Sau 45 ngày điều trị tích cực tại bệnh viện, bệnh nhân đã ổn định, về đơn vị trong tình trạng tỉnh táo, hết sốt, chức năng các cơ quan hồi phục.

Theo Đại tá Vũ Viết Sáng, sự xuất hiện và bùng phát của các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi cũng đang là thách thức với loài người như đại dịch HIV/AIDS; Covid-19; dịch SARS; cúm gia cầm H5N1; MERS-CoV, Zika…

Dịch bệnh truyền nhiễm tái nổi là những loại dịch bệnh vốn đã được biết từ trước, đã được khống chế hoặc khống chế một phần, nay lại tái xuất hiện hoặc bùng phát mạnh mẽ với mức độ nặng hơn, nguy cơ lan rộng hơn như dịch sốt xuất huyết; dịch đậu mùa khỉ; dịch sởi và dịch tay chân miệng ở trẻ em...

Hiện nay có rất nhiều bệnh truyền nhiễm vẫn là nỗi ám ảnh với người dân như sốt mò, uốn ván, liên cầu khuẩn lợn, whitmore, viêm màng não cầu thể ác tính… Có những bệnh truyền nhiễm mặc dù không gây dịch lớn, nhưng diễn biến cấp tính, tiến triển nặng, nguy kịch rất nhanh…

Đặc biệt, tình trạng vi sinh vật kháng thuốc ngày càng trở nên trầm trọng và lan rộng. Điển hình nhất là hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh ở rất nhiều cấp độ khác nhau. Rất nhiều vi khuẩn đã trở nên đa kháng, kháng rộng hoặc toàn kháng với các loại kháng sinh hiện có. Có thể kể đến các loại vi khuẩn tiêu biểu như vi khuẩn lao, tụ cầu vàng, cầu khuẩn ruột, trực khuẩn mủ xanh, Klebsiella pneumoniae, Acinetobacter baumanii, Escherichia coli cũng như rất nhiều loại vi khuẩn khác. Ngoài ra các vi nấm, virus cũng đã đề kháng với nhiều loại thuốc kháng nấm, kháng virus hiện có.

"Tình trạng vi sinh vật đề kháng với thuốc kháng vi sinh vật làm cho việc kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm ngày càng khó khăn hơn, làm tăng tỷ lệ thất bại điều trị, tăng tỷ lệ tử vong, tăng chi phí điều trị, kéo dài thời gian điều trị", bác sĩ Sáng cho hay.

Năng động, sáng tạo trên mặt trận chống bệnh truyền nhiễm

Đại dịch Covid-19 từ 2020-2023 tạo ra khủng hoảng nghiêm trọng cả về y tế, kinh tế-xã hội trên toàn thế giới và ở nước ta. Ngoài ra, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi khác của toàn cầu như: sốt xuất huyết Dengue, cúm A, Zika, MERS-CoV, đậu mùa khỉ... ảnh hưởng rất lớn tới thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Hằng năm, Viện khám bệnh kê đơn điều trị ngoại trú 55.000-60.000 lượt người bệnh, thu dung điều trị nội trú: 3.500-4.500 người bệnh, cấp cứu, điều trị hồi sức tích cực 800-1.000 người bệnh nặng, nguy kịch.

Với khối lượng công việc lớn, dù phải đối mặt với nhiều dịch bệnh truyền nhiễm phức tạp, nhưng Khoa Bệnh lây đường hô hấp và Hồi sức (A4-C) đã triển khai các kế hoạch đề ra, không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn, tác phong chăm sóc người bệnh... để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Các nhân viên y tế tại đây đã cấp cứu, điều trị, chăm sóc thành công nhiều ca bệnh nặng: sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, uốn ván, viêm não, viêm màng não, Covid-19, sốt xuất huyết Dengue nặng, cúm nặng. Chất lượng chuyên môn được củng cố và phát triển; bảo đảm an toàn tuyệt đối, không để xảy ra tai biến, tai nạn trong chuyên môn.

Nhân viên y tế tại Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm chăm sóc người bệnh mắc Covid-19 nặng.

Đại tá Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm cho biết, Viện đã phát triển, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong cấp cứu, điều trị hồi sức tích cực, chăm sóc bệnh nhân nặng, nguy kịch như: Lọc máu liên tục (200-250 lần/năm), lọc thay thế huyết tương (100 lần/năm), thở máy chức năng cao (4.000-5.000 ngày/năm), theo dõi huyết động bằng hệ thống PiCCO, theo dõi huyết áp động mạch xâm lấn, đặt ống nội khí quản cấp cứu, mở khí quản, điều chỉnh các rối loạn toan-kiềm, nước-điện giải và các kỹ thuật điều trị hồi sức tích cực khác.

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh, các thầy thuốc tại đây còn không ngừng nỗ lực nghiên cứu khoa học để mang lại những lợi ích thiết thực nhất trong chăm sóc người bệnh.

Tập thể khoa chủ trì một đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước theo nghị định thư hợp tác giữa Việt Nam-Ixrael: “Nghiên cứu phát triển bộ sinh phẩm Realtime-PCR đa mồi và Antigen Microarray trong chẩn đoán, định type và tiên lượng bệnh Sốt xuất huyết Dengue”; tham gia đề tài cấp Bộ Quốc phòng; tham gia 10 bài báo đăng ở tạp chí nước ngoài, nhiều bài báo đăng tạp chí Y dược học lâm sàng 108 và các tạp chí chuyên ngành trong nước.

Năng động, sáng tạo, những sáng kiến "Cải tiến thiết bị gối da kê lưng phục vụ chăm sóc người bệnh”; “Cải tiến kỹ thuật dụng cụ lấy dịch hầu họng - khí quản vô khuẩn 1 chiều”... cũng được giải thưởng tại các hội thi tuổi trẻ sáng tạo, hỗ trợ hiệu quả trong công tác chăm sóc, điều trị cho người bệnh.

Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm có 74 cán bộ y tế, phải cáng đáng một khối lượng công việc khổng lồ. Mặc dù là đơn vị chịu nhiều sức ép nhất vì các bệnh truyền nhiễm đều có tính chất cấp tính và diễn biến rất nhanh, nhưng các cán bộ y tế tại đây luôn trong trạng thái trực chiến, bám sát bệnh nhân chặt chẽ hàng giờ để xử trí kịp thời tình trạng của bệnh nhân. Với họ, người bệnh hồi phục, sớm trở về với gia đình là giá trị rất lớn để họ không quản ngại khó khăn, nguy cơ lây nhiễm bệnh để chăm sóc người bệnh một cách tốt nhất.

Nguồn: nhandan.vn

 


Thăm dò ý kiến