Bác sĩ khuyến cáo không chủ quan với trầm cảm ở trẻ em
31/12/2024 | 10:27 AM
|
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), hằng năm, khoa Phòng khám chất lượng cao – Tâm lý luôn tiếp nhận bệnh nhi đến khám với các triệu chứng trầm cảm. Nhóm trẻ thường gặp từ 13 tuổi trở lên.
Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 cho hay, trẻ bị trầm cảm không chỉ ảnh hướng đến tâm trạng mà còn tác động đến sức khỏe thể chất, chất lượng cuộc sống, học tập và các mối quan hệ xã hội. Các triệu chứng trầm cảm của trẻ em và người lớn hầu như không có nhiều khác biệt.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thanh Sang, Trưởng khoa Phòng khám chất lượng cao – Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, hằng năm khoa luôn tiếp nhận bệnh nhi đến khám các triệu chứng trầm cảm. Nhóm trẻ thường gặp từ 13 tuổi trở lên, với nhóm tuổi nhỏ hơn chiếm số lượng không nhiều.
Khi đến khám trẻ có các biểu hiện như: buồn chán, lo lắng, đánh giá bản thân thấp kém, khó ngủ, ngủ ít, hoặc ngủ nhiều, chán ăn, hoặc ăn quá nhiều, không muốn tiếp xúc, mất hứng thú, mất tập trung, học hành sa sút,…
Còn theo thạc sĩ Phùng Thị Lụa chuyên viên tâm lý tại Khoa Phòng khám chất lượng cao – Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2, trầm cảm là một rối loạn tâm thần, đặc trưng bởi cảm giác buồn bã, tuyệt vọng, thiếu động lực kéo dài trong một thời gian dài. Người trầm cảm có thể thấy mất hứng thú với những hoạt động trước đây mà họ yêu thích, cảm thấy lo âu, mệt mỏi hoặc có suy nghĩ tiêu cực về bản thân và cuộc sống.
Để chẩn đoán trầm cảm, trẻ sẽ được thăm khám các chuyên khoa liên quan nếu có các triệu chứng thực thể như: trẻ khó thở khám chuyên khoa tim mạch, trẻ đau đầu khám chuyên khoa thần kinh. Sau đó trẻ khám chuyên khoa tâm lý và thực hiện các thang đo để loại trừ các rối loạn lo âu.
Trẻ bị trầm cảm nếu phát hiện muộn sẽ dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn, thời gian điều trị lâu hơn. Từ đó ảnh hưởng đến chất lượng sống và các môi quan hệ xã hội của trẻ, thậm chí trẻ có ý nghĩ tự sát.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ bị trầm cảm như:
- Yếu tố di truyền: Trẻ sống trong gia đình có người thân bị trầm cảm sẽ có nguy cơ bị trầm cảm gấp 3 lần so với trẻ khác.
- Xung đột với phụ huynh: Phụ huynh áp đặt trẻ theo suy nghĩ của mình, trẻ không được bày tỏ quan điểm cá nhân.
- Bạo lực học đường: Trẻ bị bạn bắt nạt, đánh, hoặc bị hăm dọa, bị so sánh, dùng ngôn từ đả kích.
- Áp lực học tập: Trẻ thấy điểm số của bản thân không như mong đợi, bị thầy cô la mắng, hoặc thời gian học tập quá nhiều,….
- Những tổn thương về tâm lý khác như: Trẻ mất đi người thân, bị lạm dục tình dục,….
Những dấu hiệu sớm nhận biết trầm cảm ở trẻ em:
-
Khó ngủ hoặc ngủ nhiều.
-
Chán ăn, ăn không ngon miệng hoặc ăn nhiều hơn bình thường.
-
Không muốn vận động, nằm trong phòng nhiều, thay đổi thói quen sinh hoạt, giảm chú ý.
-
Mệt mỏi, thiếu năng lượng.
-
Cảm giác buồn bã, lo âu hoặc cảm thấy trống rỗng.
-
Dễ khóc, dễ cáu gắt.
-
Tự ti vào bản thân, cảm thấy bản thân vô dụng, tự làm tổn hại đến cơ thể, suy nghĩ tiêu cực, có ý nghĩ tự tử….
Ngay khi nhận thấy trẻ có những dấu hiệu này phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở chuyên khoa Nhi, phòng khám Tâm lý để sớm được thăm khám.
Các bác sĩ cho hay trầm cảm có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Điều này cần người bệnh tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của nhà chuyên môn. Những biện pháp để hỗ trợ trong điều trị trầm cảm ở trẻ em gồm liệu pháp chính là điều trị tâm lý. Trong tình huống điều trị tâm lý không cải thiện sẽ kết hợp với điều trị thuốc. Bên cạnh đó trẻ còn được hỗ trợ bằng phương pháp y học cổ truyền.
Phòng Truyền thông Y tế
Related news
- Phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khối u gan cho người đàn ông lớn tuổi
- Phẫu thuật nội soi cùng lúc cắt gan, đóng hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân ung thư di căn gan
- Phẫu thuật cho người phụ nữ bị thai bám ở sẹo mổ
- Tình cờ đi khám và phát hiện mắc u tủy thượng thận thể hiếm gặp
- Liên tiếp trẻ nhập viện do hóc dị vật đường thở
- Tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ: Cảnh báo từ việc pha Oresol không đúng cách