Cần thiết đẩy mạnh đào tạo can thiệp thần kinh, cấp cứu đột quỵ

26/06/2024 | 09:38 AM

 | 

Với căn bệnh đột ngột và nguy hiểm như đột quỵ - một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế trên toàn thế giới, việc đào tạo các bác sĩ chuyên về can thiệp nội mạch thần kinh là cực kỳ quan trọng.

Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh Á-Úc vừa tham gia giảng huấn trong chương trình CME "Cập nhật chẩn đoán điều trị đột quỵ từ lý thuyết đến thực hành" - Stroke Intervention School 2024 do Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ tổ chức.

Đây là chương trình đào tạo y khoa liên tục cấp CME được tổ chức hàng năm với mục tiêu chia sẻ và cập nhật những kiến thức mới nhất về chẩn đoán và điều trị đột quỵ.

Năm 2024 là lần thứ 6 tổ chức, chương trình CME "Cập nhật chẩn đoán điều trị đột quỵ từ lý thuyết đến thực hành" đã thu hút sự quan tâm và tham gia của các bác sĩ trong nước, đồng thời cũng là điểm đến học hỏi của nhiều bác sĩ quốc tế như Mỹ, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Philippines, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác.

Đặc biệt vinh dự có sự tham gia của GS. Jeyaledchumy Mahadevan - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh Á Úc (AAFITN).

Cần thiết đẩy mạnh đào tạo can thiệp thần kinh, cấp cứu đột quỵ- Ảnh 1.TS.BS Trần Chí Cường và GS. Jeyaledchumy Mahadevan tại Hội nghị Stroke Intervention School 2024.

Đột quỵ - một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế trên toàn thế giới

TS.BS Trần Chí Cường – Chủ tịch Liên chi hội Can thiệp Thần kinh TPHCM – Ban Chấp hành Hội Can thiệp Thần kinh Á ÚC – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết: Bác sĩ can thiệp thần kinh là một chuyên ngành khá sâu, đòi hỏi người thực hành phải có kiến thức trong nhiều lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh thần kinh, nội thần kinh, ngoại thần kinh, kỹ năng can thiệp…

Đặc biệt, với căn bệnh đột ngột và nguy hiểm như đột quỵ - một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế trên toàn thế giới, việc đào tạo các bác sĩ chuyên về can thiệp nội mạch thần kinh là cực kỳ quan trọng.

"Can thiệp nội mạch lấy huyết khối cơ học để tái thông mạch máu lớn bị tắc là "mảnh ghép chuyên môn" không thể thiếu trong một đơn vi đột quỵ bên cạnh vai trò tiêu sợi huyết cũng như các chuyên khoa khác: hồi sức cấp cứu, tim mạch, ngoại thần kinh"- TS.BS Trần Chí Cường cho biết thêm.

Thời gian đào tạo một bác sĩ có thể điều trị đột quỵ bằng thuốc tiêu sợi huyết mất trung bình khoảng 6 tháng, trong khi đó việc đào tạo một bác sĩ có thể can thiệp nội mạch lấy huyết khối trung bình từ 1 - 2 năm.

Chia sẻ tại hội nghị, GS. Jeyaledchumy Mahadevan bày tỏ: Thực tế hiện nay nhu cầu đạo tạo bác sĩ can thiệp thần kinh – đột quỵ trên thế giới rất lớn, nhất là tại khu vực châu Á của chúng ta. Tôi đánh giá rất cao khóa học này trong nhiều năm qua đã đào tạo rất hiệu quả cho Việt Nam và khu vực…

Cần thiết đẩy mạnh đào tạo can thiệp thần kinh, cấp cứu đột quỵ- Ảnh 2.Các chuyên gia trong và ngoài nước tham gia giảng huấn hội nghị Stroke Intervention School 2024

Được biết, S.I.S là trung tâm đào tạo được Bộ Y tế cấp phép, đến nay S.I.S cũng đã tổ chức 6 khóa đào tạo can thiệp mạch máu thần kinh cơ bản và nâng cao cho hơn 50 bác sĩ trong cả nước.

Đặc biệt, vừa qua S.I.S cũng được cấp chứng nhận "Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng (GCP)" theo quyết định từ Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo – Bộ Y tế, mở ra nhiều cơ hội hợp tác nghiên cứu y học, tham gia nhiều nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng quy mô quốc tế, tạo ra môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp, bảo vệ quyền lợi của người tham gia và nâng cao uy tín của các nhà nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu.

Gia tăng đào tạo can thiệp thần kinh và cấp cứu đột quỵ đóng vai trò quan trọng cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe người bệnh

Qua 6 lần tổ chức, Stroke Intervention School đã khẳng định được uy tín và chất lượng của mình thông qua nội dung bài giảng phong phú và chương trình đào tạo chất lượng cao. Các buổi học không chỉ mang tính học thuật cao mà còn mang lại những kinh nghiệm thực tiễn quý báu cho các học viên.

Khóa học ngoài phần đào tạo thực hành trên động vật khá ấn tượng và hữu ích, năm nay có thêm phần can thiệp thị phạm các ca đặc biệt khó về bệnh mạch máu tủy, phình mạch… với sự hỗ trợ của GS. Sirintara Pongpech – nguyên Chủ tịch Hội can thiệp thần kinh Thế giới WFITN, GS. Kang Hyun-Seung - Bệnh viện Đại học Quốc gi Seoul Hàn Quốc.

Cần thiết đẩy mạnh đào tạo can thiệp thần kinh, cấp cứu đột quỵ- Ảnh 3.

Thực hành trên động vật là một trong những điểm ấn tượng của Hội nghị Stroke Intervention School 2024.

Phiên thảo luận ca lâm sàng với các chuyên gia trong ngoài nước cũng được đánh giá rất cao trong chương trình năm nay.

Với sự thành công sau nhiều năm tổ chức khóa học này, ngành y tế Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế và khả năng hội nhập quốc tế, điều này không chỉ nâng cao chất lượng điều trị trong nước mà còn mở ra cơ hội hợp tác, nghiên cứu và phát triển cùng các nền y học tiên tiến.

GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y Tế cho biết, trong tình hình dân số già hóa trên thế giới cũng như ở Việt Nam cũng góp phần làm gia tăng số lượng bệnh nhân mắc bệnh đột quỵ cũng như các bệnh mạn tính không lây như bệnh tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp…

Việc gia tăng đào tạo trong lĩnh vực can thiệp thần kinh và cấp cứu đột quỵ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe, góp phần thiết thực giảm tỉ lệ tử vong và tàn phế do đột quỵ gây ra, tạo sự yên tâm tin tưởng về các dịch vụ y tế khẩn cấp cho du khách và chuyên gia nước ngoài khi đến Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu thu hút du lịch khám chữa bệnh về Việt Nam đó là mục tiêu chung của Đảng, nhà nước và ngành Y tế.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến