Lựa chọn tối ưu cho người bệnh hẹp van động mạch chủ
15/07/2025 | 19:22 PM



Trong khuôn khổ Hội nghị khoa học “Việt Nam Valves 2025” tổ chức ngày 11 – 12/7/2025 tại khách sạn New World, PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Định - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đã trình bày chủ đề: TAVI-first hay SAVR-first: Yếu tố quyết định. Nội dung bài báo cáo xoay quanh “Chiến lược quản lý suốt đời ở hẹp van động mạch chủ”, không chỉ là cập nhật chuyên môn mà còn là định hướng chiến lược trong điều trị cá thể hóa, lấy người bệnh làm trung tâm.
Trong khuôn khổ Hội nghị khoa học “Việt Nam Valves 2025” tổ chức ngày 11 – 12/7/2025, PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Định - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đã trình bày chủ đề: TAVI-first hay SAVR-first: Yếu tố quyết định.
Hẹp van động mạch chủ là bệnh lý van tim phổ biến ở người cao tuổi, với tỷ lệ mắc lên đến 3–4% ở nhóm người trên 70 tuổi theo khảo sát tại các nước phát triển. Tại Việt Nam, dù chưa có thống kê toàn quốc, ước tính có từ 100.000 – 150.000 người bệnh đang sống chung với bệnh lý này. Tuy nhiên, triệu chứng thường âm thầm, dễ nhầm lẫn với suy nhược tuổi già. Chỉ đến khi xuất hiện đau ngực, khó thở, ngất xỉu hoặc đột quỵ, người bệnh mới được chẩn đoán và can thiệp – khi đó, nguy cơ tử vong trong 2–3 năm có thể lên tới 60–70%.
“Ngay cả ở người bệnh chưa có triệu chứng, nếu siêu âm tim đã xác định hẹp van động mạch chủ nặng, nguy cơ đột tử vẫn tồn tại. Vì vậy, can thiệp kịp thời là yếu tố sống còn”, PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Định nhấn mạnh.
Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh mỗi năm tiếp nhận khoảng 50–80 người bệnh hẹp van động mạch chủ nặng, trong đó khoảng một nửa được điều trị bằng phẫu thuật thay van động mạch chủ (SAVR) và một nửa được can thiệp bằng phương pháp TAVI – thay van qua ống thông. Phẫu thuật kinh điển (SAVR) là lựa chọn tối ưu cho người bệnh dưới 65 tuổi. Ưu điểm lớn là khả năng xử lý đồng thời các bệnh lý tim mạch phối hợp (như giãn động mạch chủ, bệnh van hai lá, rung nhĩ...) và giúp hoạch định điều trị dài hạn.
PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Định cùng ê kíp thực hiện kỹ thuật.
“Nếu tuổi thọ của người bệnh dự kiến dài hơn tuổi thọ của van sinh học, thì việc chọn mổ ở lần đầu sẽ giúp dễ dàng can thiệp TAVI ở lần thay van sau, khoảng 12–15 năm sau đó”, PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Định phân tích.
Ngược lại, TAVI là lựa chọn ít xâm lấn, phù hợp với người bệnh lớn tuổi, có nhiều bệnh lý kèm theo hoặc nguy cơ phẫu thuật cao. Kỹ thuật này không cần mở ngực, thời gian can thiệp ngắn, hồi phục nhanh, người bệnh có thể xuất viện sau 3–5 ngày. Tuy nhiên, TAVI cũng có giới hạn: cấu trúc giải phẫu không phù hợp, van hai mảnh, hẹp mạch máu ngoại biên hoặc kỳ vọng sống quá dài đều là yếu tố cần cân nhắc. Ngoài ra, TAVI chi phí cao hơn SARV và chưa được bảo hiểm y tế chi trả toàn phần.
Tất cả người bệnh đều được hội chẩn bởi đội ngũ chuyên gia đa chuyên khoa gồm bác sĩ nội tim mạch, phẫu thuật viên tim, bác sĩ can thiệp, hồi sức và chẩn đoán hình ảnh. Việc lựa chọn TAVI hay SAVR không đơn thuần dựa trên kỹ thuật, mà phải xem xét toàn diện tuổi tác, bệnh lý nền, cấu trúc tim, điều kiện kinh tế và đặc biệt là kỳ vọng sống.
“Chúng tôi không chỉ điều trị cho hiện tại, mà còn tính đến những gì có thể làm cho người bệnh sau 10–15 năm nữa. Đó mới là điều trị bền vững” – PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Định chia sẻ.
Hẹp van động mạch chủ không còn là “án tử” nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng phương pháp. Tuy nhiên, giữa hai phương pháp điều trị hiện đại là SAVR và TAVI, lựa chọn thông minh nhất là lựa chọn cá thể hóa – trọn đời – chủ động. Với vai trò là trung tâm chuyên sâu về tim mạch, BV ĐHYD đang tiên phong trong mô hình điều trị dựa trên hội chẩn đa chuyên khoa, cập nhật kỹ thuật hiện đại và ưu tiên lợi ích lâu dài cho người bệnh.
Để phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh hẹp van động mạch chủ – đặc biệt ở người trung niên và cao tuổi – việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là siêu âm tim, đóng vai trò then chốt. Người có tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp, cholesterol cao hoặc hút thuốc lá cần theo dõi sát sao hơn. Khi xuất hiện các triệu chứng như đau ngực, khó thở, chóng mặt, mệt mỏi bất thường, cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được thăm khám kịp thời.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì và lối sống ít vận động cũng giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Dinh dưỡng hợp lý, luyện tập thể dục thường xuyên, hạn chế rượu bia và không hút thuốc là những nguyên tắc vàng để bảo vệ sức khỏe tim mạch. Quan trọng nhất, người bệnh cần hiểu rằng bệnh lý tim mạch, dù nguy hiểm, vẫn có thể kiểm soát hiệu quả nếu phát hiện sớm và được điều trị đúng phương pháp.
Phòng Truyền thông Y tế
Related news
- Bé gái 7 tuổi bị đỉa chui vào âm đạo khi đi tắm suối: Cảnh báo nguy cơ mất máu và nhiễm trùng nguy hiểm
- Người đàn ông cùng lúc mắc 2 loại ung thư nguy hiểm
- BVĐK Đức Giang đưa vào hoạt động Phòng khám Tâm bệnh nhi từ tháng 7/2025
- Đột quỵ do hội chứng “ăn cắp máu” động mạch dưới đòi
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp tục duy trì tiêu chuẩn ISO 9001:2015
- Người bệnh cao tuổi hưởng nhiều tiện ích khi được kê đơn thuốc dài ngày