Kiến tạo hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe ban đầu
12/10/2024 | 10:11 AM
|
Với mô hình tổ chức mạng lưới y tế của nước ta hiện nay thì y tế cơ sở (tuyến huyện, xã) giữ vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo đảm cho mọi người dân, nhất là những người sống ở vùng sâu, vùng xa, được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản... Việt Nam cũng đã xác định chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế cơ sở là chìa khóa để đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân...
|
Khám bệnh cho người dân tại Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà, Lào Cai. |
Định vị rõ vai trò y tế cơ sở
Y tế cơ sở không chỉ là nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầu tiên, triển khai tiêm chủng mở rộng, phòng chống dịch bệnh mà còn là trụ cột của hệ thống y tế, giúp duy trì sức khỏe cho cả cộng đồng.
Trụ cột của hệ thống y tế
Tại nhiều trạm y tế vừa được đầu tư xây mới tại hai tỉnh Sơn La, Quảng Trị, người dân rất phấn khởi và yên tâm khi được chăm sóc sức khỏe ở những cơ sở khang trang. Bế con ngồi đợi đến lượt tiêm vắc-xin, chị Hồng, chị Sáng (xã Cam Tuyền, Cam Lộ, Quảng Trị) cho biết: Có cơ sở mới cho nên đưa các cháu đi tiêm phòng đỡ vất vả hơn nhiều so với trạm cũ. Khu vực chờ tiêm khá thoáng mát, có đủ ghế ngồi; khu vực khám sàng lọc rộng rãi; phòng tiêm và theo dõi sau tiêm mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông.
Trạm Y tế xã Cam Tuyền có hai tầng, được đưa vào sử dụng năm 2022 với 13 phòng chức năng phục vụ cho các hoạt động: khám bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, tiêm chủng mở rộng, truyền thông giáo dục sức khỏe...; là một trong 463 trạm y tế tại 13 tỉnh khó khăn được Dự án “Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến y tế cơ sở” đầu tư xây mới và nâng cấp. Bác sĩ Hoàng Ngọc Đức, Trưởng Trạm Y tế xã Cam Tuyền cho biết, từ khi được xây mới hoàn toàn, trạm được mua sắm, trang bị thêm máy đo đường huyết, máy đo lưu lượng đỉnh-đo chức năng hô hấp, máy bắt nhịp tim thai... Với sáu nhân viên y tế, trạm chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho hơn 5.000 hộ dân trên địa bàn.
Cũng nhờ được đầu tư xây mới, mà đến nay trung bình mỗi ngày Trạm Y tế xã Cam Chính (huyện Cam Lộ) tiếp đón khoảng 30 người dân đến khám bệnh, tăng gấp ba lần. Nhiều trang thiết bị mới được đầu tư, cán bộ y tế được tập huấn bài bản, các y sĩ, bác sĩ của Trạm Y tế xã Cam Chính đã thực hiện được nhiều kỹ thuật hơn như: Cấp cứu ban đầu, sốc phản vệ, ong đốt, các bệnh về hô hấp nhi, sốt cao, co giật, viêm phế quản...
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ Nguyễn Quảng cho biết, tất cả ba trạm y tế trên địa bàn vừa được xây mới đều đang hoạt động rất hiệu quả. Công tác chăm sóc sức khỏe của người dân tại địa phương được nâng cao hơn trước. Cùng đó, các nhân viên y tế tại trạm cũng vui khi được làm việc ở môi trường hiện đại, sạch sẽ.
Theo Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đánh giá, y tế cơ sở không chỉ là nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầu tiên, triển khai tiêm chủng mở rộng, phòng chống dịch bệnh mà còn là trụ cột của hệ thống y tế, giúp duy trì sức khỏe cho cả cộng đồng. Đến nay, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, được tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản và là mô hình mà nhiều nước quan tâm, học hỏi kinh nghiệm.
Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội đã đánh giá, 100% quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có trung tâm y tế; 99,6% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế; 97,3% trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020. Nhân lực y tế cơ sở từng bước được củng cố, 92,4% số trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, trong đó có 78,9% số trạm y tế xã có bác sĩ làm việc cơ hữu; số lượng nhân lực y tế có trình độ cao ngày càng tăng. Cơ sở vật chất, thiết bị được quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tiến với gần 80% số trạm y tế xã được đầu tư xây dựng kiên cố...
Nhờ đó, khả năng và chất lượng cung ứng dịch vụ y tế tại y tế cơ sở ngày càng được nâng lên, cơ bản thực hiện được chức năng, nhiệm vụ được giao; tỷ lệ người dân khám, chữa bệnh tại bệnh viện huyện và xã chiếm hơn 70% tổng số lượt khám, chữa bệnh ở tất cả các tuyến.
Thúc đẩy các giải pháp mang tính cốt lõi
Việt Nam xác định chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế cơ sở là chìa khóa để đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, và phát triển mạng lưới y tế cơ sở được coi là ưu tiên quan trọng hàng đầu của hệ thống y tế. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã có nhiều cơ chế, chính sách để phát triển y tế cơ sở.
|
Kiểm tra sức khỏe cho trẻ trước khi tiêm vaccine phòng bệnh tại Trạm y tế xã Cam Tuyền, Cam Lộ, Quảng Trị. |
Những định hướng ưu tiên về đầu tư cho y tế cơ sở được nêu rất cụ thể trong Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Với quan điểm y tế cơ sở là nền tảng, Chỉ thị 25 hướng tới mục tiêu phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở xây dựng mạng lưới y tế rộng khắp, gần dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong xây dựng, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách về y tế cơ sở.
Trong thời gian tới, ngành y tế triển khai nhiều giải pháp cụ thể, từ nâng cao chất lượng quản lý nhà nước đến triển khai các chính sách về cơ chế tài chính đến đào tạo nhân lực cho y tế cơ sở...; đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở gắn với đổi mới cơ chế tài chính, vận động tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ kỹ thuật, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế cơ sở.
PGS, TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và các địa phương hoàn thiện khung chính sách và triển khai thực hiện các giải pháp mang tính cốt lõi nhằm thúc đẩy y tế cơ sở phát triển mạnh mẽ.
Đối với tự thân mạng lưới y tế cơ sở, những định hướng này giúp nâng cao năng lực toàn diện (bao gồm năng lực chuyên môn, quản lý và tài chính) một cách bền vững. Đối với hệ thống y tế nói chung, những định hướng này hỗ trợ việc kiến tạo một hệ thống y tế cân bằng hơn giữa chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khỏe cơ bản và chăm sóc sức khỏe chuyên sâu, qua đó giúp cải thiện tính công bằng, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực cho chăm sóc sức khỏe cũng như cải thiện tác động tới thực trạng sức khỏe của người dân.
Đối với cộng đồng dân cư, những định hướng này giúp người dân tối ưu hóa hoạt động chăm sóc sức khỏe (thông qua việc chủ động nâng cao sức khỏe, tìm kiếm và sử dụng các dịch vụ y tế phù hợp một cách thuận lợi nhất). Trong đó có khuyến khích y tế tư nhân, tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Nhưng để huy động có hiệu quả sự tham gia của y tế ngoài công lập vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cần nghiên cứu những giải pháp đồng bộ về quản trị (xác định phạm vi ưu tiên dành cho y tế ngoài công lập, tăng cường sự cộng tác, giảm thiểu nguy cơ xung đột lợi ích giữa y tế công lập và ngoài công lập trong chăm sóc sức khỏe ban đầu...); về kỹ thuật (bảo đảm chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu) và về tài chính (tăng tính hấp dẫn về tài chính khi cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu).
Có ba yếu tố quan trọng mà mọi hệ thống y tế đều gặp khó, thậm chí không thể cải thiện một cách đồng thời, đó là diện bao phủ, chất lượng dịch vụ và chi phí y tế. Nếu chúng ta nỗ lực bảo đảm dịch vụ y tế có chất lượng cao, được bao phủ rộng khắp thì đồng nghĩa với việc chúng ta phải chấp nhận chi phí dành cho y tế tăng cao.
Tuy nhiên gần đây với làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, người ta cho rằng các giải pháp y tế thông minh có thể giúp chúng ta vượt qua ngưỡng thách thức “Tam giác diện bao phủ, chất lượng dịch vụ và chi phí y tế”. Chính vì vậy, việc chuyển đổi số đối với ngành y tế là xu hướng không thể đảo ngược.
Trong thời gian tới, ngành y tế cần ưu tiên đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm cải thiện toàn bộ các mặt hoạt động của y tế cơ sở, trong đó chú trọng nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực vận hành, hoàn thiện các chính sách khuyến khích chuyển đổi số.
Mặt khác, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của y tế cơ sở theo hướng chú trọng phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh, tật; đẩy mạnh quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở; thực hiện quản lý sức khỏe người dân tại gia đình và cộng đồng; sớm hoàn thành mục tiêu mọi người dân đều được theo dõi, quản lý sức khỏe toàn diện.
Đáng chú ý, Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư đặt ra yêu cầu cao hơn về tư duy, trách nhiệm và hành động của cấp ủy đảng, chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị đối với y tế cơ sở. Các địa phương cần đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về y tế cơ sở vào trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm, 5 năm.
Các ngành liên quan tiếp tục phối hợp rà soát, xây dựng chính sách, pháp luật về y tế cơ sở đồng bộ với chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh, dược, phòng chống bệnh truyền nhiễm, an toàn thực phẩm... bảo đảm y tế cơ sở giữ vai trò tuyến đầu trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Nguồn: nhandan.vn
Related news
- Tài liệu Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025
- Cần chiến lược truyền thông toàn diện phòng chống thuốc lá mới, đặc biệt hướng tới giới trẻ
- Cục Quản lý Dược: Viên nang cứng Yuan Bone điều trị xương khớp là thuốc giả, có chứa tân dược
- Hội thảo phổ biến Đề án “Tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2024-2030”
- Chàng hoạ sỹ thực hiện di nguyện hiến giác mạc của cha
- Bộ Y tế đã cắt giảm trên 50% dòng hàng thực phẩm phải kiểm tra trước thông quan
- Bệnh nhân ca ghép phổi khiến bác sĩ "cân não" được xuất viện