Thoát cửa tử nhờ điều trị sớm: Cảnh báo từ hai ca viêm màng não do ăn tiết canh
27/07/2025 | 16:02 PM



Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận và điều trị thành công hai bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn (Streptococcus suis) với biểu hiện viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết và biến chứng mất thính lực. Cả hai trường hợp đều có điểm chung là từng sử dụng các thực phẩm từ thịt lợn sống như tiết canh, nem chua. Dù đã qua cơn nguy kịch, song các bệnh nhân phải đối mặt với một trong những di chứng nặng nề nhất của bệnh: điếc dẫn truyền – tổn thương không thể phục hồi.
Trường hợp đầu tiên là ông N.V.P, 62 tuổi, trú tại Bắc Ninh. Bệnh nhân có tiền sử lâu năm ăn các món chế biến từ thịt lợn sống, đặc biệt là tiết canh và nem chua chưa đủ ngày. Gia đình ông cũng làm nghề chăn nuôi lợn – một yếu tố khiến nguy cơ phơi nhiễm vi khuẩn Streptococcus suis càng cao. Khoảng 10 ngày trước khi nhập viện, ông bắt đầu có biểu hiện sốt cao liên tục, lên tới 39–40 độ C, kèm theo đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn. Nghĩ rằng chỉ là cảm cúm thông thường, ông tự điều trị tại nhà bằng truyền dịch, nhưng các triệu chứng chỉ giảm nhẹ trong thời gian ngắn rồi tái phát với cường độ ngày càng nghiêm trọng.
Khi đến khám tại cơ sở y tế địa phương và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ông P. được chẩn đoán viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết do liên cầu khuẩn lợn. ThS.BS Trần Văn Long – Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, người trực tiếp điều trị cho biết: “Khi nhập viện, bệnh nhân trong trạng thái kích thích, vật vã, sốt cao từng cơn, buồn nôn, nôn nhiều và cứng gáy, đây là những biểu hiện điển hình của viêm màng não”.
Chỉ sau một ngày điều trị, bệnh nhân đột ngột mất thính lực hoàn toàn. Kết quả cấy dịch não tủy xác định tác nhân gây bệnh là Streptococcus suis. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị tổn thương Herpes vùng môi, xuất hiện trong bối cảnh hệ miễn dịch suy giảm nghiêm trọng do nhiễm trùng nặng. Nhờ phác đồ điều trị tích cực bằng kháng sinh phối hợp, chăm sóc toàn diện và theo dõi sát sao, sau 12 ngày, tình trạng bệnh nhân đã ổn định, hết sốt, dịch não tủy trong trở lại, các chỉ số viêm nhiễm trở về bình thường. Tuy nhiên, biến chứng mất thính lực vẫn không thể phục hồi.
Bệnh nhân L.V.N, 54 tuổi, trú tại Lào Cai, cũng nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng sau khi ăn lòng lợn và tiết canh cách thời điểm khởi phát bệnh một tuần. Ban đầu, ông xuất hiện các dấu hiệu như sốt, rét run, đau đầu. Được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết do liên cầu khuẩn lợn tại bệnh viện tuyến dưới, nhưng sau một thời gian điều trị, tình trạng bệnh không cải thiện, thậm chí xuất hiện thêm triệu chứng buồn nôn, nôn, ù tai, cứng gáy và viêm phổi.
Ngay khi chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm toàn diện. BS Lê Văn Thiệu – Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp cho biết kết quả xét nghiệm cho thấy các chỉ số nhiễm trùng vượt ngưỡng báo động. Số lượng bạch cầu tăng gấp đôi giới hạn bình thường, chỉ số CRP – một dấu hiệu phản ánh tình trạng viêm – cao gấp 10 lần. Dịch não tủy đục, chứa tới 1.370 tế bào/mm³, protein tăng gấp 6 lần bình thường, trong khi glucose giảm xuống chỉ còn 0,54 mmol/L – gần mức kiệt đường. Vi khuẩn Gram dương dạng cầu được tìm thấy qua nhuộm soi dịch não tủy, xác định bệnh nhân bị viêm màng não do Streptococcus suis.
Dù được can thiệp y tế sớm và điều trị theo phác đồ kháng sinh phù hợp, bệnh nhân vẫn không tránh khỏi biến chứng mất thính lực do tổn thương dây thần kinh số VIII – dây thần kinh chịu trách nhiệm dẫn truyền âm thanh. Theo bác sĩ Thiệu, đây là biến chứng phổ biến, khó hồi phục và để lại hậu quả lâu dài, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống của người bệnh.
Cả hai bệnh nhân đều có chung một đặc điểm: sử dụng tiết canh, nem sống và các món ăn không được chế biến chín kỹ. Đây là con đường lây nhiễm liên cầu khuẩn lợn phổ biến nhất ở người. Vi khuẩn này có thể tồn tại trong cơ thể lợn khỏe mạnh nhưng mang mầm bệnh, đặc biệt là ở họng, hạch và đường sinh dục.
Bác sĩ Lê Văn Thiệu cảnh báo: “Bệnh do liên cầu khuẩn lợn ở người có thể diễn tiến rất nhanh. Trường hợp nhẹ có thể chỉ là nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm phổi, nhưng nếu không được phát hiện sớm, vi khuẩn sẽ xâm nhập hệ thần kinh trung ương, gây viêm màng não, mất thính lực, hoặc thậm chí sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan và tử vong”.
Điều đáng lo ngại là hiện nay, vẫn chưa có vaccine phòng bệnh liên cầu khuẩn lợn cho người. Phòng bệnh vì thế là biện pháp hiệu quả và cần thiết nhất. Người dân cần tuyệt đối tránh sử dụng các thực phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín kỹ, tiết canh, nem chưa đủ độ chua hoặc các sản phẩm chế biến không đảm bảo vệ sinh. Những người làm nghề giết mổ, chế biến thịt lợn cần trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động, tránh tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc nội tạng lợn nếu có vết thương hở.
Dù cả hai bệnh nhân đều được điều trị thành công, song các bác sĩ khẳng định đây là lời cảnh báo nghiêm túc cho cộng đồng về hệ lụy từ những thói quen ăn uống không an toàn. Việc chủ quan, coi thường các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, buồn nôn… có thể khiến người bệnh bỏ lỡ “thời gian vàng” trong điều trị, dẫn đến hậu quả khó lường.
“Chúng tôi đã điều trị rất nhiều ca bệnh liên cầu khuẩn lợn. Có bệnh nhân đến kịp thời và khỏi hoàn toàn. Nhưng cũng có người đến muộn, dù được cứu sống nhưng phải mang di chứng suốt đời. Một lần ăn tiết canh, có thể là cả đời mất thính lực. Đó không phải là câu nói đe dọa, mà là thực tế chúng tôi chứng kiến”, BS Thiệu chia sẻ.
Các bác sĩ khuyến cáo, bất kỳ ai có biểu hiện sốt cao, đau đầu, cứng gáy, buồn nôn… đặc biệt sau khi ăn thực phẩm nghi ngờ, cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Phát hiện sớm, can thiệp đúng lúc là yếu tố quyết định giúp người bệnh vượt qua biến chứng, bảo toàn tính mạng và chức năng sống.
Phòng Truyền thông Y tế
Related news
- Hành trình sống sót kỳ diệu của bé gái sinh non 550 gram tại Phú Thọ
- Cứu sống bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn nặng trên nền tiểu đường, suy thượng thận và gout
- Phẫu thuật thành công khối u xơ tử cung nặng 1,5kg tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn
- Phẫu thuật phục hồi đám rối thần kinh cánh tay cho bé 5 tháng tuổi do chấn thương sản khoa
- Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa: Hội thảo khoa học "Can thiệp tối thiểu trong chấn thương chi dưới"
- Mở rộng tầm soát, điều trị, hướng tới chấm dứt dịch AIDS