'Tảng băng chìm' bệnh thận mạn: Cần sự chung tay hành động vì sức khỏe thận
10/04/2025 | 11:02 AM



Gần 850 triệu người đang chịu gánh nặng của bệnh thận mạn tính trên toàn cầu, chiếm hơn 10% dân số thế giới. Tại Việt Nam, ước tính có tới 8,7 triệu người trưởng thành đang phải sống chung với căn bệnh này, tương đương gần 12,8% dân số trưởng thành.
Thông tin được cung cấp bởi Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho hay, trong số hàng triệu người bệnh thận mạn tính (CKD) có đến hơn 90% hoàn toàn không nhận thức được tình trạng sức khỏe của mình cho đến khi bệnh đã tiến triển sang giai đoạn muộn, gây ra những gánh nặng cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội.
Căn bệnh phổ biến nhưng dễ bỏ sót
Bệnh thận mạn tính thường được ví như một "kẻ giết người thầm lặng" bởi diễn tiến âm thầm với triệu chứng không rõ ràng ở giai đoạn đầu. Theo dự báo của các chuyên gia y tế, CKD sẽ sớm trở thành nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 5 trên toàn cầu vào năm 2040 nếu chúng ta không có những biện pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả.
Tại Việt Nam, ước tính có tới 8,7 triệu người trưởng thành đang phải sống chung với căn bệnh này, tương đương gần 12,8% dân số trưởng thành...
Tại Việt Nam, gánh nặng do CKD gây ra càng rõ nét hơn với 12,8% dân số trưởng thành mắc bệnh thận mạn, một tỷ lệ tương đương với nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.
Trong số hàng triệu bệnh nhân CKD, có khoảng 800.000 người đã tiến triển đến giai đoạn cuối (ESKD), giai đoạn mà chức năng thận suy giảm nghiêm trọng và cần phải điều trị thay thế thận như lọc máu hoặc ghép thận để duy trì sự sống. Đáng lưu ý, Việt Nam hiện có hơn 400 đơn vị chạy thận nhân tạo và cung cấp dịch vụ lọc máu cho khoảng 30.000 bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối mỗi năm, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của bệnh nhân cần lọc máu trên cả nước.
Tuy nhiên, nghịch lý là theo các nghiên cứu, có đến 90% số người mắc CKD không hề biết mình mang bệnh. Chính thực tế này khiến cho bệnh có thể diễn tiến âm thầm trong nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ, cho đến khi chức năng thận suy giảm nghiêm trọng và xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như suy tim, đột quỵ, thiếu máu, loãng xương… Lúc này, việc điều trị trở nên phức tạp, tốn kém và hiệu quả cũng giảm đi đáng kể.
Trong khi đó, nếu bệnh nhân được sàng lọc và chẩn đoán sớm từ các tuyến y tế cơ sở ngay từ giai đoạn đầu của bệnh, họ có thể được can thiệp và điều trị bằng các phương pháp đơn giản, hiệu quả và ít tốn kém, điển hình như việc sử dụng nhóm thuốc ức chế SGLT-2i. Hiện nhóm thuốc này đã được đề cập trong "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh thận mạn và một số bệnh lý thận" do Bộ Y tế ban hành vào tháng 8/2024.
Chi phí điều trị bằng thuốc trong giai đoạn sớm về lâu dài cũng sẽ được bù đắp do giảm thiểu biến cố cũng như làm chậm tiến triển bệnh đến giai đoạn phải sử dụng các phương pháp điều trị thay thế thận tốn kém như lọc máu hay ghép thận.
Bệnh thận mạn – Gánh nặng không chỉ của riêng bệnh nhân
Với số lượng người mắc bệnh thận mạn gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, căn bệnh này đang tạo ra một gánh nặng ngày càng lớn cho các hệ thống y tế trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Chi phí điều trị CKD, đặc biệt là chi phí cho các liệu pháp thay thế thận (RRT) như lọc máu và ghép thận, chiếm một phần không nhỏ trong ngân sách y tế của mỗi quốc gia.
Dự báo cho thấy, tỷ lệ ngân sách y tế dành cho điều trị CKD và RRT sẽ phải tăng lên đáng kể trong những năm tới, từ mức trung bình 4,7% hiện nay lên tới 9,2% vào năm 2026. Điều này cho thấy, nếu không có những giải pháp hiệu quả để phòng ngừa và kiểm soát CKD, hệ thống y tế sẽ phải đối mặt với nguy cơ quá tải và nguồn lực y tế sẽ ngày càng bị phân bổ không cân đối.
Hai hệ lụy khác tuy ít được nhắc tới nhưng hiện cũng đang được thế giới chú ý và đang có những nỗ lực chung để làm giảm bớt các tác động.
Đó là sự tác động tiêu cực của CKD đến nền kinh tế: Bệnh thận mạn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh mà còn tác động trực tiếp đến năng suất lao động và thu nhập của họ và cả người thân đang chăm sóc họ. Một khảo sát cho thấy, một số người chăm sóc bệnh nhân CKD phải dành từ 4 - 35 giờ mỗi tuần để hỗ trợ người thân, bao gồm các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, thăm khám tại bệnh viện và hỗ trợ về mặt tâm lý; sự hỗ trợ này càng trở nên cấp thiết khi bệnh tiến triển vào các giai đoạn muộn.
Một khía cạnh vô cùng quan trọng là tác động của CKD đến môi trường. Trên toàn cầu, ước tính mỗi năm, lọc máu sử dụng hơn 169 tỷ lít nước và tạo ra 1 tỷ kg chất thải.
Thay đổi vì sức khỏe thận và một tương lai bền vững hơn
Trong bối cảnh bệnh thận mạn đang trở thành một vấn đề y tế chung toàn cầu, nhiều tổ chức y tế, doanh nghiệp và bệnh viện đã và đang nỗ lực triển khai các chương trình hành động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, tầm soát bệnh sớm và cải thiện chất lượng điều trị CKD.
Điển hình như đề xuất đưa bệnh thận mạn vào danh mục ưu tiên trong Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2026-2035 của Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tại Tọa đàm "Gánh nặng bệnh mạn tính và tiềm năng ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý bệnh" vào tháng 11 vừa qua. Đây là một dấu hiệu đáng mừng, cho thấy bệnh thận mạn đang dần nhận được sự chú ý cần thiết từ các cấp quản lý và cộng đồng.
Kiosk CAREME đặt tại các bệnh viện, một trong các sáng kiến chuyển đổi số của các bệnh viện và AstraZeneca.
Bên cạnh đó, đối với các hướng tiếp cận khác hướng đến cộng đồng, sáng kiến chuyển đổi số trong khuôn khổ chương trình "CAREME – Yêu lấy mình" do Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và AstraZeneca đồng xây dựng là một ví dụ tích cực.
Chỉ tính riêng năm 2024, hơn 200.000 cá nhân đã được sàng lọc các yếu tố nguy cơ liên quan đến thận, cho phép xác định sớm gần 10.000 bệnh nhân. Đáng chú ý, 10% trong số những bệnh nhân này cho thấy kết quả UACR/eGFR ban đầu dương tính điều này cho thấy việc sàng lọc sớm và can thiệp kịp thời, giúp họ tránh được các biến chứng và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh đến giai đoạn cuối (ESKD).
Gần đây nhất, chiến dịch truyền thông "Thay đổi vì sức khỏe thận" với mục tiêu lấy bệnh nhân làm trung tâm cho phép người bệnh tiếp cận ngay với các dịch vụ chăm sóc và điều trị được khuyến cáo để làm chậm tiến triển bệnh thận mạn và ngăn ngừa suy thận cũng đã được AstraZeneca tổ chức cùng các đối tác thực hiện.
Bệnh thận mạn, tựa như một "tảng băng chìm", vẫn đang là một thách thức lớn đối với y tế Việt Nam. Nếu không có sự quan tâm đúng mức và hành động kịp thời, những hệ lụy âm thầm của căn bệnh này sẽ ngày càng trở nên nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây áp lực lên hệ thống y tế và tác động đến kinh tế xã hội. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động thay đổi tình hình nếu có một chiến lược rõ ràng và sự chung tay của toàn xã hội.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Related news
- Hướng dẫn tổ chức triển khai Tháng Hành động vì trẻ em năm 2025
- Hội thảo chuyên đề “Sàng lọc ung thư phổi: Kinh nghiệm quốc tế và định hướng tại Việt Nam”
- Phát triển Trường Đại học Y Hà Nội trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia
- Thông điệp bảo đảm an toàn thực phẩm, “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025
- Tăng tốc triển khai bệnh án điện tử trên toàn quốc
- Các địa phương đã tiêm vaccine sởi đạt trên 95%