Tận dụng cơ cấu dân số vàng cho kỷ nguyên mới
26/12/2024 | 08:44 AM
|
Quy mô dân số của Việt Nam đã chính thức vượt mốc 100 triệu người và đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Đây là cơ hội cho đất nước tiếp tục duy trì tăng trưởng và phát triển. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, đòi hỏi cần có những chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm vàng về tri thức, vàng về sức khỏe, vàng về kỹ năng, đưa Việt Nam vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình.
|
Giờ thực hành của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. (Ảnh TUỆ NGHI) |
Cơ cấu dân số vàng là thời kỳ mà tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (từ 15-64 tuổi) chiếm tỷ lệ cao hơn tỷ lệ dân số phụ thuộc (dưới 15 và trên 64 tuổi).
Cơ hội song hành cùng thách thức
Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và ước tính kéo dài khoảng 30-35 năm. Điều này đồng nghĩa với từng đó năm, Việt Nam có được lực lượng lao động trẻ hùng hậu, đủ sức đóng góp thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh nếu chúng ta biết khai thác tối đa nguồn tài nguyên quý giá này.
TS Phạm Vũ Hoàng (Phó cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế) cho rằng, Việt Nam đang có lợi thế từ cơ cấu dân số vàng, với gần 70% lao động dưới 40 tuổi, thuận lợi cho việc tiếp thu những kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật mới. Lực lượng lao động trẻ này tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ, tạo ra giá trị tích lũy lớn cho tương lai; bảo đảm an sinh xã hội khi đất nước bước vào giai đoạn dân số già.
Cơ cấu dân số vàng là thời kỳ mà tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (từ 15-64 tuổi) chiếm tỷ lệ cao hơn tỷ lệ dân số phụ thuộc (dưới 15 và trên 64 tuổi).
Nhìn lại gần 20 năm qua, kể từ khi bước vào thời kỳ dân số vàng, Việt Nam đã đạt được những thành quả quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội. GDP bình quân đầu người ngày càng tăng, an ninh lương thực bảo đảm góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Sự kết hợp giữa quy mô dân số và cơ cấu dân số vàng mang lại nguồn lao động dồi dào cho tăng trưởng kinh tế, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đáng chú ý, tuổi thọ trung bình người dân tăng, mức sinh giảm, duy trì được mức sinh tiệm cận mức sinh thay thế. Điều này giúp tái cân bằng dân số và trẻ hóa lực lượng lao động.
Theo Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, dân số vàng không chỉ mang lại toàn “màu hồng” hy vọng mà cũng đem đến không ít thách thức. Nếu không tận dụng tốt cơ hội, Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi dân số vàng chuyển sang dân số già. Bên cạnh đó, dù chúng ta duy trì được mức sinh thay thế nhưng đang có sự chênh lệch mức sinh giữa các vùng, miền, khi hai vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp hơn mức sinh thay thế. Thách thức về già hóa dân số làm giảm nguồn lực lao động và tăng gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội. Điều đáng lưu ý, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh, những người từ 60 tuổi trở lên tăng từ 11,9% tổng dân số (năm 2019) lên 13% (năm 2022) và dự báo hơn 25% (năm 2050). Khoảng năm 2038, Việt Nam kết thúc thời kỳ dân số vàng và chính thức chuyển sang giai đoạn dân số già.
GS, TS Nguyễn Đình Cử (Chủ tịch Hội đồng khoa học-Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em) cho rằng, cơ cấu dân số vàng vừa là cơ hội, vừa là thách thức khi mỗi năm nước ta có 1,6 triệu người bước vào độ tuổi lao động; tuy nhiên, lực lượng này có tới 70% là lao động giản đơn. Với tỷ lệ nguồn lực lao động chưa qua đào tạo còn lớn, trong số 51,7 triệu người lao động trên cả nước (năm 2022) thì có tới 73,6% (khoảng 38,1 triệu người) không có trình độ chuyên môn kỹ thuật; chỉ có 26,4% lao động có chuyên môn kỹ thuật, nhưng số người có trình độ đại học trở lên chỉ là 11,9%. Sự thiếu hụt lao động có trình độ kỹ thuật cao trong các ngành thương mại, tài chính, ngân hàng, công nghệ là thách thức không nhỏ. Nếu không tận dụng tối đa lợi thế dân số vàng thì khi bước sang thời kỳ dân số già, Việt Nam có nguy cơ rơi vào tình trạng “chưa giàu đã già”.
Dân số vàng không chỉ mang lại toàn “màu hồng” hy vọng mà cũng đem đến không ít thách thức. Nếu không tận dụng tốt cơ hội, Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi dân số vàng chuyển sang dân số già.
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên
GS, TS Nguyễn Thanh Long (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, hơn 70% số lao động giản đơn trở thành một thách thức cho quá trình hội nhập và phát triển của Việt Nam. Sự phát triển của công nghệ, khoa học kỹ thuật rất cần những lao động có trình độ cao. Với sự gia tăng quá trình toàn cầu hóa, chuỗi cung ứng toàn cầu linh hoạt, ứng dụng công nghệ số, phát triển thương mại điện tử là các yếu tố không thể tách rời với xu hướng phát triển bền vững. Việt Nam đang có biên độ lớn về phát triển kinh tế, cho nên để hội nhập thành công vào nền kinh tế toàn cầu và tận dụng thành công cơ hội cơ cấu dân số vàng, đòi hỏi phải có lực lượng lao động “thật sự vàng” về trí thức và kỹ năng, tay nghề.
Bà Trần Thị Hương, Tổng Giám đốc Công ty dịch vụ Tomita chia sẻ, hai tháng nay công ty không tuyển được vị trí giám đốc chiến lược và trưởng phòng chuyên môn. Các ứng viên đều không đáp ứng yêu cầu, người thì tiếng Anh tốt, nhưng chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm chưa đủ và ngược lại. Công ty tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, để bảo đảm tính tương thích trong chuỗi sản xuất, sẵn sàng trả lương cao, nhưng vẫn không có nhiều lao động Việt Nam đáp ứng đủ những yêu cầu đặt ra. Theo bà Hương, hiện nhiều chuyên gia nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… sang Việt Nam nắm giữ những vị trí quan trọng trong dây chuyền sản xuất, ngay cả công nhân hay kỹ thuật viên. Họ không có trình độ đại học nhưng chuyên môn kỹ thuật, kinh nghiệm và tiếng Anh thì lại rất tốt…
Một số ý kiến cho rằng, dù Việt Nam có đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và chính sách ưu đãi, nhưng chưa có “nền móng” là nguồn lao động chất lượng cao thì khó thu hút được các doanh nghiệp lớn. Tất cả những thách thức nêu trên sẽ trở thành gánh nặng gây hiệu ứng ngược của thời kỳ dân số vàng.
Biến thách thức thành cơ hội để vươn mình
Đi tìm giải pháp cho vấn đề này, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, không có cách nào khác, chúng ta phải tận dụng tối đa nguồn nhân lực cơ cấu dân số vàng để tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội. Những chính sách đưa ra cần đồng bộ từ vĩ mô đến vi mô, từ các chính sách về kinh tế đến giáo dục, y tế, an sinh xã hội để tạo ra một lực lượng lao động với sức khỏe tốt; đầu tư nhiều hơn vào các vấn đề phúc lợi xã hội cho người cao tuổi, tránh để tới thời kỳ dân số già tăng nhanh sẽ gây sức ép rất lớn lên hệ thống phúc lợi xã hội. Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cho công tác dân số, cần duy trì mức sinh thay thế bền vững, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số và nâng cao chất lượng dân số; tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số, trọng tâm là các giải pháp để duy trì mức sinh thay thế bền vững trên phạm vi cả nước phù hợp giữa các vùng, miền.
Đáng chú ý, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã nêu rõ, mục tiêu của công tác dân số trong tình hình mới chính là giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế-xã hội; duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số bền vững. Bên cạnh đó, cần có những chính sách, cơ chế phù hợp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng cho nhu cầu của thị trường lao động; thúc đẩy tăng năng suất lao động, tạo việc làm cho lực lượng lao động trẻ; bảo đảm an sinh xã hội cho người già và người dễ bị tổn thương; đồng thời nâng cao trình độ kỹ năng của người lao động để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Việc đạt quy mô dân số 100 triệu người được coi là một dấu mốc đáng tự hào giúp nâng cao vị thế của Việt Nam đối với bạn bè và đối tác quốc tế. Với quy mô dân số lớn, cùng với các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển phù hợp, một môi trường chính trị ổn định, một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, Việt Nam đang là điểm đến, điểm đầu tư của bạn bè quốc tế.
GS, TS Nguyễn Đình Cử cho biết, giải pháp thì nhiều, nhưng cần tìm giải pháp hiệu quả và mang tính chiến lược, vì dân số vàng chỉ là cơ cấu của dân số, nhưng để biến dân số vàng thành “vàng thật” thì còn do việc sử dụng nguồn lao động có hiệu quả không. Để tận dụng cơ cấu dân số vàng một cách hiệu quả nhất, trước tiên cần duy trì vững chắc mức sinh hợp lý nhằm kéo dài thời kỳ cơ cấu dân số vàng và làm chậm quá trình già hóa dân số. Nếu chúng ta không tận dụng được thời kỳ dân số vàng, tức là chúng ta đã bỏ đi cơ hội phát triển rất hiếm, thậm chí chỉ đến với mỗi quốc gia một lần. Vì vậy, giải pháp lúc này là Việt Nam cần quyết tâm cao nhất chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực bằng cách xây dựng chính sách và việc làm đa dạng để phát triển thị trường lao động và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội.
Tại mỗi vùng, miền, cần bảo đảm được quy mô dân số phù hợp với diện tích, lãnh thổ, hài hòa giữa các độ tuổi; duy trì ổn định tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động, làm chậm lại thời gian chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già, phát triển các dịch vụ an sinh xã hội và triển khai các chương trình chăm sóc người cao tuổi. Cần tăng cơ hội việc làm, hướng đến những việc làm tạo giá trị gia tăng cao dựa trên năng suất lao động. Ngoài ra, cần đầu tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.. Chỉ có như vậy mới làm chậm được quá trình già hóa dân số, mới bảo đảm được sự phát triển bền vững của nguồn nhân lực.
Việc đạt quy mô dân số 100 triệu người được coi là một dấu mốc đáng tự hào giúp nâng cao vị thế của Việt Nam đối với bạn bè và đối tác quốc tế. Với quy mô dân số lớn, cùng với các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển phù hợp, một môi trường chính trị ổn định, một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, Việt Nam đang là điểm đến, điểm đầu tư của bạn bè quốc tế.
Nguồn: nhandan.vn
Related news
- Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người khuyết tật nghe nói
- Kinh nghiệm của các nước trong thực thi quy định cấm thuốc lá mới
- Hội thảo Đối thoại chính sách “Thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vắc-xin tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp”
- Số vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước gia tăng
- Ngộ độc rượu làm nhiều người nhập viện, Bộ Y tế cảnh báo rượu không có nguồn gốc
- Kết hợp Đông – Tây y phòng và điều trị bệnh trị đột quỵ não