Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, chấm dứt mọi hình thức suy dinh dưỡng vào năm 2030

05/08/2024 | 13:05 PM

 | 

 

Hội nghị hưởng ứng tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ và phát động sáng kiến Dinh dưỡng đủ đầy

Sáng ngày 05/8/2024, tại Hà Nội, Viện Dinh dưỡng phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Quốc tế Hoa Kỳ tổ chức hội nghị hưởng ứng tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ và phát động sáng kiến dinh dưỡng đủ đầy. Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức, đại diện một số Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng, đại diện các Sở Y tế, một số Bộ ngành liên quan và đại diện Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Quốc tế Hoa Kỳ.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức gửi lời cảm ơn các Bộ, Ban, ngành và các tổ chức quốc tế đã quan tâm hỗ trợ ngành Y tế trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân nói chung, công tác cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân Việt Nam nói riêng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức phát biểu tại hội nghị

 

Chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng trẻ em luôn là một ưu tiên trong các chương trình hành động của Chính phủ Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong nỗ lực giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em trong nhiều năm qua từ 29,3% năm 2010 xuống còn 19,6% năm 2020 ở thể thấp còi. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng trẻ em, đó là tình trạng duy trì tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở nhóm trẻ khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở mức cao (khu vực Tây Nguyên và Trung du miền núi phía Bắc lần lượt là 29,8% và 27,1%), gia tăng thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi thuộc khu vực đô thị và nông thôn, thiếu hụt vi chất ở trẻ em trên nhiều địa bàn.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chiến lược dinh dưỡng quốc gia (2021 – 2030) và kế hoạch hành động dinh dưỡng quốc gia (2021 – 2025), trong đó các mục tiêu tập trung vào việc thực hiện các giải pháp chính sách, kỹ thuật, huy động nguồn lực và hợp tác quốc tế để triển khai các hành động dinh dưỡng thiết yếu nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng, địa phương, vùng, miền, dân tộc, góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam trên cơ sở kế thừa, phát triển từ các Chiến lược của giai đoạn trước và dựa trên cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế liên quan tới mục tiêu phát triển bền vững - SDG số 2 về việc chấm dứt mọi hình thức suy dinh dưỡng vào năm 2030.

Từ ngày 01/8 đến ngày 07/8 hàng năm, Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ được các quốc gia trên toàn thế giới tổ chức nhằm khuyến khích và tăng cường việc nuôi con bằng sữa mẹ. Với chủ đề “Thu hẹp khoảng cách - Hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả các bà mẹ - Kết nối vòng tay yêu thương”, Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ năm nay tập trung đẩy mạnh hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả các bà mẹ để giảm bất bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em, đặc biệt tập trung vào hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ trong các tình huống khẩn cấp để không một bà mẹ nào bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là những bà mẹ dễ bị tổn thương, những người có thể cần thêm sự hỗ trợ để giảm bất bình đẳng trong việc nuôi con bằng sữa mẹ. Để hưởng ứng tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ năm 2024, Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm đảm bảo việc hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả các bà mẹ, đặc biệt các bà mẹ thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng mong muốn các Bộ, Ban, ngành, các đơn vị, tổ chức trên toàn quốc quan tâm và đầu tư một cách có hiệu quả các nguồn lực để triển khai các hành động dinh dưỡng thiết yếu nhằm cải thiện dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt trẻ em khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Bộ Y tế luôn hoan nghênh các đơn vị y tế trên cả nước trong việc tăng cường hợp tác quốc tế, triển khai các sáng kiến dinh dưỡng nhằm giải quyết các thách thức trong can thiệp dinh dưỡng cộng đồng, mà sáng kiến dinh dưỡng đủ đầy do Viện Dinh dưỡng và Tầm nhìn Thế giới khởi xướng là một ví dụ, góp phần vào việc thực hiện chiến lược dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 và đóng góp nỗ lực vì một thế giới nơi mọi trẻ em đều được hưởng đủ thực phẩm dinh dưỡng để có thể phát triển khỏe mạnh. 

Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao nỗ lực của Viện Dinh dưỡng và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới quốc tế tại Việt nam đã tổ chức sự kiện hưởng ứng tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ và phát động sáng kiến dinh dưỡng đủ đầy. Đây được xem là hành động dinh dưỡng thiết yếu thể hiện sự cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế liên quan tới mục tiêu phát triển bền vững - SDG số 2 về việc chấm dứt mọi hình thức suy dinh dưỡng vào năm 2030.

PGS.TS Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia phát biểu tại hội nghị

 

Với mục tiêu trẻ em là chủ thể được quan tâm chăm sóc trong các chính sách liên quan đến dinh dưỡng và an ninh lương thực ở tất cả các cấp; trẻ em được chăm sóc dinh dưỡng và có khả năng chống chịu tốt hơn thông qua các dịch vụ ưu tiên..Sáng kiến dinh dưỡng đủ đầy sẽ ưu tiên can thiệp các lĩnh vực: Suy dinh dưỡng thấp còi, gầy còm và thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số; Biến đổi khí hậu và dinh dưỡng bền vững; Dinh dưỡng học đường; Hệ thống thực phẩm và thực phẩm an toàn với sức khỏe; Thúc đẩy triển khai các chính sách của chính phủ Việt Nam về dinh dưỡng và nhạy cảm với dinh dưỡng.

Ông Doseba Tua Sinay, Trưởng Đại diện Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Quốc tế Hoa Kỳ, Văn phòng đại diện tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Các hoạt động chính của chương trình sẽ cải thiện và tăng cường nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng và lành mạnh cho trẻ em thông qua các hoạt động cải thiện sinh kế, góp phần đảm bảo dinh dưỡng cho các hộ gia đình có trẻ; cải thiện thực hành chăm sóc dinh dưỡng cho người chăm sóc trẻ thông qua các hoạt động truyền thông xã hội và tư vấn tại cộng đồng; tổ chức các diễn đàn chia sẻ các thực hành tốt, bài học kinh nghiệm, bằng chứng, khuyến nghị cho việc thúc đẩy triển khai các chính sách của Chính phủ Việt Nam về dinh dưỡng và nhạy cảm với dinh dưỡng; huy động sự tham gia, đóng góp nguồn lực của các bên liên quan, bao gồm nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ địa phương và quốc tế, các tổ chức quốc tế, cộng đồng và chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết các lĩnh vực ưu tiên của sáng kiến. Toàn bộ hoạt động của sáng kiến Dinh dưỡng đủ đầy sẽ được lồng ghép vào hoạt động của 25 Chương trình vùng tại 14 tỉnh, thành phố trên cả nước./.

 

 

 


Thăm dò ý kiến