THÔNG TIN BÁO CHÍ PHÁT ĐỘNG VỆ SINH MÔI TRƯỜNG VÀ VỆ SINH CÁ NHÂN PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH HƯỞNG ỨNG PHONG TRÀO VỆ SINH YÊU NƯỚC NÂNG CAO SỨC KHỎE NHÂN DÂN NĂM 2022
25/07/2022 | 14:31 PM
|
Ngày 25/7/2022, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương và với sự hỗ trợ của Unilever Việt Nam (nhãn hàng Lifebuoy, Vim) tổ chức “Mít tinh phát động vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân phòng chống dịch bệnh hưởng ứng phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2022” tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương nhằm huy động các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, từng gia đình và toàn xã hội chủ động tham gia và phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết không để bùng phát dịch bệnh trong thời gian tới, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân. Tạo phong trào sâu rộng đến cộng đồng nhằm huy động sự tham gia của người dân trong công tác vệ sinh môi trường, thực hành vệ sinh cá nhân phòng, chống các dịch bệnh trên. Tham gia buổi lễ mít tinh có khoảng 500 đại biểu bao gồm: Lãnh đạo Bộ Y tế, Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, Lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế; đại biểu các Bộ, ngành Trung ương; Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các Ban, ngành, đoàn thể và ngành Y tế tỉnh Bình Dương; Quỹ Unilever Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các cơ quan thông tấn báo chí.
Chiến dịch bao gồm các hoạt động: Lễ Mít tinh hưởng ứng Chiến dịch, khảo sát thực tế tại các địa phương đang có ổ dịch. Chuỗi hoạt động truyền thông trước và sau mít tinh như: treo panô, banner, khẩu hiệu truyền thông về vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng chống dịch sốt xuất huyết, vệ sinh cá nhân phòng chống dịch COVID-19 và bệnh tay chân miệng tại một số tuyến đường và địa điểm tổ chức mít tinh; tổ chức các hoạt động diễu hành truyền thông tại các địa bàn đang có ổ dịch,…
Thông qua Lễ mít tinh này, ngành Y tế kêu gọi sự tham gia tích cực của chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội và người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh, nếu không có sự vào cuộc của chính quyền địa phương thì không chống dịch thành công, đặc biệt là công tác thông tin, giáo dục, truyền thông để mỗi người dân, mỗi thành viên trong hộ gia đình có trách nhiệm cùng chung tay tham gia phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, đặc biệt cần đẩy mạnh sự phối hợp giữa ngành Y tế với ngành Giáo dục trong công tác tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong trường học, nhà trẻ, nhà mẫu giáo như rửa tay với xà phòng, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy), tiêm chủng vắc xin phòng bệnh… nhằm thay đổi hành vi và tạo thói quen của từng người dân và cộng đồng, trong đó vai trò của chính quyền địa phương trong việc vận động các bà mẹ đưa trẻ em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch là rất quan trọng.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp. Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, dịch COVID-19 gia tăng tại nhiều quốc gia châu Âu liên quan đến biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến chủng Omicron. Dịch bệnh tay chân miệng gần đây gia tăng ở nhiều nước thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương và phổ biến tại nhiều nước châu Á. Đối với bệnh sốt xuất huyết, khu vực Châu Mỹ và châu Á hiện là hai khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong làn sóng sốt xuất huyết năm 2022 và cũng ghi nhận sự gia tăng tại nhiều quốc gia khu vực Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, bên cạnh việc kiểm soát tốt dịch COVID-19, đã ngăn chặn và không ghi nhận các trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam như bệnh MERS-CoV, bệnh cúm A(H7N9), giữ vững thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh,.... Tuy nhiên, trong thời gian gần đây ghi nhận có sự gia tăng bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng tại một số địa phương, đặc biệt tại các tỉnh khu vực miền Nam, miền Trung. Nguyên nhân là do mùa hè khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, nhiệt độ tăng tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển mạnh; tập quán tích trữ nước của người dân chưa có thay đổi đáng kể; tốc độ đô thị hóa nhanh, tình hình vệ sinh môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ... chưa được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng của muỗi truyền bệnh; chưa chủ động triển khai và duy trì thường xuyên hoạt động vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, diệt muỗi tại cộng đồng. Cho đến nay, bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh tại Việt Nam, do vậy công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh.
Trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều tiềm ẩn diễn biến phức tạp, nguy cơ bệnh mới nổi và nguy hiểm trên thế giới có khả năng xâm nhập vào nước ta, các bệnh dịch lưu hành trong nước như tay chân miệng, sốt xuất huyết có thể ghi nhận số mắc gia tăng. Do đó, rất cần sự tham gia của cộng đồng, ý thức người dân chủ động, phối hợp thực hiện trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
(Xin gửi kèm khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống bệnh tay chân miệng và bệnh sốt xuất huyết)
Thông tin chi tiết về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo các biện pháp phòng chống truy cập trên website của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: http://vncdc.gov.vn
Các khuyến cáo của Bộ Y tế đối với người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng như sau:
Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nước rửa tay dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi.
3. Thường xuyên lau rửa bề mặt các vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế…, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn bề mặt.
4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Các khuyến cáo của Bộ Y tế đối với người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết như sau:
Để phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả cần sự chung tay của chính quyền các cấp, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt là mỗi người dân trong cộng đồng ý thức trách nhiệm, tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản ngay tại hộ gia đình với mục tiêu “Không có lăng quăng (bọ gậy), không có sốt xuất huyết”.
Bộ Y tế khuyến cáo cho mọi người dân, mỗi hộ gia đình chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn.
3. Hàng tuần thu gom, loại bỏ các vật liệu phế thải, các vật có thể gây đọng nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt vệ sinh môi trường, phun hóa chất phòng, chống dịch.
6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Related news
- Thông báo kết luận của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Phiên họp thứ 20 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương
- Thông tin Báo chí: Những giải pháp đồng bộ tháo gỡ tình trang thiếu thuốc, trang thiết bị y tế
- THÔNG TIN BÁO CHÍ: Việt Nam chủ động triển khai phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ
- Thông tin báo chí về việc thiếu vắc xin phòng COVID-19 Moderna cho trẻ em
- Thông tin báo chí về việc thiếu vaccine sởi, bạch hầu, ho gà và uốn ván tiêm cho trẻ?
- Thông tin báo chí Chủ động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam