Miễn viện phí toàn dân: Từ tâm tư người bệnh đến kỳ vọng cộng đồng
17/05/2025 | 12:07 PM



Việc Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo tiến tới miễn viện phí cho toàn dân đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Đây không chỉ là một chính sách giàu tính nhân văn mà còn cụ thể hóa quan điểm “dân thụ hưởng” trên nền tảng ổn định và phát triển bền vững của đất nước.
|
Đông đảo người dân trên địa bàn huyện Ea H'leo đến dự chương trình Ngày hội sức khỏe Ea H'leo để được khám bệnh và cấp thuốc miễn phí. (Ảnh: Báo Nhân Dân) |
Người dân mong ngóng được miễn viện phí
Theo thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng, chủ trương miễn viện phí cho toàn dân sẽ được triển khai trong giai đoạn 2030-2035. Đây là chính sách lớn về an sinh xã hội, tiếp nối quyết định miễn học phí cho học sinh công lập từ bậc mầm non đến hết trung học phổ thông từ năm học 2025-2026, với kinh phí ngân sách dự kiến khoảng 30.000 tỷ đồng mỗi năm.
Nhiều người dân bày tỏ sự phấn khởi trước thông tin này. Chị Quách Thu Hằng ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, chia sẻ: “Mấy hôm nay, ti-vi, báo, đài có đưa thông tin về định hướng miễn viện phí cho người dân. Là bệnh nhân có gần chục năm điều trị bệnh tim, tôi rất vui mừng. Mong sao chủ trương này sớm được thực hiện, để người dân, nhất là người bệnh như chúng tôi, vơi bớt vất vả vì bệnh tật”.
Bà Lê Phương Thảo, ở quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, cho biết: “Hiện có khá nhiều người mắc các bệnh nan y với chi phí điều trị tốn kém. Tôi và mọi người trong tổ dân phố rất vui mừng khi biết Đảng, Nhà nước có chủ trương miễn 100% viện phí cho người dân. Ai cũng mong chính sách sớm được thực hiện, để người nghèo, người lao động tự do có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn”.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, 62 tuổi, đang điều trị chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ: “Tôi bị bệnh thận giai đoạn cuối, đã chạy thận hơn 8 năm nay. Mỗi tuần phải đi viện ba lần, dù được bảo hiểm y tế chi trả phần lớn nhưng vẫn còn nhiều khoản ngoài danh mục phải tự lo. Với người bệnh mạn tính như chúng tôi, chủ trương tiến tới miễn viện phí toàn dân là một hy vọng lớn, giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình. Tôi mong Nhà nước sớm triển khai chính sách này và trước mắt có thể ưu tiên miễn phí hoàn toàn cho bệnh nhân chạy thận, người mắc bệnh hiểm nghèo, người nghèo, để ai cũng có cơ hội sống tốt hơn”.
Cùng chung tâm trạng, chị Nguyễn Thị Lan, 45 tuổi, bệnh nhân ung thư vú đang điều trị tại Bệnh viện K Tân Triều bày tỏ: “Chi phí điều trị ung thư rất tốn kém, có những loại thuốc ngoài danh mục bảo hiểm phải mua với giá hàng chục triệu đồng một đợt. Nếu được miễn viện phí hoặc hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị, chúng tôi sẽ yên tâm chữa bệnh, bớt lo cho gia đình và có thêm động lực chiến đấu với bệnh tật”.
Anh Trần Văn Dũng, công nhân xây dựng ở Bắc Ninh bị tiểu đường hơn 10 năm, cũng cho biết: “Tiền thuốc, tiền viện phí hằng tháng không phải ít. Với lao động tự do như tôi, nhiều lúc cũng phải chắt bóp, dè sẻn. Nghe tin sắp tới sẽ miễn viện phí toàn dân, tôi rất mừng. Hy vọng chính sách sẽ sớm triển khai, trước hết cho những người mắc bệnh mạn tính như chúng tôi”.
Chị Vũ Thị Hiền, 34 tuổi, ở tỉnh Bắc Giang, người đang chăm sóc con trai 6 tuổi bị bệnh máu khó đông, xúc động nói: “Từ ngày con mắc bệnh đến nay, gia đình tôi kiệt quệ vì tiền viện phí. Có những đợt truyền thuốc, viện phí tính bằng chục triệu đồng, mà bảo hiểm y tế chỉ thanh toán một phần. Nghe thông tin sắp tới miễn viện phí cho người dân, tôi như trút được gánh nặng trong lòng. Rất mong chính sách sớm triển khai, ưu tiên trước cho trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, để các cháu có điều kiện chữa bệnh mà gia đình cũng bớt vất vả”.
Lộ trình miễn viện phí cần được chuẩn bị kỹ lưỡng
Bên cạnh giá trị nhân văn và tác động tích cực, chủ trương miễn viện phí toàn dân cũng đặt ra không ít khó khăn. Vấn đề lớn nhất là cân đối ngân sách và bảo đảm nguồn lực tài chính.
Theo Ngân hàng Thế giới, để đạt mục tiêu bao phủ y tế toàn dân, Việt Nam cần tăng tỷ lệ chi tiêu y tế từ mức 2,7% GDP hiện nay lên mức tiệm cận các nước có hệ thống y tế phát triển. Trong khi đó, ngân sách y tế công hiện đạt hơn 175.000 tỷ đồng/năm, riêng chi trả bảo hiểm y tế đã gần 112.000 tỷ đồng. Việc miễn viện phí chắc chắn sẽ đòi hỏi ngân sách tăng thêm hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, tạo áp lực lớn trong bối cảnh nhu cầu chi tiêu cho an sinh, giáo dục, quốc phòng đều rất cao.
Ngoài ra, nhân lực và cơ sở vật chất y tế còn hạn chế. Bộ Y tế cho biết, cả nước hiện thiếu khoảng 23.800 nhân viên y tế dự phòng, trong đó có hơn 8.000 bác sĩ. Các bệnh viện tuyến trung ương vẫn quá tải, nhất là tại các chuyên khoa ung bướu, hồi sức, tim mạch. Nếu không nâng cao năng lực y tế cơ sở, phân bổ nhân lực hợp lý, chính sách miễn viện phí có thể làm gia tăng áp lực lên hệ thống khám, chữa bệnh.
Thực tiễn triển khai chính sách miễn viện phí toàn dân (Universal Health Coverage - UHC) tại một số quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Philippines cho thấy: nếu thiếu kiểm soát chặt chẽ về tài chính, nhân lực và năng lực quản lý, mô hình này dễ gặp nhiều thách thức trong quá trình thực hiện.
Tại Thái Lan, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), mặc dù chính sách bảo hiểm y tế toàn dân mang lại hiệu quả tích cực, hệ thống y tế nước này vẫn chịu áp lực lớn về chi phí, nhất là trong bối cảnh dân số già hóa và tỷ lệ mắc bệnh mạn tính gia tăng.
Tại Indonesia, Chương trình Bảo hiểm Y tế Quốc gia (Jaminan Kesehatan Nasional - JKN) với độ bao phủ hơn 95% dân số liên tục đối mặt thâm hụt ngân sách do khó kiểm soát thu chi, đặc biệt trong khu vực lao động phi chính thức, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Phát triển ADBI (Asian Development Bank Institute).
Còn tại Philippines, theo nghiên cứu công bố trên Tạp chí Y tế Công cộng Quốc tế (International Journal of Public Health), hệ thống PhilHealth từng bị lạm dụng do thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ, trong khi cơ sở hạ tầng và nhân lực y tế còn hạn chế.
Những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia này cho thấy, việc xây dựng lộ trình miễn viện phí toàn dân ở Việt Nam cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ từ cải cách tài chính y tế, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực y tế cơ sở đến tăng cường kiểm soát chất lượng cung ứng dịch vụ công.
Tiến sĩ Đỗ Ngọc Văn, Viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội thuộc Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, nhận định: “Miễn viện phí toàn dân chỉ khả thi nếu đi kèm với tăng trưởng kinh tế bền vững và cải cách tài chính y tế toàn diện. Trước mắt, nên ưu tiên miễn viện phí cho nhóm người yếu thế, bệnh nhân mắc bệnh mạn tính nhằm giảm áp lực cho ngân sách và hệ thống y tế”.
Theo Bộ Y tế, lộ trình triển khai chính sách dự kiến chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 2026-2030, tập trung tăng cường y tế cơ sở, bảo đảm 90% dân số được chăm sóc y tế dự phòng; miễn viện phí cho nhóm người yếu thế. Giai đoạn 2030-2035, triển khai miễn viện phí toàn dân đồng bộ với bảo hiểm y tế bắt buộc và cải cách cơ chế thanh toán y tế.
|
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn. (Ảnh: Báo Nhân Dân) |
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định: “Việc miễn viện phí cho toàn dân là chủ trương lớn, giàu tính nhân văn, thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ ta trong việc chăm lo sức khỏe nhân dân".
Ông nhấn mạnh: “Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về tiến tới miễn viện phí cho người dân không chỉ là định hướng chiến lược lâu dài mà còn là mục tiêu mà toàn ngành y tế quyết tâm thực hiện. Đây là chính sách chạm đến trái tim hàng triệu người dân, đồng thời là mong mỏi của người dân và ngành y tế”.
Từ góc độ quản lý nhà nước, Tiến sĩ Tạ Ngọc Hải, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ, nhấn mạnh: “Tiến tới miễn viện phí cho toàn dân đòi hỏi quyết tâm nỗ lực và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, không chỉ trong việc tăng ngân sách mà còn đồng bộ từ hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực y tế cơ sở, đến cải thiện tốt hơn việc cung ứng dịch vụ công theo lĩnh vực ở nước ta trong thời gian tới”.
Chủ trương miễn viện phí toàn dân là chính sách lớn, thể hiện tính ưu việt và nhân văn của chế độ ta. Để hiện thực hóa chủ trương này, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về thể chế, nguồn lực tài chính, nhân lực, cơ sở hạ tầng, đồng thời cải cách mạnh mẽ cơ chế tài chính y tế. Việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế, rà soát các chương trình hiện hành, củng cố y tế cơ sở và phân kỳ thực hiện theo nhóm đối tượng ưu tiên là hướng đi phù hợp với thực tiễn Việt Nam hiện nay để chủ trương miễn viện phí toàn dân sớm đi vào đời sống xã hội.
Tại tiểu mục 2.2 Mục 2 Thông báo 176-TB/VPTW về những định hướng tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn 2030-2035 như sau:
2. Về những định hướng trong thời gian tới
Trước yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển nhanh và bền vững. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân cần hướng đến mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam khỏe mạnh, mọi người dân đều được sống lâu, sống khỏe, sống lành mạnh, sống hạnh phúc; nguồn nhân lực phải có đủ sức khỏe về thể chất, tinh thần, trí tuệ và đạo đức để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
2.1. Về những vấn đề chung
...
2.2. Về định hướng một số chủ trương cụ thể thực hiện ngay
(1) Đảng ủy Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy Bộ Y tế và các bộ, ngành Trung ương khẩn trương nghiên cứu, triển khai kiện toàn hệ thống tổ chức ngành y tế từ Trung ương tới cơ sở phù hợp mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, gắn với mô hình phân tầng kỹ thuật y tế rõ ràng, hiệu quả, bảo đảm tính kế thừa, hỗ trợ lẫn nhau giữa các cấp chuyên môn.
Đặc biệt quan tâm củng cố, nâng cao năng lực y tế cơ sở. Đây là tuyến y tế gần dân nhất, đóng vai trò "gác cửa" của hệ thống y tế, cần được củng cố toàn diện, bảo đảm chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng, quản lý bệnh mãn tính, phát hiện sớm và điều trị ban đầu, khám sức khỏe định kỳ, cập nhật sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử...
Hệ thống y tế cơ sở phải mạnh lên, đủ năng lực, đủ con người, đủ công nghệ, phải là nơi người dân đặt niềm tin. Chỉ như vậy mới có thể thực hiện được việc chăm sóc sức khỏe toàn dân một cách bền vững, công bằng và hiệu quả.
(2) Thống nhất thực hiện chủ trương khám sức khỏe định kỳ cho Nhân dân ít nhất mỗi năm một lần. Giao Đảng ủy Bộ Y tế xây dựng Đề án cụ thể báo cáo Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất, những vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo Bộ Chính trị để chỉ đạo.
(3) Giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng Đề án với lộ trình từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn từ 2030-2035.
Rà soát lại các chương trình, kế hoạch, đề án liên quan đến chăm sóc sức khỏe nhân dân để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp tình hình mới. Chỉ đạo Đảng ủy Bộ Y tế khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035, trình Quốc hội khóa XV thông qua (tại Kỳ họp thứ 10).
Nguồn: nhandan.vn
Related news
- Bệnh hô hấp mạn tính ảnh hưởng đến 4 triệu người tại Việt Nam
- Bộ Y tế thông tin về quy định kiểm tra nhà nước với thực phẩm nhập khẩu
- Việt Nam ghi nhận ca mắc giun rồng 26, bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm
- Bệnh hô hấp mạn tính ảnh hưởng đến 4 triệu người tại Việt Nam
- Thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam
- Tinh thần và trách nhiệm trong chuyển đổi số