Đoàn Bộ Y tế kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham gia kỳ họp lần thứ 77 Đại hội đồng Y tế Thế giới tại Thụy Sỹ

06/06/2024 | 08:53 AM

 | 

Được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã dẫn đầu đoàn đại biểu của Bộ Y tế Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 77 Đại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA-77) từ ngày 27/5 – 01/6/2024 tại Geneva, Thụy Sỹ.

 

Phiên toàn thể của kỳ họp WHA-77 gồm một số nội dung quan trọng như bầu Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Kỳ họp, thông qua Chương trình nghị sự, báo cáo của Hội đồng Chấp hành lần thứ 153 và 154, phát biểu khai mạc của Tổng Giám đốc WHO, báo cáo của Ủy ban Ủy nhiệm thư. Ngoài phiên toàn thể, kỳ họp WHA-77 chia các nội dung của chương trình nghị sự tại Ủy ban A và Ủy ban B (kỳ họp Đại hội đồng sẽ có phiên toàn thể và có các phiên họp mang tính kỹ thuật, chia thành hai ủy ban, gọi là Ủy ban A và Ủy ban B), gồm các nội dung về 4 trụ cột: Trụ cột 1: Rà soát và cập nhật các nội dung Ủy ban Điều hành WHO; trụ cột 2: Thêm 01 tỉ người được bảo vệ từ các vấn đề Y tế công cộng khẩn cấp; trụ cột 3: Thêm 01 tỷ người dân sống khoẻ hơn và tốt hơn; trụ cột 4: WHO hỗ trợ hiệu quả hơn cho các quốc gia.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương tham dự nhiều hoạt động tại kỳ họp Đại Hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 77 - Ảnh 1.PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu đoàn đại biểu của Bộ Y tế Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 77 Đại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA-77) từ ngày 27/5 – 01/6/2024 tại Geneva, Thụy Sỹ.

TS.Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO đã có bài phát biểu tại phiên khai mạc của kỳ họp. Theo ông Tedros, kỳ họp lần này có thể là một trong những kỳ họp quan trọng nhất của Tổ chức Y tế thế giới bất chấp việc các nước vẫn còn những bất đồng về thỏa thuận ngăn chặn, ứng phó và xử lý đại dịch trong tương lai. Tuy nhiên, ông Tedros tin rằng các nước hiểu rõ về sứ mệnh lịch sự của thỏa thuận này và đang nỗ lực hơn bao giờ hết.

          Sau bài phát biểu của Tổng Giám đốc Tedros, là phiên thảo luận chung của kỳ họp với chủ đề “Tất cả vì sức khỏe, sức khỏe cho mọi người”. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, đã có bài phát biểu trao đổi về chủ đề này, chia sẻ hai nội dung chính bao gồm: Tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe tuyến cơ sở hoặc hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu làm nền tảng cho bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và chuẩn bị và ứng phó với tình huống khẩn cấp về sức khỏe.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương tham dự nhiều hoạt động tại kỳ họp Đại Hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 77 - Ảnh 2.

PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại kỳ họp

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: mặc dù Việt Nam đã đạt được tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế xã hội trên 93% dân số, nhưng còn nhiều việc phải làm, bao gồm cải thiện tài chính cho chăm sóc sức khỏe ban đầu và bao phủ các dịch vụ y tế thiết yếu, đặc biệt là đối với các bệnh không lây nhiễm và sức khỏe bà mẹ. Thứ trưởng Bộ Y tế cũng chia sẻ tại kỳ họp về việc Việt Nam đã chuyển đổi thành công chiến lược ứng phó với COVID-19 sang quản lý bền vững sau khi tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế kết thúc vào tháng 5 năm 2023.

Trong suốt các phiên họp tại Ủy ban A và Ủy ban B, với nhiều bài tham luận thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, đoàn đại biểu Việt Nam đã có những đóng góp tích cực và chủ động vào các chương trình nghị sự của kỳ họp được các quốc gia thành viên đánh giá cao.

Tại kỳ họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và các thành viên trong đoàn đã tham dự nhiều sự kiện bên lề quan trọng như: Cuộc họp cấp cao lần thứ hai của Hội đồng Thúc đẩy tiến trình phát triển vaccine phòng ngừa Lao của WHO; buổi làm việc với TS. Kayla Laserson, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Toàn cầu của CDC Hoa Kỳ; cuộc họp bên lề với Bà Kelly Larson, Giám đốc chương trình Y tế công cộng, Quỹ từ thiện Bloomberg Hoa Kỳ và bà Vandana Shah, Phó Chủ tịch chương trình Vận động chính sách Y tế toàn cầu, tổ chức Campaign for Tobacco Free Kids Hoa Kỳ (CTFK); cuộc họp song phương với bà Aurelia Nguyen, Giám đốc Chương trình của GAVI; đối thoại cấp Bộ trưởng về Dự phòng nguy cơ phơi nhiễm chì cho bà mẹ và trẻ em  do UNICEF và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) phối hợp tổ chức.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương tham dự nhiều hoạt động tại kỳ họp Đại Hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 77 - Ảnh 3.Đoàn Việt Nam làm việc tại trụ sở của GAVI

Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã có chia sẻ nhanh với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam bên lề kỳ họp về những vấn đề liên quan tới sức khỏe toàn cầu hiện nay. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, đại dịch COVID-19 cho thấy nhiều nước chưa chuẩn bị tốt cho quy mô dịch trên toàn cầu. Một đại dịch tiếp theo có thể xảy ra bất cứ lúc nào, vì vậy từ bài học của đại dịch COVID-19, tất cả các quốc gia cần phải tăng cường năng lực, sẵn sàng chuẩn bị một cách tốt nhất với các đại dịch trong tương lai.

Kỳ họp WHA-77 đã thông qua Chương trình làm việc chung lần thứ 14, đưa ra lộ trình cho các vấn đề sức khỏe toàn cầu cho 04 năm tới với cam kết thúc đẩy, cung cấp và bảo vệ sức khỏe của người dân trên thế giới; thông qua gói sửa đổi các Điều lệ Y tế quốc tế. Việc này được xem như một thành tựu lịch sử giúp thế giới trở nên an toàn hơn. Kỳ họp cũng đồng ý việc hoàn tất đàm phán về Thỏa thuận Toàn cầu ứng phó đại dịch vào năm 2025. Bên cạnh đó, kỳ họp lần này cũng đã thông qua các Quyết định và Nghị quyết về nhiều vấn đề sức khỏe quan trọng như kháng kháng sinh; biến đổi khí hậu và sức khỏe; phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng; sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em; sức khỏe tâm thần trong trường hợp khẩn cấp; Sự tham gia của xã hội trong chăm sóc sức khỏe ban đầu...

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương tham dự nhiều hoạt động tại kỳ họp Đại Hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 77 - Ảnh 4.

        Thư trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và các thành viên tham gia đoàn công tác Bộ Y tế tại Kỳ họp Đại Hội đồng Y tế thế giới lần thứ 77.

  Trong suốt kỳ họp Đại Hội đồng y tế thế giới lần thứ 77, Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm và vai trò là một thành viên tích cực của khu vực Tây Thái Bình Dương tại diễn đàn quan trọng nhất về y tế toàn cầu, góp phần đưa tiếng nói của các quốc gia đang phát triển vào quá trình xây dựng và hoạch định các chính sách y tế toàn cầu trong tương lai./.

Đoàn công tác Bộ Y tế


Thăm dò ý kiến