Liên thông kết quả cận lâm sàng: tiết kiệm thời gian, chi phí
23/11/2024 | 16:32 PM
|
Vấn đề liên thông kết quả khám lâm sàng giữa các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) là vấn đề được người dân quan tâm và mong muốn từ lâu.
Việc liên thông giúp giảm thời gian chờ đợi, giảm chi phí KCB của người bệnh; chống lãng phí, tiết kiệm chi phí cho quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) để sử dụng cho KCB BHYT. Đây cũng là bước đệm quan trọng tiến tới đồng bộ và liên thông các hồ sơ, dữ liệu của bệnh nhân tại các cơ sở y tế trên toàn quốc và nâng cao trách nhiệm của cơ sở KCB trong việc tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng bệnh viện.
Đồng nhất quan điểm
Trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, đại biểu (ĐB) Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐB tỉnh Hải Dương) đề nghị xem xét quy định liên thông kết quả khám cận lâm sàng của cơ sở KCB trước đó. Đây chính là tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. Tán thành quan điểm này, ĐB Quốc hội Trần Thị Hoa Ry (Đoàn ĐB tỉnh Bạc Liêu) còn chỉ ra, nếu ngành y tế thực hiện được việc liên thông kết quả xét nghiệm thì sẽ tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng cho quỹ BHYT. Quan trọng hơn là giảm gánh nặng cho việc chi trả dịch vụ y tế của toàn xã hội, trong đó có hàng triệu bệnh nhân nghèo, cận nghèo và người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.
Việc liên thông kết quả khám lâm sàng giữa các cơ sở khám chữa bệnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhiều bệnh nhân. Trong ảnh: Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để triển khai hiệu quả, cần xây dựng các quy định rõ ràng về tiêu chuẩn chất lượng và hệ thống đánh giá, cũng như quy trình phối hợp giữa các cơ sở y tế và cơ quan quản lý quỹ BHYT. ĐB Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn ĐB tỉnh Hải Dương) cho rằng, khi liên thông kết quả được luật hóa trong Luật BHYT, các cơ sở y tế phải nâng cao chất lượng xét nghiệm, tiêu chuẩn hóa quy trình nhằm đạt điều kiện công nhận từ các cơ sở khác, thúc đẩy tính đồng bộ và bảo đảm chất lượng trong hệ thống y tế. Điều này góp phần khuyến khích chia sẻ dữ liệu trong hệ thống y tế. Khi việc liên thông kết quả cận lâm sàng là yêu cầu bắt buộc, các cơ sở y tế có thể phải triển khai các hệ thống quản lý dữ liệu đồng bộ, góp phần tăng cường chuyển đổi số, cải thiện khả năng tiếp cận và quản lý thông tin của người dân, cán bộ y tế.
Đề cập đến vấn đề này, ĐB Quốc hội Nguyễn Hoàng Uyên (Đoàn ĐB tỉnh Long An) cho rằng, để hạn chế việc không cho bệnh nhân xuất viện vào thứ Bảy, Chủ nhật, ban soạn thảo nghiên cứu, quy định giải pháp để tránh lãng phí và bảo vệ quyền lợi của người dân tham gia BHYT. Điều này cũng góp phần tăng hiệu quả, chất lượng KCB, quản lý sức khỏe Nhân dân tại cấp ban đầu. “Thời gian qua, danh mục thuốc BHYT do Bộ Y tế ban hành chưa phù hợp với thực tiễn. Để bảo đảm sự công bằng giữa người đi KCB dịch vụ và người đi KCB BHYT, Bộ Y tế xem xét, nghiên cứu đánh giá quy định hiện hành về danh mục thuốc BHYT, trường hợp có vướng mắc thì tháo gỡ đáp ứng được quyền lợi của người có BHYT” - ĐB Quốc hội Nguyễn Hoàng Uyên đề xuất. Liên quan đến nội dung này, năm 2017, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3148/QĐ-BYT ban hành “Danh mục xét nghiệm áp dụng để liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm”. Có thể coi đây là quyết định quan trọng để các phòng xét nghiệm được phép liên thông, công nhận kết quả lẫn nhau với một danh mục cụ thể.
Cần bàn tay “nhạc trưởng”
Có thể thấy, liên thông kết quả khám lâm sàng giữa các cơ sở KCB là vấn đề được người dân quan tâm và mong mỏi từ lâu và là mục tiêu phấn đấu của ngành y tế để nâng cao chất lượng KCB. PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trung bình mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận 7 - 10 nghìn người bệnh khám ngoại trú và khoảng 4 nghìn bệnh nhân điều trị nội trú. Việc liên thông kết quả xét nghiệm tại BV Bạch Mai đã góp phần giảm thiểu việc làm lại các xét nghiệm không cần thiết; rút ngắn thời gian chờ đợi xét nghiệm của người bệnh trung bình từ 3 giờ xuống còn 1 giờ. Thậm chí có những xét nghiệm chỉ sau 15 phút, người bệnh đã được trả kết quả. Ngoài ra, với một số xét nghiệm, chụp chiếu cận lâm sàng, người bệnh chỉ cần quét mã QR để xem kết quả.
Ở Bệnh viện Bạch Mai, các labo huyết học, hóa sinh, vi sinh đều đã đạt chuẩn ISO 15189 - chuẩn cao đạt trình độ quốc tế và kết quả xét nghiệm này được chấp nhận ở nước ngoài. Hiện nay, khoa Hóa sinh - một labo tham chiếu thuộc hệ thống các phòng xét nghiệm trong cả nước đang thực hiện hơn 30 quy trình xét nghiệm với số lượng gần 10.000 xét nghiệm mỗi ngày, dự kiến sẽ triển khai thêm 38 danh mục xét nghiệm mới thời gian tới.
TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng cho rằng, nếu việc liên thông kết quả cận lâm sàng được triển khai, bệnh nhân đỡ một lần xét nghiệm, đỡ tốn tiền, giảm bớt công đoạn lấy mẫu bệnh phẩm, đỡ hao tổn sức khỏe, đỡ mất thời gian chờ đợi. Thực tế, ý tưởng liên thông xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh đã được ngành y tế đưa ra từ lâu, tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ. Để triển khai được vấn đề này còn nhiều việc phải bàn.
Cụ thể là hiện nay, chưa có quy định, tiêu chí cụ thể để các bệnh viện kiểm định, công nhận và sử dụng kết quả xét nghiệm của nhau. Không ai dám đảm bảo chất lượng xét nghiệm giống nhau, bởi chất lượng xét nghiệm liên quan đến 4 vấn đề: hệ thống máy móc, xét nghiệm, con người và các quy trình vận hành. Do đó, về tiêu chí chất lượng xét nghiệm phải có một cơ quan kiểm định độc lập và công nhận, đồng thời cần minh bạch, rõ ràng bệnh viện nào được liên thông. Hay muốn liên thông phải có hệ thống công nghệ thông tin để chuyển gửi chẩn đoán hình ảnh cho nhau, nhằm đảm bảo sự minh bạch và ổn định.
Do đó, theo TS Nguyễn Văn Thường, để việc liên thông kết quả cận lâm sàng được triển khai hiệu quả cần có bàn tay “nhạc trưởng”, đó là sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Y tế; đặc biệt, phải thành lập được Hội đồng kiểm định độc lập. Điều này đồng nghĩa, cả nước có bao nhiêu cơ sở y tế thì phải kiểm định bấy nhiêu; quy định sau bao nhiêu năm phải kiểm định lại một lần để bảo đảm chất lượng xét nghiệm. Ngoài ra, ngành y tế cần xây dựng hệ thống phần mềm có thể chia sẻ dữ liệu cho nhau.
“Theo mục tiêu đề ra, tới năm 2025, kết quả xét nghiệm của các cơ sở KCB trên toàn quốc sẽ được liên thông. Tuy nhiên, muốn liên thông phải chuẩn hóa tốt, quản lý chất lượng tốt” - PGS.TS Ngô Quốc Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược, TP Hồ Chí Minh nêu rõ. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng khẳng định, để bảo đảm thực hiện được nội dung này có rất nhiều các giải pháp để có cơ sở hạ tầng động bộ mới đáp ứng được.
Nguồn: Báo Điện tử Kinh tế & Đô thị
Liên thông kết quả cận lâm sàng: tiết kiệm thời gian, chi phí
Phòng Truyền thông Y tế
Related news
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa: Hợp tác chuyển giao kỹ thuật cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận
- Chồng hồ sơ bệnh án dày như cuốn sách của em bé sinh non
- Biện pháp phòng bệnh tim mạch hiệu quả
- Tuy Hòa triển khai khám sàng lọc bệnh không lây nhiễm vào ngày 21 hàng tháng
- Ý nghĩa nhân văn từ chương trình tặng sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế
- Thông tuyến 'thuốc bệnh viện', lợi đôi đường