Bé gái 12 tuổi được phẫu thuật cắt u xương thành công, tránh nguy cơ lệch trục chi
08/07/2025 | 20:56 PM



Bé Thảo, 12 tuổi, từng tham gia nhiều giải chạy marathon, vừa được các bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ khối u xương sụn ở chân phải, giúp bé tránh nguy cơ lệch trục chi và tiếp tục nuôi dưỡng đam mê thể thao.
Hình ảnh X-quang ghi nhận bệnh nhi bị u xương sụn ở đầu dưới xương chày bên phải.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, bé Thảo phát hiện u nhỏ cạnh mắt cá chân phải khi mới 10 tuổi. Thời điểm đó, khối u không gây đau nhưng khiến bé lo lắng và tự ti. Gần một năm trở lại đây, u phát triển nhanh, to hơn cả mắt cá chân. Gia đình sau quá trình tìm hiểu đã đưa bé đến cơ sở này để thăm khám.
Kết quả chụp X-quang và MRI cho thấy bé bị u xương sụn ở đầu dưới xương chày bên phải, kích thước khối u khoảng 3x3cm. Đây là loại tổn thương lành tính thường gặp ở bề mặt xương dài, đặc biệt ở đầu dưới hoặc đầu trên của xương đùi, xương chày hoặc xương cánh tay. U xương sụn thường xuất hiện ở trẻ trong độ tuổi dậy thì, tuy chưa xác định rõ nguyên nhân, nhưng có thể liên quan đến sự phát triển quá mức ở đầu xương.
BS CKII Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng khoa Ngoại nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết: “Nếu không phẫu thuật sớm, u xương sụn với kích thước lớn có thể gây lệch trục chi, ảnh hưởng đến hình thể và khả năng vận động, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ hóa ác tính”.
Bé Thảo được êkíp của bác sĩ Tuấn thực hiện phẫu thuật trong 90 phút. Khối u được bóc tận gốc, hạn chế tối đa nguy cơ tái phát, đồng thời bảo toàn cấu trúc xương giúp xương tiếp tục phát triển bình thường. Sau mổ, bé hồi phục nhanh và được xuất viện ngay ngày hôm sau. Gia đình được hướng dẫn chế độ chăm sóc và lịch tái khám cụ thể.
Ông Cường (51 tuổi), bố của bé Thảo, xúc động chia sẻ: “Sau khi con được phẫu thuật thành công, vợ chồng tôi mới gác lại được nỗi lo. May mắn là gia đình phát hiện kịp thời để điều trị, giúp con khỏe mạnh và có thể tiếp tục theo đuổi đam mê thể thao”.
Theo bác sĩ Tuấn, u xương sụn thường không gây đau, nên nhiều trường hợp bị bỏ qua cho đến khi khối u phát triển lớn, ảnh hưởng đến vận động và hình thể. “Việc khám phát hiện sớm rất quan trọng. Với các khối u nhỏ, bác sĩ có thể chỉ định theo dõi định kỳ. Nhưng nếu u phát triển nhanh hoặc có kích thước lớn, cần can thiệp phẫu thuật sớm để tránh biến chứng”, bác sĩ nhấn mạnh.
Ông cũng lưu ý, tỷ lệ tái phát của u xương sụn vào khoảng 1%. Do đó, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ giàu kinh nghiệm để đảm bảo bóc trọn khối u và hạn chế nguy cơ tái phát.
Ca phẫu thuật thành công không chỉ giúp bé Thảo thoát khỏi nguy cơ biến dạng chi mà còn mở ra cơ hội tiếp tục theo đuổi các hoạt động thể thao – niềm đam mê từ nhỏ của em. Đây cũng là lời nhắc nhở các bậc phụ huynh nên quan tâm, theo dõi những bất thường dù nhỏ ở cơ thể trẻ để kịp thời điều trị, mang lại kết quả điều trị tối ưu.
Phòng Truyền thông Y tế
Related news
- Điều trị thành công ca sốt xuất huyết nặng trên bệnh nhân ghép thận nhờ can thiệp kịp thời
- Bệnh nhân viêm xoang tái phát phức tạp được cứu nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật
- Hành trình “tái sinh” nụ cười lần thứ 10 tại Bệnh viện E: Những ca phẫu thuật mang lại hy vọng
- Cấp cứu thành công bệnh nhân ngừng tuần hoàn nghi do điện giật
- Cứu sống cụ ông 73 tuổi bị nhồi máu cơ tim nhờ phối hợp cấp cứu liên viện
- Hành trình cứu sống bệnh nhi lupus biến chứng chảy máu phế nang tại Bệnh viện Bạch Mai