Cứu sống bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn nặng trên nền tiểu đường, suy thượng thận và gout
27/07/2025 | 16:05 PM



Mới đây, các bác sĩ tại Khoa Điều trị tích cực – Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã điều trị thành công một ca bệnh phức tạp: bệnh nhân cao tuổi, nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn nặng, hạ đường huyết, tổn thương phổi lan tỏa và có nhiều bệnh lý nền nghiêm trọng như đái tháo đường type 2, suy thượng thận do lạm dụng thuốc và gout mạn tính.
Bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương
Nhập viện trong tình trạng nguy kịch
Bệnh nhân V.H.N, nam, 68 tuổi, trú tại phường Thái Bình, tỉnh Hưng Yên, được đưa vào viện trong tình trạng giảm ý thức, huyết áp tụt, mạch nhanh, có biểu hiện viêm phổi và rối loạn toàn thân. Theo người nhà, bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường type 2 điều trị bằng insulin nhiều năm, đồng thời mắc gout mạn tính, từng phải chọc hút tràn dịch màng phổi. Trước nhập viện khoảng 6 ngày, bệnh nhân có sử dụng một loại thuốc không rõ nguồn gốc với mục đích "hỗ trợ điều trị tiểu đường".
Sau đó, người bệnh trở nên mệt mỏi, chán ăn, ý thức dần lơ mơ. Đến ngày cuối cùng trước khi nhập viện, tự đo đường huyết tại nhà ghi nhận mức hạ sâu (2,7 mmol/l). Sau sơ cứu tại y tế tuyến xã không cải thiện, bệnh nhân được chuyển tuyến đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương trong tình trạng nguy kịch.
Tại Khoa Điều trị tích cực, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân tiếp xúc chậm (GCS 12 điểm), mạch nhanh 130 lần/phút, huyết áp 70/40 mmHg, sốt nhẹ, SpO2 giảm còn 88%. Đáng chú ý, bệnh nhân có kiểu hình Cushing – dấu hiệu điển hình của hội chứng thừa corticoid, gợi ý lạm dụng thuốc chứa steroid trong thời gian dài.
Cùng với đó là tình trạng nhiễm trùng nặng, rales phổi hai bên, nhiều tophi ở các khớp – biểu hiện của gout lâu năm. Bệnh nhân không có dấu hiệu tổn thương thần kinh khu trú hay viêm màng não, nhưng các chỉ số cận lâm sàng cho thấy tổn thương đa cơ quan.
Xét nghiệm hình ảnh cho thấy tổn thương lan tỏa ở phổi: phim X-quang ngực có nốt mờ hai bên, chụp CT ngực phát hiện các khối đông đặc ở cả hai phế trường kèm tràn dịch màng phổi hai bên. Siêu âm tim cho kết quả chức năng tâm thu thất trái còn bảo tồn, siêu âm bụng phát hiện gan nhiễm mỡ, nang thận và sỏi thận.
Dựa trên hội chẩn liên chuyên khoa giữa Hồi sức – Nội tiết – Hô hấp – Dược lâm sàng – Dinh dưỡng, bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn – viêm phổi nặng, hạ đường huyết sâu, suy thượng thận do dùng thuốc không rõ nguồn gốc (nghi có chứa corticoid) trên nền bệnh đái tháo đường type 2 và gout mạn tính.
Phác đồ điều trị được triển khai khẩn trương. Bệnh nhân được bù dịch điện giải, hỗ trợ hô hấp bằng oxy dòng cao (HFNC), sử dụng kháng sinh phổ rộng (Meropenem phối hợp Ciprofloxacin), vận mạch để nâng huyết áp, kết hợp Hydrocortison nhằm xử trí suy thượng thận cấp và kiểm soát đường huyết theo phác đồ nội tiết.
Phục hồi ngoạn mục sau một tuần điều trị
Sau gần một tuần điều trị tích cực, bệnh nhân đã dần phục hồi. Tình trạng ý thức cải thiện rõ rệt, GCS đạt 15 điểm. Mạch, huyết áp ổn định, nhịp thở trở lại bình thường, oxy máu cải thiện rõ, SpO2 đạt 94% khi thở khí phòng. Tình trạng viêm phổi cũng được kiểm soát tốt, dịch màng phổi giảm dần, không còn cần hỗ trợ hô hấp tích cực. Bệnh nhân được chuyển sang giai đoạn điều trị duy trì và giáo dục y tế trước khi xuất viện.
Thành công này là kết quả của sự phối hợp đa ngành chuyên sâu, không chỉ xử lý triệu chứng cấp cứu mà còn kiểm soát toàn diện các bệnh lý nền và biến chứng liên quan. Đặc biệt, việc đánh giá và điều trị đúng nguyên nhân – suy thượng thận do lạm dụng thuốc – đóng vai trò quyết định trong việc cứu sống bệnh nhân.
Theo các bác sĩ điều trị, trường hợp bệnh nhân V.H.N là ví dụ điển hình về hậu quả nghiêm trọng của việc tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là các sản phẩm không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường. Nhiều bệnh nhân mắc đái tháo đường có tâm lý e ngại dùng thuốc tây kéo dài, dễ bị dụ dỗ bởi các loại thuốc “giảm đường huyết nhanh, hoàn toàn tự nhiên” nhưng thực chất có chứa hoạt chất corticoid hoặc các chất gây ức chế chuyển hóa, tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn tới suy thượng thận, rối loạn miễn dịch, hạ đường huyết nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Suy thượng thận là tình trạng thiếu hụt hormon do tuyến thượng thận sản xuất, có thể xảy ra khi bệnh nhân dùng corticoid kéo dài rồi đột ngột ngưng thuốc hoặc dùng thuốc chứa corticoid mà không kiểm soát liều lượng. Khi gặp yếu tố stress như nhiễm trùng, bệnh nhân dễ rơi vào tình trạng sốc, tụt huyết áp, suy hô hấp cấp và nguy cơ tử vong rất cao nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Từ ca bệnh trên, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đưa ra khuyến cáo mạnh mẽ đến người dân: tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc điều trị bệnh nội tiết, đặc biệt là đái tháo đường, suy tuyến giáp, suy tuyến thượng thận hoặc các bệnh chuyển hóa khác. Việc điều trị cần được cá thể hóa, theo dõi sát sao bởi bác sĩ chuyên khoa, có chỉ định rõ ràng và được tái khám định kỳ để đánh giá hiệu quả – biến chứng.
Ngoài ra, bệnh nhân và người nhà cần nâng cao nhận thức về tác hại của các loại “thuốc Nam, thuốc lá, thuốc tễ” không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác, thường được quảng cáo với tác dụng “thần kỳ”. Những sản phẩm này có thể chứa các chất gây hại hoặc tương tác bất lợi với thuốc điều trị chính thức, khiến bệnh nặng hơn hoặc gây biến chứng nặng nề, khó kiểm soát.
Phòng Truyền thông Y tế
Related news
- Hành trình sống sót kỳ diệu của bé gái sinh non 550 gram tại Phú Thọ
- Thoát cửa tử nhờ điều trị sớm: Cảnh báo từ hai ca viêm màng não do ăn tiết canh
- Phẫu thuật thành công khối u xơ tử cung nặng 1,5kg tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn
- Phẫu thuật phục hồi đám rối thần kinh cánh tay cho bé 5 tháng tuổi do chấn thương sản khoa
- Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa: Hội thảo khoa học "Can thiệp tối thiểu trong chấn thương chi dưới"
- Mở rộng tầm soát, điều trị, hướng tới chấm dứt dịch AIDS