Cảnh báo bệnh não mô cầu thường gặp vào mùa đông xuân
19/02/2025 | 09:01 AM



Não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây truyền theo đường hô hấp. Bệnh có thể lây thành dịch, để lại di chứng nặng nề, tỷ lệ tử vong từ 8 - 15%. Bệnh thường gặp vào mùa đông xuân.
Bệnh nhân điều trị viêm não mô cầu tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: VGP/HM
Mới đây, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai có tiếp nhận một bệnh nhân nữ, 55 tuổi, ở Hà Nam. Bệnh nhân được xác định bị não mô cầu thể tối cấp, không rõ nguồn lây.
Theo người nhà, bệnh nhân sinh sống và làm việc tại TPHCM. Dịp Tết, gia đình bệnh nhân về Hà Nam. Ngày mùng 8 Tết, bệnh nhân có biểu hiện sốt nóng lạnh liên tục, tình trạng ngày càng nặng, mệt mỏi, nên gia đình đã đưa người bệnh đến Bệnh viện Bạch Mai.
Ngay sau khi xác định tình trạng của người bệnh, các bác sĩ Trung tâm Bệnh Nhiệt đới đã điều trị cách ly bệnh nhân.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh Nhiệt đới, đến nay, sau khi được điều trị đúng phác đồ, kịp thời, bệnh nhân tiến triển tốt và đã ổn định, có thể ra viện.
Trước đó, một bệnh nhân nam, quê ở Bắc Ninh, được xác định tử vong do sốc nhiễm khuẩn não mô cầu thể tối cấp.
Đầu tháng 2 năm nay, tại huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, qua kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Nhi Trung ương, một bệnh nhân sinh năm 2018, ở thôn Lủng Phặc, xã Cổ Linh, cũng được chẩn đoán dương tính với vi khuẩn não mô cầu. Bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Các chuyên gia y tế cho biết, bệnh do não mô cầu thường gặp vào mùa đông – xuân, đa số ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10-20%.
Ổ chứa của vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là người, có thời gian ủ bệnh từ 2 - 10 ngày, thông thường từ 3 - 4 ngày. Khả năng lây truyền từ vài ngày trước khi khởi phát bệnh cho đến 24 giờ sau khi được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu.
Dấu hiệu nhận biết bệnh và cách phòng bệnh
Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh do hít phải dịch tiết mũi, hầu, họng bắn ra từ người mang vi khuẩn (người bệnh và người lành mang trùng).
Những biểu hiện của não mô cầu thường là sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, gáy cứng (trẻ nhỏ có thóp phồng), lơ mơ, nhạy cảm với ánh sáng, có thể xuất hiện ban xuất huyết hình sao hoặc biểu hiện sốc nhiễm khuẩn…
Để phòng bệnh do não mô cầu, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập, nâng cao thể trạng; thực hiện tốt vệ sinh, thông khí nơi ở, nơi làm việc. Đồng thời, chủ động tiêm phòng bệnh tại các cơ sở y tế.
Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân trong thời gian từ 7 ngày trước ngày khởi phát cho đến 24 giờ sau khi bệnh nhân được dùng kháng sinh đặc hiệu, cần được theo dõi sức khỏe trong vòng 10 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối.
Sử dụng thuốc điều trị dự phòng càng sớm càng tốt, tốt nhất trong vòng 24h sau khi có chẩn đoán xác định ca bệnh, cho những người tiếp xúc gần.
Nguồn: Chinhphu.vn
Related news
- Giải pháp cho bệnh nhân hẹp van động mạch chủ phức tạp
- TP Hải Phòng tặng quà các tập thể, cá nhân tiêu biểu ngành Y tế
- BVĐK TƯ Cần Thơ thay khớp háng thành công cho cụ ông 104 tuổi
- Sử dụng Tamiflu điều trị cúm cho trẻ em như thế nào?
- Cán bộ trung tâm y tế ở Hà Tĩnh vượt 60 km, hiến máu hiếm cứu người
- Bác sĩ nỗ lực trong đêm cứu sản phụ người nước ngoài mang thai 35 tuần, vỡ tử cung