Sáng 28/1: Gần 4.500 ca COVID-19 nặng đang điều trị; Kiến nghị cho người nhập cảnh là F0 nhẹ cách ly tại nhà

28/01/2022 | 09:07 AM

 | 

Bộ Y tế cho biết, đến nay cả nước đã có hơn 1,94 triệu ca COVID-19 khỏi bệnh, trong số các bệnh nhân đang điều trị có gần 4.500 ca nặng; TP HCM kiến nghị cho người nhập cảnh mắc COVID-19 nhẹ cách ly tại nhà; Đồng Nai lên kế hoạch tiêm vaccine xuyên Tết.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:

- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.203.208 ca mắc COVID-19 đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 22.320 ca nhiễm).

- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.196.351 ca, trong đó có 1.942.794 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (513.259), Bình Dương (292.752), Hà Nội (120.175), Đồng Nai (99.811), Tây Ninh (87.706).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 15.437 ca/ngày.

- Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 166 ca mắc COVID-19 do biến chủng Omicron tại TP. Hồ Chí Minh (92), Quảng Nam (27), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Kiên Giang (4), Quảng Ninh (2), Thanh Hóa (2), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Long An (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (1), Lâm Đồng (1).

Sáng 28/1: Gần 4.500 ca COVID-19 nặng đang điều trị; Kiến nghị cho người nhập cảnh là F0 nhẹ cách ly tại nhà - Ảnh 1.

Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.945.611 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.485 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 2.767 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 614 ca; Thở máy không xâm lấn: 115 ca; Thở máy xâm lấn: 582 ca; ECMO: 17 ca

Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 146 ca.

- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 37.291 ca, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.

- Tổng số ca tử vong xếp thứ 25/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 32.053.283 mẫu tương đương 76.975.916 lượt người, tăng 42.772 mẫu so với ngày trước đó.

Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19

Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 179.593.670 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.987.718 liều, tiêm mũi 2 là 73.908.501 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 26.697.451 liều.

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 3,2 triệu ca mắc COVID-19 và trên 9.100 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 366 triệu ca, trong đó trên 5,65 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Pháp (392.168 ca), Mỹ (trên 368.000 ca) và Ấn Độ (248.697 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (2.118 ca), Nga (665 ca) và Ấn Độ (627 ca).

Trong 24 giờ qua, một loạt quốc gia tiếp tục ghi nhận hàng trăm nghìn ca mắc mới. Ngoài ba quốc gia kể trên, còn có Brazil, Italy, Tây Ban Nha, Đức.

Tính từ đầu đại dịch COVID-19, Mỹ là quốc gia có số ca mắc cao nhất với trên 74,5 triệu ca mắc, trong đó trên 901.000 ca tử vong.

Hơn 1,1 triệu trẻ em Mỹ được chẩn đoán mắc COVID-19 trong tuần từ ngày 13-20/1 vừa qua. Con số này cao hơn 17% so với mức 981.000 ca ghi nhận 1 tuần trước đó và gấp đôi con số ghi nhận 2 tuần trước đó. Đây là dữ liệu trong báo cáo "Trẻ em và COVID-19: Báo cáo dữ liệu cấp bang" do Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP) và Hiệp hội Bệnh viện nhi cập nhật và công bố mới đây.

Theo trang thống kê worldometers.info, trong 24h qua, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 60.489 ca mắc COVID-19 và 242 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 16.389.449 ca, trong đó 313.126 người tử vong.

 TP HCM kiến nghị cho người nhập cảnh mắc COVID-19 nhẹ cách ly tại nhà

Theo Sở Y tế TP HCM, sau gần 1 tháng triển khai quy trình cách ly người nhập cảnh, Sở Y tế nhận thấy hầu hết người nhập cảnh dương tính với SARS-CoV-2, bao gồm người nhiễm biến chủng Omicron đều không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ.

Theo quy định của UBND Thành phố về quy trình giám sát, quản lý cách ly y tế cho người nhập cảnh, trường hợp nhập cảnh có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính sẽ được chuyển cách ly điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 12 hoặc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.

Tuy nhiên, hiện nay, các chuyến bay thương mại được cấp phép đưa người về Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán 2022 gia tăng, nhiều người nhập cảnh có nguyện vọng được cách ly tại nhà hoặc tại một số bệnh viện tư nhân.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nhập cảnh, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán 2022, đồng thời vẫn đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành, Sở đã kiến nghị UBND TP HCM xem xét chấp thuận mở rộng các loại hình cách ly đối với người nhập cảnh có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Theo đó, người nhập cảnh vào TP HCM sẽ được cách ly tại nhà, tại bệnh viện dã chiến hoặc các bệnh viện tư nhân nếu đủ điều kiện cách ly. Cụ thể, những trường hợp có triệu chứng mức độ nặng sẽ được chuyển về các Bệnh viện dã chiến 3 tầng; trường hợp bệnh nhân có triệu chứng mức độ trung bình sẽ được chuyển về Bệnh viện dã chiến số 12 hoặc bệnh viện tư nhân đủ điều kiện nếu người nhập cảnh có nhu cầu.

Đối với các trường hợp có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng sẽ được cách ly tại nhà nếu có nguyện vọng, cam kết đủ điều kiện cách ly tại nhà và tuân thủ các biện pháp cách ly, điều trị, theo dõi sức khỏe, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Nếu không đủ điều kiện sẽ được cách ly tại Bệnh viện dã chiến số 12 hoặc cách ly điều trị tại bệnh viện tư nhân nếu có nguyện vọng.

Các trường hợp cách ly tại nhà hay tại bệnh viện đều phải tuân thủ phác đồ điều trị và lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR theo quy định. Trong trường hợp người nhập cảnh đang cách ly tại nhà, có dấu hiệu trở nặng, gọi số điện thoại của Trạm y tế phường, xã; Trạm y tế lưu động hoặc Trung tâm Cấp cứu 115 Thành phố để chuyển người bệnh đến Bệnh viện Bệnh viện dã chiến 3 tầng.

Khi người nhập cảnh có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 tại sân bay có nhu cầu và đủ điều kiện cách ly tại nhà, Bộ phận Kiểm dịch y tế quốc tế (thuộc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố) nhập thông tin người nhập cảnh lên nền tảng số COVID-19 và thông báo nhanh bằng điện thoại đến Trung tâm y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức - nơi người nhập cảnh sẽ cách ly để quản lý, giám sát và chăm sóc.

Trung tâm y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức chịu trách nhiệm phân công Trạm y tế phường, xã hoặc Trạm y tế lưu động chăm sóc, theo dõi, quản lý tại nhà theo quy định

Đồng Nai: Tiêm vaccine phòng COVID-19 xuyên Tết

Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tỉnh Đồng Nai phát động "tiêm vaccine xuyên Tết" với phương châm: "Chúng ta vừa nghỉ Tết, vừa đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng trong 9 ngày Tết, khoa học, an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế".

Tỉnh huy động tất cả các lực lượng, trang thiết bị cần thiết hỗ trợ địa phương thực hiện chiến dịch thần tốc tiêm chủng để hoàn thành mục tiêu đề ra. Ngành y tế đẩy mạnh việc sử dụng ứng dụng quản lý tiêm chủng COVID-19 và huy động các lực lượng phối hợp, cập nhật đầy đủ số liệu liên quan đến tiêm chủng lên phần mềm.

Sáng 28/1: Gần 4.500 ca COVID-19 nặng đang điều trị; Kiến nghị cho người nhập cảnh là F0 nhẹ cách ly tại nhà - Ảnh 3.

Nhiều địa phương lên kế hoạch tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 xuyên Tết Nguyên đán Nhâm Dần

Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai "thần tốc" hơn nữa trong việc tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ ba cho người từ 18 tuổi trở lên và mũi thứ hai cho trẻ từ 12 - 17 tuổi.

Tỉnh Đồng Nai đặc biệt chú ý tổ chức tiêm an toàn, thuận lợi cho những người có nguy cơ cao. Riêng công nhân, người lao động làm việc trong các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động chủ động liên hệ chính quyền nơi doanh nghiệp hoạt động để được hướng dẫn, tổ chức tiêm cho các đối tượng theo quy định.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng"; từng phường, xã, thị trấn rà soát, giải thích, vận động người dân tham gia tiêm vaccine phòng, đảm bảo 100% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại và người từ đủ 12 đến 17 tuổi được tiêm đủ liều cơ bản.

Các địa phương chủ động phối hợp Sở Y tế, các đơn vị liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện tiêm cho đối tượng là công nhân, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn.

Ca mắc COVID-19 ở miền Tây giảm sâu

Cà Mau ghi nhận 165 F0, trong đó có 137 ca cộng đồng; có 397 người điều trị khỏi, 3 trường hợp tử vong.

Hậu Giang ghi nhận 156 ca mắc mới, trong đó 155 cộng đồng, điều trị khỏi 381 ca, 7 trường hợp tử vong.

Vĩnh Long thêm 112 ca COVID-19 mới, trong đó 55 ca cộng đồng, điều trị khỏi 54 ca; 12 trường hợp tử vong.

Tiền Giang có 98 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 7 ca bằng phương pháp PCR và 91 ca test nhanh kháng nguyên, 206 ca điều trị khỏi và thêm 4 bệnh nhân tử vong.

Trà Vinh phát hiện 82 ca mắc COVID-19, điều trị khỏi 726 trường hợp và thêm một bệnh nhân tử vong.

Kiên Giang ghi nhận 78 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 51 ca cộng đồng, 27 ca trong khu phong tỏa.

Bến Tre có thêm 77 ca mắc COVID-19 mới, tất cả đều F0 cộng đồng, có 239 người điều trị khỏi, trong ngày thêm một bệnh nhân tử vong.

TP Cần Thơ có thêm 26 ca mắc COVID-19, 67 người điều trị khỏi, 3 ca tử vong. Địa phương này hiện có 4.193 F0 đang điều trị tại nhà, 479 ca đang điều trị tại cơ sở y tế.

Bạc Liêu có thêm 64 ca mắc COVID, trong đó có 48 F0 cộng đồng, 217 ca được xuất viện và 4 ca tử vong.

Đồng Tháp ghi nhận 50 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 24 ca cộng đồng, điều trị khỏi 290, tử vong 6 ca./.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến