Bộ Y tế chuẩn bị tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA

08/05/2021 | 20:12 PM

 | 

Ngày 08/5/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Chương trình nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine phòng COVID-19.

Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, các thành viên Ban chỉ đạo.

Các thành viên Ban chỉ đạo tham dự cuộc họp

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo nguồn vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, dịch bệnh bùng phát tại nhiều nước, Bộ Y tế đã huy động tối đa các nguồn lực tiếp cận các nhà cung cấp. Tuy nhiên để chủ động Viêt Nam cần thêm các công nghệ sản xuất tiên tiến để có nguồn sản xuất tự chủ trong nước. Với nguyên tắc đa dạng hóa các nguồn công nghệ, thực hiện nhanh nhất các hoạt động chuyển giao, sản xuất vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo khẩn trương đàm phán mua trọn gói công nghệ tiên tiến nhất (công nghệ mRNA) để sản xuất tại Việt Nam, mua và chuyển giao các công nghệ tiềm năng khác, đồng thời tham gia vào các cơ chế chia sẻ công nghệ chung của Tổ chức Y tế Thế giới. Bộ Y tế  với sự đồng hành tham gia tích cực của các nhà sản xuất vaccine trong nước, các doanh nghiệp có đủ năng lực và tâm huyết sẽ quyết tâm đưa Việt Nam trở thành nước có thể tự chủ về vaccine phòng COVID-19 trong thời gian sớm nhất.

Tại cuộc họp, các thành viên ban chỉ đạo đã trao đổi về các yêu cầu, điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA phòng, chống COVID-19 từ tổ chức Y tế thế giới cũng như kế hoạch tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA. Đây là công nghệ sản xuất vaccine mới nhất trên thế giới.

Trước đó, ngày 05/5/2021, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đã thông tin ngoài liên hệ với các tập đoàn sản xuất vaccine trên thế giới và đầu tư sản xuất vaccine trong nước, Bộ Y tế còn làm việc với Tổ chức Y tế Thế giới xin được nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng ngừa COVID-19 ưu việt trên thế giới, công nghệ mRNA.

 

“Vaccine mRNA COVID-19 (mRNA là viết tắt của “Messenger RNA”) là một trong những loại vaccinegiúp cơ thể phòng ngừa không bị nhiễm COVID-19 đầu tiên đã được phép sử dụng tại Mỹ.

Để kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể giúp cơ thể chống lại các bệnh truyền nhiễm, cách cổ điển của nhiều loại vaccine trước đây là đưa một lượng vi-rút hoặc vi khuẩn đã bị bất hoạt hoặc làm suy yếu vào cơ thể con người.

Vaccine mRNA là một loại vaccine mới nhưng không theo cách thức giúp cơ thể tạo ra kháng thể chống lại các bệnh truyền nhiễm như các loại vaccine cổ điển. Thay vào đó, loại vaccine này dạy các tế bào của cơ thể con người cách tạo ra một loại protein - hoặc thậm chí chỉ là một phần của protein – protein này sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể con người. Phản ứng miễn dịch đó sẽ tạo ra kháng thể giúp bảo vệ cơ thể không bị nhiễm bệnh nếu vi rút thực sự xâm nhập vào cơ thể con người.

Vaccine mRNA COVID-19 sẽ cung cấp các hướng dẫn cho các tế bào của cơ thể con người tạo ra các “mảnh” vô hại - được gọi là “protein đột biến”. Loại protein đột biến này được tìm thấy trên bề mặt của vi-rút gây ra COVID-19.

Khi thuốc chủng ngừa mRNA COVID-19 tiêm vào cơ thể, các mRNA sẽ đi vào và nằm bên trong các tế bào miễn dịch, kích thích các tế bào tạo ra các mảnh protein. Sau khi mảnh protein được tạo ra, tế bào sẽ phá vỡ các mRNA và loại bỏ chúng.

Tiếp theo, các tế bào sẽ hiển thị các mảnh protein lên trên bề mặt, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ nhận ra rằng các mảnh protein không thuộc về cơ thể và bắt đầu tạo ra các phản ứng miễn dịch và tạo ra kháng thể chống lại các mảnh protein này, điều này giống như những gì xảy ra trong nhiễm trùng tự nhiên COVID-19.

Sau một thời gian, cơ thể đã học được cách bảo vệ chống lại sự lây nhiễm COVID-19 trong tương lai. Như vậy, vaccine mRNA mang lại lợi ích giống như tất cả các loại vaccine khác, là giúp cơ thể chống lại sự tấn công của vi-rút gây bệnh COVID-19.”(tham khảo Understanding mRNA COVID-19 Vaccines -cdc.gov)

 

 


Thăm dò ý kiến