Cứu sống trẻ sơ sinh tổn thương não bằng phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy
27/12/2024 | 21:53 PM
|
Các bác sĩ khoa Sơ sinh – Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vừa thực hiện cứu sống một trường hợp trẻ sơ sinh bị tổn thương não do bị ngạt khi sinh bằng phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy.
Bác sĩ tại Khoa Sơ sinh thực hiện đặt đường truyền trung tâm cho bệnh nhi
Bệnh nhi này là con của sản phụ N.T.D (trú tại H. Lập Thạch, Tỉnh Vĩnh Phúc). Ngày 15/12/2024, chị D. có dấu hiệu suy thai nên được chuyển mổ cấp cứu, bé trai nặng 3.3kg, sau sinh tím tái, không khóc, không có phản xạ sơ sinh, trên da nhuốm nhiều phân su, chỉ số apgar (chỉ số đánh giá tổng thể sức khỏe của trẻ sơ sinh) chỉ đạt 3 điểm (trong khi chỉ số này ở trẻ sơ sinh bình thường có thể đạt 10 điểm). Trẻ được cấp cứu bóp bóng, đặt ống nội khí quản ngay tại phòng mổ sau đó được chuyển vào Khoa Sơ sinh điều trị.
Tại đây, bệnh nhi có tình trạng li bì, tím tái, suy tuần hoàn, suy hô hấp nặng, giảm trương lực cơ các chi, đồng thời trẻ có xuất hiện cơn co giật và không có phản xạ mút. Kết hợp với các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị suy hô hấp nặng, bệnh lý não thiếu máu cục bộ - thiếu oxy (HIE), hội chứng hít phân su.
Hình ảnh bệnh nhi được điều trị bằng phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy
Xác định là một trường hợp rất nguy kịch, nặng nề, các bác sĩ đã thực hiện điều trị cho trẻ với phác đồ hồi sức sơ sinh tích cực bằng đặt ống nội khí quản, thở máy, đặt đường truyền trung tâm qua tĩnh mạch rốn, đặt huyết áp động mạch xâm lấn theo dõi huyết áp liên tục, điều trị kháng sinh, điều chỉnh rối loạn thăng bằng toan kiềm và nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn.
BS CKI Lê Phong Phú – Phó trưởng khoa Sơ sinh cho biết, ngoài các biện pháp hồi sức tích cực, với trường hợp này, các bác sĩ còn áp dụng thêm phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy trong điều trị. Mục đích của phương pháp này nhằm ngăn chặn tế bào não bị tổn thương, giúp bệnh nhân có nhiều cơ hội sống sót, phục hồi sự phát triển tinh thần và vận động sau này. Phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy được hiểu là nhiệt độ cơ thể bệnh nhi đang ở khoảng 37 độ C được hạ xuống còn 33,5 độ C và giữ nguyên trong vòng 72 giờ, sau đó tăng dần nhiệt độ về mức bình thường, tốc độ tăng được kiểm soát trong khoảng 0.5°C trên 30 phút. Trong quá trình hạ thân nhiệt, trẻ được kiểm tra, theo dõi, đánh giá lâm sàng và cận lâm sàng theo các mốc thời gian cho đến khi ổn định.
Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhi tỉnh, hồng hào trở lại, phản xạ sơ sinh tốt, có cơn giật nhẹ, trẻ được tự thở, tập bú mẹ và có kế hoạch xuất viện trong vài ngày tới.
Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhi tỉnh, hồng hào trở lại, phản xạ sơ sinh tốt, có cơn giật nhẹ, trẻ được tự thở, tập bú mẹ và có kế hoạch xuất viện trong vài ngày tới.
Hạ thân nhiệt chỉ huy là một kỹ thuật y khoa tiên tiến trong điều trị nhằm hỗ trợ giảm tỷ lệ tử vong và các biến chứng ở bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn hô hấp và những bệnh lý khác. Cơ chế của hạ thân nhiệt sẽ giúp giảm viêm và phù nề cho não bộ, cải thiện tình trạng tưới máu cũng như cung cấp oxy để não có nhiều cơ hội phục hồi hơn.
Hạ thân nhiệt chỉ huy là một kỹ thuật mới nhất được ứng dụng tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ với cơ chế tác dụng làm gián đoạn quá trình chuyển hóa của tế bào não trong tình trạng thiếu oxy, giúp giảm nhu cầu tiêu thụ glucose và oxy, hạn chế sự mất năng lượng. Đồng thời, phương pháp này ngăn chặn quá trình chết theo chương trình của tế bào não và ức chế sự phát triển của phù não, góp phần bảo vệ chức năng não bộ hiệu quả.
Cũng theo BS Lê Phong Phú, trước đây những trường hợp trẻ bị ngạt sau sinh không có biện pháp đặc hiệu, chủ yếu là điều trị hỗ trợ. Các tổn thương thiếu oxy ở các cơ quan như tim, gan, thận có thể phục hồi,tuy nhiên tế bào não khi bị tổn thương thì không có khả năng hồi phục. Do đó tỉ lệ tử vong và để lại di chứng về tâm thần vận động hay bại não sau này cho trẻ rất cao. Song nhờ có liệu pháp hạ thân nhiệt chỉ huy, những tổn thương não ở trẻ sơ sinh bị ngạt sau sinh sẽ được hạn chế tối đa.
Bác sĩ nhấn mạnh, liệu pháp này cần được thực hiện sớm, tốt nhất trong vòng 6 giờ đầu sau sinh để đạt hiệu quả cao nhất. Sau khi thực hiện liệu pháp, trẻ cần được theo dõi liên tục và tái khám định kỳ để đánh giá tình trạng sức khỏe.
Theo thống kê, có khoảng 3 - 5/1.000 trẻ sinh sống bị sinh ngạt và là một trong những nguyên nhân gây tử vong sơ sinh và di chứng hàng đầu ở trẻ sơ sinh. Hậu quả dẫn đến trẻ tử vong hoặc để lại di chứng não như chậm phát triển tâm thần vận động, động kinh, bại não… với tỉ lệ 25 -75% ở nhóm ngạt mức độ trung bình đến nặng, trẻ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Phòng Truyền thông y tế
Related news
- Phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khối u gan cho người đàn ông lớn tuổi
- Phẫu thuật nội soi cùng lúc cắt gan, đóng hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân ung thư di căn gan
- Phẫu thuật cho người phụ nữ bị thai bám ở sẹo mổ
- Tình cờ đi khám và phát hiện mắc u tủy thượng thận thể hiếm gặp
- Bác sĩ khuyến cáo không chủ quan với trầm cảm ở trẻ em
- Liên tiếp trẻ nhập viện do hóc dị vật đường thở
- Tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ: Cảnh báo từ việc pha Oresol không đúng cách