Tiến bộ công nghệ và ứng dụng AI trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim cấu trúc

11/07/2025 | 16:38 PM

 | 

Ngày 09/7/2025, Hội thảo chuyên đề về "Tiến bộ Công nghệ và Ứng dụng AI trong Bệnh Tim Cấu trúc" đã diễn ra thành công tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai. Hội thảo được tổ chức nhằm cập nhật những kỹ thuật tiên tiến và chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim cấu trúc phức tạp.

Xu hướng mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim cấu trúc

Khai mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hoài - Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Hội thảo là một sự kiện ý nghĩa, là cơ hội quý báu để chúng ta cùng nhau cập nhật những tiến bộ khoa học kỹ thuật và trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực tim mạch đang phát triển mạnh mẽ. Trong bối cảnh y học hiện đại, việc chẩn đoán và điều trị bệnh tim cấu trúc ngày càng trở nên phức tạp và đòi hỏi sự tinh thông về kỹ thuật cũng như sự nhạy bén trong ứng dụng công nghệ. Và để làm được điều đó, chúng ta rất cần những chia sẻ từ các chuyên gia hàng đầu thế giới”.

Giới thiệu về báo cáo viên của Hội thảo, PGS. Thu Hoài cho biết: Giáo sư Y khoa tại Đại học Yonsei, hiện công tác tại Bệnh viện Severance, Seoul, Hàn Quốc. Giáo sư Geu-ru Hong là một chuyên gia uy tín với bằng Tiến sĩ từ Đại học bang Ohio (Hoa Kỳ) và kinh nghiệm nghiên cứu tại UC Irvine, California. Ông chuyên sâu về chẩn đoán hình ảnh tim mạch không xâm lấn, can thiệp tim mạch và hướng dẫn trong can thiệp tim mạch. Giáo sư Geu-ru Hong còn là Chủ tịch của nhiều hội đồng giáo dục quan trọng trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh tim mạch, thành viên hội đồng quản trị Hiệp hội Siêu âm tim Hàn Quốc và Hiệp hội Siêu âm tim Châu Á - Thái Bình Dương. Với hàng trăm công trình nghiên cứu quốc tế, ông đã có những đóng góp to lớn cho ngành tim mạch.

Giáo sư Geu-ru Hong, chuyên gia cao cấp về chẩn đoán hình ảnh tim mạch và can thiệp tim mạch chia sẻ tại Hội thảo

Sự gia tăng của nhóm bệnh lý tim cấu trúc và các kỹ thuật can thiệp bệnh lý tim cấu trúc

Trong bài tham luận của mình, Giáo sư Geu-ru Hong đã khái quát quá trình phát triển của công nghệ hình ảnh hiện tại trong sự hợp tác với công nghệ can thiệp, đồng thời đánh giá tình hình và triển vọng tương lai. Ông đặc biệt nhấn mạnh về sự thay đổi đáng kể trong thực hành tim mạch hiện nay, với tỷ lệ can thiệp bệnh tim cấu trúc ngày càng gia tăng, vượt trội so với các can thiệp động mạch vành truyền thống. Sự gia tăng tuổi thọ trung bình của dân số, đặc biệt là ở Hàn Quốc (nữ 89 tuổi, nam 85 tuổi) và dự kiến tương tự ở Việt Nam, đã dẫn đến nhiều vấn đề tim mạch phức tạp ở người cao tuổi, đòi hỏi những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị.

Giáo sư Geu-ru Hong cũng trình bày chuyên sâu về bệnh hở van hai lá, bao gồm phân loại Carpentier (loại một, loại hai, loại ba) và các cơ chế khác nhau của hở van hai lá nguyên phát và thứ phát. Ông nhấn mạnh rằng trong khi 20 năm trước, hở van hai lá nguyên phát do sa van chiếm đa số, thì ngày nay, 30-40% các trường hợp là hở van hai lá thứ phát và con số này dự kiến sẽ đạt 50-50 trong 10 năm tới. Điều này đòi hỏi các chuyên gia hình ảnh tim mạch phải hiểu rõ cơ chế để đưa ra chẩn đoán và hướng điều trị phù hợp, bởi hở van hai lá nguyên phát và thứ phát là hoàn toàn khác nhau. Ông cũng minh họa bằng hình ảnh 3D về vị trí sa van, cho thấy sự tiến bộ của siêu âm đã giúp việc chẩn đoán trở nên trực quan và đơn giản hơn.

Về phương pháp điều trị, Giáo sư Geu-Ru  Hong đã so sánh kỹ thuật phẫu thuật sửa van hai lá truyền thống với những tiến bộ trong can thiệp qua ống thông, đặc biệt là đối với bệnh nhân cao tuổi hoặc hở van hai lá thứ phát, nơi phẫu thuật có thể có những hạn chế. Ông giới thiệu năm kỹ thuật can thiệp van hai lá đã được CE phê duyệt hiện nay, bao gồm:

Sửa chữa kẹp sửa van hai lá qua đường ống thông (MitraClip): Kỹ thuật này sử dụng nguyên lý tương tự kỹ thuật Alfieri, được thực hiện qua đường tĩnh mạch và tĩnh mạch đùi, đặt MitraClip dưới hướng dẫn của siêu âm tim qua thực quản 3D. Giáo sư Geu - Ru - Hong chia sẻ kinh nghiệm thành công trong việc giảm hở van hai lá thông qua phương pháp này, với thời gian thực hiện thủ thuật ngày càng được rút ngắn đáng kể.

Tạo hình vòng van gián tiếp (Carillon).

Tạo hình vòng van trực tiếp.

Thay thế dây chằng.

Thay thế van hai lá qua ống thông (TAVI).

Mặc dù ở Hoa Kỳ và Châu Âu có nhiều lựa chọn, tại Hàn Quốc và Việt Nam, MitraClip vẫn là phương pháp chính đang được sử dụng. Giáo sư Geu-ru  Hong bày tỏ hy vọng rằng các công nghệ tiên tiến khác như Pascal sẽ sớm được áp dụng rộng rãi hơn tại khu vực.

Hội thảo cũng cập nhật về các thử nghiệm lâm sàng quan trọng như EVEREST II và đặc biệt là thử nghiệm COAPT, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị nội khoa tối ưu theo khuyến cáo (GDMT) trước khi cân nhắc can thiệp MitraClip ở những đối tượng bệnh nhân phù hợp.

Can thiệp Thay van động mạch chủ qua đường ống thông (TAVI) đã trở thành lựa chọn thay thế cho phẫu thuật truyền thống ở bệnh nhân hẹp van động mạch chủ khít có nguy cơ phẫu thuật cao. Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh tim mạch hiện đại như MSCT, siêu âm tim qua thực quản 3D đóng vai trò quan trọng trong đánh giá các thông số định lượng trước can thiệp như đường kính, chu vi vòng van, khoảng cách từ mặt phẳng vòng van tới lỗ xuất phát các động mạch vành. Đặc biệt, siêu âm tim qua thực quản 3D với độ phân giải hình ảnh vượt trội có thể thay thế cho MSCT trong trường hợp bệnh nhân suy thận nặng, bị chống chỉ định với các thuốc cản quang đường tĩnh mạch. Thêm vào đó, sự ra đời của siêu âm tim với đầu dò trong buồng tim (ICE) đã trở thành công cụ dẫn đường hữu ích trong can thiệp tim cấu trúc trong đó có TAVI. Đặc biệt, đầu dò siêu âm tim 3D trong buồng tim (3D ICE) cho thấy sự ưu việt trong hướng dẫn can thiệp van ba lá so với các kỹ thuật siêu âm tim truyền thống. Ngoài khía cạnh hình ảnh học, ICE giúp bệnh nhân tránh được các biến cố liên quan tới gây mê toàn thân mà chỉ cần gây ngủ. Giáo sư Geu-ru Hong đã minh hoạ một trường hợp can thiệp thay van động mạch chủ qua đường ống thông mà không dùng thuốc cản quang với kết quả tối ưu. Đó là minh chứng sinh động cho sự tiến bộ của siêu âm tim và chẩn đoán hình ảnh tim mạch hiện đại trong can thiệp bệnh lý tim cấu trúc.

Phần hỏi đáp giữa giáo sư và các chuyên gia siêu âm tim và bác sĩ can thiệp tim cấu trúc tại Viện Tim mạch đã diễn ra sôi nổi chứng minh sự tiến bộ vượt bậc không chỉ là trình độ ngoại ngữ giao tiếp mà còn là sự cập nhật các kỹ thuật của các bác sĩ Việt Nam không thua kém so với các nước phát triển trong khu vực như Hàn Quốc. Phần trao đổi cũng đã gợi mở những hướng phát triển và hợp tác giữa hai bệnh viện trong tương lai gần.

Hội thảo chuyên đề này là cơ hội quý báu để các y bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai nói riêng và cộng đồng y khoa Việt Nam nói chung tiếp cận và học hỏi những kiến thức, kỹ thuật tiên tiến nhất từ các chuyên gia quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh tim cấu trúc, mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh./.

Nguồn: Bệnh viện Bạch Mai

Tiến bộ công nghệ và ứng dụng AI trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim cấu trúc


Thăm dò ý kiến