Phẫu thuật phục hồi đám rối thần kinh cánh tay cho bé 5 tháng tuổi do chấn thương sản khoa
27/07/2025 | 15:57 PM



Trẻ bị liệt đám rối thần kinh cánh tay có thể liên quan đến quá trình chuyển dạ khó khăn như: kẹt vai, bất xứng đầu chậu, sinh ngược, sinh dùng kềm, giác hút...
Liệt đám rối thần kinh cánh tay do sang chấn sản khoa
Vừa qua, cá bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết đã tiếp nhận và phẫu thuật cho bệnh nhi Đ.Q.T (5 tháng tuổi, ngụ tại Cần Thơ) bị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay do sang chấn sản khoa trong quá trình sinh thường.
Bệnh nhi T. là con thứ 3 trong gia đình, sinh thường 4.7kg. Ngay từ khi sau sinh, bé T. được theo dõi và điều trị bằng vật lý trị liệu. Tuy nhiên, sau 5 tháng, bé chỉ có thể nâng nhẹ vai và cử động rất hạn chế ở khuỷu tay, khả năng hồi phục kém.
BS.CK1 Nguyễn Thị Ngọc Ngà đang hướng dẫn người nhà tư thế ẵm bé. Ảnh: BVCC
Bé được phẫu thuật vi phẫu chuyển ghép thần kinh để có cơ hội phục hồi chức năng vận động cánh tay. Đây là kỹ thuật đòi hỏi chuyên môn cao, được thực hiện bởi ekip bác sĩ của khoa Bỏng – Chỉnh trực – Bệnh viện Nhi Đồng 2.
BS.CK1 Nguyễn Thị Ngọc Ngà cho biết: “Mục tiêu điều trị là giúp bé có thể dần phục hồi các chức năng quan trọng như: Nâng vai, gập khuỷu tay và cử động các ngón tay. Sau phẫu thuật, bé sẽ tiếp tục quá trình vật lý trị liệu chuyên sâu để tối ưu hiệu quả phục hồi.”
Liệt đám rối thần kinh cánh tay là gì?
Bệnh nhi Đ.Q.T sau phẫu thuật được bó bột để cố định vị trí cánh tay. Ảnh: BVCC
Liệt đám rối thần kinh cánh tay là tình trạng dập, đứt thần kinh trên đường đi từ tủy cổ ra cánh tay, thường do sang chấn sản khoa.
Tỷ lệ xuất hiện dao động từ 1 – 4,6 trẻ/1000 ca sinh, có liên quan đến chuyển dạ khó khăn như: kẹt vai, bất xứng đầu chậu, sinh ngược, sinh dùng kềm, giác hút...
Sau sinh, trẻ cần được đánh giá chuyên sâu để xác định: Mức độ tổn thương (nhẹ hay nặng). Vị trí dây thần kinh bị ảnh hưởng. Khả năng tự hồi phục hoặc cần phẫu thuật.
Trẻ bị liệt đám rối thần kinh có phục hồi được không?
Phát hiện sớm dấu hiệu tổn thương đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ sơ sinh, theo dõi và điều trị đúng từng giai đoạn là yếu tố quyết định đến khả năng phục hồi chức năng vận động của trẻ.
Quá trình hồi phục sẽ được đánh giá từng tháng, hoặc sau 3 tháng vật lý trị liệu không cải thiện hoặc ngưng tiến triển trong quá trình theo dõi, cần chuyển đến các cơ sở y tế có chuyên khoa phẫu thuật thần kinh trẻ em để được đánh giá và can thiệp kịp thời.
Nguồn: Gia đình &Xã hội
Phẫu thuật phục hồi đám rối thần cánh tay cho bé 5 tháng tuổi do chấn thương sản khoa
Related news
- Hành trình sống sót kỳ diệu của bé gái sinh non 550 gram tại Phú Thọ
- Cứu sống bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn nặng trên nền tiểu đường, suy thượng thận và gout
- Thoát cửa tử nhờ điều trị sớm: Cảnh báo từ hai ca viêm màng não do ăn tiết canh
- Phẫu thuật thành công khối u xơ tử cung nặng 1,5kg tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn
- Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa: Hội thảo khoa học "Can thiệp tối thiểu trong chấn thương chi dưới"
- Mở rộng tầm soát, điều trị, hướng tới chấm dứt dịch AIDS