Hành trình cứu sống bệnh nhi lupus biến chứng chảy máu phế nang tại Bệnh viện Bạch Mai
08/07/2025 | 20:35 PM



Một bệnh nhi nữ 14 tuổi mắc lupus ban đỏ hệ thống (SLE) vừa được các bác sĩ Trung tâm Nhi khoa – Bệnh viện Bạch Mai cứu sống sau khi gặp biến chứng chảy máu phế nang lan tỏa (DAH), tình trạng hiếm gặp nhưng có tỷ lệ tử vong cao. Ca bệnh được xử trí khẩn cấp trong điều kiện nguy kịch, đòi hỏi chẩn đoán nhanh, điều trị táo bạo và phối hợp liên chuyên khoa kịp thời.
Bệnh nhi từng điều trị lupus tại một bệnh viện tuyến trung ương và được xuất viện. Tuy nhiên, chỉ ba ngày sau, em xuất hiện ho máu đỏ tươi liên tục kèm ít đờm và sốt nhẹ. Triệu chứng tiến triển nhanh khiến bệnh nhi rơi vào tình trạng khó thở, mệt lả. Khi được đưa tới Trung tâm Nhi khoa – Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhi trong trạng thái suy hô hấp nặng (SpO₂ 80%), suy tuần hoàn (chi lạnh, mạch 150 chu kỳ/phút, huyết áp 90/60 mmHg) và thiếu máu trầm trọng (Hb 40 g/L).
Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực cho thấy hình ảnh các tổn thương gợi ý chảy máu phế nang lan tỏa
Bác sĩ Phạm Công Khắc, người trực tiếp hồi sức, cho biết bệnh nhi được tiếp nhận trong tình trạng nguy kịch: “Cháu bé ho máu liên tục, suy hô hấp, thiếu máu, tuần hoàn kém. Nếu không xử trí kịp thời, nguy cơ tử vong là rất cao. Cảm xúc thoáng qua là lo lắng, nhưng khi đã bắt đầu can thiệp, chúng tôi phải tập trung tối đa vào chuyên môn”, bác sĩ Khắc nói.
Nhóm bác sĩ đặt nghi vấn biến chứng chảy máu phế nang lan tỏa (DAH) – một tình trạng hiếm gặp ở bệnh nhân lupus, chiếm khoảng 2% số ca, nhưng có thể gây tử vong nhanh nếu không xử lý kịp thời. Tuy nhiên, do tình trạng bệnh nhi không ổn định, không thể thực hiện nội soi phế quản, đội ngũ buộc phải dựa vào các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng để đưa ra quyết định.
Hình ảnh chụp CT ngực cho thấy tổn thương kính mờ lan tỏa và đông đặc hai phổi, phù hợp với mô tả của DAH. Xét nghiệm không phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng: CRP tăng nhẹ, các xét nghiệm vi sinh (test cúm, nuôi cấy đờm, xét nghiệm lao) âm tính. Không có bằng chứng rối loạn đông máu hay tan máu cấp. Trong khi đó, các chỉ số miễn dịch cho thấy lupus đang hoạt động mạnh (C3, C4 giảm sâu, anti-dsDNA tăng cao).
Bác sĩ Mai Thành Công, phụ trách nhóm bệnh nhân tự miễn, cho biết: “Nếu không điều trị sớm DAH, nguy cơ tử vong là rất cao. Nhưng nếu đó là chảy máu phổi do nhiễm trùng, việc dùng thuốc ức chế miễn dịch liều cao có thể khiến tình trạng nặng thêm. Chúng tôi buộc phải cân nhắc kỹ giữa hai hướng xử trí rất khác nhau”.
Sau hội chẩn liên chuyên khoa giữa nhóm Hồi sức, Miễn dịch, Thận và Hô hấp, phác đồ gồm methylprednisolone liều cao kết hợp cyclophosphamide được triển khai khẩn cấp. Đây là lựa chọn điều trị trong các trường hợp lupus có biến chứng đe dọa tính mạng, tuy đi kèm nhiều nguy cơ tác dụng phụ. Tuy nhiên, trong tình huống này, các bác sĩ xác định lợi ích vượt trội: kiểm soát hoạt động lupus, ngăn chảy máu tiến triển, cứu sống người bệnh.
Sau năm ngày điều trị, bệnh nhi cải thiện rõ: hết ho máu, không cần thở máy, chỉ số sinh tồn ổn định. Bệnh nhân cắt sốt, tự thở tốt, huyết học cải thiện. Các bác sĩ xác nhận bệnh nhân đã vượt qua giai đoạn nguy kịch và có thể tiếp tục điều trị lupus ngoại trú.
Theo bác sĩ Công, đây là một ca bệnh hiếm, có nguy cơ tử vong cao, nhưng đã được xử lý đúng hướng, đúng thời điểm. Việc nhận diện sớm biến chứng, phân biệt với nhiễm trùng phổi, đưa ra quyết định điều trị không chờ đợi và phối hợp liên chuyên khoa hiệu quả là những yếu tố quyết định thành công.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Nam – Giám đốc Trung tâm Nhi khoa – đánh giá: “Chảy máu phế nang lan tỏa là một trong những biến chứng hiếm và nguy hiểm nhất của lupus ban đỏ hệ thống. Việc cứu sống bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch là thành quả của quá trình đánh giá nhanh, xử trí chính xác và phối hợp hiệu quả giữa các chuyên ngành”.
Ảnh bệnh nhi đang được hỗ trợ hô hấp bằng máy thở không xâm nhập
Ông cũng nhấn mạnh, các bác sĩ không được phép chủ quan với bất kỳ triệu chứng hô hấp nào ở bệnh nhân lupus, nhất là khi bệnh đang hoạt động mạnh. DAH cần được xem như một cấp cứu nội khoa. Trường hợp này giúp Trung tâm có thêm kinh nghiệm trong xử lý tình huống hiếm gặp và nâng cao năng lực chuyên môn trong điều trị lupus ở trẻ em.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – cho rằng ca bệnh là ví dụ cụ thể cho trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ bác sĩ tuyến cuối. Ông đánh giá cao vai trò phối hợp liên chuyên khoa và sự hỗ trợ giữa các nhóm chức năng trong một trung tâm đa chuyên sâu. Ông cũng chia sẻ: “Chúng tôi luôn xác định nhiệm vụ hàng đầu là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, sẵn sàng ứng phó với những tình huống phức tạp, khó tiên lượng. Bệnh viện sẽ tiếp tục đầu tư vào đào tạo, nghiên cứu để đáp ứng tốt hơn nhu cầu người bệnh”.
Trường hợp bệnh nhi 14 tuổi không chỉ là một ca điều trị thành công, mà còn là cơ hội để y văn ghi nhận thêm một trường hợp DAH được xử trí kịp thời. Đồng thời, đây cũng là ví dụ điển hình cho thấy vai trò của bệnh viện tuyến cuối trong điều trị các bệnh lý tự miễn phức tạp ở trẻ em.
Bác sĩ Mai Thành Công nhận định: “Thành công này là sự kết hợp của chẩn đoán đúng, hành động kịp thời và lựa chọn điều trị hiệu quả. Không nhiều ca bệnh DAH ở trẻ lupus có thể phục hồi hoàn toàn. Việc bệnh nhi ổn định và tiếp tục điều trị ngoại trú là tín hiệu rất tích cực”.
Phòng Truyền thông Y tế
Related news
- Điều trị thành công ca sốt xuất huyết nặng trên bệnh nhân ghép thận nhờ can thiệp kịp thời
- Bệnh nhân viêm xoang tái phát phức tạp được cứu nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật
- Bé gái 12 tuổi được phẫu thuật cắt u xương thành công, tránh nguy cơ lệch trục chi
- Hành trình “tái sinh” nụ cười lần thứ 10 tại Bệnh viện E: Những ca phẫu thuật mang lại hy vọng
- Cấp cứu thành công bệnh nhân ngừng tuần hoàn nghi do điện giật
- Cứu sống cụ ông 73 tuổi bị nhồi máu cơ tim nhờ phối hợp cấp cứu liên viện