Không thanh toán BHYT khám vượt tuyến, Quyền lợi người bệnh có giảm?

13/01/2015 | 03:10 AM

 | 

Sau hơn một tuần triển khai chính sách BHYT mới, bên cạnh những thay đổi được người tham gia BHYT làm quen ngay thì cũng có những thay đổi, vướng mắc, điển hình như việc không được quỹ BHYT thanh toán 30% khi khám ngoại trú vượt tuyến; việc xin giấy chuyển tuyến như thế nào, nhất là với bệnh mạn tính, chuyên khoa; giảm tỷ lệ chi trả thuốc chữa ung thư...

 Để giải đáp những băn khoăn của người dân, phóng viên báo SK&ĐS đã trao đổi với bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế xung quanh vấn đề này...

C+¦ h¦¦¦íng BHYT.jpg

Bà Tống Thị Song Hương – Vụ trưởng Vụ bảo hiểm y tế, Bộ Y tế

PV: Thưa bà, nhiều người dân băn khoăn cho rằng những điểm vướng mắc trên sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ khi tham gia KCB bằng BHYT?

Bà Tống Thị Song Hương: Chúng tôi cũng lường trước được những thắc mắc của người dân trong giai đoạn chuyển tiếp này. Tuy nhiên, sự thay đổi này không làm giảm quyền lợi của người bệnh. Ví như, về thuốc điều trị ung thư, dư luận cho rằng quyền lợi người dân bị giảm vì 4 loại thuốc trước đây được BHYT thanh toán 100% nay giảm xuống thanh toán 50%. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh lại, có nhiều loại thuốc thay thế chứ không có nghĩa bác sĩ không chỉ định loại thuốc này là hết thuốc điều trị cho người bệnh. 4 loại thuốc này các nước trên thế giới là không đưa vào danh mục. Nói đúng ra việc giảm chi trả này không phải giảm quyền lợi người bệnh. Bởi so với trước đây đã tăng thêm 17 loại thuốc ung thư. Và theo hội đồng chuyên môn tư vấn, danh mục thuốc này đáp ứng đủ nhu cầu KCB.

Về vấn đề không thanh toán BHYT cho những trường hợp khám bệnh ngoại trú tự vượt tuyến lên tuyến tỉnh, tuyến TW đã được cân nhắc kỹ trước khi quyết định. Báo cáo giám sát của Quốc hội trong 4 năm thực hiện luật cũ cho thấy, số tiền chi cho khám trái tuyến là rất lớn, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây quá tải. Theo đánh giá của Viện Chính sách y tế thì có đến 70% số bệnh không cần thiết phải vượt tuyến, kéo theo chi phí ăn ở, đi lại không cần thiết. Khi đó rất nhiều phương án được đưa ra: hạ mức hưởng, thậm chí là không chi trả. Tuy nhiên, không thể không thanh toán vì như thế mất đi quyền lợi của người bệnh. Do đó, phương án cuối cùng được chốt lại chỉ thanh toán điều trị nội trú, còn ngoại trú (người bệnh tự đi được, bệnh không cần thiết) thì không thanh toán. Điều này không làm mất đi quyền lợi của người bệnh vì người bệnh vào cấp cứu dù ở đâu cũng vẫn được thanh toán 100%, nếu đi KCB đúng tuyến khi vượt quá khả năng chuyên môn tuyến dưới chuyển lên thì vẫn được thanh toán, với tuyến huyện được thanh toán cả khám và chữa bệnh, chỉ trừ tuyến tỉnh và tuyến TW.

PV: Theo như bà nói, việc không thanh toán BHYT cho những trường hợp KCB ngoại trú vượt tuyến sẽ góp phần làm giảm quá tải BV. Tuy nhiên, qua khảo sát của chúng tôi, có những người bệnh vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra để lên tuyến TW khám. Như vậy, mục tiêu hướng tới là làm giảm tải tuyến trên của việc cắt giảm thanh toán này liệu có khả quan?

Bà Tống Thị Song Hương: Tất nhiên, ngay tại thời điểm mới triển khai quy định này có thể một số người bệnh thấy chưa tác động đến túi tiền của họ, nhưng việc này không kéo dài được lâu bởi Chính phủ cũng yêu cầu giá dịch vụ y tế dần hướng đến tính đúng, tính đủ.

Tuy nhiên, về phía ngành y tế, đã từ lâu chúng tôi quan tâm đến việc làm thế nào để nâng cao chất lượng y tế tuyến dưới, giúp người dân yên tâm KCB, không phải vượt tuyến. Thực tế những việc ngành y tế đang làm là giải quyết vấn đề cấp bách, trước mắt. Chúng ta xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, triển khai các đề án để nâng cao chất lượng KCB: chuyển giao dịch vụ kỹ thuật theo hình thức cầm tay chỉ việc, BV vệ tinh, phòng khám bác sĩ gia đình. Về lâu dài thì phải đào tạo một cách bài bản, hệ thống thầy - thợ, bác sĩ, điều dưỡng theo hướng chuyên sâu, chuyên ngành theo lĩnh vực.

PV: Nhưng còn với những người mắc bệnh mạn tính, thường xuyên phải đi khám định kỳ, quy định này liệu gây khó khăn cho người bệnh, thưa bà?

Bà Tống Thị Song Hương: Với trường hợp mắc bệnh mạn tính, cần điều trị dài ngày định kỳ, Bộ Y tế đã có quy định 47 nhóm bệnh như hen, lao, tim mạch, ung thư, bệnh nội tiết... (trước chỉ có 5 - 7 nhóm bệnh) được sử dụng giấy chuyển tuyến có giá trị 1 năm. Người bệnh chỉ cần chuyển tuyến một lần và sau đó được khám định kỳ theo lịch của bác sĩ suốt năm không cần xin giấy chuyển tuyến mới. Ngoài ra, nếu bệnh nhân đến khám trái tuyến tại tuyến tỉnh nhưng cơ sở này không đủ khả năng điều trị mà phải chuyển tiếp bệnh nhân lên tuyến trên thì sẽ vẫn tính là đi đúng tuyến, được thanh toán 100% theo quy định.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Nguồn: http://suckhoedoisong.vn


 
​​

Thăm dò ý kiến