Chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe người dân
Sau 33 năm tái lập tỉnh (1992-2025), ngành y tế tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều tiến bộ trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Với phương châm lấy niềm vui của bệnh nhân làm thước đo, làm động lực vươn lên, đội ngũ y, bác sĩ không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, y đức.
 |
Hướng dẫn bệnh nhân thực hiện thao tác ứng dụng công nghệ số. |
Hình ảnh bộ phận chăm sóc khách hàng nhiệt tình hướng dẫn từng bệnh nhân thực hiện thao tác ứng dụng công nghệ số, quét mã thẻ cập nhật thông tin, thân thiện mời bệnh nhân vào phòng khám… ngày càng tăng thêm niềm tin, sự hài lòng của người dân.
ĐẦU TƯ CƠ SỞ HẠ TẦNG, HƯỚNG TỚI HỆ THỐNG Y TẾ HIỆN ĐẠI,CHUYÊN NGHIỆP
Năm 1992, tỉnh Ninh Thuận có 74 bác sĩ, tương ứng với 1,7 bác sĩ/vạn dân. Đến nay, tỉnh có 662 bác sĩ, đạt tỷ lệ 10,8 bác sĩ/vạn dân, tiệm cận mức trung bình của cả nước; trong đó có 217 bác sĩ có trình độ thạc sĩ, chuyên khoa I, chuyên khoa II. Toàn tỉnh có 61/62 xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế.
 |
Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận đạt chuẩn bệnh viện hạng 1 cấp tỉnh theo quy chuẩn của Bộ Y tế được trang bị hiện đại, đã đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại địa phương và các tỉnh lân cận. |
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận Lê Vũ Chương cho biết: Giai đoạn 2021-2024, từ các nguồn ngân sách Trung ương và địa phương, tỉnh đã đầu tư hơn 300 tỷ đồng cho lĩnh vực y tế; đã xây mới, nâng cấp 17 trạm y tế xã, 5 trung tâm y tế huyện, Bệnh viện Y dược cổ truyền và Khoa Truyền nhiễm thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh; bố trí hàng chục tỷ đồng cho dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở (dự án GSD), mua sắm trang thiết bị y tế cho các bệnh viện tuyến tỉnh, bảy trung tâm y tế huyện và 59 trạm y tế xã để tăng năng lực chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, hướng tới một hệ thống y tế hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả.
 |
Tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật mới trong điều trị lĩnh vực ngoại thận tiết niệu từ các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) đội ngũ y, bác sĩ Khoa Tiết niệu (Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận) đã thực hiện thành công các ca phẫu thuật nội soi bóc nhân tuyến tiền liệt bằng laser Holmoium và 2 ca phẫu thuật cắt toàn bộ thận và niệu quản cho bệnh nhân. |
Từ năm 2020-2024, được Ngân hàng Thế giới và các cơ quan liên quan hỗ trợ, Ninh Thuận là một trong số 13 tỉnh trên cả nước đã triển khai thực hiện thành công dự án GSD.
Nhờ đó, các mô hình khám sàng lọc bệnh mạn tính đạt hiệu quả cao tại cộng đồng, giúp phát hiện sớm, quản lý tốt các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường,… đem lại nhiều kết quả nổi bật như:
Ninh Thuận đã ban hành các chính sách hỗ trợ đào tạo bác sĩ tuyến y tế cơ sở, chuyên ngành hiếm; triển khai các chương trình đào tạo sau đại học cho bác sĩ, cũng như các khóa bồi dưỡng chuyên môn,… cho hơn 600 lượt cán bộ, giúp nâng cao năng lực, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế từ 89,2% (2019) lên 98,5% (2024); 100% trạm y tế xã đã áp dụng bảng điểm chất lượng dịch vụ; tỷ lệ trẻ em dưới một tuổi tiêm chủng đầy đủ đạt 95%; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi, từ 13,9% (2019) giảm xuống còn 12% (2024); bao phủ bảo hiểm y tế đạt 94,3% vào năm 2024...
Ninh Thuận đã ban hành các chính sách hỗ trợ đào tạo bác sĩ tuyến y tế cơ sở, chuyên ngành hiếm; triển khai các chương trình đào tạo sau đại học cho bác sĩ, cũng như các khóa bồi dưỡng chuyên môn,… cho hơn 600 lượt cán bộ, giúp nâng cao năng lực, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đến nay, một số dịch bệnh thường xảy ra đã được khống chế, đẩy lùi. Những ca bệnh khó, kỹ thuật phức tạp đã được các y, bác sĩ xử lý tại chỗ, hạn chế đáng kể việc chuyển lên tuyến trên, quyền lợi của bệnh nhân được bảo đảm.
ĐEM LẠI SỰ HÀI LÒNG CHO BỆNH NHÂN
 |
Kỹ thuật viên Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận vận hành hành hệ thống MRI, thực hiện chụp MRI sọ não. |
Năm 2019, Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận được xếp vị trí thứ ba trên cả nước về cơ sở y tế xanh. Tháng 12/2020, bệnh viện được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận công nhận là bệnh viện hạng I cấp tỉnh (hơn 1.000 giường) theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Năm 2021, đơn vị tiên phong trong đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại địa phương.
Tính đến tháng 1/2025, đã có hơn 52.534 hồ sơ bệnh án nội trú và hơn 249.599 hồ sơ bệnh án ngoại trú được lưu trữ trong môi trường số. Nhờ chuyển đổi số, đã nâng cao hiệu quả quản lý, cải thiện quy trình phục vụ và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng tốt hơn.
Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận Lê Huy Thạch cho biết: Việc hợp tác với các bệnh viện tuyến trên triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh và Đề án 1816 đã phát huy hiệu quả trong nâng cao chất lượng chuyên môn.
Điển hình, qua phối hợp với Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (Thành phố Hồ Chí Minh) đã thực hiện thành công các đợt chuyển giao kỹ thuật “Đặt máy tạo nhịp tim tạm thời và vĩnh viễn” cho một bệnh nhân với chẩn đoán rối loạn nhịp; “Phẫu thuật nội soi tán sỏi thận qua da” cho bảy bệnh nhân và phẫu thuật đóng hậu môn nhân tạo, tạo hình hậu môn, cắt u cho ba bệnh nhân. Cùng với đó, các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật y khoa tiên tiến khác...
Ngày 11/2/2025, đội ngũ bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh tại bệnh viện đã phẫu thuật thành công một ca u màng não hiếm gặp ở trẻ em 5 tuổi.
Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thanh Hải, Trưởng khoa Ngoại thần kinh cho biết: Sau khi thăm khám lâm sàng và chỉ định các xét nghiệm hình ảnh chuyên sâu, các bác sĩ xác định khối u nổi phía sau đầu của bệnh nhi Trần Thị Thùy Tâm ở xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) có tính chất xâm lấn xương sọ và xuất huyết trong u, nguy cơ chèn ép cấu trúc thần kinh của bệnh nhi. Các bác sĩ đã phẫu thuật cắt bỏ khối u để ngăn ngừa biến chứng và nay bệnh nhi đã hồi phục sức khỏe ổn định…
Trong năm 2024, được tiếp nhận kỹ thuật mới trong điều trị lĩnh vực ngoại thận tiết niệu từ các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh), đội ngũ y, bác sĩ Khoa Tiết niệu Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện thành công sáu ca phẫu thuật áp dụng kỹ thuật mới; trong đó, có bốn ca phẫu thuật nội soi bóc nhân tuyến tiền liệt bằng Laser Holmoium và hai ca phẫu thuật cắt toàn bộ thận và niệu quản cho bệnh nhân, được giới chuyên môn và nhân dân đánh giá có nhiều tiến bộ.
Những năm qua, nhờ triển khai đồng bộ phần mềm sinh thái, như: Hệ thống thông tin bệnh viện (HIS); hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS); hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (RIS-PACS); phần mềm Bệnh án điện tử (EMR), cho nên mọi thông tin quy trình chuyên môn, thực hiện y lệnh, tiền sử và diễn biến điều trị của người bệnh được cập nhật liên tục, giúp cho bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận có thể phân tích nhanh chóng, nâng cao độ chính xác trong chẩn đoán và điều trị kịp thời, vừa tiết kiệm chi phí in ấn, vừa giảm thiểu sai sót trong y lệnh và quản lý hồ sơ bệnh án hiệu quả hơn.
Đặc biệt, khi ứng dụng Telemedicine (tư vấn sức khỏe từ xa) trên mạng hoặc liên kết video đã giúp kết nối các bệnh viện tuyến trên, hỗ trợ hội chẩn từ xa rất hiệu quả đối với các ca bệnh phức tạp.
Theo Giám đốc Sở Y tế Lê Vũ Chương, về lâu dài, ngành y tế tỉnh Ninh Thuận rất cần được đầu tư đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin, bởi hiện một số cơ sở vẫn thiếu thiết bị hiện đại, như máy chủ, thiết bị đọc mã vạch, bảng thông báo điện tử,… ảnh hưởng đến hiệu suất vận hành; nguồn vốn cho các dự án chuyển đổi số còn hạn chế, nhiều đơn vị phải sử dụng quỹ đầu tư phát triển nội bộ, cho nên ảnh hưởng đến các hoạt động khác; việc thiếu nhân lực công nghệ thông tin chuyên môn cao, gây khó khăn trong triển khai và vận hành các hệ thống số hóa.
Nhiều người dân chưa quen với dịch vụ số, nhất là người cao tuổi và đồng bào dân tộc thiểu số, đã gây khó khăn trong quá trình tiếp cận và sử dụng các ứng dụng y tế điện tử… Vì thế, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, mở rộng liên thông dữ liệu và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, hướng tới xây dựng một hệ thống y tế thông minh, hiện đại, tạo môi trường chăm sóc sức khỏe thân thiện, hiệu quả.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên cho biết: Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện chính sách thu hút và đãi ngộ bác sĩ, đặc biệt là các chuyên khoa sâu, tiếp tục nâng cao chất lượng y tế địa phương; chú trọng hơn nữa đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác khám, chữa bệnh và đào tạo, giúp đội ngũ y bác sĩ tiếp cận kỹ thuật tiên tiến; tạo môi trường học tập tại chỗ để nhân viên y tế nâng cao tay nghề, phát triển nhiều dịch vụ y tế, phục vụ nhân dân.
Hiện, tỉnh đang chuẩn bị xây dựng Đề án công tác y tế phục vụ lực lượng lao động và chuyên gia tại Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, với trọng tâm là nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận, nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực chuyên môn và tăng cường y tế dự phòng để ngành y tế địa phương tiếp tục phát triển hơn.
Nguồn: nhandan.vn