Phong trào thi đua yêu nước trong chặng đường xây dựng và phát triển của ngành y tế Việt Nam

08/12/2015 | 06:40 AM

 | 

Trong không khí vui mừng của cả nước hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn: 65 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 1000 năm Thăng Long Hà Nội, ngành Y tế phấn khởi kỷ niệm 55 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955-27/02/2010) và tiến tới Đại hội thi đua yêu nước ngành Y tế lần thứ V. Đây là dịp để các thế hệ cán bộ công chức, viên chức ngành Y tế ôn lại truyền thống rất đáng tự hào của mình, phấn khởi vươn lên, lập thành tích cao hơn nữa, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong những ngày xuân năm mới ấm áp này, chúng ta luôn nhớ về Bác Hồ kính yêu - người đã khởi xướng và lãnh đạo phong trào thi đua yêu nước mà ngành Y tế chúng ta nguyện là đội quân tiên phong, hăng hái trong phong trào làm theo lời Bác dạy.thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 11/6/1948, chứa đựng những chỉ dẫn hết sức quí báu: "Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực ... Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất", "Thi đua là cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ, thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm", "Thi đua - Khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày".

Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác, nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác thi đua khen thưởng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị xã hội được Đảng và Nhà nước giao phó liên tục hơn 60 năm qua, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, công tác thi đua - khen thưởng đã luôn được Bộ Y tế quan tâm và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Với tinh thần “Thi đua khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”, các phong trào thi đua yêu nước đã được ngành Y tế triển khai xuyên suốt qua các thời kỳ, tập trung thực hiện lời Bác Hồ dạy đối với cán bộ y tế: “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”. Trải qua các giai đoạn với các tên gọi khác nhau, như: phong trào thi đua 5 dứt điểm những năm 60 của thế kỷ XX; phong trào thi đua xây dựng tổ đội Lao động xã hội chủ nghĩa (đầu tiên là tổ cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, đến năm 1980 đã lên đến 110 tổ). Cùng với phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong công nhân viên chức đã có phong trào luyện tay nghề thi y tá giỏi; kỹ thuật viên giỏi, phong trào tuổi trẻ sáng tạo tiến quân vào khoa học kỹ thuật; phong trào “Học tập và thi đua với nhà thương Vân Đình”, (là lá cờ đầu của ngành, đã được Bác Hồ về thăm; trong đó có gương y tá Trần Văn Đậu dũng cảm quên mình chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân). Trong những năm chống Mỹ có phong trào “Thi đua yêu nước, chống Mỹ”, thể hiện qua các chủ trương của ngành như“Ngoại khoa hóa cán bộ y tế” ở những địa phương giặc Mỹ bắn phá ác liệt, các phong trào vệ sinh phòng bệnh “sạch làng, tốt ruộng”, “xây dựng hố xí hai ngăn” ở nông thôn; phong trào giáo viên dạy giỏi, sinh viên học giỏi trong các trường y, dược.

Bước vào thời kỳ đổi mới, phong trào thi đua của ngành Y tế đã có những chuyển biến quan trọng, đi vào thực chất hơn. Đó là các phong trào xây dựng bệnh viện đạt danh hiệu ''Bệnh viện xuất sắc toàn diện'' với khẩu hiệu ''Đến đón tiếp niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo''; phong trào ''Lao động giỏi vì sức khoẻ nhân dân, vì sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và phát triển ngành Y tế''; phong trào noi gương Liệt sỹ, Bs. Đặng Thùy Trâm; phong trào “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”; cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"...

Các phong trào thi đua yêu nước trên đã thực sự động viên, thu hút được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế cùng tham gia, tạo nên không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp trong ngành Y tế trên phạm vi cả nước, nỗ lực không ngừng phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, bằng sự lao động tận tụy, bền bỉ và sáng tạo, thu được những thành tựu to lớn, làm biến đổi một cách sâu sắc từ nhận thức tư tưởng đến tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động; từ chuyên môn, khoa học kỹ thuật đến nâng cao y đức; xây dựng mối quan hệ thấm đẫm tính nhân văn cao cả giữa thầy thuốc và người bệnh, góp phần tích cực vào thành công của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Trong 10 năm gần đây, với phương châm đa dạng hóa các hoạt động của ngành, xã hội hóa công tác y tế, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã tiến một bước dài, bao gồm hệ thống y tế hỗn hợp công tư, từng bước thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân; xã hội hóa công tác y tế, chăm sóc sức khỏe; ưu đãi các đối tượng chính sách xã hội, đồng thời trợ giúp chăm sóc sức khoẻ cho người nghèo… Hướng tới mục tiêu công bằng, hiệu quả, phát triển thể hiện trên các thành tựu, như:

- Các chỉ tiêu sức khỏe nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ trung bình tăng từ 65 tuổi (năm 1998) lên 72,8 tuổi (năm 2009); Tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 78‰ (năm 1985) xuống còn 15‰ (năm 2008); Tỷ lệ chết trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 81‰ (năm 1985) xuống còn 25,5‰( năm 2008), tuyệt đại bộ phận các bà mẹ sinh con được cán bộ y tế chăm sóc; Tỷ suất chết mẹ giảm đáng kể. Theo đánh giá của Cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP), so với cùng bậc tổng sản phẩm quốc dân GDP/đầu người, nước ta đứng vào hàng các nước có thành tựu nổi bật về y tế.

- Sáu bệnh truyền nhiễm ở trẻ em trước đây đứng đầu danh sách các bệnh có tỷ lệ mắc và chết cao, nay nhờ thực hiện thành công tiêm chủng mở rộng liên tục nhiều năm, chúng ta đã thanh toán được bệnh bại liệt, khống chế được bệnh uốn ván sơ sinh, ho gà, bạch hầu. Chúng ta cũng đã thực hiện tiêm phòng 6 loại vắc xin do ta tự sản xuất chống viên gan siêu vi trùng và viên não Nhật Bản. Các chương trình phòng chống bệnh sốt rét, bệnh lao, bướu cổ do thiếu iốt, nhiễm HIV/AIDS, thanh toán bệnh phong cũng đã đạt những kết quả khả quan…

- Đến nay cả nước đã có 13.439 cơ sở khám chữa bệnh công, 75 khu điều dưỡng phục hồi chức năng, trên 1.000 phòng khám đa khoa và nhà hộ sinh khu vực. Chỉ số giường bệnh tính trên 10.000 dân, năm 1954 mới là 1,2 giường cho 100.000 dân, đến năm 2009 đã tăng lên 19,3 giường (tính cả các Trạm Y tế xã là 27 giường). Điều đáng ghi nhận là chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh không ngừng được nâng cao. Các bệnh viện đều được trang bị các loại máy móc dùng trong chẩn đoán và điều trị hiện đại hàng đầu thế giới. Các công nghệ mũi nhọn của y học thế giới đang từng bước được ứng dụng ở nước ta như ghép tạng, mổ nội soi, mổ tim, mổ tách trẻ song sinh, thụ tinh nhân tạo…

- Bên cạnh các cơ sở y tế nhà nước, một hệ thống y tế tư nhân đã bắt đầu hình thành, bao gồm 19.895 cơ sở hành nghề y, 14.048 cơ sở hành nghề dược, 7.015 cơ sở hành nghề y học cổ truyền. Một số bệnh viện tư (kể cả vốn nước ngoài và vốn tự có trong nước đã đầu tư phòng ốc, trang thiết bị hiện đại, thầy giỏi, thực hiện được nhiều dịch vụ y tế chất lượng cao, phục vụ bệnh nhân trong nước và cả thu hút khách quốc tế).

- Nước ta đã có một hệ thống các trường đại học và trung học y, dược phân bổ trên cả nước. Mỗi năm có khoảng trên 2.500 bác sĩ, 200 dược sĩ tốt nghiệp đại học. Mấy năm gần đây phát triển thêm đào tạo chuyên khoa I và II, thạc sĩ, đội ngũ tiến sĩ. Từ con số rất ít cán bộ y tế hồi những năm 60 (thế kỷ 20), đến nay đã có đội ngũ trên 30 vạn cán bộ, trong đó gần 40 nghìn cán bộ đại học và gần 20 nghìn cán bộ trên đại học.

- Việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại cũng đã đạt được nhiều thành tựu lớn. Kế thừa và phát huy hiệu quả nhiều bài thuốc cổ phương, các bài thuốc, phương thuốc dân gian. Đã hình thành mạng lưới gồm 4 bệnh viện Y học cổ truyền cấp Trung ương, 49 bệnh viện y học cổ truyền cấp Tỉnh, trên 300 khoa y học cổ truyền trong cácbệnh viện đa khoa, 8.000 cơ sở hành nghề tư nhân về y học cổ truyền; khám và chữa bệnh bằng y học cổ truyền cho khoảng trên 30% bệnh nhân.

- Ngành Dược đã trở thành ngành kinh tế kỹ thuật với nhiều nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP, Mức sử dụng thuốc năm 2008 đạt khoảng 16,5 USD/đầu người. Tổng giá trị xuất khẩu thuốc và dược liệu đạt 40 triệu USD. Về trang thiết bị y tế, các nhà máy của Việt Nam đã liên doanh liên kết sản xuất được nhiều dụng cụ y tế thông thường, dụng cụ bằng cao su, chất dẻo, thực hiện lắp ráp một số máy móc hiện đại.

Mạng lưới y tế cơ sở đã được xây dựng rộng khắp cả nước từ Trung ương đến các tỉnh, huyện, xã; từ đồng bằng trung du, các vùng xa xôi hẻo lánh đến tận biên giới hải đảo và đang mở rộng khắp thôn, xóm, bản, làng với 11.544 trạm y tế xã, y tế cơ quan xí nghiệp. Nhờ mạng lưới đó nước ta đã thực hiện được nhiều mục tiêu của Tổ chức y tế Thế giới đề ra.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong 65 năm qua, Ngành Y tế vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh hạng Nhất năm 1980 và Huân chương Sao vàng năm 1996. Chỉ trong 10 năm gần đầy, nhiều tập thể và cá nhân ngành Y tế đã được nhận các phần thưởng cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Hồ Chí Minh cho 01 tập thể, Huân chương Sao vàng cho 03 tập thể, 55 Huân chương Độc lập cho tập thể và cá nhân, 59 tập thể và cá nhân được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, 571 Huân chương Lao động các loại, 186 thầy thuốc được phong danh hiệu Thầy thuốc nhõn dõn, 4.355 Thầy thuốc ưu tú, 64 Nhà giỏo nhõn dõn, 249 Nhà giáo ưu tú, 78 Chiến sỹ thi đua toàn quốc, nhiều Cờ thi đua, Bằng khen, giấy khen của TW, Bộ Y tế, các cấp các ngành trao tặng.

Những thành tích mà ngành Y tế đã đạt được trong những năm vừa qua là rất quan trọng, đáng ghi nhận và tự hào. Tuy nhiên, cũng cần chỉ rõ những điểm còn yếu kém: Nhận thức về công tác thi đua, khen thưởng có lúc, có nơi chưa đầy đủ, sâu sắc.Một số cấp uỷ, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa thấy rõ tác dụng của thi đua là động lực của sự phát triển, chưa thật sự đi sát chỉ đạo phong trào, thu hút mọi người tham gia. Có lúc, có nơi thi đua còn mang tính hình thức. Nội dung và phương pháp tổ chức thi đua ở một số đơn vị còn chậm đổi mới, làm hạn chế hiệu quả của phong trào và nhiệt tình của cán bộ, công chức. Khen, thưởng chưa kịp thời tương xứng với thành tích.

Hiện nay và sắp tới, nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân của ngành Y tế còn rất nặng nề, đòi hỏi công tác thi đua cũng như phong trào thi đua ngành Y tế phải có sự đổi mới nhiều hơn nữa để đáp ứng yêu cầu nhiêm vụ ngày càng cao. Quán triệt quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Nghị Quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, Ngành Y tế đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng toàn diện công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới. Trọng tâm là tăng cường vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng; chỉ đạo, đánh giá thi đua gắn với hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng và tổng kết điển hình tiên tiến có chú ý cán bộ KHKT, người lao động trực tiếp. Phối hợp chặt chẽ giữa cấp uỷ, chuyên môn, các đoàn thể và địa phương trong tổ chức thực hiện. Kiện toàn hệ thống tổ chức và trình độ nghiệp vụ, đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua. Khen, thưởng phải gắn với tiêu chí và nội dung đăng ký thi đua. Tổ chức ký kết giao ước thi đua giữa các địa phương, đơn vị cùng lĩnh vực. Tăng cường chỉ đạo, đánh giá thi đua gắn với hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Tăng cường công tác truyền thông, phối hợp chặt chẽ với hệ thống thông tin đại chúng trong tuyên truyền, biểu dương nhân tố mới, điển hình tiêu biểu của ngành vì mục tiêu chăm sóc sức khoẻ nhân dân và sự phát triển ngành Y tế trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Phát huy thành tích đã đạt được, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế quyết tâm đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước năm 2010 và những năm tiếp theo trong toàn ngành, với tinh thần tiến công không ngừng, tiếp tục tập trung hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác y tế năm 2010, lập thành tích cao nhất chào mừng Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006-2010); triển khai và thực hiện thành công Chiến lược bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; góp phần bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nguồn: Sở Y tế Hà Nội​


Thăm dò ý kiến