Mở rộng PrEP tại Việt Nam, các mô hình dịch vụ khác nhau và các sáng kiến mới trong từng mô hình

02/08/2022 | 09:16 AM

 | 

Ngày 29/7/2022, tại phiên họp trước Hội nghị AIDS quốc tế lần thứ 24, được tổ chức tại Montreal, Canada (từ ngày 27/7/2022 đến 02/8/2022), tại phiên họp vệ tinh do PATH tổ chức, Việt Nam được lựa chọn là quốc gia chia sẻ kinh nghiệm về bài học thành công triển khai chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) với chủ đề: Mở rộng PrEP tại Việt Nam: các mô hình dịch vụ khác nhau và các sáng kiến mới trong từng mô hình.

PGS. TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS phát biểu tại hội nghị

PGS. TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời cũng là trưởng đoàn Việt Nam tham dự hội nghị đã có phần trình bày và chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam về mở rộng PrEP, các mô hình dịch vụ khác nhau và các sáng kiến mới trong từng mô hình. Phần chia sẻ của đại diện Việt Nam đã tạo ấn tượng và thu hút của hơn 400 đại biểu tham dự trực tiếp tại phiên họp vệ tinh và hàng ngàn đại biểu tham dự cuộc họp trực tuyến tại các quốc gia trên Thế giới.

Ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo về hiệu quả của điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP), từ năm 2017 Việt Nam triển khai thí điểm PrEP tại 2 thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh. Với những bài học thành công từ thí điểm và hiệu quả của PrEP trong dự phòng lây nhiễm HIV, từ năm 2019 đến nay Việt Nam đã nhanh chóng mở rộng PrEP tại 29 tỉnh, thành phố với 210 cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP. Tính đến 30/6/2022, Việt Nam có hơn 52.000 khách hàng sử dụng dịch vụ PrEP (PrEP uptake). Để mở rộng và tăng số khách hàng nhanh chóng, với sự hỗ trợ của PEPFAR, Quỹ Toàn cầu và các đối tác, các mô hình cung cấp dịch vụ PrEP đã được triển khai đa dạng và thành công tại các cơ sở y tế nhà nước và tư nhân như PrEP lưu động, PrEP từ xa – Tele PrEP, mô hình cung cấp dịch vụ PrEP toàn diện – OSS, cung cấp PrEP cho học sinh, sinh viên... Hầu hết các mô hình đều đơn giản và khách hàng có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ PrEP đơn giản, dễ dàng và thuận lợi.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định về PrEP nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề cần tiếp tục đầu tư, thực hiện trong tương lai để hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Tại phiên họp, Việt Nam tiếp tục đưa ra những khuyến nghị, đề xuất đối với hoạt động PrEP như nghiên cứu triển khai thí điểm liệu pháp điều trị PrEP có tác dụng kéo dài (CAB-LA), tiếp tục triển khai các mô hình, sáng kiến trong cung cấp dịch vụ PrEP và kế hoạch đảm bảo tính bền vững của dịch vụ PrEP./.

Thông tin: Cục Phòng, chống HIV/AIDS


Thăm dò ý kiến