Tìm các giải pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả

04/12/2024 | 10:06 AM

 | 

 

Chiều 3/12, tại Hà Nội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm “Phòng tránh sốt xuất huyết - Những giải pháp nào hiệu quả” để phân tích, luận bàn và tìm ra những giải pháp phòng chống, ngăn ngừa bệnh sốt xuất huyết ở Việt Nam.

Khách mời tham dự Tọa đàm. (Ảnh: Dương Tuấn)

Khách mời tham dự Tọa đàm. (Ảnh: Dương Tuấn)

Chia sẻ thông tin tại tọa đàm, TS. BS Hoàng Minh Đức cho biết, tại Việt Nam hiện nay có hai bệnh lưu hành trong công tác phòng, chống dịch được ngành y tế rất quan tâm, đó là bệnh tay chân miệng và bệnh sốt xuất huyết. Hằng năm, trên thế giới có từ 100 đến 400 triệu người mắc và hơn 10 nghìn người tử vong. Riêng tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 200 nghìn người mắc và khoảng 40 trường hợp tử vong (tỷ lệ tử vong thấp).

Bệnh sốt xuất huyết không đơn giản để kiểm soát. Trước đây chưa có vũ khí đặc hiệu, chưa có vaccine, vì thế chủ yếu kiểm soát phòng, chống bệnh sốt xuất huyết qua vector và điều trị triệu chứng. Đáng chú ý, trước đây bọ gậy, muỗi chủ yếu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sau đó ở các vùng đô thị hóa, còn 11 tỉnh miền núi phía bắc chưa bao giờ có ca sốt xuất huyết nào. Nhưng bây giờ sốt xuất huyết đã lên đến các tỉnh miền núi phía bắc.

Tìm các giải pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả ảnh 1

TS.BS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) trao đổi tại Tọa đàm.(Ảnh: Dương Tuấn)

Nói về những khó khăn trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại Việt Nam thời gian qua, GS.TS Vũ Sinh Nam, Cố vấn cao cấp về sốt xuất huyết cho biết: "Năm 1970 chỉ có chín quốc gia ghi nhận có sốt xuất huyết nặng, nhưng hiện nay có trên 130 nước trên toàn cầu ghi nhận sốt xuất huyết lưu hành. Ước tính, có khoảng 400 triệu ca mắc hằng năm".

Ở Việt Nam, lần đầu ghi nhận sốt xuất huyết là năm 1958, sau đó trở thành bệnh lưu hành trên toàn quốc. Trước đây, chu kỳ từ 10 đến 12 năm có một vụ dịch lớn, nhưng gần đây từ năm 2019 đến 2023 đã có hai vụ dịch lớn là năm 2019 làm hơn 300 nghìn ca mắc; năm 2022 là 370 nghìn ca mắc, trong đó có 150 ca tử vong.

Đáng lo ngại, dịch tễ sốt xuất huyết ở Việt Nam hiện nay có thay đổi, trước đây chủ yếu tập trung ở đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền trung, thì hiện đã lan rộng ra Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Đặc biệt, các địa phương phía bắc như thành phố Hà Nội và một số tỉnh miền núi cũng đã ghi nhận dịch sốt xuất huyết lưu hành.

Sốt xuất huyết do muỗi truyền và phòng chống vector hiện nay rất khó khăn, vì muỗi sốt xuất huyết không giống muỗi truyền sốt rét hay viêm não Nhật Bản là trú động ngoài nhà, muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết trú động trong nhà, thích hút máu người, sinh sản và đẻ trứng dưới nước do con người làm ra. Vì vậy, nếu chỉ có y tế, chỉ có chính quyền thì không thể diệt được vector truyền bệnh, mà cần sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng. Nhưng trong thực tế, việc này để đạt được hiệu quả mong muốn là khó.

Hiện nay, quá trình đô thị hóa nhanh; biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ toàn cầu đặc biệt là vấn đề giao thông đi lại tạo điều kiện cho vector phát triển và lan rộng nhanh chóng trên toàn cầu.

Tìm các giải pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả ảnh 2

GS.TS Vũ Sinh Nam, Cố vấn cao cấp về sốt xuất huyết trao đổi tại Tọa đàm. (Ảnh: Dương Tuấn)

Bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Trong khi đó có 4 type virus khác nhau gây bệnh sốt xuất huyết và sự phát triển, đáp ứng miễn dịch của mỗi type là rất phức tạp. Do vậy, việc dự báo cũng như đáp ứng tình hình dịch do các type virus đang gây ra là rất khó khăn.

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng gần 200 nghìn trường hợp mắc, tạo ra gánh nặng về kinh tế cho người dân rất lớn. Trong khi đó, từ trước tới nay chúng ta đều biết vaccine là vũ khí hiệu quả nhất trong công tác phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm. Trong 58 bệnh truyền nhiễm, hiện có hơn 40 bệnh có vaccine. Đáng chú ý, vaccine sốt xuất huyết đã được cấp phép vào tháng 5/2024. Hiện vaccine này đang được đưa vào chương trình tiêm dịch vụ, người dân tự trả tiền.

Hiện ngành Y tế đang rất quan tâm và có có những đánh giá để xem với những vaccine như thế này, chúng ta có nên đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng tiêm bắt buộc cho người dân và Nhà nước bỏ tiền ra mua hay không. Việc này còn trong quá trình đánh giá và báo cáo Chính phủ.

GS.TS Vũ Sinh Nam khẳng định, phòng, chống sốt xuất huyết truyền thống của chúng ta là diệt muỗi truyền bệnh - diệt vector. Giờ đây có thêm vũ khí mới là vaccine là rất tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng vaccine không thì chúng ta thấy không thể toàn diện được bởi vì vẫn còn muỗi, bọ gậy, vẫn còn virus thì vẫn còn nguy cơ cao. Vì vậy, ngoài tiêm vaccine thì vẫn phải song song với biện pháp diệt muỗi, diệt bọ gậy để bảo đảm tính bền vững khi chúng ta sử dụng vaccine.

Chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới cũng hướng dẫn là ngoài việc sử dụng vaccine thì không thể lơ là công tác phòng, chống vector được. Điều này cũng thể hiện ở nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, mặc dù đã áp dụng vaccine nhưng vẫn đồng thời tiến hành các biện pháp diệt vector để bảo đảm tính bền vững của vaccine. Trong đó, cần giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng để sử dụng vaccine nhưng đồng thời tích cực tham gia chủ động loại bỏ dụng cụ phế thải, diệt loăng quăng, muỗi ở hộ gia đình để bảo đảm việc phòng chống có hiệu quả lâu dài.

Tìm các giải pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả ảnh 3

Cán bộ y tế, người dân kiểm tra bọ gậy trên địa bàn quận Đống Đa.

Ông Dion Warren, Tổng Giám đốc phụ trách khu vực Ấn Độ và Đông Nam Á (I-SEA) của Takeda chia sẻ, kinh nghiệm khi triển khai giới thiệu vaccine tại khu vực Mỹ Latin và châu Á, một trong những bài học quan trọng mà chúng tôi có thể áp dụng tại Việt Nam chính là tư duy xây dựng sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công và khu vực tư nhân. Việc này không chỉ giúp tối ưu hóa các nguồn lực mà còn bảo đảm sự phối hợp hiệu quả giữa các bên liên quan, từ đó hướng tới mục tiêu chung mà Tổ chức Y tế Thế giới đã đề ra. Sự gắn kết này sẽ là chìa khóa để đạt được các kết quả bền vững trong việc phòng, chống các dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng bệnh sốt xuất huyết.

Do vậy, chúng ta cần xây dựng những kế hoạch hành động cụ thể và rõ ràng, bảo đảm sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên. Các sáng kiến đưa ra phải được thiết kế khoa học, khả thi và tập trung vào mục tiêu chung, nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong việc phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục và truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

Nguồn: Nhandan.vn


Thăm dò ý kiến