Xây dựng mạng lưới cơ sở y tế đủ năng lực đáp ứng nhu cầu bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân
04/12/2024 | 09:51 AM
|
Mục tiêu của việc xây dựng và ban hành Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân và đủ năng lực đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, từng bước tiệm cận hệ thống y tế của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Phát triển mạng lưới cơ sở y tế sẽ giúp dễ tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn.
Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 201/QĐ-TTg đã đặt ra mục tiêu là xây dựng và phát triển mạng lưới cơ sở y tế quốc gia phù hợp với yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân hướng tới mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.
Theo Bộ Y tế, Quy hoạch này sẽ không bao gồm: các đơn vị quản lý nhà nước về y tế; các cơ sở y tế địa phương thuộc phạm vi quy hoạch tỉnh (bao gồm các cơ sở y tế cấp tỉnh, liên huyện và cấp huyện); các trường đại học y dược (thuộc Quy hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo); viện nghiên cứu (thuộc Quy hoạch của Bộ Khoa học và Công nghệ).
Đối tượng quy hoạch là các đơn vị sự nghiệp y tế thuộc năm lĩnh vực: cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; cơ sở giám định y khoa, giám định pháp y và pháp y tâm thần; cơ sở y tế dự phòng, y tế công cộng; cơ sở kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn về thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, vắc xin và sinh phẩm y tế, trang thiết bị y tế; cơ sở y tế thuộc lĩnh vực dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Phạm vi quy hoạch được áp dụng trên phạm vi cả nước, gồm các cơ sở y tế công lập cấp quốc gia, cấp vùng của ngành y tế và các cơ sở y tế thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc Phòng và Bộ Công an; đồng thời định hướng quy hoạch đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.
PGS, TS Phan Lê Thu Hằng, Phó vụ trưởng Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế bảo đảm tính kế thừa, tính khả thi và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước từng thời kỳ; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Quy hoạch được xác định thuộc nhóm Quy hoạch ngành quốc gia nhằm xác định phương hướng phát triển, phân bố, tổ chức không gian, nguồn lực cho các cơ sở y tế mang tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh.
Quy hoạch đã xác định mục tiêu đến năm 2025, mạng lưới cơ sở y tế đủ năng lực đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân của nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Ưu tiên tập trung đầu tư các cơ sở y tế cấp quốc gia hiện có và xây dựng mới một số cơ sở y tế đã có định hướng đầu tư của ngành. Thực hiện đầu tư nâng cấp một số bệnh viện tuyến tỉnh thành bệnh viện cấp vùng để tăng cường khả năng tiếp cận của người dân tới các bệnh viện cấp chuyên sâu (tuyến cuối) tại từng vùng kinh tế-xã hội và giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến cuối ở các thành phố lớn.
Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa hữu nghị Nghệ An thực hiện ca phẫu thuật lấy-ghép tạng từ người cho chết não. (Ảnh: Từ Thành)
Bên cạnh đó, xây dựng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Trung ương (CDC Trung ương) tại Hà Nội và phát triển các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khu vực bảo đảm đủ năng lực dự báo, giám sát và phát hiện bệnh sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả các dịch bệnh và kiểm soát các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.
Phát triển các trung tâm kiểm nghiệm vùng đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực nhằm đáp ứng nhu cầu kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn về chất lượng dịch vụ y tế, thuốc, mỹ phẩm thực phẩm, trang thiết bị y tế. Củng cố sắp xếp lại các cơ sở giám định y khoa, giám định pháp y và pháp y tâm thần.
Đến năm 2030, mạng lưới cơ sở y tế đủ năng lực đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân của nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đầu tư, củng cố, nâng cấp một số bệnh viện cấp quốc gia thành bệnh viện hiện đại ngang tầm khu vực và quốc tế. Phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu (như: tim mạch, ung bướu, nội tiết, tâm thần, lão khoa) trong các bệnh viện đa khoa cấp quốc gia và cấp vùng để tăng cường khả năng tiếp cận của người dân tới các dịch vụ y tế chuyên khoa tại từng vùng kinh tế-xã hội đáp ứng sự thay đổi của mô hình bệnh tật với các bệnh không lây nhiễm gia tăng.
Đầu tư phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 4 cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Trung ương (CDC Trung ương), Phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 3 cho các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khu vực. Xây dựng một đơn vị quốc gia nghiên cứu chuyển giao công nghệ về vaccine.
Trung bình 10 dân có: 35 giường bệnh viện, 19 bác sĩ, 3 dược sĩ đại học, 33 điều dưỡng viên; tỷ lệ giường bệnh ngoài công lập chiếm 15% tổng số giường bệnh.
Đến năm 2050, xây dựng mạng lưới cơ sở y tế đủ năng lực đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân của nước phát triển, thu nhập cao. Tiếp tục đầu tư để phát triển và mở rộng quy mô của các cơ sở y tế nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng lên của người dân do thay đổi về mô hình bệnh tật và gia tăng dân số.
Xem xét mở rộng hệ thống bệnh viện chuyên khoa ung bướu, tim mạch, lão khoa, phụ sản/sản nhi và hệ thống bệnh viện chăm sóc dài hạn. Phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu trong các bệnh viện đa khoa cấp quốc gia và cấp vùng. Có các cơ sở y tế hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương có hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt như: Singapore, Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản. Một số cơ sở y tế thực hiện được các dịch vụ kỹ thuật có trình độ tiên tiến của thế giới.
Trung bình 10 nghìn dân có: 45 giường bệnh viện, 35 bác sĩ, 90 điều dưỡng; tỷ lệ giường bệnh ngoài công lập chiếm 25% tổng số giường bệnh.
Đáng chú ý, Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế xác định các chỉ tiêu phấn đấu rất cao về quy mô giường bệnh và nhân lực y tế chủ chốt. Theo đó, tới năm 2050 các chỉ số này của Việt Nam sẽ đạt mức bình quân của nhóm nước công nghiệp phát triển hàng đầu (các nước thuộc tổ chức OECD).
Nguồn: Nhandan.vn
Related news
- Tìm các giải pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả
- Giảm thiểu rủi ro ngộ độc thực phẩm nhờ truy xuất nguồn gốc
- Chú trọng khâu hậu kiểm trong quản lý an toàn thực phẩm
- Sáu quan điểm cơ bản xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế
- Số ca mắc sởi của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục gia tăng
- Bệnh nhân suy gan cấp hồi phục kỳ diệu sau 5 tháng điều trị, chưa cần ghép gan